banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

CNTT&NCKH – Văn học nhà trường số 6: Ký ức thủy tinh

Thứ hai - 08/07/2013 20:15
Dienbien.edu.vn – Điện Biên với trên 13 nghìn nhà giáo và trên 120 nghìn học sinh phổ thông, sinh viên các trường chuyên nghiệp, trong đó có nhiều nhà giáo, học sinh, sinh viên yêu văn học nghệ thuật và có năng lực sáng tác với nhiều tác phẩm đoạt giải, đăng tải trên các báo và tạp chí trong và ngoài tỉnh, nhiều tác phẩm đã được xuất bản và nhận được sự mến mộ của công chúng.
Từ tháng 2 năm 2013 Ban biên tập website trân trọng mở chuyên mục mới – Trang văn học nhà trường đăng tải các bài viết, những sáng tác của thầy trò các nhà trường gồm các thể loại: thơ, tản văn, văn xuôi, nhạc, họa, …mỗi tháng có từ một đến hai số. Trân trọng giới thiệu và mong nhận được sự cộng tác của các nhà giáo, các em học sinh sinh viên cùng bạn đọc. Cảm ơn các tác giả đã gửi bài về chuyên mục.

Phòng CNTT&NCKH - Ban biên tập giới thiệu chuyên mục số 6 với tác phẩm đạt giải trong cuộc thi Viết về thầy cô và mái trường nhân dịp kỉ niệm 15 năm thành lập trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn của hai học sinh lớp 12.

Kí ức thủy tinh

                       Lê Hà - Thanh Huyền - Học sinh lớp 12C5, khóa 2007- 2010
 
Một bản nhạc chậm và buồn vang lên trong đêm khuya. Không gian se lại rồi lạnh buốt, và đột ngột vỡ òa ra sau một nốt lặng bí mật. Nguyên rùng mình tỉnh dậy. Những giấc mơ nối tiếp nhau lặp đi lặp lại vẫn như vang vọng trong tâm trí nó, hàng đêm…đầy ám ảnh. Ngoài cửa sổ, mọi vật vẫn còn đang chìm trong thứ ánh sáng vàng vọt của đèn đường, một vài âm thanh dội đến…Những chiếc xe tải mải miết lao mình trong đêm.

Nguyên dựa tay với lấy cốc nước trên mặt bàn. Hạnh trở mình sau một tiếng “cạch” không rõ nét. Cô dụi mắt:

- Sao vậy? – Hạnh hỏi với vẻ ngái ngủ.

- Không. Chỉ vừa bị tỉnh giấc thôi. – Nguyên khách sáo đáp. Với nó, Hạnh vẫn còn hơi xa lạ.

- Vậy thì ngủ tiếp đi. – Chẳng để tâm đến nét mặt lẫn dáng điệu mệt mỏi của Nguyên, Hạnh lại đặt mình xuống giường say sưa ngủ. Nguyên nhìn cô bạn cùng phòng, ngao ngán khẽ thở dài.

Nguyên nhấp một ngụm trà, nhìn ra khoảng không mênh mang bên ngoài. Đâu rồi mùi hương thanh bình của đất, của nước hòa vào không khí, đâu rồi bầu trời ngập trong ánh sao rọi sáng hơn cả những ngọn đèn đường… Một cảm giác cồn cào khó định nghĩa dâng lên trong lòng Nguyên, dường như có chút gì khắc khoải. Nguyên khẽ khép hờ đôi mắt…

Có những ngày, tôi vơ vẩn ngước lên nhìn trời. Nắng hanh hao dạo những nốt nhạc êm ái trong cái dịu ngọt man mác của buổi chiều tà. Những hạt nắng dịu dàng khơi trong lòng tôi bao kỉ niệm còn nồng ấm, tiếng gió thì thầm bên tai những điều tôi cứ ngỡ sẽ chỉ mãi nằm sâu trong trái tim mình.


Một mùa thu mới lại về.

...Trong khoảnh khắc chia xa, phút giã từ thời học sinh nhiều hoài bão và mộng tưởng, tôi đã nghĩ rằng mình sẽ khóc. Khi đưa tay lên lau những dòng nước mắt của bạn bè, tôi ngỡ rằng sự chia xa ấy chỉ kéo dài trong thoáng chốc mà thôi... Ngày mai, tôi sẽ lại nhìn thấy phía bên trên con dốc vẫn là những ánh mắt, tiếng cười nói thân quen, tiếng trống trường "tùng tùng” giục giã, những chấm tròn trên hàng gạch giữa sân, những bước chân vội vã cho kịp giờ vào lớp. Tôi nhớ... cô bạn ngồi bên hay trầm tư nhìn ra cửa sổ, nhớ từng nét phấn trắng thanh thanh, mềm mại, nhớ lớp học mười tám chiếc bàn mà nơi nào cũng là bao hình bóng quen thân. Tôi nhớ những ngày mùa đông, khi sương phủ không nhìn rõ mặt người, nhớ những cơn mưa rào bất chợt trong ngày hè oi ả.

Có lẽ không phải chỉ riêng tôi, tôi nào đâu phải một người đa cảm. Tôi tự nhủ mình như thế. Bởi bên tôi không còn vòng tay của người thân, bè bạn chia ra mỗi hướng. Chỉ còn lại một vài sợi dây liên hệ tưởng chừng thật mỏng manh. Tôi tự hỏi, phải chăng chúng tôi sẽ buộc mình vào những mối liên hệ khác, mới hơn và vững chắc hơn. Nhưng dù thế nào…tất cả cứ hằn sâu trong trái tim tôi, như những hạt mưa dần thấm sâu vào lòng đất, khi một mùa thu mới lại về...

Nguyên chậm rãi, thật chậm rãi nhấp từng ngụm nước, thấm mềm khóe môi run run bằng hương vị ngọt ngào của trà chanh. Nhưng không hiểu sao, trôi qua cổ họng nó chợt trở nên đắng ngắt. Tâm trí Nguyên lạc bước trong vùng đất của hoài niệm, khi con tàu kí ức đang rục rịch khởi hành. Đó là những đoạn phim tua chậm rời rạc, những mảng hoa vàng tươi sáng, hơi ẩm dìu dịu, cái nóng ngột ngạt bức bối của gió Lào, tấm ảnh chụp bên những bông hoa giấy đỏ...Nhẹ nhàng và êm dịu.

Tôi không phải là một người mơ mộng. Nhưng không hiểu sao ấn tượng đầu tiên của tôi về cái thời nhất quỷ nhì ma ấy là cánh cổng trường với khoảng trời đầy nắng. Là con dốc dài và cao với lời đùa vui của bạn bè: “Học ở trường mình tức là phải đi lên”. Liệu có gì khác nhau chăng khi tôi đứng giữa giảng đường đại học, quá lớn và quá lạ; giữa hàng ngàn con người đến từ mọi miền quê so với khi tôi rụt rè bước chân vào lớp, ngắm nhìn những gương mặt bối rối và ngơ ngác. Tôi yêu quý làm sao cái cảm giác bỡ ngỡ mà rạo rực của một trái tim đang lớn. Nó khác xa cảm giác chơi vơi khi biết mình đã trưởng thành. Ở nơi tôi hiểu rằng khi mắc lỗi lầm cũng là khi chúng tôi thấm thía mình được khoan dung, được nâng đỡ và yêu thương đến nhường nào. Trở thành người lớn, tức là chúng tôi phải tự chịu trách nhiệm khi bản thân phạm sai lầm. Thực sự không dễ dàng... Dưới mái trường, tôi đã học được rất nhiều điều. Học kiến thức, học cách tin vào bản thân, học kĩ năng và hành trang để mở ra cánh cửa vào cuộc sống; trên hết, chúng tôi học cách yêu thương, bao dung và san sẻ, học cách gắn bó hơn với các mối liên hệ cộng đồng...
Có những lúc tôi nhìn người bạn cùng phòng mà tự hỏi, Hạnh đã làm thế nào để có thể dễ dàng ra đi như thế. Cũng như tôi, học xong cấp ba, cô thi vào đại học ở một thành phố lớn. Nhưng chỉ được một năm, rồi Hạnh lại lên đường đi du học. Ở nơi xứ lạ quê người, làm sao Hạnh có thể thích nghi nhanh như thế... và tại sao khi đã thích nghi được, có cơ hội để thăng tiến, để thành công, cô lại trở về chốn cũ với bạn bè, người thân đều đã đi xa? Hạnh thường kể về hành trình của mình một cách đầy hào hứng. Bao trải nghiệm mới lạ, con người mới, lối sống mới... Hạnh chìm đắm trong đó, say sưa và tha thiết. Chỉ lạ một điều rằng, cô có thể nhớ tất cả mọi nơi đã đi, mọi người đã gặp...kể cả ai đó đã quên cô. Trong lời nói của Hạnh chẳng hề có chút buồn thương hay luyến tiếc nào…

Những hoài niệm mơ hồ, lời cảm ơn chưa thể nói, giọt nước mắt vẫn giấu kín trong tim... tôi muốn hét thật to, muốn khóc thật lớn khi bao hoài niệm cứ chập chờn trôi trong dòng suy nghĩ một cách lặng lẽ và bình thản. Một bài thơ đã đọc, một trang giấy cũ ẩm và những con chữ ngoằn ngoèo của bài văn viết dở, những bông hoa cắt giấy hình thù kì lạ, tiếng rào rào kèm theo mùi ẩm ướt sực lên sau cơn mưa, lời bài hát mong thời gian ngừng lại… Cứ như những áng mây, chúng tan rồi lại hợp, nhòe mờ, phôi phai rồi lại hiện ra với dáng hình mới, đậm sắc hơn. Bao kỉ niệm vẫn vẹn nguyên như thủa ban đầu của nó, trong sáng và óng ánh sắc màu như những mảnh thủy tinh được mặt trời chiếu rọi. Mong manh nhưng rực rỡ.

Tôi đã bước chân đi, từng bước chân vững chãi hướng về phía mặt trời. Tôi đã vươn tay thật dài ra phía trước, vươn đến khát khao. Mười tám, tôi gặp lại mình ở Lễ Trưởng thành. Hồ hởi, xúc động...bè bạn trao nhau những cái ôm, những dòng lưu bút trên chiếc áo đồng phục, người người xin chữ kí và lời đề tặng của thầy cô. Khi chúng tôi bước ra khỏi cánh cổng trường để đi xuống con dốc phía trước, mọi người lại tự nhắc mình phải bước chân lên những con dốc dài hơn, cao hơn.

Thời gian trôi đi, có thể tôi sẽ lại gặp những gương mặt cũ trong một hoàn cảnh khác, một vị trí khác. Học trò nhỏ trước kia của thầy cô phải trở thành một công dân tốt, bạn bè trước kia gặp lại nhau khi mỗi người đã có một hạnh phúc, một lí tưởng... đó không chỉ là lời khẳng định của sự níu giữ những mối liên hệ tưởng chừng mong manh ấy, đó còn là cách để tôi đền đáp yêu thương.

Cánh chim đã bay xa, nhưng đoạn đường dù dài bao nhiêu, không gian dù rộng lớn đến thế nào, cũng không thể ngăn chú chim tìm về tổ ấm.


 
Nguyên dụi dụi hai hàng mi mắt nhòe nhoẹt nước. Nó xòe bàn tay nhỏ bé ôm chặt lấy gương mặt, cố ngăn lại những tiếng nấc nghẹn ngào.

- Đừng khóc! Tiếng thì thầm nhẹ bên tai làm Nguyên giật mình quay sang. Hạnh đang ngồi đó, như thể rất lâu rồi, bàn tay Hạnh khẽ đặt lên tay nó. Ánh sáng mờ mờ chiếu qua khe cửa không thể soi tỏ được gương mặt cô. Nguyên nhìn người bạn cùng phòng một thoáng rồi lại quay mặt đi, không đáp.

-  Nhớ nhà phải không? - Hạnh tiếp tục, giọng nói đều đều và khẽ khàng - Nhớ quê, nhớ bạn bè, nhớ thời cấp ba đã qua... càng nhớ nhiều thì càng buồn nản thôi em ạ.

Nguyên xoay người để nhìn rõ Hạnh, cô đang mỉm cười. Nụ cười của Hạnh dường như có chút uẩn khúc gì. Một vài điều mà Nguyên chưa được biết. Hạnh quàng tay ôm lấy Nguyên, siết chặt bờ vai nó và thì thầm bên tai cô gái nhỏ:

-  Hãy nhớ thật nhiều, và hãy khóc thật nhiều đi. Cho những gì em chưa kịp làm trước khi là người lớn. Bởi đó là bước chuẩn bị quan trọng cho sự trưởng thành. Càng lớn lên rồi, chẳng thể nhớ hay khóc vì những điều vu vơ như vậy nữa.

Nguyên dường như vẫn còn hơi ngơ ngác. Có lẽ nó chẳng thể hiểu hết được câu nói ấy. Rồi Nguyên cũng quàng tay ôm lấy Hạnh, trả lời bằng cả con tim: “Cảm ơn chị rất nhiều!”
Gió thu nhè nhẹ thổi. Những con đường đông đúc. Tiếng xe cộ ồn ào. Nguyên cảm thấy mình như đang phiêu du, đang mơ mộng để lắng nghe, để nhớ về một góc xưa...Sân trường đang ngập nắng, và những chấm trắng tròn lăn trên hàng gạch giữa sân…

Giới thiệu: Trần Chinh Dương, THPT Chuyên Lê Quý Đôn.

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,109
  • Máy chủ tìm kiếm49
  • Khách viếng thăm2,060
  • Hôm nay550,279
  • Tháng hiện tại2,439,405
  • Tổng lượt truy cập73,148,785
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi