banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

GDTH - Mô hình trường học mới tại Việt Nam

Thứ năm - 19/11/2015 03:51
Mô hình trường học mới tại Việt Nam là sự chuyển đổi từ mô hình nhà trường truyền thống và được xây dựng, phát triển dựa trên quan điểm giáo dục định hướng năng lực người học, trong đó coi trọng giáo dục lấy người học làm trung tâm.
1. Thế nào là mô hình trường học mới tại Việt Nam?

Mô hình trường học mới tại Việt Nam là sự chuyển đổi từ mô hình nhà trường truyền thống và được xây dựng, phát triển dựa trên quan điểm giáo dục định hướng năng lực người học, trong đó coi trọng giáo dục lấy người học làm trung tâm. Các thành tố, đặc trưng cơ bản của mô hình thể hiện đầy đủ những xu thế của giáo dục hiện đại trên thế giới và phù hợp với tinh thần của nghị quyết số 29- NQ/TƯ của ban chấp hành TƯ Đảng cũng như Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Vì thế có thể nói, mô hình trường học mới thực chất như là một cách tiếp cận, một sự thể nghiệm mô hình trường học của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ở Việt Nam. Nội dung của mô hình, nhất là sư phạm, dựa trên cơ sở tích hợp thành quả thực tiễn giáo dục của Việt Nam qua nhiều năm, nhất là 20 năm đổi mới gần đây. Nhiều kết quả thí điểm của các Chương trình, Dự án như Dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (PEDC); Chương trình đảm bảo chất lượng trường học (SEQAP); Dự án phát triển Giáo viên tiểu học (PTD); Dự án Giáo dục của Ofam GB; Dự án Việt Bỉ; Dự án về quỹ hỗ trợ của Thụy Điển, quỹ hỗ trợ của Úc, quỹ hỗ trợ của Unicef. Dự án Phát triển THCS; Dự án Phát triển THPT (I và II); Chương trình phát triển THPT… đã được vận dụng một cách khoa học vào mô hình trường học mới Việt Nam. Đặc biệt, mô hình đã lồng ghép Phương pháp bàn tay nặn bột (viện hàn lâm Pháp), dạy học Mỹ thuật (đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội), Tổ chức sinh hoạt chuyên môn (tổ chức JICA của Nhật Bản)… thành các nội dung hoạt động của mô hình.

2. Chủ thể của mô hình trường học mới Việt Nam là những đối tượng nào? Đặc trưng nổi bật của mô hình là gì?

Các chủ thể trong mô hình VNEN là học sinh, giáo viên và gia đình/cộng đồng. Các chủ thể này là 3 trụ cột, luôn luôn gắn kết và tương tác hai chiều với nhau:
 
 
Sự tham gia và tương tác giữa các chủ thể có hiệu quả được biểu hiện bằng kết quả cải thiện được thành tích học tập và phát triển cho học sinh. Điều này khẳng định vị trí, vai trò của học sinh, giáo viên và gia đình/cộng đồng là những người chủ thực sự của mô hình, cùng hướng tới mục tiêu chung là phát triển nhân cách toàn diện cho học sinh. Những đặc trưng nổi bật của mô hình trường học mới Việt Nam, bao gồm: Hoạt động học của học sinh được coi là trung tâm của quá trình dạy học. Học sinh được khuyến khích, tạo cơ hội tham gia tích cực vào các hoạt động theo nhóm, tự học. Từ đó, các em có thể tự khám phá và chiếm lĩnh kiến thức kỹ năng mới; đồng thời phát triển nhiều phẩm chất và năng lực quan trọng như: tính chủ động, tự tin, khả năng suy nghĩ độc lập, năng lực tư duy phê phán và tư duy sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác. (phương pháp dạy- học): Tài liệu hướng dẫn học tập, được thiết kế cho học sinh hoạt động, tự học, học nhóm, và học cả ngày; dùng chung cho giáo viên, học sinh và cha mẹ các em. Trong tài liệu, cấu trúc các hoạt động học tập theo các modul; cung cấp kiến thức học kết hợp hướng dẫn phương pháp học và phương pháp tư duy; nội dung học lồng ghép với quy trình học (tài liệu học tập).

Đánh giá học sinh thường xuyên theo quá trình học tập nhằm kiểm tra và hướng dẫn phương pháp học tập có hiệu quả cho học sinh. Coi trọng học sinh tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau và đánh giá của cha, mẹ học sinh, cộng đồng. Kết hợp đánh giá về kiến thức với đánh giá các năng lực, kỹ năng, thái độ/hành vi của học sinh (đánh giá học sinh).

Môi trường học tập thân thiện và hiệu quả. Thông qua tổ chức các hoạt động của Hội đồng tự quản học sinh, góc học tập, góc cộng đồng và hoạt động nhóm để hỗ trợ tích cực cho học sinh. Từ đó, học sinh được tự chủ, có trách nhiệm với hoạt động học tập của mình; rèn luyện, phát triển khả năng giao tiếp và lãnh đạo; nâng cáo các phẩm chất và phong cách con người (môi trường học tập, giáo dục).

Giáo viên có vị trí mới; được bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao trình độ năng lực nghề nghiệp, đáp ứng được vai trò quan trọng là người hướng dẫn, tổ chức và quyết định trong các hoạt động học tập, giáo dục, đánh giá học sinh và phối hợp với cha mẹ học sinh, cộng đồng (vai trò của giáo viên).

3. So sánh một số khác biệt cụ thể giữa dạy học trong mô hình trường học mới Việt Nam và dạy học trong mô hình nhà trường truyền thống.

Giữa mô hình trường học mới Việt Nam và mô hình nhà trường truyền thống đã có sự khác biệt lớn về bản chất dạy học, về mục tiêu, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, về tài liệu dạy học, về vai trò của giáo viên và học sinh… Để dễ hình dung, dưới đây là so sánh một số nội dung cụ thể:
 
Mô hình nhà trường truyền thống Mô hình trường học mới Việt Nam
- Học sinh chủ yếu học tập
- Học sinh làm việc cá nhân.
 
- Học sinh thụ động.
- Học sinh chủ yếu nghe giảng, ghi nhớ, luyện tập theo mẫu.
- Học sinh học tập theo sự quản lí của giáo viên.
 
- Học sinh quan tâm tới sách giáo khoa, giáo viên quan tâm tới sách hướng dẫn giáo viên.
- Giáo viên thuyết giảng theo sách giáo khoa và sách hướng dẫn giáo viên.
 
- Dạy theo số đông, đồng loạt, áp đặt 1 chiều.
- Quan tâm tới kết quả học cuối kì, đánh giá định kì thông qua bài kiểm tra định lượng.
- Mối quan hệ giáo viên, học sinh theo kiểu chỉ huy, áp đặt một chiều từ trên xuống.
- Sĩ số học sinh đông, diện tích lớp học nhỏ, học 1 buổi/ngày
- Học sinh học tập và phát triển
- Học sinh làm việc cá nhân kết hợp làm việc theo nhóm.
- Học sinh tự học, tích cực.
- Học sinh học qua hoạt động trải nghiệm, giao tiếp và tự phản hồi.
- Học sinh tự chủ, tự chịu trách nhiệm quá trình học tập, thông qua Hội đồng tự quản học sinh.
- Học sinh và giáo viên dùng chung tài liệu hướng dẫn học. Sử dụng các công cụ hỗ trợ học tập trong lớp học.
- Giáo viên dựa theo tài liệu hướng dẫn học để gợi mở, hỗ trợ, hướng dẫn học sinh tìm ra kiến thức.
- Dạy theo cá thể, chấp nhận khác biệt về tiến độ, tương tác đa chiều.
- Quan tâm tới suốt quá trình học và cách học; đánh giá linh hoạt và thường xuyên theo từng bài học.
- Mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh, học sinh với học sinh mang tính hỗ trợ, hợp tác và hướng tới tinh thần xã hội.
- Sĩ số học sinh ít, diện tích lớp học rộng, học 2 buổi/ngày.

4. Sự khác nhau giữa mô hình trường học mới Việt Nam và mô hình trường học mới của Colombia là gì?

Nước Cộng hòa Colombia, cũng có 3 bộ sách, tài liệu về mô hình trường học mới (EN), tuy nhiên về bản chất nội dung hoạt động mô hình trường học của họ khác với mô hình trường học mới Việt Nam, ở chỗ: Khoảng những năm 1970 của thế kỷ trước, mô hình EN của Colombia ra đời, nhằm tập trung trẻ từ 5 tới 13 tuổi ở những vùng nông thôn, nghèo khó vào học các lớp ghép, mỗi lớp các em được ngồi riêng từng bàn, hình lục giác. Mục tiêu của các lớp này là tăng cường học thực hành, gắn kết nhà trường với cộng đồng thay vì học để đi thi vào các lớp học cao hơn. Chính vì vậy, hiệu quả thực tế của các lớp học rất cao, tác động trực tiếp tới gia đình học sinh, vì vậy ngày càng đông học sinh tới trường, tỷ lệ huy động trẻ đi học cao. Về sau, mô hình học các lớp ghép chuyển đổi áp dụng vào các lớp đơn ở những vùng thuận lợi, với mục tiêu và hình thành phát triển năng lực tư duy, năng lực công dân và năng lực cơ bản cho học sinh, nghĩa là mô hình EN tiếp cận giáo dục năng lực đầu ra của học sinh. Do hiệu quả của giáo dục, nên mô hình EN đã được trao những giải Quốc tế lớn. Mặt khác, nhìn chung các lớp học EN quan niệm và phương pháp về tự học, về học nhóm cho học sinh, đặc biệt về mục tiêu giáo dục, phương pháp đánh giá học sinh cũng rất khác chúng ta… và tất nhiên, mô hình EN cũng không thể có kết quả thực hiện thí điểm đổi mới sư phạm ở Việt Nam, thông qua sự hỗ trợ sư phạm, như của nước Pháp (phương pháp Bàn tay nặn bột), của Nhật Bản (tổ chức sinh hoạt hoạt chuyên môn) và của Đan Mạch (dạy học Mĩ thuật), ngoài ra mô hình còn hỗ trợ để khuyến khích các trường dạy- học môn tiếng Việt lớp 1 theo Chương trình Công nghệ giáo dục.

Qua thực tế, nghiên cứu mô hình EN và giáo dục của Colomhia, giúp chúng ta có được những kinh nghiệm quý, cách làm tốt cũng như một số nội dung chuyển đổi từ mô hình trường học truyền thống sang mô hình trường học mới. Tìm hiểu giáo dục Châu Mỹ La tinh (trong đó có Colombia, Cu Ba, Chi Lê…) là đúng hướng vì các nước này, nhìn chung có nhiều nét tương đồng với Việt Nam và bản thân Liên hợp quốc, UNESCO và Ngân hàng thế giới, cũng có những đánh giá rất cao giáo dục Colombia và các nước Mỹ la tinh, đồng thời cũng khuyến cáo các quốc gia chậm phát triển và đang phát triển, cần học tập kinh nghiệm phương thức chuyển đổi từ mô hình nhà trường hiện hành, nhà trường công sang mô hình trường học mới hết sức phù hợp và hiệu quả cho nhiều quốc gia, đang mong muôn được đổi mới giáo dục của đất nước mình.

Như vậy, mô hình trường học mới Việt Nam có quan điểm phù hợp với giáo dục hiện đại và có nội dung được kết hợp hài hòa giữa thành tựu giáo dục của các nước phát triển và đang phát triển cùng với kinh nghiệm đổi mới giáo dục của Việt Nam trong một thời gian dài vài thập kỷ gần đây. Mô hình trường học mới Việt Nam là của Việt Nam và được xây dựng và phát triển tại Việt Nam./.

 

Tác giả: Đặng Tự Ân- Cố vấn trưởng Dự án VNEN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,077
  • Máy chủ tìm kiếm47
  • Khách viếng thăm2,030
  • Hôm nay549,602
  • Tháng hiện tại2,438,728
  • Tổng lượt truy cập73,148,108
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi