banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

GDTH - Cùng với 63 tỉnh, thành trong cả nước, tỉnh Điện Biên được lựa chọn tham gia Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam (GPE- VNEN) và thuộc nhóm ưu tiên 1.

Thứ năm - 12/06/2014 21:15
Dienbien.edu.vn - Sau 1 năm triển khai thực hiện, mô hình này đã phát huy hiệu quả tính tích cực, nâng cao kết quả học tập của học sinh. Năm học 2013- 2014, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã triển khai nhân rộng 35 trường tiểu học trong tỉnh áp dụng hoàn toàn Mô hình trường tiểu học mới với 209 lớp và 4095 học sinh (khối 2 có 116 lớp với 2100 học sinh; khối 3 có 93 lớp với 1995 học sinh); Áp dụng một phần về công tác tổ chức lớp học đối với 72 trường Tiểu học còn lại.
Trong một thời gian ngắn, với sự chỉ đạo sát sao của Ban Quản lý Dự án VNEN Sở Giáo dục và Đào tạo, cùng với sự tích cực chủ động của các Phòng Giáo dục và Đào tạo, sự tham gia nhiệt tình của các thầy cô giáo, sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của các bậc phụ huynh, các tổ chức hữu quan, Dự án VNEN cơ bản đã hoàn thành được những mục tiêu ban đầu đề ra. Các nhà trường triển khai Mô hình VNEN đã có những đổi mới, không khí học tập, quan hệ các đối tác trong và ngoài trường bước đầu được cải thiện, hướng về người học, hướng về phát triển năng lực của học sinh. Nhờ áp dụng phương pháp dạy học mới, học sinh được trao đổi nhiều hơn, vốn tiếng Việt của các em cũng tăng lên rõ rệt, từ đó dần hình thành kỹ năng giao tiếp cho các em. Đây là một trong những biểu hiện rõ nét về thành công bước đầu của Dự án VNEN.


Mô hình tổ chức dạy- học tại lớp học VNEN- Trường TH Sa Lông- Huyện Mường Chà

Một trong những nội dung mà Mô hình trường Tiểu học mới đề cập tới đó là cách tổ chức lớp học. Việc xây dựng một Hội đồng tự quản học sinh đã giúp các em mạnh dạn, tự tin hơn. “Hội đồng tự quản học sinh” được các em bầu ra khi bắt đầu bước vào năm học. Đây là một biện pháp giúp học sinh được phát huy quyền làm chủ quá trình học tập. Học sinh còn có điều kiện hiểu rõ quyền và trách nhiệm trong môi trường giáo dục, được rèn luyện các kỹ năng quản lý, bao quát, lãnh đạo, kỹ năng tham gia, hợp tác trong các hoạt động. Mỗi học sinh của “Trường học mới - VNEN” khi đến trường luôn có ý thức được mình phải bắt đầu và kết thúc hành động như thế nào mà không chờ đến sự nhắc nhở của giáo viên, tránh sự thụ động trong dạy và học, góp phần đẩy mạnh sự phát triển trong công tác giáo dục của nhà trường.

Bên cạnh đó, việc đổi mới tài liệu học tập cũng tạo cho các em có thể rèn thói quen tự học, tự đánh giá, tự quản lý thời gian, tự thực hành và ứng dụng. Trong giờ học, giáo viên không giảng bài một chiều mà làm nhiệm vụ hướng dẫn; Nhóm trưởng mỗi nhóm có nhiệm vụ triển khai nội dung học tập và tổ chức thảo luận nhóm. Có một điều khá thú vị là với Mô hình VNEN phụ huynh có thể đến dự giờ với lớp bất cứ lúc nào. Tất cả những thay đổi này đều làm tăng tính tương tác giữa giáo viên - học sinh, học sinh - học sinh, nhà trường - gia đình.

Để đạt được những kết quả trên, trong năm học 2013- 2014 Ban Quản lý Dự án VNEN Sở Giáo dục và Đào tạo còn chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ động trong việc tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy ở các đơn vị trường tham gia Dự án, các trường nhân rộng. Tổ chức các chuyên đề thông qua hoạt động sinh hoạt chuyên môn cấp trường, cấp cụm trường theo kế hoạch đã được phê duyệt nhằm giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Có thể nói, đưa sinh hoạt chuyên môn trở thành hoạt động thường xuyên, có chất lượng đã tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong công tác dạy học, đồng thời đưa ra những giải pháp hữu hiệu phù hợp với đối tượng học sinh, với điều kiện của nhà trường và địa phương. Tạo cơ hội để mỗi cán bộ, giáo viên được phát huy khả năng sáng tạo, đóng góp sáng kiến kinh nghiệm, nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện học sinh.


Sinh hoạt chuyên môn- Trường TH Mường Báng số 2 - Huyện Tủa Chùa

Một nội dung không thể không đề cập tới trong việc thực hiện Dự án Mô hình trường Tiểu học mới tại Việt Nam đó là nguồn kinh phí quỹ II (quỹ Hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh). Quỹ II là khoản phân bổ tài chính từ Dự án VNEN cho trường để tài trợ cho việc đạt được những cải thiện cần thiết nhằm thực hiện mô hình VNEN, trong đó chủ yếu là hỗ trợ ăn trưa cho học sinh và lương cho nhân viên hỗ trợ giáo viên. Quỹ II được cấp cho mỗi điểm trường, cố định là 4.000 đôla Mỹ/năm. Hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh, nhằm giảm bớt những khó khăn cho các em không có điều kiện được ăn trưa tại điểm trường, góp phần đảm bảo chất lượng dinh dưỡng cho trẻ em. Trong năm học 2013- 2014, Dự án VNEN cấp tỉnh đã phê duyệt 70 điểm trường của 59/68 trường Tiểu học với 3413 học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đi về trong ngày, đảm bảo thời gian học tập theo yêu cầu của Dự án (2 buổi/ ngày) để sử dụng quỹ II. Được sự nhất trí của Phòng Giáo dục và Đào tạo, một số nhà trường đã sử dụng từ nguồn kinh phí xã hội hóa để mua sắm bàn ghế, đồ dùng nấu bếp, bát ăn cho học sinh, hợp đồng cung cấp thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh theo quy định. Qua một năm thực hiện, hiệu quả của hoạt động này tăng lên rõ rệt: Duy trì thời gian đến lớp đối với học sinh; Sức khỏe các em đảm bảo hơn; Cha mẹ học sinh yên tâm lao động, tin tưởng hơn vào Dự án và nhà trường.




Học sinh ăn trưa tại các điểm trường

Để thực hiện tốt các hoạt động theo yêu cầu về đổi mới, trong quá trình thực hiện các nhà trường cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Việc thay đổi phương pháp dạy học truyền thống đã thành lối mòn trong kĩ năng của mỗi giáo viên cần phải có thời gian, đặc biệt là đối với những giáo viên đã lớn tuổi. Một số giáo viên còn thiếu tự tin trong cách tổ chức các hoạt động và hướng dẫn học sinh. Học sinh ở một số điểm trường vốn tiếng Việt có nhiều hạn chế, nên khó khăn trong việc nắm bắt yêu cầu của các hoạt động. Nhiều học sinh còn nhút nhát, thiếu tự tin. Bên cạnh đó, cơ sở trường lớp chưa đảm bảo, nhiều điểm trường vẫn sử dụng những phòng học tạm, phòng học 3 cứng...Nhưng vượt lên những khó khăn bước đầu, Ban giám hiệu nhà trường, các thầy cô giáo đã cùng với các em học sinh cố gắng khắc phục những thiếu thốn về cơ sở vật chất (góc học tập bộ môn, giáo cụ trực quan của một số môn học) chủ động thiết kế đồ dùng dạy học, đáp ứng yêu cầu của nội dung bài học, phục vụ tốt hơn cho bài giảng tạo sức lôi cuốn học sinh tiếp thu kiến thức theo tinh thần đổi mới, hướng về người học, lấy học sinh làm trung tâm.

Có thể thấy, thực hiện dạy học theo chương trình Dự án VNEN với phương pháp lấy học sinh làm trung tâm thực sự phát huy được sự sáng tạo, tính chủ động, tích cực trong việc tiếp thu kiến thức, tạo sự hứng thú cho học sinh trong mỗi tiết học, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, phát triển vốn tiếng Việt, đặc biệt là cho trẻ em dân tộc. Hy vọng rằng, với kết quả đã đạt được qua hai năm thực hiện chúng ta hãy phát huy hơn nữa vai trò và trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, sự vào cuộc xã hội hóa giáo dục của các cấp ủy, chính quyền địa phương, quan tâm tới sự phát triển của giáo dục, đưa Mô hình trường Tiểu học mới Việt Nam thực sự đi vào cuộc sống, góp phần phát triển giáo dục toàn diện nói chung và giáo dục Tiểu học nói riêng./.

Nguồn tin: Trường THPT Thị xã Mường Lay

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,333
  • Máy chủ tìm kiếm257
  • Khách viếng thăm2,076
  • Hôm nay407,720
  • Tháng hiện tại2,296,846
  • Tổng lượt truy cập73,006,226
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi