banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

Điện Biên triển khai áp dụng phương pháp Bàn tay nặn bột và Dạy Mỹ thuật Đan Mạch ở cấp Tiểu học

Thứ sáu - 19/07/2019 04:37
Dienbien.edu.vn - Thực hiện chủ chương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng với mục tiêu “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”. Xác định, đổi mới phương pháp dạy học là việc làm thiết yếu và quan trọng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã triển khai áp dụng phương pháp Bàn tay nặn bột đối với môn Tự nhiên - Xã hội, Khoa học ở lớp 3, 4, 5 và giảng dạy môn Mĩ thuật theo phương pháp Đan Mạch từ lớp 1 đến lớp 5 tại các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh.
"Bàn tay nặn bột" là một phương pháp dạy học tích cực dựa trên thí nghiệm tìm tòi - nghiên cứu, áp dụng cho việc giảng dạy các môn khoa học tự nhiên. "Bàn tay nặn bột" chú trọng hình thành kiến thức cho học sinh bằng các thí nghiệm tìm tòi nghiên cứu để chính các em tìm ra câu trả lời cho các vấn đề được đặt ra trong cuộc sống thông qua tiến hành thí nghiệm, quan sát, nghiên cứu tài liệu hay điều tra… Còn dạy Mĩ thuật theo định hướng vận dụng phương pháp mới của Dự án hỗ trợ giáo dục tiểu học do Vương Quốc Đan Mạch tài trợ là phương pháp dạy học phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo của học sinh, lấy học sinh làm trung tâm, kích thích sự tương tác, tư duy sáng tạo và phát triển nhận thức. Từ đó các em có thể hình thành và phát triển năng lực sáng tạo thẩm mĩ và biểu đạt bản thân qua suy nghĩ, tình cảm, mong muốn. Hiểu, cảm nhận và phản ánh được hình ảnh của sản phẩm, tác phẩm mĩ thuật. Giao tiếp, trao đổi, tiếp nhận ý tưởng và ý nghĩa thông qua sản phẩm/tác phẩm mĩ thuật. Điểm nổi bật của phương pháp dạy học này là giáo viên có thể chủ động theo từng nội dung tiết dạy mà kết hợp nhiều kỹ thuật trong một bài dạy. Phương pháp Bàn tay nặn bột  và dạy Mĩ thuật theo Đan Mạch luôn coi học sinh là trung tâm của quá trình nhận thức, chính các em là người tìm ra câu trả lời và lĩnh hội kiến thức dưới sự giúp đỡ của giáo viên.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2016-2017 Điện Biên có 170 trường áp dụng phương pháp Bàn tay nặn bột với 1998 lớp, 45793 học sinh; năm học 2017-2018 có 170 trường 2009 lớp 45942 học sinh; năm học 2018-2019 có 173 trường, 2175 lớp, 53474 học sinh áp dụng phương pháp Bàn tay nặn bột. Căn cứ vào nội dung chương trình, bài dạy, các tổ chuyên môn, giáo viên đã chủ động lựa chọn nội dung, chủ đề áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” đưa vào kế hoạch dạy học từng tuần, từng tháng đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương và được ban giám hiệu nhà trường phê duyệt triển khai thực hiện. Tùy theo điều kiện của nhà trường, mỗi tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên lựa chọn một hoặc một số chủ đề, bài học để dạy theo phương pháp “Bàn tay nặn bột” trong năm học. Trên cơ sở rút kinh nghiệm và tăng cường năng lực dạy - học của giáo viên và học sinh trong những năm học trước; số chủ đề, bài học dạy theo phương pháp “Bàn tay nặn bột” đã tăng dần qua các năm.
Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường tiểu học hàng năm đã tổ chức các chuyên đề cấp trường, cụm trường về dạy học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột”, đánh giá hiệu quả của tiết dạy, những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện dạy theo phương pháp “Bàn tay nặn bột” và tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện ban giám hiệu các trường thường xuyên dự giờ, rút kinh nghiệm cho giáo viên, kiểm tra đánh giá chất lượng học sinh tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích hỗ trợ giáo viên trong việc tự làm đồ dùng dạy học và chuẩn bị học liệu trong các tiết dạy theo phương pháp “Bàn tay nặn bột”. Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá và tư vấn hỗ trợ các trường, giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện. Hàng năm chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch triển khai, đánh giá quy mô và hiệu quả của việc áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột”.

Học sinh tham gia học môn Khoa học bằng phương pháp "Bàn tay nặn bột"

Qua thực tiễn triển khai thực hiện phương pháp tại các trường tiểu học cho thấy: Đây là phương pháp dạy học tích cực nhằm hình thành các kiến thức cho học sinh một cách vững chắc. Với phương pháp này, giáo viên có vai trò hướng dẫn, gợi ý để học sinh tự tìm hiểu, thí nghiệm, thảo luận nhóm và đưa ra kết luận. Dạy học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột” đòi hỏi giáo viên phải đầu tư nghiên cứu cùng với sự hỗ trợ thực hành của các thiết bị dạy học. Vận dụng tốt phương pháp này sẽ cho học sinh hiểu được bản chất của các hiện tượng tự nhiên, giúp các em hiểu sâu, nhớ lâu các kiến thức về khoa học tự nhiên trong chương trình ở bậc tiểu học, giúp hình thành thế giới quan khoa học và niềm say mê sáng tạo cho học sinh. Phương pháp này chú trọng tới việc rèn luyện cho học sinh kỹ năng tư duy, tự tìm tòi, trải nghiệm để tìm ra kiến thức mới dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Phương pháp “Bàn tay nặn bột” thực ra không hoàn toàn là mới đối với các giáo viên. Về cơ bản, đây là phương pháp tổng hợp của các phương pháp dạy học trước đây mà giáo viên đã từng tiếp xúc như: phương pháp giải quyết vấn đề, phương pháp dạy học nêu vấn đề... Trong sử dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” để giảng dạy, một yêu cầu đặt ra đối với giáo viên là tạo tình huống để học sinh tự phát hiện ra vấn đề trong bài học, từ đó các em đưa ra các tình huống giải quyết vấn đề để đi đến kết quả. Với phương pháp này giáo viên có thể linh hoạt ứng dụng những đồ dùng đơn giản nhất hiện có vào bài giảng; bên cạnh đó, hoàn toàn có thể tự làm thiết bị, đồ dùng dạy học từ những vật liệu sẵn có để phục vụ bài giảng...
Đối với dạy học Mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch, năm học 2016-2017 có 127 trường triển khai dạy học Mỹ thuật Đan Mạch với 1895 lớp, 46576 học sinh; năm học 2017-2018 có 146 trường 2173 lớp 48852 học sinh tham gia; năm học 2018-2019 có 156 trường, 2386 lớp, 57411 học sinh được học Mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo hàng năm đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học đối với cấp tiểu học cụ thể, chi tiết hướng dẫn phòng Giáo dục Đào tạo, các trường tiểu học triển khai thực hiện dạy học Mỹ thuật Đan Mạch đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh. Để đáp ứng yêu cầu triển khai có hiệu quả phương pháp dạy học Mỹ thật Đan Mạch Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn cho 100% giáo viên Mỹ thuật trên địa bàn tỉnh.Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường tiểu học đã chỉ đạo giáo viên chủ động lựa chọn chủ đề, xây dựng kế hoạch dạy học, sắp xếp chương trình theo  từng chủ đề phù hợp với các khối lớp, đáp ứng yêu cầu về thời gian, điều kiện thực tiễn của nhà trường và môn học.
Giáo viên dạy  học môn Mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch

Sở Giáo dục và đào tạo, phòng Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm chỉ đạo việc triển khai phương pháp dạy học Mỹ thuật Đan Mạch trong các nhà trường; thường xuyên kiểm tra, đánh giá, tư vấn hỗ trợ về phương pháp cho đội ngũ giáo viên, tổ chức các chuyên đề cấp huyện, cấp cụm trường, tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc cho giáo viên trong quá trình triển khai áp dụng phương pháp tại cơ sở. Ban giám hiệu các trường đã chủ động trong việc chỉ đạo, tạo điều kiện bố trí thời khóa biểu phù hợp với thời lượng từng chủ đề, khuyến khích, động viên, tạo điều kiện về thời gian, không gian, cơ sở vật chất cho giáo viên và học sinh trong việc thực hiện các tiết dạy và học Mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch. Phương pháp Mỹ thuật Đan Mạch có nội dung chương trình giáo dục mới không theo trình tự các bài như chương trình hiện hành, đội ngũ giáo viên đã chủ động căn cứ vào nội dung chương trình và lựa chọn các chủ đề cho phù hợp với điều kiện nhà trường, môn học tham mưu với ban giám hiệu nhà trường bố trí thời gian dạy học đảm bảo phát huy được tính sáng tạo, tăng cường kỹ năng thực hành, năng lực trải nghiệm, kỹ năng và kỹ thuật của học sinh, kết hợp nhiều kỹ thuật trong một bài dạy.
Phương pháp Mĩ thuật Đan Mạch đã phát huy được sự năng động, sáng tạo, rèn luyện được nhiều kỹ năng cho học sinh, đặc biệt là kỹ năng sống, tạo sự thay đổi lớn cả về phương pháp lẫn mục tiêu giáo dục của bộ môn Mĩ thuật. Ngoài việc thay đổi nội dung phân phối chương trình, sự thay đổi hình thức tổ chức lớp học đã tạo hứng thú và nuôi dưỡng, phát huy tiềm năng sáng tạo cho học sinh. Trong quá trình triển khai dạy học Mỹ thuật Đan Mạch giáo viên và các nhà trường đã quan tâm, trú trọng đến việc trưng bày, lưu trữ sản phẩm của học sinh, tạo động lực cũng như hứng thú cho các em trong quá trình học tập và sáng tạo.
Dạy học Mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch, giáo viên biết cách lập kế hoạch và tổ chức những quy trình dạy học linh hoạt phù hợp với  điều kiện của địa phương; tổ chức đánh giá liên tục quá trình học Mĩ thuật để phát triển các năng lực học tập, khả năng sáng tạo và kĩ năng sống cho mỗi học sinh. Học sinh hứng thú học tập hơn, không bị áp lực nhiều về mặt thời gian hoặc sợ mình không làm được. Đối với học sinh chưa phát triển năng khiếu, việc học trở nên hứng thú hơn, ham thích hoạt động thể hiện rõ ở việc làm việc theo nhóm. Với những học sinh có năng khiếu được bộc lộ khả năng của mình, qua đó tinh thần hợp tác nhóm trong môn Mĩ thuật và các môn học khác được nâng cao hơn.. Do đặc thù về nội dung và phương pháp mới của môn học nên Hiệu phó chuyên môn cùng các Tổ trưởng và giáo viên chủ nhiệm lớp họp bàn tạo điều kiện và sắp xếp thời khóa biểu các tiết học Mĩ thuật một cách hợp lí để giáo viên Mĩ thuật chủ động trong việc dạy học theo chủ đề vì có chủ đề được dạy từ 2 đến 4 tiết. Các trường bố trí thời gian để giáo viên Mĩ thuật được tham gia sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học ở trường, cụm trường để học tập kinh nghiệm lẫn nhau.
Với những kết quả tích cực trong vận dụng phương pháp Bàn tay nặn bột và dạy Mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch, Hi vọng các trường tiểu học trên phạm vi toàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh đáp ứng  yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tác giả: Phan Thị Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập196
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm172
  • Hôm nay31,109
  • Tháng hiện tại738,771
  • Tổng lượt truy cập70,028,661
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi