banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

GDTH – Chuyên đề truyền thông tháng 1 – Vai trò của nhà trường trong việc duy trì và phát huy hiệu quả của Mô hình trường học mới Việt Nam

Thứ ba - 07/02/2017 20:09
Mô hình trường học mới là kiểu mô hình nhà trường phù hợp với mục tiêu phát triển của Giáo dục Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Mô hình trường học mới khắc phục những hạn chế của Mô hình dạy học truyền thống, đảm bảo sự hài hòa giữa dạy chữ và phát triển năng lực người học. Năm học 2016 – 2017, tỉnh Điện Biên tiếp tục duy trì Mô hình trường học mới tại 68 trường và mở rộng tại 86 trường đủ điều kiện với 1.839 lớp, 40.757/51.851 học sinh lớp 2,3,4,5 chiếm 78,6%. Để duy trì hiệu quả của Mô hình, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, cán bộ quản lý và giáo viên nhà trường cần vận dụng linh hoạt, hiệu quả một số giải pháp, phát huy vai trò, trách nhiệm của mình.
1. Đối với Ban giám hiệu

Mỗi cán bộ quản lí cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm theo đuổi tận cùng các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy học; chỉ đạo thực hiện Mô hình trường học mới tại đơn vị một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn và sát đối tượng học sinh. Ban Giám hiệu cần phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng thành viên trong Hội đồng sư phạm nhà trường; quan tâm, chỉ đạo sát sao việc tổ chức tập huấn và bồi dưỡng năng lực chuyên môn; tăng cường kiểm tra việc chuẩn bị bài trước khi lên lớp của giáo viên, thường xuyên dự giờ, tư vấn, rút kinh nghiệm đặc biệt là đối với giáo viên hạn chế năng lực chuyên môn; tổ chức sinh hoạt các chuyên đề; tham gia thảo luận rút kinh nghiệm về phương pháp dạy học; lên thời khóa biểu phù hợp, đảm bảo tính sư phạm.

Chỉ đạo cho giáo viên Tổng phụ trách Đội nghiên cứu, triển khai tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các trò chơi trong sinh hoạt tập thể để làm phong phú các hoạt động giáo dục trong nhà trường, tạo môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh dân tộc có nhiều cơ hội được học hỏi,  mạnh dạn, tự tin hơn. Đây là tiền đề để học sinh tham gia tích cực, chủ động trong các tiết học theo Mô hình trường học mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh.

Đầu năm học, Ban Giám hiệu nhà trường cần kiểm tra chất lượng học tập, lập danh sách số lượng học sinh đọc – viết chưa đảm bảo quy định chuẩn kiến thức kỹ năng của từng lớp (nhất là đối với học sinh lớp 2, học sinh dân tộc thiểu số, học sinh tại các điểm trường, học sinh điểm lẻ mới chuyển về học trung tâm); phân công giáo viên chịu trách nhiệm hướng dẫn, kèm cặp từng trường hợp với yêu cầu cụ thể; hằng tháng Ban Giám hiệu phối hợp với các tổ trưởng chuyên môn dự giờ kiểm tra đánh giá sự tiến bộ của học sinh, đề xuất các giải pháp bồi dưỡng học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức kỹ năng; xem đây là một trong những tiêu chí thi đua để đánh giá chất lượng của giáo viên. Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường với phụ huynh học sinh. Trong suốt năm học, nhà trường nhất thiết phải có các buổi đối thoại với phụ huynh, tuyên truyền để phụ huynh hiểu về Mô hình trường học mới, lắng nghe và giải đáp tất cả những băn khoăn của họ. Sự đồng thuận của phụ huynh là một trong những khâu then chốt nhất để triển khai thành công Mô hình trường học mới.

Ban giám hiệu nhà trường cần chú trọng xây dựng cảnh quan trường lớp, tạo môi trường giáo dục thân thiện để giáo viên và học sinh gắn bó với trường, coi mỗi ngày đến trường là một niềm hạnh phúc. Cạnh bồn hoa, cây cảnh, vườn rau,… nhà trường nên đặt những tấm biển chú thích ngắn gọn để học sinh có thể học mọi nơi mọi lúc; cũng để giáo dục các em biết yêu, biết quý biết trân trọng những sự vật thân thuộc xung quanh.


Học sinh trường Tiểu học số 1 Noong Luống, huyện Điện Biên với các hoạt động tập thể

 
2. Đối với giáo viên

Giáo viên cần nghiên cứu Mô hình trường học mới, hiểu ý đồ của người viết sách để thực hiện linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng học sinh trong lớp. Khi chia nhóm thảo luận giáo viên không để học sinh học tốt cùng nhóm với học sinh yếu; cũng không để học sinh ngồi cùng một nhóm ở tất cả các buổi học, ở tất cả các môn học bởi trình độ nhận thức, thế mạnh, hứng thú của học sinh ở các môn học không giống nhau. Giáo viên cũng không nên yêu cầu học sinh phải hoàn thành nội dung học tập vào cùng một khoảng thời gian như nhau mà cần căn cứ vào năng lực để giao nhiệm vụ vừa sức với từng học sinh trong nhóm; không để tình trạng học sinh nhận thức nhanh, hoàn thành yêu cầu xong ngồi chơi, đùa nghịch, cũng không để học sinh nhận thức chậm hơn cảm thấy chán nản, tự ti vì không thể hoàn thành tất cả nội dung như các bạn trong nhóm. Thực hiện linh hoạt, quan tâm từng đối tượng là một trong những biện pháp để thực hiện có hiệu quả Mô hình trường học mới.

Trong quá trình thực hiện giáo viên không thực hiện phương pháp thảo luận nhóm một cách máy móc; không phải giờ học nào cũng cần phải thảo luận nhóm, giáo viên cần vận dụng đa dạng các hình thức và kỹ thuật dạy học tích cực nhằm  phát huy năng lực và sự sáng tạo của học sinh. Trong cùng một bài dạy, một nội dung dạy học của cùng một tiết học, mỗi giáo viên lựa chọn phương pháp, hình thức dạy học khác nhau sao cho đạt hiệu quả nhất. Dù thực hiện theo phương pháp nào thì sau mỗi tiết học, học sinh nhất thiết phải có kiến thức được ghi chép trong vở, sách bài tập. Ghi chép vừa giúp học sinh có cơ hội tái hiện kiến thức ở nhà, vừa giúp phụ huynh theo dõi quá trình học tập ở trường, từ đó an tâm hơn về chất lượng học tập của con em mình.
 Dạy học trong Mô hình trường học mới nhằm mục đích phát huy năng lực và giáo dục toàn diện học sinh. Vì thế giáo viên cần tạo môi trường thân thiện để học sinh có thể học mọi nơi, mọi lúc. Trong không gian của lớp học, giáo viên cần tạo cơ hội cho học sinh thể hiện những mảng màu sắc, những hình ảnh sống động,  những câu tục ngữ, từ vựng những bài văn hay, bài viết đẹp, sản phẩm khéo tay của học sinh đều được trưng bày, tạo cơ hội cho tất cả học sinh được đọc, được hiểu nhiều hơn về tiếng Việt và mọi người trân trọng sản phẩm đã hoàn thành của mỗi thành viên trong lớp.


Trang trí lớp học ở trường PTDTBT Tiểu học Trần Văn Thọ - Mường Nhé

 
Đầu năm học, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh tự xây dựng nề nếp học tập của lớp. Nội quy do các em xây dựng có thể sẽ chẳng giống ai nhưng đó là sản phẩm của chính các em nên sẽ chủ động và có ý thức để thực hiện tốt. Khi các nề nếp đó đã trở thành thói quen  "không thể bỏ" của từng cá nhân học sinh thì các em tự giác trong các hoạt động học tập cũng như các hoạt động khác. Khi đó giáo viên sẽ giảm bớt một số công việc của mình trong quản lý và không gây ra tâm lý nặng nề trong học sinh.

Giáo viên cần nghiên cứu và chuẩn bị bài chu đáo; trong tiết học phần khởi động không nhất thiết theo quy trình cần làm sáng tạo; không nhất thiết dạy hết nội dung trong logo sách hướng dẫn. Đối với học sinh nhất là học sinh dân tộc đọc ngọng, viết sai chính tả, tính toán chậm, giáo viên cần dành nhiều thời gian quan tâm hướng dẫn hơn; học sinh phát âm sai, viết sai, thêm bỏ dấu thanh giáo viên cần quan sát học sinh đọc, viết để sửa cho học sinh; giáo viên phải làm mẫu, hệ thống các lỗi mà học sinh mắc phổ biến. Khi nhiều em mắc cùng một lỗi giáo viên viết lên bảng, đọc mẫu, gọi học sinh đọc lại nhiều lần, cho học sinh khác nhận xét, cho học sinh viết lại bảng con, sửa lỗi cho học sinh, đọc lại bảng con. Tích cực thực hiện vào buổi dạy thứ hai trong mỗi ngày.

Giáo viên chủ nhiệm cần tăng cường phối hợp với phụ huynh học sinh. Ngay từ buổi họp đầu năm, giáo viên cần chia sẻ với phụ huynh những đổi mới của giáo dục hiện nay để họ hiểu và tạo điều kiện, phối hợp. Trong suốt năm học, giáo viên nhất thiết phải có các buổi trao đổi thông tin với phụ huynh, tuyên truyền để phụ huynh hiểu về Mô hình trường học mới, lắng nghe và giải đáp tất cả những băn khoăn của họ. Sự đồng thuận của phụ huynh là một trong những khâu then chốt nhất để triển khai thành công Mô hình trường học mới.


Trường Tiểu học Số 1 Pá Khoang, huyện Điện Biên

 
Dạy học theo Mô hình trường học mới đòi hỏi người giáo viên phải đến tận từng nhóm học sinh; phải quan tâm và hiểu rõ từng học sinh; phải rời bục giảng và bàn giáo viên quen thuộc; trách nhiệm sẽ nặng nề hơn và chắc chắn sẽ không nhàn hơn cách dạy truyền thống. Bản thân người giáo viên đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm phải nhận thức được bản chất của việc dạy học theo Mô hình trường học mới từ đó thay đổi tư tưởng, quan điểm để thấy thích cách dạy này lúc đó ta mới truyền tải được sự hứng thú về cách học đến phụ huynh, học sinh. Muốn vậy, người giáo viên phải không ngừng tự học, tự làm mới, tự hoàn thiện mình để đáp ứng yêu cầu của phương pháp dạy học mới và những bước chuyển mình của ngành giáo dục và đào tạo.

Năm 2016 đã đi qua, nhìn lại chặng đường bốn năm thực hiện Mô hình trường học mới với nhiều nỗ lực cố gắng nâng cao chất lượng dạy học của các cấp quản lí, các nhà trường; giáo dục tiểu học tỉnh Điện Biên đã có nhiều đóng góp vào quá trình phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện bậc phổ thông trên phạm vi toàn tỉnh. Thiết nghĩ, để thực hiện thành công đổi mới giáo dục nói chung, Mô hình trường mới nói riêng, ngoài sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự nỗ lực của ngành Giáo dục và Đào tạo, rất cần sự thay đổi nhận thức của phụ huynh và sự đồng hành của các cơ quan truyền thông./.

Tác giả: Đào Thái Lai – Phòng GDTH

Tổng số điểm của bài viết là: 17 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4.3 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập373
  • Máy chủ tìm kiếm58
  • Khách viếng thăm315
  • Hôm nay47,165
  • Tháng hiện tại1,200,056
  • Tổng lượt truy cập70,489,946
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi