banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

GDMN- Chia sẻ kinh nghiệm số 24- Tham luận về “Tổ chức ăn bán trú cho trẻ tại các điểm trường mầm non”

Thứ hai - 20/07/2015 23:04
Dienbien.edu.vn - Việc tổ chức cho trẻ ăn bán trú tại trường là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, cần thiết và hữu ích trong các trường mầm non nói chung đặc biệt là các trường mầm non miền núi còn nhiều khó khăn như tỉnh Điện Biên. Việc tổ chức cho trẻ ăn bán trú tại trường góp phần quan trọng vào việc huy động, duy trì sĩ số trẻ ra lớp, nâng cao chất lượng giáo dục trẻ về mọi mặt.
Tuy nhiên việc tổ chức ăn bán trú cho trẻ tại các điểm trường mầm non hiện nay gặp không ít khó khăn. Số này chuyên mục “Chia sẻ kinh nghiệm” của GDMN xin trân trọng giới thiệu bài tham luận của cô giáo Đỗ Thị Hương, Hiệu trưởng trường MN Tênh Phông, huyện Tuần Giáo về “Tổ chức ăn bán trú cho trẻ tại các điểm trường mầm non”


Giờ ăn trưa của trẻ tại trường MN Tênh Phông, Tuần Giáo
 
Kính thưa các đồng chí!

Việc tổ chức cho trẻ ăn trưa tại trường, nhất là tại các điểm trường vùng cao, có vai trò hết sức quan trọng: Tỉ lệ huy động trẻ đi học chuyên cần ngày một nâng cao rõ rệt, chất lượng bữa ăn đảm bảo góp phần giảm tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng; việc trẻ ăn ngủ cùng cô tại trường nhằm gắn kết tình cảm giữa cô và trẻ, giáo viên có nhiều thời gian giao lưu trò chuyện với trẻ bằng tiếng phổ thông từ đó chất lượng chăm sóc, giáo dục được nâng lên, tạo sự công bằng trong giáo dục cho các trẻ học ở các điểm trường cũng như điểm trường trung tâm.

Việc tổ chức cho trẻ ăn trưa tại trường đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của địa phương, thay vào hàng ngày người dân đưa trẻ đi nương rẫy hay phải chuẩn bị bữa ăn cho trẻ tại nhà, nay người dân đã hoàn toàn yên tâm cho con em mình ăn ngủ tại trường từ sáng đến chiều để yên tâm lao động, sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Xác định được tầm quan trọng trong việc tổ chức ăn bán trú cho trẻ ở các điểm trường vùng cao trong chiến lược phát triển giáo dục của nhà trường, tập thể Ban giám hiệu nhà trường đã xác định những thuận lợi và khó khăn để tìm ra giải pháp tối ưu nhất trong việc tổ chức ăn bán trú cho trẻ tại các điểm trường.

Thuận lợi:

Nhà trường luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Điện Biên, phòng GD&ĐT Tuần Giáo và các cấp Đảng ủy chính quyền địa phương.

Ban giám hiệu nhà trường nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm;

Đội ngũ GV- NV trẻ, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ năng lực chuyên môn, nhiệt tình, yêu nghề có khả năng quản lý lớp, ứng xử giao tiếp với trẻ với phụ huynh hòa nhã, thân thiện tạo được niềm tin với nhân dân trong xã.

Cơ sở vật chất trường lớp được nhà nước và nhân dân từng bước đầu tư xây dựng dần đáp ứng cho công tác chăm sóc giáo dục trẻ tại trường.

Nhận thức của phụ huynh ngày một nâng lên.

Khó khăn khi tổ chức thực hiện:

 Trường Mầm non Tênh Phông là trường thuộc xã đặc biệt khó khăn của huyện Tuần Giáo tỉnh Điện Biên, cách trung tâm huyện 25 km đường đất, trường nằm trên vùng núi cao trên 1.500m so với mặt nước biển; trường có 4 điểm bản; mỗi điểm cách xa trung tâm trường từ 10-14 km; vì điều kiện tự nhiên mà giao thông đi lại vô cùng khó khăn giữa trung tâm và điểm trường. Đặc biệt là về mùa đông thời tiết lạnh kéo dài, mùa mưa đồi núi thường sạt lở đi lại rất khó khăn. Do đó việc mang cơm từ trung tâm tới các điểm bản là không khả thi.

Học sinh của trường 100% là trẻ dân tộc Mông. Nhiều phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt đã ăn sâu vào đời sống nhân dân như: Tập quán du canh du cư, sống phân tán trên các đồi núi cao, thói quen ăn cơm với muối trắng và nước sôi, không thích người dân tộc khác nấu cơm cho con mình ăn … là rào cản văn hóa rất lớn khi tổ chức ăn bán trú cho trẻ tại các điểm trường.
Điều kiện kinh tế của nhân dân trong xã còn nghèo, 4/4 điểm bản chưa có điện lưới quốc gia, công tác xã hội hóa gặp nhiều khó khăn, ngoài tiền hỗ trợ ăn bán trú của nhà nước, người dân chưa có ý thức cũng như điều kiện đầu tư cho con em mình, còn phó mặc cho nhà trường, kinh phí tổ chức ăn bán trú cho trẻ thấp (từ 3 đến 5 ngàn đồng/ ngày) vì vậy việc thiết kế khẩu phần ăn, thực đơn trong ngày, trong tuần gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các điểm bản xa chợ, xa trung tâm.

Đội ngũ giáo viên tại một số điểm trường chỉ có 1 giáo viên trên lớp, nhân viên nấu ăn chỉ có ở điểm trường trung tâm. Vì vậy để tổ chức nấu ăn được cho trẻ ở các điểm bản này, đòi hỏi phải giải được bài toán về nhân lực trong việc nấu ăn cho trẻ tại các điểm bản.

Điều kiện sinh hoạt của cô và trò còn nhiều hạn chế, thiếu nhà công vụ, nơi ăn nghỉ của GV còn khó khăn, trong khi đó hầu hết GV ăn nghỉ tại điểm bản cả tuần nên ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý cũng như tư tưởng của một số giáo viên.

Giải pháp thực hiện:

Xác định rõ mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, đặc biệt trẻ ở các điểm trường còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nhà trường đã đề ra các giải pháp thực hiện tổ chức ăn bán trú cho trẻ ở các điểm trường, cụ thể như sau.

Một là: Đẩy mạnh tuyên truyền đến các bậc phụ huynh thấy được lợi ích và tạo điều kiện cho con bán trú (ăn, ngủ trưa) tại trường. Tham gia đại hội giáo dục cấp xã đưa ra ý kiến tham mưu về công tác tổ chức ăn bán trú cho trẻ tại trường/ điểm trường. Đặc biệt phối kết hợp với các ban ngành trong xã, già làng, trưởng bản, người cao tuổi có uy tín trong dòng họ, các chi hội phụ huynh… nhằm tuyên truyền vận động phụ huynh đồng tình ủng hộ cho trẻ MN ăn bán trú tại trường.

Hai là: Động viên CBGV phát huy tinh thần trách nhiệm, BGH đi đầu gương mẫu. Bố trí đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm, có khả năng giao tiếp với người địa phương tại các điểm trường (biết tiếng dân tộc địa phương). BGH tăng cường công tác kiểm tra, hỗ trợ điểm trường. Tổ chức nấu ăn thí điểm tại một số điểm trường để rút kinh nghiệm trong tổ chức chỉ đạo.

Ba là: Bố trí nhân lực nấu ăn cho các điểm trường, ban đầu là tăng cường đội ngũ nhân viên và giáo viên từ trung tâm hỗ trợ điểm trường trực tiếp nấu ăn cho trẻ, tiếp đến họp phụ huynh học sinh (nhờ rất nhiều vào sự tư vấn tuyên truyền của trưởng bản) chọn cử các bà mẹ trong bản hỗ trợ, dưới sự hướng dẫn của nhân viên nấu ăn từng bước nấu ăn cho trẻ tại các điểm trường. Định kỳ nhà trường tổ chức bồi dưỡng tập huấn cho các bà mẹ người địa phương về nấu ăn (cách chọn thực phẩm, cách sơ chế, cách nấu, vệ sinh an toàn thực phẩm...).

Bốn là: Xây dựng vườn rau cho bé. Nhà trường động viên giáo viên - nhân viên tiến hành khai hoang cải tạo đất để chăn nuôi, trồng rau sạch, lợi dụng ưu thế khí hậu nhà trường để trồng những loại rau, củ quả phù hợp theo mùa và thời tiết, nhằm cung ứng thực phẩm sạch tại chỗ cho cô và trẻ. Khuyến khích giáo viên và nhân viên các điểm bản huy động phụ huynh làm vườn tại các điểm bản nhằm chủ động nguồn rau sạch tại chỗ, tiết kiệm chi phí và công vận chuyển.

Năm là: Xây dựng thực đơn đảm bảo khẩu phần ăn hàng ngày hợp lý, phù hợp với định mức, điều kiện đi lại và bảo quản thực phẩm tại các điểm bản (VD: bố trí những bữa cá thịt đầu tuần và trứng với vừng lạc vào cuối tuần). Kết hợp với trưởng bản, trưởng các điểm trường tiểu học phụ giúp công tác chuyển thực phẩm từ trung tâm vào điểm trường. Trong ngày mưa hoặc thời tiết lạnh giá, có kế hoạch mua sản phẩm của nhân dân trong bản phục vụ nấu ăn bán trú cho trẻ.

Sáu là: Tham mưu với phòng GD&ĐT mở các lớp bồi dưỡng cô nuôi cho đội ngũ nhân viên và cán bộ quản lý bán trú theo chuyên đề cụm trường. Đặc biệt vào đầu năm học nhà trường tiến hành mời những nhân viên nấu ăn được hợp đồng và một số phụ huynh tại các điểm bản đến trường trung tâm để bồi dưỡng, tư vấn cách chế biến thực phẩm, cách quản lý giữ gìn thực phẩm, vệ sinh các dụng cụ nhà bếp, cách sử dụng dụng cụ nhà bếp hợp lý khoa học...

Bảy là: Nhà trường thực hiện nghiêm túc việc công khai chế độ ăn của trẻ dưới nhiều hình thức (bảng tin, niêm yết tại khu vực bếp các điểm trường, thông báo qua các cuộc họp, …). Ngoài ra nhà trường còn tiến hành mời các lãnh đạo xã, một số phụ huynh gần trường đến trường, lớp trực tiếp quan sát các cô giáo chăm sóc con em mình, ăn thử các món ăn do nhà trường chế biến, do các ông bố, bà mẹ người địa phương trực tiếp đến nấu.

Tám là: Làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Tham mưu với phòng GD&ĐT, lãnh đạo xã đầu tư cơ sở vật chất: mua sắm, trang bị dụng cụ nấu ăn, tủ lạnh bảo quản, cải tạo bếp, nguồn nước... Thời gian đầu nhà trường vận động phụ huynh đóng góp ngày công đến nấu ăn cho trẻ, đóng góp củi đốt, rau, củ quả sẵn có tại địa phương. Sau đó, nhà trường tuyên truyền rộng ra đến các nhà hảo tâm, các chương trình dự án, sự đóng góp của đội ngũ CB-GV-NV trong nhà trường đầu tư mua sắm các thiết bị, dụng cụ nấu ăn, thực phẩm,… góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ.


Vườn rau cho bé

Kết quả đạt được:

Với tinh thần nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, việc tuyên truyền, hành động lời nói đi đôi với việc làm của đội ngũ CBGVNV trong nhà trường đã dần dần tạo được niềm tin với nhân dân trong xã.

Đầu năm học 2010-2011 chỉ mới 10% phụ huynh đồng ý cho con em ăn bán trú tại trường với lý do "cho các cháu ăn thử nếu các cháu không thích thì gia đình sẽ không cho các cháu ăn nữa", sau một hai ngày số phụ huynh cho trẻ ăn bán trú tại trường tăng dần và sau 1 tháng 100% phụ huynh nhất trí cho con ăn ngủ tại trường.

Công tác tổ chức ăn bán trú tại nhà trường đã thực hiện đến năm 2014-2015 là tròn 5 năm, nhà trường luôn nhân được sự đồng tình ủng hộ của Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên, của phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo và đặc biệt là của đảng ủy chình quyền nhân dân xã Tênh Phông, sự đồng lòng trách nhiệm của đội ngũ CBGVNV trong nhà trường.

Tỉ lệ huy động trẻ hàng năm đạt 100%; tỉ lệ chuyên cần đạt từ 95% trở lên; tỉ lệ trẻ học 2 buổi/ ngày đạt 100%.

Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục đạt 96 % trở lên. Chất lượng các lĩnh vực phát triển của trẻ đạt 95% trở lên.

Bài học kinh nghiệm:

Sau 5 năm thực hiện có hiệu quả công tác ăn bán trú tại trường MN Tênh Phông, nhà trường rút ra những bài học sau:

Một là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương và nhân dân dân trên địa bàn;

Hai là: Động viên, nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc của đội ngũ, thực hiện có hiệu quả nói đi đôi với việc làm nhằm tạo niềm tin cho chính quyền và nhân dân trong xã;

Ba là: Tham mưu hợp đồng nhân viên nấu ăn là người địa phương để họ yên tâm công tác cống hiến lâu dài cho nhà trường;

Bốn là: Phối hợp với phụ huynh và cộng đồng nhằm không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ, đa dạng hóa các nguồn thực phẩm tại chỗ theo mùa;

Năm là: Thực hiện nghiêm túc việc công khai các chế độ của trẻ, đặc biệt là công khai công tác ăn bán trú thường xuyên hàng ngày, thực hiện chi trả mọi chế độ cho trẻ đúng, đủ kịp thời.

Phương hướng thời gian tới:

Tiếp tục tham mưu đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng phục vụ cho công tác tổ chức ăn bán trú được đầy đủ hơn.

Tăng cường công tác bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, tiếng dân tộc địa phương (tiếng Mông) cho đội ngũ.

Tham mưu tuyên truyền vận động nhân dân đóng góp thêm kinh phí (ngoài tiền hỗ trợ ăn trưa của Nhà nước) để nâng cao hơn nữa chất lượng bữa ăn hàng ngày cho trẻ.

Tăng cường trồng rau xanh, chăn nuôi... nhằm chủ động và đa dạng hóa nguồn thực phẩm phục vụ cho công tác ăn bán trú tại trường.

Đề xuất kiến nghị:

Các cấp, ngành cần quan tâm hơn nữa đến công tác tổ chức ăn bán trú tại các trường mầm non, đặc biệt là các điểm trường vùng đặc biệt khó khăn như: đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang bị các thiết bị, đồ dùng phục vụ cho công tác tổ chức ăn bán trú, có những chế độ ưu đãi đối với CBGVNV có thời gian công tác và cống hiến lâu năm ở vùng cao vùng sâu vùng xa vùng đặc biệt khó khăn, đặc biệt là đội ngũ nhân viên là người địa phương.

Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo và mở rộng đối tượng cho trẻ nhà trẻ ở vùng đặc biệt khó khăn vì đây là nguồn kinh phí chính để tổ chức ăn trưa cho trẻ tại trường.
Trên đây là báo cáo tham luận về công tác tổ chức ăn bán trú cho trẻ tại điểm trường của trường Mầm non Tênh Phông, huyện Tuần giáo, tỉnh Điện Biên. Rất mong nhận được sự chia sẻ góp ý của các đồng chí, đồng nghiệp để nhà trường làm tốt hơn trong thời gian tiếp theo./.

Tác giả: Đỗ Thị Hương, trường MN Tênh Phông, huyện Tuần Giáo

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 3.3 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập232
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm32
  • Khách viếng thăm199
  • Hôm nay56,294
  • Tháng hiện tại1,209,185
  • Tổng lượt truy cập70,499,075
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi