banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

VP. Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến ngành Giáo dục và Đào tạo, giai đoạn 2010-2015.

Thứ tư - 06/05/2015 23:32
Dienbien.edu.vn- Hòa chung với khí thế nô nức, phấn khởi của toàn Đảng bộ, Chính quyền các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đang hăng hái thi đua lập nhiều thành tích, chào mừng các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước và của tỉnh ta; Ngành GD&ĐT tỉnh Điện Biên long trọng tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến ngành Giáo dục và Đào tạo, giai đoạn 5 năm (2010-2015).
Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Giàng Thị Hoa, ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; tham dự Hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo Sở, Chủ tịch Công đoàn ngành; lãnh đạo, chuyên viên các phòng chuyên môn, nghiệp vụ Sở; lãnh đạo, chủ tịch công đoàn các phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trực thuộc Sở; đại diện các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến giai đoạn 2010-2015, tập thể được tặng cờ thi đua của Chính Phủ, UBND tỉnh, Bộ GD&ĐT, tập thể, cá nhân được tặng huân chương lao động các hạng, bằng khen chính phủ, nhà giáo ưu tú và chiến sỹ thi đua cấp tỉnh.


 
Tại Hội nghị nhà giáo ưu tú, thạc sỹ Lê Văn Quý, ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trình bày báo cáo tổng kết phong trào thi đua 5 năm giai đoạn 2010-2015 và phương hướng, chỉ tiêu phấn đấu thi đua giai đoạn 2016-2020. Báo cáo đánh giá: 5 năm qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo Điện Biên luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và của Bộ GD&ĐT; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, đoàn thể xã hội, sự đồng thuận của nhân dân tạo nên sức mạnh tổng hợp để ngành hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ các năm học và các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước cùng sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án đã tác động tích cực đến việc nâng cấp cơ sở vật chất, phát triển quy mô trường lớp, huy động học sinh ra lớp và đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tập huấn, bồi dưỡng tăng cường về năng lực thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW. Toàn thể các bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh toàn ngành GD&ĐT đã đoàn kết, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, sáng tạo, mạnh dạn bứt phá, làm chuyển đổi mạnh mẽ sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên. Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên có quyền tự hào báo cáo trước Đảng, Chính quyền địa phương và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên về thành tích của mình.

Năm học 2009-2010, toàn tỉnh có: 441 trường, với 135.932 học sinh, đến năm học 2014-2015, toàn tỉnh có 499 trường, 162.956 học sinh (không tính lớp và học sinh, sinh viên các trung tâm, trường CĐSP); tăng 58 trường, 27.024 học sinh. Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp các cấp đều đạt và vượt kế hoạch tỉnh giao: 54,9% học sinh trong độ tuổi mầm non (năm 2009-2010: 46,4%, tăng 8,5%);  riêng trẻ 5 tuổi đạt 99,3% (năm 2009-2010: 95%, tăng 4,3%); trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,6% (năm 2009-2010:98,7% tăng 0,9%); trẻ 6-10 tuổi học tiểu học đạt 98,7%; trẻ 11 tuổi vào lớp 6 đạt 92%; học sinh 11-14 tuổi học THCS đạt 89,3% (năm 2009-2010:63,4%, tăng 25,9%); học sinh 15 tuổi vào lớp 10 đạt 52,04%; học sinh 15-18 tuổi học THPT đạt 54,5% (năm học 2009-2010: 44,7% tăng 9,8).

Đối với giáo dục mầm non, công tác huy động trẻ ra lớp được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, có nhiều biện pháp huy động tối đa trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường. có 100% trẻ học 2 buổi/ngày, được theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ tăng trưởng, khám sức khỏe định kỳ, tiêm phòng, uống vác xin; tỷ lệ trẻ đi học chuyên cần: 95,6% . Số trẻ được bán trú tại trường chiếm tỷ lệ 92,8%.  Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ, không có dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm, tai nạn xảy ra trong các cơ sở GDMN. Đến 30/4/2015 toàn tỉnh có 75/167 trường MN đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 44,9 %, so với năm học 2009-2010 tăng 56 trường. Một thành tích rất đáng tự hào là đến tháng 5/2014, tỉnh Điện Biên là tỉnh thứ 22/63 tỉnh thành trong cả nước hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, hoàn thành trước 1 năm so với kế hoạch giao. Ngày 31/12/2014, Bộ GD&ĐT đã ban hành quyết định số 6331/QĐ-BGDĐT về việc công nhận tỉnh Điện Biên đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi.  

Về giáo dục Phổ thông đã có những bước chuyển biến tích cực về chất lượng. Kết quả  hằng năm có 90- 95% số học sinh được xếp loại đạo đức khá tốt, hầu hết học sinh không mắc các tệ nạn xã hội. Các kì thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh được tổ chức nghiêm túc, khách quan, công bằng và đúng qui chế. Hàng năm học sinh chuyển lớp từ 97-99%. Tốt nghiệp Tiểu học: 99%, Trung học cơ sở từ 95-98%, Trung học phổ thông từ 73- 98%. Số học sinh thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng và trung học chuyên nghiệp hàng năm từ 60-65%, riêng đại học gần 20%. Tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng qua các năm. Năm học 2009- 2010, học sinh xếp loại văn hóa Khá, Giỏi cấp THCS: 29,3%, THPT: 19%. Đến năm học 2013-2014 cấp THCS: 43,1% tăng 13,8%; THPT 41,8% tăng 22,8%. Ngành GD&ĐT đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện mục tiêu tạo nguồn cán bộ khoa học kỹ thuật cho tỉnh. Số học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hằng năm tăng, ổn định. Nhiều học sinh có điểm thi tiệm cận với giải. Năm học 2009-2010, tỉnh Điện Biên tham gia kỳ thi chọn HSG quốc gia THPT chỉ đạt 01 giải Ba và 01 giải KK thì đến năm 2015 vừa qua, Điện Biên đã đạt tổng số 23 giải trong đó 01 giải Nhất, 05 giải Nhì, 08 giải Ba và 09 giải KK.

Giáo dục dân tộc được ngành đặc biệt quan tâm. Ngành đã có nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường DTNT. 100% các trường học 2 buổi/ngày, 100% các trường quản lí và nuôi dạy học sinh tốt. Hệ thống trường bán trú dân nuôi  phát triển mạnh ở cả 3 cấp học tiểu học, THCS và THPT, huy động tối đa học sinh dân tộc trong độ tuổi đến trường. Ngành GD&ĐT đang triển khai mô hình thí điểm thực hiện các giải pháp cải thiện đời sống học sinh các trường PTDT nội trú, PTDT bán trú; nhiều trường đã đầu tư nhà bếp, nhà ăn, nhà vệ sinh, hệ thống nước sinh hoạt, đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm, chăm sóc sức khỏe cho học sinh, giúp các em sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh và của nhân dân đóng góp. Chế độ tuyển sinh cử tuyển, chính sách ưu tiên đối với học sinh, giáo viên công tác và học tập ở vùng miền núi được triển khai và thực hiện nghiêm túc.Học sinh, giáo viên được hưởng đầy đủ, đúng và kịp thời mọi chính sách ưu tiên, ưu đãi, chế độ khuyến khích của Đảng và nhà nước.          

Công tác phổ cập giáo dục được ngành đặc biệt quan tâm chú trọng. Tính đến tháng 12/2014, có 130/130 đơn vị cấp xã, 10/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, trong đó có 25/130 đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; có 130/130 xã, phường, thị trấn; 10/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập GDTHCS mức độ 1 và phổ cập GDTHĐĐT mức độ 1; có 6/10 huyện, thị xã, thành phố và 110/130 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập GDTHĐĐT mức độ 2 (84,6%).

Những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước về hợp tác quốc tế với hai nước bạn Lào và Trung Quốc, ngành đã tích cực triển khai có hiệu quả chương trình hợp tác giáo dục với 3 tỉnh Bắc Lào, đào tạo Tiếng Việt có chất lượng cho 437 học sinh để các em hoàn thành chương trình học nghề tại các trường chuyên nghiệp trong tỉnh. Đến nay đã có 197  sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, Trung cấp. Xét cử đi học tại trường Đại học Xu Va Nu Vông của nước bạn Lào 25 học sinh; Dự kiến tốt nghiệp năm 2015: 5 học sinh. Đề án Đào tạo cán bộ, học sinh tỉnh Điện Biên tại nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa giai đoạn 2009-2020 đã đang được tỉnh chỉ đạo thực hiện. Trong 5 năm qua, ngành đã hoàn tất thủ tục xét cử được 32 học sinh và cán bộ sang đào tạo đại học, thạc sỹ (đại học: 26; thạc sỹ: 6) tại trường Đại học kinh tế Vân Nam Trung Quốc. Đây là một nỗ lực đáng kể của ngành GD&ĐT nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cũng như vun đắp tình hữu nghị giữa Việt Nam với hai nước láng giềng Lào và Trung Quốc.

Hàng năm, đội ngũ giáo viên được bổ sung từ nhiều nguồn, từng bước được điều chỉnh về cơ cấu. Đội ngũ các thầy cô giáo ngày một có chất lượng, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, được cấp ủy Đảng và Chính quyền địa phương cũng như Bộ GD&ĐT ghi nhận, xã hội và nhân dân tin tưởng. Năm học 2009-2010 tỷ lệ GV đạt chuẩn và trên chuẩn: MN: 96%; TH: 96,12%; THCS: 98,2%; THPT: 90,1%. Sau 5 năm tỷ lệ này được nâng lên đáng kể: MN: 100 %; Tiểu học: 99,93 %; THCS: 98, 2 %; THPT: 97,3 %; GDTX: 90,8 %.


 
Tại buổi lễ, đồng chí Giàng Thị Hoa, ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đã phát biểu chỉ đạo với các nội trung trọng tâm sau:

Ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn liền với việc thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". 

- Tổ chức thực hiện nhiệm vụ giáo dục các năm học, quyết tâm đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo theo Quyết định 94/QĐ-UBND, ngày 05/02/2015 của UBND tỉnh, về việc phê duyệt Kế hoạch hành động "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" tỉnh Điện Biên.

- Duy trì và ổn định về quy mô, mạng lưới trường lớp các cấp học, đặc biệt xây dựng và phát triển hệ thống trường trọng điểm, trường chuyên, trường DTNT và trường bán trú dân nuôi.

- Đặc biệt chỉ đạo quyết liệt đổi mới công tác quản lý, tăng cường hiệu lực quản lý, củng cố nền nếp, kỷ cương trường học nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

- Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất nhà trường theo hướng chuẩn hoá, đồng bộ hoá và hiện đại hóa.

- Tích cực chỉ đạo xây dựng trường chuẩn quốc gia ở tất cả các cấp học.

- Tiếp tục giữ vững kết quả PCGD Mầm non cho trẻ em 5 tuổi, PCGD Tiểu học, PCGD Tiểu học đúng độ tuổi, PCGDTHCS; Tiếp tục duy trì đạt chuẩn PC THCS mức độ 1; phấn đấu đạt chuẩn PC THCS mức độ 2 theo lộ trình.

- Đẩy mạnh và từng bước nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý giáo dục, trong đổi mới phương pháp dạy học.

- Tham mưu để tập trung đào tạo bồi dưỡng giáo viên Mầm non, Tiểu học người địa phương nhằm từng bước ổn định cả về số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên cho các vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh.

- Duy trì và đẩy mạnh phong trào thi đua, hoạt động văn nghệ thể dục, thể thao, giáo dục ngoại khoá; tăng cường đổi mới công tác thi đua khen thưởng, kịp thời động viên khuyến khích, nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Với quyết tâm cao của thầy và trò trong những năm học tiếp theo, ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên sẽ thu nhiều thành công, tiến nhanh, vững chắc, hòa nhập với Giáo dục - Đào tạo cả nước cũng như quốc tế.

Nguồn tin: Sở Giáo dục và Đào tạo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập242
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm219
  • Hôm nay41,719
  • Tháng hiện tại1,194,610
  • Tổng lượt truy cập70,484,500
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi