banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

GDTrH - Các tác phẩm thơ đạt giải trong cuộc thi sáng tác thơ ngành Giáo dục và Đào tạo - số 14.

Thứ tư - 06/03/2013 19:15
Dienbien.edu.vn - Nhân dịp kỉ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên phát động hội thi sáng tác thơ với chủ đề "Thầy cô và mái trường thân yêu" và đã nhận được sự tham gia của đông đảo các thầy cô giáo, các em học sinh.
Có 52/421 tác phẩm dự thi đạt giải. Hội thi đã phát hiện được những “hạt giống Thơ” nảy mầm từ tình yêu nghề, yêu người thiết tha, cháy bỏng của các nhà giáo đang ngày đêm lặng thầm cống hiến công sức của mình cho giáo dục vùng cao và tình cảm tri ân thầy cô, mến yêu mái trường của các thế hệ học trò.

Ban Biên tập trân trọng giới thiệu với bạn đọc hai tác phẩm thơ đạt giải khuyến khíc trong Hội thi.
 
TỰ NHỦ
Nguyễn Thị Kim Oanh - Trường THCS Mường Thanh
 
Buổi lên lớp đầu tiên đã lùi thành kỉ niệm
Hồi hộp trước em thơ trấn tĩnh mãi còn run
Bây giờ mọi việc ngỡ bình thường
Tiếng trống trường bao lâu nay vẫn thế.
 
Bỗng giật mình có tiếng gì đập khẽ
Tiếng trái tim trong lồng ngực bồi hồi
Trái tim nhắc những lời tha thiết
Và biết bao rung động khôn nguôi.
 
Trẻ đến trường đâu chỉ học chữ thôi
Các em cần trái tim người mẹ
Mắt tròn xoe nghe những câu chuyện kể
Cô Tấm thảo hiền, cô Tấm ở ngay đây.
 
Thời gian trôi bao công việc hàng ngày
Cảnh đời thường ùa vào trang giấy trắng
Giấy tội tình chi vì giấy là giấy trắng
Đừng viết xiên, xin viết thẳng hàng.
 
Xin một lần tự vấn với lương tâm
Mình đã thắp lửa làm sao đi tắt lửa
Những bàn tay do bàn tay uốn chữ
Những tâm hồn trong sáng bởi thầy cô.
 
Tôi chỉ làm một việc rất đơn sơ
Giữ trang vở học trò không hề giây vết mực
Nửa cuộc đời thấy mình chưa đủ sức
Chắc cả cuộc đời cũng một việc đó thôi.
 
Mong các em khôn lớn nên người
Để ngày nào đó nói về thầy cô cũ
Các em nói với nhau về những ngày còn bé
Được thầy cô nâng bước đến tương lai.


Giải lao giữa hai tiết học ở Tiểu học Ma Thì Hồ.

TÂM SỰ NGƯỜI THẦY
Trần Minh Phương – Trường THPT Tuần Giáo
 
Mỗi ngày qua thầy đứng trên bục giảng
Nhìn xuống những đôi mắt học trò
Những đôi mắt còn chưa vương suy nghĩ
Chưa từng trải với thời gian…
 
Thày dạy chữ, dạy làm người, mọi nhẽ
Dạy học trò phải vươn tới tương lai
Phải biết gắng để sau này bớt khổ
Để trả ơn cha mẹ dáng hao gầy.
 
Thầy hiểu lắm những ngày khó nhọc
Đâu dễ dàng cho con chữ tới đây
Nơi vùng cao, rứng núi trùng vây
Nơi xa lạ với nhiều điều mới mẻ.
 
Thầy thương lắm lũ học trò bé nhỏ
Khi mùa đông áo không đủ ấm thân
Bàn tay run run cầm cây bút
Viết lên những dòng chữ của đời mình
 
Và đêm đêm thức cùng trang giáo án
Thầy trở trăn với bao bề bộn lo toan
Lo cuộc sống, lo ngày mai đến lớp
Mưa rét thế này trò có đến được không?
 
Và cứ thế thầy dệt trong thầm lặng
Những nốt nhạc cho đời
Đặt niềm tin cho học trò miền núi
Rồi sẽ tiến kịp với miền xuôi…
 


Lao động của học sinh Tiểu học số 2 Mường Pồn.
 
Nhà thơ Quách Mạc Nhược (Trung Quốc) nói về nghề giáo: “Mặt trời mọc, mặt trời tắt. Trăng tròn rồi trăng khuyết. Nhưng ánh sáng người thầy không bao giờ tắt”. Đôn-ki-xtôi cũng có câu nói nổi tiếng “Dưới ánh hào quang của ánh sáng mặt trời, không có nghề nào cao quý bằng nghề dạy học”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn sâu sắc: “Có gì vẻ vang hơn là đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng xã hội chủ nghĩa… Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất, dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh”. Với Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Nghề dạy học là một nghề cao quý vào bậc nhất trong các nghề cao quý của xã hội xã hội chủ nghĩa, nghề dạy học là một nghề sáng tạo vào bậc nhất trong các nghề sáng tạo… vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”.

Với cách nghĩ thật giản dị, cô giáo Nguyễn Thị Kim Oanh ví nghề dạy học chỉ đơn giản là làm một việc rất đơn sơ đó là giữ cho trang vở học trò không bị giây vết mực, nói cách khác là giữ cho tâm hồn của học sinh trong sạch. Đơn giản vậy song chắc phải làm cả cuộc đời.
 
“Tôi chỉ làm một việc rất đơn sơ
Giữ trang vở học trò không hề giây vết mực
Nửa cuộc đời thấy mình chưa đủ sức
Chắc cả cuộc đời cũng một việc đó thôi”

Đa số những ai đã lựa chọn nghề giáo là nơi gắn bó sự nghiệp cả đời đều có những tâm huyết với nghề, với trò dù cuộc sống còn có những khó khăn, trăn trở

Lo cuộc sống, lo ngày mai đến lớp
Mưa rét thế này trò có đến được không?

Đối với những thầy giáo thế hệ trước sinh ra, lớn lên, sự nghiệp đều ở trong những hoàn cảnh đầy rẫy những lo toan cuộc sống, những vẫn khắc phục vượt qua để vươn tới những cái đẹp, đem lại cái đẹp cho cuộc đời. Ngày nay, đến thế hệ nhà giáo trẻ được đào tạo tốt hơn, trong môi trường hiện đại hơn, có những nhà giáo trẻ cũng mong muốn được cống hiến sức trẻ như cha ông đã làm. Đó cũng là tâm sự của thầy giáo trẻ Trần Minh Phương

“Và cứ thế thầy dệt trong thầm lặng
Những nốt nhạc cho đời
Đặt niềm tin cho học trò miền núi
Rồi sẽ tiến kịp với miền xuôi…”

Nhưng cũng có người dường như không chịu được áp lực công việc, khó khăn của cuộc sống, xen lẫn những bon chen của cơ chế thị trường. Hãy đọc, hãy ngẫm những câu thơ của cô giáo Nguyễn Thị Kim Oanh:

“Xin một lần tự vấn với lương tâm
Mình đã thắp lửa làm sao đi tắt lửa”

Hai tác giả khác nhau, một người là cô, một người là thầy nhưng hai bài thơ lại chung có một nguồn cảm hứng. Phải chăng điểm chung ấy xuất phát từ tình yêu nghề, yêu trẻ của những người làm nghề giáo dục./.

Tác giả: Đoàn Trần Hiệp

Nguồn tin: Trường PTDTNT THPT huyện Nậm Pồ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập264
  • Máy chủ tìm kiếm46
  • Khách viếng thăm218
  • Hôm nay34,955
  • Tháng hiện tại1,187,846
  • Tổng lượt truy cập70,477,736
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi