banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

GDMN- Chia sẻ kinh nghiệm số 38 - Đổi mới hoạt động của tổ chuyên môn để nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ trong trường mầm non

Thứ tư - 08/02/2017 20:45
Dienbien.edu.vn-“Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác, và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người” (Voltaire). Chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm hay trong giáo dục để ngọn lửa tri thức, ngọn lửa nhiệt huyết đối với giáo dục luôn cháy sáng.
Tổ chuyên môn là đơn vị cơ sở trực tiếp nhất đối với các hoạt động của giáo viên, là nền tảng để tổ chức và triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn một cách cụ thể và hiệu quả. Tổ chuyên môn có vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện đổi mới phương pháp dạy học là “trung tâm” bồi dưỡng giáo viên nhằm giúp giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn nói chung và thực hiện tốt việc đổi mới đổi mới phương pháp dạy học. Đồng thời, tổ chuyên môn là nơi quản lý trực tiếp bồi dưỡng giáo viên về nhận thức, chuyên môn nghiệp vụ; phát hiện ra những điểm mạnh, điểm yếu, thuận lợi và khó khăn của từng giáo viên trong quá trình giảng dạy và giáo dục. Là một bộ phận chủ yếu, giữ vai trò quyết định trong công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên. Chỉ có ở tổ chuyên môn, giáo viên mới có điều kiện trực tiếp và thuận lợi nhất để rèn luyện và từng bước nâng cao trình độ tay nghề của mình. Bởi vì, sinh hoạt tổ chuyên môn có tính tổ chức, chủ động và mang tính tập thể cao.

Sinh hoạt tổ chuyên môn là nơi thực hiện các hoạt động chia sẻ cùng đồng nghiệp về chuyên môn, là môi trường tốt nhất cho những giáo viên còn hạn chế về năng lực và chưa có kinh nghiệm trong giảng dạy, nhất là giáo viên tập sự có dịp để trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao trình độ tay nghề. Tuy nhiên, hiện nay ở nhiều cơ sở giáo dục mầm non, hoạt động của một số tổ chuyên môn chủ yếu thiên về là các công việc hành chính, chưa giành thời gian tương xứng cho công tác trực tiếp bồi dưỡng đội ngũ nên phần nào chưa phát huy được hiệu quả của tổ chuyên môn.


Tổ chức sinh hoạt chuyên môn tại trường mầm non 7/5, thành phố Điện Biên Phủ

Số này xin giới thiệu cùng các đồng nghiệp kinh nghiệm: “Đổi mới hoạt động tổ chuyên môn để nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ trong trường mầm non”. Để hoạt động của tổ chuyên môn phát huy được hiệu quả cần phải đổi mới phương pháp hoạt động của tổ chuyên môn. Cụ thể:

 Thứ nhất là thay đổi nhận thức về sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn: Nội dung sinh hoạt tổ chuyên môn chủ yếu được thực hiện theo kiểu cũ là đánh giá công tác chuyên môn thời gian qua, triển khai công tác thời gian tới, thảo luận một số vấn đề theo yêu cầu của nhà trường như dự thảo kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học, hướng dẫn thi đua,… Ngoài các nội dung trên, sinh hoạt chuyên môn cần phải thay đổi và đi vào chiều sâu như coi trọng sinh hoạt cho giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học, cập nhật và chia sẻ những kinh nghiệm về tổ chức các hoạt động dạy học, giải quyết các tình huống trong dạy học; kĩ năng dự giờ, đánh giá giờ dạy; Dành thời gian nhiều hơn cho việc phân tích, đánh giá và rút kinh nghiệm các giờ dạy đã được giáo viên trong tổ, nhóm chuyên môn dự giờ. Cần phân công giáo viên theo chu kỳ, vòng (2 giáo viên/tháng) soạn giảng một bài dạy cụ thể; tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, góp ý trong kỳ họp tiếp theo; chọn địa điểm, thời gian dạy hợp lý, không bị trùng giờ dạy của giáo viên khác để tổ chức giảng dạy thử nghiệm và dự giờ. Đến kỳ họp sau, tổ chức thảo luận, suy ngẫm và chia sẻ ý kiến về bài dạy đó.

Hai là, phát huy vai trò của các giáo viên cốt cán. Mỗi tổ chuyên môn đều có giáo viên cốt cán. Bộ phận giáo viên này là đầu tàu, dẫn dắt tổ chuyên môn thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn nói chung, đổi mới đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao trình độ chuyên môn của giáo viên nói riêng. Đó là những giáo viên đã được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện, là tổ trưởng chuyên môn giảng dạy nhiều năm và có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy; cũng có khi là giáo viên bình thường nhưng giỏi về một lĩnh vực cụ thể nào đó như giỏi công nghệ thông tin, khéo tự làm đồ dùng dạy học, có kinh nghiệm dạy trẻ khuyết tật…


Sinh hoạt chuyên môn các trường mầm non Pú Nhung, Ta Ma, Phình Sáng, Rạng Đông- huyện Tuần Giáo

 
Ba là, phát triển dần tổ chuyên môn theo tinh thần là “Tổ chức biết học hỏi”. Thực trạng sinh hoạt ở các tổ chuyên môn hiện này cho thấy tính đồng thuận và tập thể chưa cao, phần lớn hoạt động của giáo viên trong quá trình tham gia sinh hoạt tổ chuyên môn là thiên về mục đích cá nhân nhiều hơn việc học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn của đồng nghiệp trong tổ, nhóm chuyên môn. Phát huy tinh thần tổ chuyên môn là “Tổ chức biết học hỏi” sẽ tạo ra môi trường thuận lợi để giáo viên trao đổi ý kiến, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau, từng bước hoàn thiện về kĩ năng, kĩ thuật dạy học, giải quyết những vấn đề khó trong soạn giảng và giảng dạy trên lớp.

Có nhiều nhân tố để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên, thực hiện sâu rộng, triệt để và có hiệu quả việc đổi mới đổi mới phương pháp dạy học, trong đó, đổi mới hoạt động tổ chuyên môn là nhân tố quyết định hàng đầu. Đây là công việc khó khăn đòi hỏi các tổ trưởng chuyên môn và giáo viên phải tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động, nâng cao tinh thần cộng tác, giúp đỡ, cầu thị, cầu tiến, phải biết chia sẻ từ cái đơn giản đến cái khó, cái phức tạp để cùng nhau tiến bộ trong từng hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ. Có như thế, tổ chuyên môn thực sự là môi trường tốt nhất để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên và góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ trong trường mầm non.

Bốn là, đổi mới hình thức sinh hoạt chuyên môn: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc bồi dưỡng chuyên môn. Chẳng hạn: lập hòm thư tổ/trường để cùng chia sẻ thông tin, hướng dẫn chia sẻ kinh nghiệm khai thác tài nguyên phục vụ bồi dưỡng chuyên môn trên mạng (violet, trang web của Bộ, Sở,...). Các buổi sinh hoạt chuyên môn nên giảm tính hành chính (họp hành, đánh giá, triển khai... có thể đưa lên hòm thư nội bộ hoặc dán/thông báo lên bảng tin), dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm, lên chuyên đề,... tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho giáo viên trong chuyên môn.

Hy vọng một số kinh nghiệm này sẽ giúp các đồng nghiệp tổ chức thành công các hoạt động của tổ chuyên môn trong trường mầm non. Mong muốn nhận được những chia sẻ, trao đổi của các đồng nghiệp./.

Tác giả: Nguyễn Thị Huệ, phòng Giáo dục mầm non

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,104
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm2,087
  • Hôm nay566,494
  • Tháng hiện tại1,883,883
  • Tổng lượt truy cập72,593,263
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi