banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

GDMN - Một số biện pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục mầm non (phần 2)

Thứ sáu - 22/06/2018 21:33
Dienbien.edu.vn- Điện Biên là một tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, ở các trường mầm non vùng đặc biệt khó khăn, đa số trẻ em là người dân tộc thiểu số, việc nghe và nói tiếng Việt còn hạn chế, mặc dù cô giáo cố gắng hướng trẻ nói bằng tiếng Việt song trẻ vẫn nói bằng hai thứ tiếng, mà chủ yếu là tiếng mẹ đẻ, nhất là khi trẻ ra khỏi lớp học. Sở dĩ như vậy là do tiếng Việt không phải là một phương tiện sử dụng thường xuyên đối với trẻ em dân tộc thiểu số. Ở đây trẻ chỉ dùng tiếng Việt giao tiếp với giáo viên khi cần thiết, còn ngoài ra trẻ vẫn thường xuyên sử dụng ngôn ngữ riêng của dân tộc mình. Chính vì vậy việc tăng cường tiếng Việt gặp nhiều khó khăn. Để giúp trẻ dân tộc thiểu số tăng khả năng nghe hiểu và thực hành tiếng Việt hiệu quả hơn, xin chia sẻ với các bạn đồng nghiệp một số biện pháp sau: (tiếp theo phần 1)
1
 Chợ xuân, Trường Mầm non Nà Sáy, huyện Tuần Giáo
 
3. Hình thành sự tự tin cho trẻ ở mọi lúc mọi nơi

Giáo viên lựa chọn phương pháp này mong rằng trẻ sẽ mạnh dạn hơn, tự tin hơn trong việc sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp cũng như thể hiện, bày tỏ quan điểm của mình về những gì xung quanh, qua đó giữa cô và trẻ có sự trao đổi thường xuyên các thông tin và đây cũng là cách giúp trẻ thực hành tiếng Việt một cách có hiệu quả nhất.

 Chắc chắn là trẻ cũng rất thích khi được cô giáo và bạn bè động viên. Nhưng những lời động viên, khen ngợi đó sẽ có tác dụng lớn hơn khi chúng được nói ra dựa trên những việc trẻ đã làm tốt hoặc đã nỗ lực để thực hiện. Một khi trẻ đã đạt được một mục tiêu nào đó thì cô giáo khen ngợi chúng cả về thành quả lẫn quá trình nỗ lực để đạt được thành quả đó. 

Tuy nhiên, cần phải chọn thời gian thích hợp để trẻ học làm những việc này. Thời gian vui chơi, hoạt động khám phá là thích hợp nhất vì trẻ có thể làm từ từ và ít căng thẳng hơn.

Sự tự tin ở trẻ sẽ tăng lên mỗi khi chúng học được một kĩ năng mới hay vượt qua một mốc quan trọng nào đó. Vì vậy cô giáo thường xuyên có thể giúp trẻ gây dựng sự tự tin bằng cách tạo cho chúng thật nhiều cơ hội để rèn luyện và tập thành thục các kĩ năng mới. Giáo viên để cho trẻ tự do thể hiện và luôn ở bên để động viên tinh thần của chúng, nhắc chúng tiếp tục cố gắng. Luôn tỏ ra thích thú và vui mừng mỗi khi trẻ thể hiện là chúng đã tập thành thạo một kĩ năng mới, khen ngợi trẻ mỗi khi trẻ đạt được một mục tiêu nào đó hoặc nỗ lực làm việc gì đó.

Trẻ thường xuyên thực hành sẽ trở nên tiến bộ rất nhiều vì vậy giáo viên thường xuyên trao đổi với trẻ nhằm giúp trẻ được trò chuyện với cô ở mọi lúc mọi nơi.

Cô phải luôn là tấm gương cho trẻ, ở đây mỗi động tác, lời nói cử chỉ điệu bộ của cô cũng là những bài học cho trẻ, muốn trẻ tự tin cô giáo luôn phải có sự sáng tạo tìm tòi đưa ra các cơ hội giáo dục cho trẻ khác nhau.

Giáo viên nên khám phá những mặt mạnh, những điểm tích cực của trẻ để khuyến khích, gắn với tăng cường tiếng Việt ở mọi lúc mọi nơi, phù hợp với khả năng của trẻ. Giáo viên luôn cần giúp trẻ hình thành mối quan hệ gắn bó giữa trẻ này với trẻ khác, giữa trẻ với cô giáo như vậy trong quá trình học, sinh hoạt động ở trường cùng cô và các bạn trẻ biết chia sẻ bày tỏ và phối kết hợp cùng hoạt động vui chơi, cô tạo các hoạt động cho cô và trẻ cùng hoạt động: cùng chơi đùa, cùng ăn uống, cùng trò chuyện với sự thân thiện và tôn trọng trong một môi trường an toàn và vui vẻ.

Giúp trẻ biết cách bày tỏ nhu cầu: Cô giáo luôn gần gũi với trẻ và cần kiên nhẫn chờ đợi, khích lệ trẻ bày tỏ nhu cầu thay vì phỏng đoán và đáp ứng ngay.  Điều này sẽ giúp trẻ từ từ trở nên một chủ thể sáng tạo, biết tự quyết định, chọn lựa thay vì chỉ có những phản ứng máy móc, bị động, chỉ biết nhắc lại.

Ví dụ: Cô luôn chú ý đến những thái độ khác biệt của trẻ và gợi hỏi: con cần gì nào, con thích gì, con đang tìm gì vậy, con cần cô giúp gì không?...

Đối với trẻ chưa mạnh dạn thể hiện mong muốn nhu cầu của mình giáo viên thường hỏi những trẻ khá hơn “ Bạn muốn gì vậy con” trẻ tự hỏi bạn và đưa ra yêu cầu giúp bạn từ đó giáo viên cho trẻ nhắc lại mong muốn của mình, đây là một hình thức rất cần thiết vì trẻ biết phải đưa ra những mong muốn bằng tiếng Việt thì mới có thể chủ động trong những lần sau.

Giúp trẻ tham gia các hoạt động tâm vận động: Trong một ngày giáo viên luôn quan tâm đến nội dung hoạt động ngoài trời. Đây là khoảng thời gian trẻ sẽ vừa chơi vừa học, bằng những hoạt động vui thú như leo trèo, chạy nhảy vui chơi cùng cô và các bạn… trẻ được reo vui hò hét một cách thoải mái. Giáo viên luôn bày các trò chơi cho trẻ cùng tham gia bằng những hình thức đơn giản nhưng trẻ lại được chơi và trải nghiệm những từ ngữ tiếng Việt mới.

Ví dụ: Với trò các trò chơi giấu dép cô cho trẻ đi tìm và chỉ hoặc nói địa điểm cô giấu “dép cô để ở đâu nhỉ?” “Cô giấu dép ở gốc cây đào”… Đây là cách hướng dẫn trẻ chơi mà học từ mới, trẻ cũng hiểu luôn ý nghĩa của những từ mới học, những lần sau trẻ tự tìm và nói địa điểm cô giấu một cách rõ ràng và tương đối đầy đủ.

 Giúp trẻ biết trả lời các câu hỏi: Giúp trẻ phát triển khả năng hình dung và tưởng tượng thông qua các câu hỏi gợi ý: Cái gì, ở đâu, thế nào, để làm gì, khi nào.. Nếu trẻ trả lời đúng phải khen ngợi, động viên; nếu trẻ trả lời sai thì nhẹ nhàng nhắc trẻ nghe thêm ý kiến của các bạn và cô nhắc lại câu hỏi và khuyến khích bạn khác trả lời và cho trẻ yếu nhắc lại. Giáo viên cần chú trọng đến sự phát triển của cá nhân, thường xuyên chú ý đến những trẻ yếu về ngôn ngữ, rụt rè trong lớp, đây cũng là những đối tượng được ưu tiên.

Xây dựng mối quan hệ tốt và giúp trẻ biết chơi đùa với bạn bè: Chơi đùa là một hoạt động rất quan trọng, qua các trò chơi trẻ có thể thiết lập mối quan hệ tốt với cô giáo và bạn bè. Ngay cả trong các hoạt động hàng ngày cũng đưa vào những câu nói và ý tưởng như một trò chơi.

Gọi tên sự vật nhiều lần: Bất kể lúc nào khi cho con ăn, khi rửa chân tay, giáo viên gọi tên những đồ vật xung quanh và chỉ cho trẻ thấy. “Đây là cái tivi”, “đây là chân cô”, “đây là chân con”… Trò chuyện với trẻ bằng những câu ngắn và đơn giản: “Các con đói rồi hả”, “cùng đi rửa tay », « cô lấy cơm cho ăn nhé”… Điều này giúp trẻ nhận thức được đồ vật, xây dựng vốn từ và nhận biết mối liên hệ giữa hành động và lời nói.

Dạy trẻ cách nhìn, nghe và làm theo: Nhìn thẳng vào mắt trẻ để hướng dẫn trẻ nhìn vào vật rồi nhìn miệng cô để xem cách phát âm. Lặp đi lặp lại nhiều lần, khuyến khích nói những điều trẻ nhìn thấy. Điều đó có nghĩa là phải làm đi làm lại. Tạo thật nhiều cơ hội để trẻ phải nói đi nói lại cái đó nhiều lần. Đó có thể là những bài hát, những quyển sách hay những lời chỉ dẫn. Giáo viên làm theo một quy tắc và mọi thứ đã trở nên quen thuộc với trẻ và khi trẻ đã quen, chúng sẽ hiểu và cố gắng làm giống như thế.
2
Dạy trẻ tập gói bánh chưng, trường Mầm non Thanh Xương,
huyện Điện Biên
 
4.Tăng cường phối kết hợp với cha mẹ và cộng đồng để tăng cường tiếng Việt cho trẻ

Đây là nội dung giáo viên luôn chú trọng bởi dù ít dù nhiều phụ huynh nào cũng muốn con em mình học hành tiến bộ. Đối với những trẻ nhỏ ở nhà chưa biết hát biết múa bằng tiếng Việt nhưng sau một thời gian đến lớp trẻ biết hát, đọc thơ và kể lại chuyện cho bố mẹ nghe về những bài học ở lớp bằng tiếng phổ thông. Từ đó giáo viên luôn nhận được sự phối kết hợp nhiệt tình của phụ huynh. Giáo viên thường xuyên trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập của trẻ, đặc biệt trao đổi về khả năng nói tiếng Việt của trẻ, đề nghị phụ huynh phối hợp dạy trẻ tiếng Việt ở nhà.

Giáo viên nên có những hướng dẫn cụ thể cho cha mẹ trẻ phối hợp cùng như:  tạo cho trẻ một «góc học tập» riêng, chú trọng tạo môi trường tăng cường tiếng Việt trong gia đình như trang trí hình ảnh kèm chữ viết, đọc sách truyện tranh cho trẻ, tập cho trẻ nói tiếng Việt. Chẳng hạn, khi ăn cơm, anh chị hãy chỉ cho các cháu biết những món ăn trong gia đình, khi tắm cho cháu chỉ cho các cháu các bộ phận trên cơ thể, khi trẻ đi học về nhắc con chào ông bà bằng tiếng Việt...

Tuy trẻ đến lớp với cô hàng ngày nhưng với nhiều cháu một lớp cô không có đủ thời gian để giao tiếp riêng với từng cháu nhiều và cũng không thể hiểu sâu sắc về mỗi cá nhân trẻ bằng bố mẹ cháu. Vì vậy, các cô cần chủ động phối hợp với gia đình trẻ trong việc cung cấp vốn tiếng Việt cho trẻ và khích lệ trẻ thực hành hàng ngày thông qua trao đổi với phụ huynh trong giờ đón trả trẻ, trong các cuộc họp phụ huynh...

Xin chia sẻ một số kinh nghiệm trên với mong muốn giúp trẻ dân tộc thiểu số tăng khả năng nghe hiểu và thực hành tiếng Việt, mong nhận được ý kiến chia sẻ từ các bạn đồng nghiệp./.

Tác giả: Nguyễn Thị Huệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập249
  • Máy chủ tìm kiếm31
  • Khách viếng thăm218
  • Hôm nay58,866
  • Tháng hiện tại1,237,165
  • Tổng lượt truy cập70,527,055
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi