banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

VP - Văn học nhà trường số 23: Truyện ngắn Nắng ấm

Thứ ba - 19/08/2014 21:11
Dienbien.edu.vn - Điện Biên với trên 15 nghìn cán bộ, nhà giáo và gần 120 nghìn học sinh phổ thông, sinh viên các trường chuyên nghiệp, trong đó có nhiều nhà giáo, học sinh, sinh viên yêu văn học nghệ thuật và có năng lực sáng tác với nhiều tác phẩm đoạt giải, đăng tải trên các báo và tạp chí trong và ngoài tỉnh, nhiều tác phẩm đã được xuất bản và nhận được sự mến mộ của công chúng.
Trang văn học nhà trường đăng tải các bài viết, những sáng tác của thầy trò các nhà trường gồm các thể loại: Thơ, tản văn, văn xuôi, nhạc, họa …mỗi tháng có từ một đến hai số. Trân trọng giới thiệu và mong nhận được sự cộng tác của các nhà giáo, các em học sinh sinh viên cùng bạn đọc. Cảm ơn các tác giả đã gửi bài về chuyên mục.

Trang văn học nhà trường số 23, Ban biên tập xin giới thiệu tới bạn đọc lời tự sự đáng trân trọng của một sinh viên đã từng “vấp ngã”, biết tự mình đứng dậy tìm thấy mục đích sống trên con đường đời. Hãy cùng đọc và suy ngẫm!
 
NẮNG ẤM
 
                                                Cao Thị Bắc Nam - K12VS, Trường CĐSP
Vừa nhập trường THPT, ngay đầu năm lớp 10, tôi đã được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi văn của trường. Tôi nhanh chóng vượt qua các bạn trong lớp bồi dưỡng để nhận một trong ba suất thi học sinh giỏi văn vòng tỉnh vào năm sau. Lúc biết tôi nàm trong đội tuyển thi học sinh giỏi, bố mẹ tôi vui lắm, tự hào lắm. Bố mẹ sẵn sàng tặng tôi bất cứ phần thưởng nào tôi muốn.
Mới đầu, tôi chỉ xin thêm tiền cho rủng rỉnh một tí. Tôi cũng muốn mua một chiếc xe máy và điều này nhanh chóng được "duyệt". Có tiền rồi, tôi bắt đầu la cà ở các quán cà phê và quán Internet. Tôi chát với những nickname lạ hoắc rồi hẹn gặp mặt và đi chơi.

Đúng lúc đó, bà nội tôi - người thân thiết nhất trong nhà của tôi - đột ngột qua đời. Từ trước tới nay, trong nhà tôi chủ yếu chỉ có hai bà cháu, nhưng từ khi ấy tôi chỉ có một mình. Bố mẹ đi làm cả ngày, nhà vắng vẻ, lạnh lẽo. Ngày qua ngày, tôi về ngôi nhà trống không, lủi thủi ăn cơm một mình. Sẵn có xe, thỉnh thoảng tôi lại làm những cuộc "vi vu" đây đó với bạn bè, nhiều khi đi qua đêm. Bố mắng thì mẹ lại bênh, nên tôi ngày càng được nước làm tới…

 
Một mình (minh họa từ Internet)
 
Không tập trung học và ôn tập nên trong kì thi cuối cùng của lớp 11, tôi không đủ điểm và điều kiện để vào đội tuyển thi học sinh giỏi vòng tỉnh. Thất vọng, xấu hổ, mặc cảm… tôi tìm cách quên đi nỗi buồn.
Thèm được mẹ mắng
 
Bố mẹ tôi lúc nào cũng công việc và công việc, không còn thời gian để quan tâm tới tôi. Tôi có cảm giác, bố mẹ chỉ cần biết khi về đến nhà vẫn thấy tôi ở đấy, vẫn sống, vậy là đủ.
Mỗi năm, lớp chỉ mời họp phụ huynh ba lần, vậy mà tôi vẫn phải nhờ đến người khác vì bố mẹ bận việc. Tôi thuê bác xe ôm hay đứng chờ khách ở gần trường học, tới lần thứ ba thì bị phát hiện. Ngay ngày hôm sau, tôi bị cảnh cáo trước lớp.

Nhiều khi thấy mấy cô bạn trong lớp "tám" chuyện được bố mẹ "kìm kẹp" mà tôi cũng thèm được như vậy. Ít ra là để biết mình vẫn còn được quan tâm.
Tuổi dậy thì, có nhiều chuyện muốn tâm sự với mẹ nhưng mẹ cho rằng đó là chuyện trẻ con. Nhiều khi muốn hỏi một vấn đề gì đó, tôi hỏi bố thì bố bảo sang hỏi mẹ, sang mẹ thì mẹ bảo "Sao cái gì con cũng hỏi mẹ vậy, phải tự quyết định lấy chứ". Nhiều lần như thế nên tôi tự quyết định mọi chuyện của mình. Tôi trở nên khép kín và dễ cáu bẳn, dễ nổi nóng và hay gây sự. Tôi đã từng ném cả bình hoa vào một bạn nam trong lớp chỉ vì cậu ta không chịu trực nhật, làm tổ bị phạt. Hậu quả là bạn đó vào viện và bị khâu 7 mũi  ở đầu. Cả lớp nhìn tôi khiếp sợ. Tôi bỗng chốc được lên hàng anh chị. Thấy tôi, mọi người đều lảng tránh và không ai muốn động đến những gì tôi làm.

Nhập "hội cá biệt"
 
Bỏ tiết, trốn học với tôi là chuyện bình thường. Hình phạt nào tôi cũng không sợ. Tôi dần được thầy cô gọi là "học sinh cá biệt" trong trường.
 
Trốn học đi chơi điện tử  (minh họa từ Internet)
 
Với "danh hiệu" đó, tôi được mấy cậu học sinh cá biệt khác tìm đến, nhận vào nhóm. Tôi bắt đầu tập tành hút thuốc, uống rượu như lời khích của đám con gái trong nhóm. Thử rồi nghiện lúc nào không biết. tôi hay về nhà rất khuya. Tôi nghiện những cuộc đi chơi. Tôi uống rượu say, rồi tâm sự, rồi khóc. Tôi nhớ những khi còn có bà nội bên cạnh. Tôi cũng ghen với những bạn được bố mẹ quan tâm…

Muốn theo các cuộc chơi thì phải có tiền, tôi bắt đầu trộm tiền của bố mẹ. Không đủ, tôi đi trộm của hàng xóm. Bất cứ thứ gì bán được tiền là tôi lấy. Tôi còn đi trấn lột cả những em học sinh lớp dưới. Đỉnh điểm là tôi tổ chức đi giật túi xách của những "con mồi" mà tôi theo dõi trước. Sợ bị công an phát hiện, tôi bỏ học, trốn lên gần biên giới, sống trong quán cà phê của chị một đứa trong nhóm.

Tám ngày sau, bố mẹ tìm ra tôi, tóm về nhà. Đó cũng chính là lúc tôi bị nhà trường ra kỷ luật: đình chỉ học.

Tìm thấy mình trên vùng cao
 
Tôi ở nhà suốt một năm. Chán quá, tôi xin mẹ lên Mường Nhé ở nhờ nhà của một chị bà con làm giáo viên.

Những đứa trẻ ở đây đến trường trên những con đường dốc núi, đá mấp mô. Mùa mưa thì đường trơn trượt, bọn trẻ ngã lên ngã xuống, đến được trường thì quần áo xộc xệch, lấm lem bùn đất. Gần nhà tôi đang ở nhờ có một cây cầu tạm bắc qua suối làm bằng những cây gỗ buộc sơ sài. Hôm đó trời mưa lớn, nước đã cuốn bay luôn cây cầu. Nhìn những gương mặt ướt sũng nước mưa của bọn trẻ lủi thủi trở về nhà trong cái lạnh của cơn mưa rừng… Tôi chợt thấy thương cảm cho chúng quá! Ngay khi nước rút, tôi cùng dân làng ra làm lại cây cầu để bọn trẻ có thể đến trường.

Sách vở không đủ, hai ba đứa chung một quyển sách. Vở là những tờ giấy chưa viết hết từ năm học trước được cắt ra, lấy chỉ đóng lại thành cuốn và được dùng để ghi chung các môn. Một viên phấn cũng được bẻ làm ba bốn để chia nhau. Bọn trẻ ở đây thà để ướt người chứ không để ướt sách vở và phấn. chúng lý giải "Quần áo thì khô được còn sách vở và phấn mà bị ướt thì rã ra không có gì để học nữa".
 
Học sinh vùng cao đi học (minh họa từ Internet)
 
Nhiều em học sinh phải bỏ học theo bố mẹ đi làm nương. Tôi đã theo chị đi hết sườn núi này đến sườn núi khác vận động các em đi học lại. Được đi học và đi học được thật không dễ chút nào.
 
Niềm tin giúp cho mỗi chúng ta có nghị lực để vươn tới tương lai tươi sáng (minh họa từ Internet)
 
Tôi quyết định về thành phố và đi học trở lại. Bố mẹ do dự vì sợ tôi "Ngựa quen đường cũ", nhưng thấy tôi cương quyết nên cũng đồng ý chuyển trường cho tôi. Tôi bắt đầu đi học lại. Trường mới khá xa nhà, 7 cây số đi xe đạp nhưng đường không sỏi đá, không trơn trượt, nếu so với những đứa trẻ vùng cao thì quá bình thường. Tôi xem đây là một sự bắt đầu lại, và lần này tôi biết chắc mình thật sự muốn gì. Tôi cũng chắc rằng mình sẽ thành công trên con đường mình đã chọn./.
                                        
  Giới thiệu và biên tập: Mai Hương - Chuyên viên Văn phòng Sở

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,017
  • Máy chủ tìm kiếm12
  • Khách viếng thăm2,005
  • Hôm nay332,611
  • Tháng hiện tại2,221,737
  • Tổng lượt truy cập72,931,117
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi