banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

GDTH – Mô hình phòng học “ba cứng” ở các điểm trường vùng đặc biệt khó khăn vẫn rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Thứ tư - 02/10/2013 21:01
Dienbien.edu.vn - Nếu tính từ năm 2002 đến nay, các tỉnh trong cả nước đã được thụ hưởng hai lần kiên cố hóa trường, lớp học. Lần 1 giai đoạn 2002-2006 thực hiện quyết định số 159 của Thủ tướng Chính phủ với tên gọi Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học. Lần 2 giai đoạn 2008-2012 thực hiện quyết định số 20 của Thủ tướng Chính phủ với tên gọi đề án kiên cố hóa trường, lớp học học và nhà công vụ giáo viên đều sử dụng nguồn trái phiếu chính phủ là chủ đạo và ngân sách địa phương, xã hội hóa giáo dục. Ngoài ra là các chương trình, đề án, dự án khác sử dụng nhiều nguồn vốn hợp pháp khác.
Có thể nói qua hai lần thực hiện hệ thống trường, lớp học trong toàn quốc đã có sự chuyển mình, một kỳ tích, hàng trăm nghìn phòng học, hàng chục nghìn phòng công vụ dành cho các nhà giáo đã được đầu tư kiên cố theo hướng đồng bộ, cao tầng, hiện đại, một bước ngoặt mang tính lịch sử của giáo dục nước ta, được cộng đồng xã hội trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Với Điện Biên, cũng giống như hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Tây Nguyên và Tây Nam bộ, do là các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách, trung ương hỗ trợ là chủ yếu nên kinh phí hỗ trợ từ Chính phủ để thực hiện kiên cố hóa trường lớp không đủ so với kế hoạch được phê duyệt. Sau nhiều năm cố gắng cùng với quy mô trường, lớp, học sinh tiếp tục tăng nên hiện Điện Biên vẫn còn khoảng trên dưới 40% phòng học tạm.

Việc tăng tỷ lệ phòng học được kiên cố không thể thực hiện trong một vài năm mà cần xác định là vấn đề lâu dài, hàng chục năm thực hiện và làm từng bước trên cơ sở quy hoạch, các nguồn lực thực tế. Trước thực tế đó, để phấn đấu đạt mục tiêu đề án cấp trung ương và cấp tỉnh về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các phòng giáo dục và đào tạo đã tích cực tìm giải pháp đáp ứng các tiêu chuẩn, mục tiêu phổ cập, Sở Giáo dục và Đào tạo cụ thể hóa bằng văn bản hướng dẫn. Một trong các nội dung đó là đầu tư xây dựng phòng học cho trẻ mẫu giáo, trẻ tiểu học theo mô hình “ba cứng” gồm nền cứng (lát gạch, láng xi măng), khung cứng (khung gỗ, khung cột bê tông, cột thép) và mái cứng (ngói, tấm lợp pro xi măng, tôn) tham khảo từ quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ về xóa nhà tạm cho các hộ gia đình nghèo đã thực hiện khá thành công ở các huyện và các tỉnh.

Mô hình dựng phòng học “ba cứng” thực chất không mới ở Điện Biên, trước đây những năm 1990 của thế kỉ trước ở huyện Điện Biên và Mường Chà đã tổ chức thực hiện chủ yếu cho giáo dục tiểu học và THCS để huy động học sinh ra lớp và thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục cấp học.

Về nguyên tắc các phòng học “ba cứng” vẫn là nhà tạm nhưng nếu được đầu tư một cách khoa học, tính toán kĩ lưỡng thì hiệu quả rất cao và đảm bảo được khoảng trung bình 10 năm. Các yếu tố cần quan tâm ở đây là: chủ trương, quan điểm do phòng giáo dục và đào tạo đưa ra, được sự đồng thuận của UBND cấp xã, được ủng hộ và chỉ đạo của UBND cấp huyện. Tổ chức thực hiện có lộ trình, ưu tiên các nơi thực sự khó khăn trước, tốt nhất là thực hiện trong hè từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm.
         
Mỗi bản vùng cao khó khăn cần từ 2-3 phòng học cho trẻ mầm non, tiểu học
 
Việc lập dự toán, thiết kế phải được coi trọng trên cơ sở nguyên tắc tài chính hiện hành, làm rõ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách, sự đóng góp nhân công, nguyên vật liệu từ nhân dân, các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác. Phân định rõ trách nhiệm của nhân dân trong việc đóng góp vật liệu, nhân công. Giao nhiệm vụ đến từng hộ gia đình, trưởng thôn, bản, thời điểm hoàn thành….

Về thiết kế, cần phải được đội ngũ thiết kế lập dự toán sát với thực tế, có bản vẽ cơ bản với các tiêu chí cụ thể, dễ hiểu để lực lượng thực hiện ở cấp xã có thể tổ chức thực hiện gồm cán bộ xã, ban giám hiệu, giáo viên, cán bộ thôn, bản  và người dân.

Trong thiết kế cần bám sát quy định về phòng học đạt yêu cầu theo Điều lệ trường mầm non, trường tiểu học hiện hành, trong đó có nêu rõ diện tích đất/mỗi trẻ; diện tích phòng học, mái hiên, phòng ngủ, phòng học….chia bình quân theo mỗi cháu. Giải pháp phòng chống tai nạn thương tích như hàng rào ngăn sân chơi với ta - luy dốc, vực, suối khe. Hàng rào xung quanh trường, điểm trường, chất liệu làm hàng rào. Điểm này thường ít được quan tâm nên sau khi hoàn thiện nhiều điểm trường không thỏa mãn điều kiện tối thiểu.

Để mỗi điểm trường sau đầu tư được phát triển bền vững nghĩa là đáp ứng nhu cầu, yêu cầu trong khoảng 8- 10 năm thì cần tính toán kỹ lưỡng khi huy động đầu tư như có diện tích đất, mặt bằng làm các phòng kho, phòng ngủ trưa cho trẻ, gian bếp nấu, gian công vụ cho thầy cô giáo. Từ năm 2011 đến nay và đặc biệt từ 2013 khi trẻ vùng khó khăn được Chính phủ hỗ trợ tiền ăn trưa (120 nghìn đồng/tháng), hỗ trợ chi phí học tập (70 nghìn đồng/tháng) thì từng bước các trường chính, các điểm trường được đầu tư thêm trang thiết bị để nấu ăn trưa cho trẻ để có thể học 2 buổi/ngày, mỗi lớp mầm non sẽ có 2 cô giáo, thay nhau dạy trẻ, nhà cách xã trường, nhiều cô cả tuần mới về nếu quá xa, hoặc sáng đến trường, tối về, do vậy  nhu cầu công vụ là vô cùng cần thiết.

Bài học rõ nét nhất để thỏa mãn tốt nhất khái niệm phòng học “ba cứng” là hệ thống cột, kèo, cần nêu rõ chất liệu gỗ, loại gì; kích thước cột, chiều dài, đường kính, độ thẳng, cột tròn hay cột vuông…; kích thước các kèo, xà gồ. Với mái xác định rõ chất liệu ngói nung hay tấm lợp hay mái tôn, số lượng cần có. Về nền cần xác định rõ từ đầu bó hè bằng gạch hay bằng đá, đá suối (đá cuội) hay đá xây dựng tự khai thác; nền lát gạch men, gạch nung hay gạch vỡ, sỉ gạch, sỉ vôi, đầm láng xi măng cát.  Riêng yếu tố cột kê tảng hay cột chôn xuống đất, kèo mái đục mộng hay néo bằng dây thép đã là một bước tiến dài. Phải đảm bảo cột kê vững chắc, gia cố từng  mái chắc chắn để tránh gió lốc vì hầu hết các điểm trường lẻ ở trên đỉnh hoặc sườn đồi, núi chịu tác động trực tiếp của nắng gió.
         
Trẻ mẫu giáo 5 tuổi trong một phòng học mô hình “ba cứng”
 
Năm học 2012-2013 riêng huyện Điện Biên Đông đã đầu tư được gần 50 phòng học “ba cứng”, huyện Mường Chà được và Mường Nhé chuẩn bị các điều kiện đầu tư được vài chục phòng, ước tính đóng góp công sức, vật liệu của nhân dân quy đổi thành tiền hàng tỷ đồng, đó là con số rất ấn tượng thể hiện sự thành công trong công tác dân vận, chung tay thực hiện xã hội hóa giáo dục.

Tuy vậy với tình trạng chặt phá rừng như hiện nay, chủ yếu là rừng nghèo đang tái sinh, khoanh nuôi, hầu hết các xã không còn gỗ đảm bảo chủng loại, chất lượng, kích thước, dẫn tới việc các địa phương dễ hài lòng với những phòng học mang tên “ba cứng” nhưng không thực sự “cứng”, thiếu độ an toàn và quy chuẩn tối thiểu, vi phạm nhiều lỗi theo Điều lệ trường mầm non, tiểu học hay chuẩn về phổ cập. Tuổi thọ các phòng học này không bền, nhanh xuống cấp, nghiêng, mối mọt, dột ẩm, gây lãng phí tiền của và nhân lực của nhân dân.

Có thể nhận thấy mô hình dựng phòng học “ba cứng” ở vùng đặc biệt khó khăn là một quá trình lâu dài, chưa thể hoàn thành “sứ mệnh” của nó nếu không muốn nói là còn cần thiết phát huy trong hàng chục năm nữa. Bên cạnh nguyên nhân nguồn lực đầu tư còn rất thiếu thì quy mô phát triển trường, lớp học sinh tiếp tục có sự thay đổi, điển hình là việc chia tách thành lập 18 xã mới và huyện Nậm Pồ đầy gian khó, vùng biên giới xa xôi. Vấn đề di cư tự do của dân tộc Mông từ các tỉnh khác đến Mường Nhé vẫn còn diễn ra mặc dù đã giảm nhiều so với các năm trước, Đề án 79 của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp, ổn định dân cư Mường Nhé đang thực hiện theo lộ trình. Vấn đề sinh con thứ ba và tăng dân số tự nhiên còn ở mức cao….

Bước vào năm học 2013-2014, hàng trăm phòng học “3 cứng” tiếp tục được nhân dân, ngành giáo dục các huyện, thầy cô và chính quyền địa phương tạo dựng nên ở Tủa Chùa, Mường Nhé, Điện Biên Đông, Mường Chà, Nậm Pồ…hàng ngàn trẻ em có mái ấm để ăn nghỉ, học hành đảm bảo yêu cầu tối thiểu, một thành công quan trọng trong giai đoạn điều kiện kinh tế, tài chính rất khó khăn như hiện nay./.
           
   Đào Thái Lai – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học.

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập410
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm389
  • Hôm nay80,320
  • Tháng hiện tại922,072
  • Tổng lượt truy cập71,631,452
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi