banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

GDTH - Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục của phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuần Giáo

Chủ nhật - 26/08/2018 20:21
Môn Tiếng Việt lớp 1 có vai trò đặc biệt quan trọng trong chương trình học tập cấp tiểu học vì học sinh không thể học tốt các môn học khác mà không biết đọc, biết viết, do đó việc nâng cao chất lượng học môn Tiếng Việt lớp 1 là ưu tiên hàng đầu đối với công tác giáo dục học sinh ở cấp tiểu học.
Môn Tiếng Việt ở Tiểu học hiện đang thực hiện ở 2 chương trình đó là: Dạy Tiếng Việt theo chương trình truyền thống và dạy Tiếng Việt theo chương trình Công nghệ giáo dục. Sau 2 năm áp dụng chúng tôi nhận thấy dạy Tiếng Việt theo chương trình Công nghệ giáo dục ở những vùng thuận lợi đem lại kết quả cao hơn, cụ thể: Phần lớn các em đọc to, rõ ràng, đảm bảo theo tốc độ quy định, ngắt nghỉ hơi hợp lý, nắm chắc hệ thống cấu trúc ngữ âm Tiếng Việt (âm âm đệm, âm chính, âm cuối), phát âm chuẩn. Học sinh nghe - viết đảm bảo tốc độ, nắm chắc luật chính tả để vận dụng viết bài, không nhầm lẫn âm, vần. Bài viết trình bày khoa học, chữ viết đẹp, đúng mẫu chữ,... phân biệt rõ S – x; ch –tr;… Học sinh hiểu được lệnh của giáo viên, nghe hiểu được nội dung câu hỏi, tự tin trả lời đủ ý, rõ nghĩa. Để có được kết quả trên, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuần Giáo đã triển khai các giải pháp sau:

Một là: Công tác tuyên truyền: Trên cơ sở kết quả triển khai năm học 2016-2017 chỉ đạo các nhà trường tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền tới cán bộ quản lý, giáo viên đặc biệt với chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong quá trình triển khai thực hiện chương trình Công nghệ giáo dục ở đơn vị. Tư vấn để phụ huynh mua sắm đầy đủ đồ dùng học tập cho học sinh.
1
Học sinh lớp 1 trường Tiểu học số 1 Quài Cang trong giờ học Tiếng Việt -CNGD
 
Hai là: Chỉ đạo các trường rà soát những thuận lợi, khó khăn ở từng lớp, từng điểm trường để đưa vào kế hoạch áp dụng Công nghệ giáo dục cho năm học. Trong xây dựng kế hoạch các trường được chủ động và linh hoạt áp dụng ở những lớp, điểm trường đảm bảo về cơ sở vật chất, nhận thức của học sinh và đội ngũ giáo viên. Trong năm học có 19 trường vùng thuận lợi thực hiện dạy công nghệ giáo dục ở 100 lớp 1, 03 trường vùng khó khăn dạy Công nghệ giáo dục ở điểm trường thuận lợi, những điểm trường khó khăn dạy theo chương trình tiếng Việt lớp 1 hiện hành.

Ba là: Chỉ đạo các nhà trường lựa chọn giáo viên để dạy Công nghệ giáo dục: Đây là khâu rất quan trọng quyết định đến thành công hay thất bại khi áp dụng chương trình Công nghệ giáo dục do đó các nhà trường cần phải ưu tiên chọn những giáo viên trẻ,năng động, nhiệt tình, chữ viết đẹp, thân thiện với học sinh, có sức khỏe, có đủ kiến thức và kĩ năng sư phạm.
2
Học sinh trường Tiểu học số 1 Thị trấn Tuần Giáo tích cực tham gia tiết học
 
 Bốn là: Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên: Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý và giáo viên dạy Công nghệ giáo dục vào dịp bồi dưỡng hè, đảm bảo 100% giáo viên tham gia giảng dạy và 100% các trường áp dụng có cán bộ quản lý và giáo viên được tập huấn phương pháp dạy học Công nghệ giáo dục. Giảng viên lớp tập huấn công nghệ giáo dục là những cán bộ, giáo viên cốt cán của huyện đã được tham gia tập huấn cấp bộ, tỉnh về Phương pháp dạy học theo Công nghệ giáo dục. Ngoài ra trong năm học Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức các chuyên đề cấp huyện, cụm trường để trao đổi chia sẻ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện; thành lập các tổ giáo viên cốt cán đến hỗ trợ, tư vấn trực tiếp cho giáo viên trong quá trình giảng dạy.

Năm là: Cần phải quan tâm chỉ đạo các nhà trường triển khai thực hiện tốt việc bố trí phòng học cho lớp học công nghệ giáo dục là những phòng có đủ: diện tích, bàn ghế, bảng chống lóa, đảm bảo ánh sáng và các điều kiện để dạy công nghệ giáo dục.Phân công 1 cán bộ quản lý có năng lực chuyên môn, trực tiếp chỉ đạo thực hiện Công nghệ giáo dục trong nhà trường, thường xuyên dự giờ thăm lớp để hỗ trợ những khó khăn của giáo viên trong quá trình giảng dạy. Yêu cầu giáo viên thực hiện triệt để thiết kế ngay từ tuần 0. Kiên định trong việc đổi mới nội dung phương pháp tránh lai tạp và thiếu kiên nhẫn trong quá trình dạy học.Tổ chức dự giờ, góp ý cho giáo viên, trao đổi với giáo viên về việc dạy tăng thời lượng, các kỹ thuật dạy học tích cực. Tạo điều kiện cho giáo viên linh hoạt sử dụng, điều chỉnh thời lượng giữa các môn học trong một buổi, sử dụng đồ dùng dạy học theo hướng dẫn của thiết kế, tránh lạm dụng công nghệ thông tin.
3
Dự giờ Tiếng Việt lớp 1-CNGD  ở trường Tiểu học số 2 Thị trấn Tuần Giáo
 
Sáu là: Giáo viên phải nắm chắc nội dung chương trình, phương pháp dạy học Công nghệ giáo dục và hiểu các khái niệm ngữ âm và luật chính tả được thiết kế trong chương trình. Dạy Công nghệ giáo dục giáo viên không soạn giáo án nhưng phải dành thời gian nghiên cứu kỹ thiết kế để nắm được mục tiêu và từng việc cần phải thực hiện ở trên lớp, hiểu rõ ý đồ của sách thiết kế, thực hiện đúng quy trình “4 việc” của tiết dạy. Tuyệt đối không được cắt bỏ 2 tuần đầu vì nó có tác dụng hình thành nền nếp và cách học tập cho học sinh trong toàn bộ cả năm học. Không nóng vội trong quá trình dạy học, học sinh chưa hiểu, chưa thực hiện các yêu cầu của giáo viên đưa ra, giáo viên phải kiên trì hướng dẫn học sinh thực hiện lại cho được. Tập cho học sinh nói to, rõ ràng ngay từ buổi đầu tiên bước chân vào lớp. Các bài học sau khuyến khích học sinh đọc cá nhân, tổ, nhóm cũng phải đọc to, rõ ràng. Tăng cường việc đọc đồng thanh, đánh vần, đọc cá nhân đối với những lớp học sinh còn khó khăn về đọc (đọc theo 4 mức độ). Quá trình dạy giáo viên sử dụng các kí hiệu, tín hiệu thay cho ngôn ngữ nói để giao nhiệm vụ cho học sinh làm. Tăng cường việc rèn nền nếp lớp học. Tổ chức, kiểm soát được quá trình làm việc và sản phẩm đầu ra của học sinh, phân hóa học sinh để có biện pháp hỗ trợ đến từng cá nhân. Tuân thủ chặt chẽ quy trình mẫu: Thực hiện tiết lập mẫu chắc chắn làm cơ sở vững chắc cho các tiết dùng mẫu.

Bảy là: Thực hiện tốt việc đánh giá học sinh theo Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó chú trọng và nâng cao hiệu quả đánh giá thường xuyên, đánh giá trực tiếp để kịp thời động viên, khuyến khích học sinh trong quá trình tham gia hoạt động học tập.

Tám là: Tăng cường công tác kiểm tra, rút kinh nghiệm trong triển khai dạy học theo chương trình Tiếng Việt lớp 1 - CNGD, nâng cao vai trò tư vấn, hỗ trợ của đội ngũ giáo viên cốt cán Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng như giáo viên cốt cán tại các đơn vị trường.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuần Giáo sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trường trên địa bàn tiếp tục vận dụng có hiệu quả các giải pháp dạy học, tích cực trao đổi học tập kinh nghiệm các đơn vị trong huyện trong tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả dạy Tiếng Việt lớp 1 theo Công nghệ giáo dục, đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng học sinh đầu cấp tiểu học.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,152
  • Máy chủ tìm kiếm93
  • Khách viếng thăm2,059
  • Hôm nay486,670
  • Tháng hiện tại2,375,796
  • Tổng lượt truy cập73,085,176
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi