banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

GDTrH- Bộ GD&ĐT công bố quy chế kỳ thi THPT quốc gia, Quy chế tuyển sinh Đại học, Cao đẳng

Thứ năm - 26/02/2015 23:35
Dienbien.edu.vn- Chiều ngày 26/2, Bộ đã chính thức công bố quy chế kỳ thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh Đại học - Cao đẳng (ĐH, CĐ) 2015
Thay vì phải thi 4 kỳ (1 kỳ thi THPT, 2 kỳ thi ĐH và 1 kỳ thi CĐ) như trước đây, nay chỉ thi 1 kỳ thi với 2 mục đích: xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ

Kỳ thi tổ chức thi 8 môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại.

Thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được Giám đốc Sở GD&ĐT xem xét, quyết định cho phép thí sinh chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ thí sinh ngoài 4 môn phải thi, có thể đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp theo quy định của trường ĐH, CĐ đối với ngành đào tạo mà thí sinh có nguyện vọng.

Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12.

Tại tỉnh Điện Biên có cụm thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp

Cụm thi các thí sinh Điện Biên dự thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ: dự kiến thí sinh của 02 tỉnh, do trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GDĐT và tổ chức tại thành phố Sơn La;

Các cụm thi tại tỉnh cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT: tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do Sở chủ trì, phối hợp với trường ĐH.

Thí sinh dự thi sẽ được lập danh sách theo thứ tự a, b, c,... của tên thí sinh theo từng môn thi để xếp phòng thi.

Mỗi thí sinh có một số báo danh duy nhất. Số báo danh của thí sinh gồm phần chữ là mã số của Hội đồng thi và phần số có 06 chữ số được đánh tăng dần, liên tục đến hết số thí sinh của Hội đồng thi, đảm bảo trong Hội đồng thi không có thí sinh trùng số báo danh.

Thí sinh đăng ký tại trường THPT đang theo học, thí sinh tự do đăng ký tại địa điểm do sở GDĐT quy định

Hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký dự thi trước ngày 30/4 hằng năm.

Bài thi chấm thang điểm 10

Bài thi tự luận được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25; không quy tròn điểm.

Bài thi trắc nghiệm được chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10 (lấy đến 0,25) cho từng bài thi trắc nghiệm.

Thí sinh có bao nhiêu nguyện vọng tuyển sinh ĐH-CĐ?

Về giấy chứng nhận kết quả thi: Mỗi thí sinh được cấp 4 Giấy chứng nhận kết quả thi; trong đó, có 1 Giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển sinh nguyện vọng I và 3 Giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét nguyện vọng bổ sung.
Đăng kí xét tuyển nguyện vọng I: Thí sinh dùng bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng I để đăng ký. Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng I, không được ĐKXT ở các đợt xét tuyển tiếp theo;

Trong thời gian quy định của đợt xét tuyển này, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ ĐKXT để nộp vào trường khác.

Đăng kí xét tuyển nguyện vọng bổ sung: Thí sinh dùng 3 bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển các nguyện vọng bổ sung để đăng ký; Kết thúc mỗi đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không trúng tuyển được quyền rút hồ sơ ĐKXT để đăng ký xét tuyển đợt tiếp theo.

Trong đợt xét tuyển nguyện vọng I, thí sinh chỉ được dùng giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng I để đăng kí xét tuyển vào tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) của cùng một trường.

Nếu không trúng tuyển nguyện vọng I, thí sinh có quyền dùng ba giấy chứng nhận kết quả thi còn lại để đăng kí xét tuyển các nguyện vọng bổ sung. Mỗi giấy chứng nhận kết quả thi này có thể đăng kí xét tuyển vào tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) của một trường.

Bảo lưu điểm thi

Thí sinh dự thi đủ các môn quy định trong kỳ thi năm trước nhưng chưa tốt nghiệp THPT và không bị kỷ luật huỷ kết quả thi thì được bảo lưu điểm thi của các môn thi đạt từ 5,0 điểm trở lên trong kỳ thi tổ chức năm tiếp ngay sau đó để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Thí sinh không sử dụng điểm bảo lưu thì phải thi tất cả các môn đã đăng ký để xét công nhận tốt nghiệp THPT như thí sinh không có điểm bảo lưu.

Hiệu trưởng trường ĐH, CĐ quyết định việc có sử dụng hay không sử dụng điểm bảo lưu trong kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh.

Điểm ưu tiên, khuyến khích để xét công nhận tốt nghiệp THPT của thí sinh nhiều nhất là 4.

Điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN): gồm điểm 4 bài thi thí sinh đăng ký để xét công nhận tốt nghiệp, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12; được tính theo công thức sau:


Những thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật từ mức huỷ bài thi trở lên, tất cả các bài thi đều đạt trên 1,0 điểm và có ĐXTN từ 5,0 điểm trở lên được công nhận tốt nghiệp THPT.

Khối thi nào cũng phải có môn Toán hoặc Ngữ văn

Đây là quy định đặt ra trong Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy 2015.

Theo đó, Bộ GD&ĐT cho phép các trường có thể bổ sung thêm các tổ hợp môn thi mới để xét tuyển, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc sử dụng kết quả của ít nhất 3 môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai môn Toán và Ngữ văn để xét tuyển.

Các môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của chuyên ngành đào tạo, không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành.

Các trường, ngành năng khiếu có thể sử dụng kết quả thi của ít nhất một môn văn hoá kết hợp với kết quả các môn thi năng khiếu để xét tuyển. Tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển.

Học sinh lớp 12 và học sinh đã tốt nghiệp THPT năm trước thi khác nhau thế nào?

Kỳ thi THPT quốc gia sẽ có ba đối tượng thí sinh tham gia dự thi:

1) Thí sinh sử dụng kết quả thi để vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ.

2) Thí sinh đã có bằng tốt nghiệp THPT chỉ sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào ĐH, CĐ.

3) Thí sinh chỉ sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp THPT.

Thí sinh thuộc đối tượng thứ nhất và thứ hai sẽ dự thi ở các cụm thi do trường ĐH chủ trì. Các cụm thi này phục vụ cho thí sinh ít nhất hai tỉnh.

Thí sinh thuộc đối tượng thứ ba sẽ thi tại trường THPT đang học hay cụm các trường THPT do sở GD&ĐT chủ trì với sự tham gia của các trường ĐH.

Với nhóm đối tượng thứ hai, để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ các năm trước chỉ cần đăng ký dự thi các môn thi theo quy định của trường ĐH, CĐ đối với ngành đào tạo mà thí sinh có nguyện vọng.

Riêng với đối tượng thứ nhất, để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh ngoài dự thi bốn môn để xét tốt nghiệp THPT như nhóm đối tượng thứ ba, sẽ phải đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp với tổ hợp các môn thi để xét tuyển sinh do trường ĐH, CĐ quy định.

Tổ chức tuyển sinh

Kết quả thi của thí sinh vào trường (hoặc nhóm trường) tổ chức tuyển sinh riêng bằng phương thức thi tuyển chỉ có giá trị xét tuyển vào trường (hoặc nhóm trường) đó, không có giá trị xét tuyển sang trường (hoặc nhóm trường) khác; đối với ngành năng khiếu, các trường có thể xét tuyển thí sinh đã dự thi vào ngành đó tại các trường khác và phải quy định trong đề án tự chủ tuyển sinh của trường;

Các trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể kết hợp xét tuyển những thí sinh đã dự thi kỳ thi THPT quốc gia có kết quả thi đáp ứng các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GDĐT quy định.

Căn cứ kết quả thi của thí sinh dự thi lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, CĐ, Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.

Điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước.

Điện Biên chủ động chuẩn bị cho kỳ thi ngay từ đầu năm học 2014-2015

Sở GD&ĐT đã chỉ đạo, định hướng giáo viên nội dung giảng dạy, ôn tập phải bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, chủ yếu là lớp 12 THPT; dạy và hướng dẫn ôn tập phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh; đảm bảo học đến đâu, ôn tập đến đó; kiểm tra, chấm bài, vào điểm đúng quy định. Đảm bảo học thật, kiểm tra thật; bám sát đổi mới kỳ thi quốc gia. Yêu cầu Hiệu trưởng tăng cường công tác tuyên truyền về kỳ thi tới cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh; tổ chức kiểm tra thanh tra nội bộ thường xuyên, đột xuất việc thực hiện chương trình, kiểm tra đánh giá của các tổ, nhóm chuyên môn và giáo viên.

Để đảm bảo mỗi học sinh đều có đủ kiến thức kỹ năng cơ bản tham gia kỳ thi, Sở yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức ôn thi (mục tiêu bước đầu tốt nghiệp THPT) cho học sinh với thời lượng tối đa 08 tuần ôn tập, 5 buổi ôn tập/tuần, 3 tiết/buổi; không quá 120 tiết/học sinh. Kinh phí hỗ trợ cho giáo viên mỗi tiết ôn thi không vượt quá chế độ chi tăng giờ, từ nguồn xã hội hóa, sự tự nguyện của giáo viên, học sinh đóng góp (xét miễn giảm đối với học sinh diện chính sách, học sinh có có hoàn cảnh khó khăn). Riêng các trường phổ thông DTNT Sở chỉ đạo không thu tiền ôn thi tốt nghiệp đối với học sinh. Thời gian ôn thi tốt nghiệp các trường căn cứ tình hình thực tế để tổ chức từ 01 đến 02 tháng kết thúc trước 25/6/2015.

Việc đi lại, ăn ở khi thi tại Điện Biên và cụm thi Sơn La, Sở cũng đã tích cực chuẩn bị các phương án, chỉ đạo các nhà trường phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương và Ban liên lạc phụ huynh học sinh để có giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Với sự chủ động, sáng tạo, nỗ lực của các nhà trường, hy vọng kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015 học sinh tỉnh Điện Biên sẽ gặt hái thêm nhiều thành công mới./.

Tác giả: Thái Đình Huyên

Nguồn tin: Trường PTDTNT THPT huyện Nậm Pồ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập242
  • Máy chủ tìm kiếm38
  • Khách viếng thăm204
  • Hôm nay58,866
  • Tháng hiện tại1,225,874
  • Tổng lượt truy cập70,515,764
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi