banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

GDMN- Giải pháp nâng cao chất lượng bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên mầm non

Thứ ba - 18/12/2018 02:47
Dienbien.edu.vn- Công tác bồi dưỡng thường xuyên (BDTX) cho đội ngũ giáo viên là yêu cầu khách quan, vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Bồi dưỡng thường xuyên là hoạt động bồi dưỡng hằng năm giúp giáo viên học tập để cập nhật kiến thức về chính trị, kinh tế - xã hội, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, phát triển năng lực dạy học, năng lực giáo dục và những năng lực khác theo yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên, yêu cầu nhiệm vụ năm học, cấp học, yêu cầu phát triển giáo dục của địa phương, yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục…
Thực hiện Thông tư số 36/2011/TT-BGDĐT ngày 18/8/2011;Thông tư số 26/2012/TT-BGDĐT ngày 10/7/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hằng năm Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch triển khai việc thực hiện công tác BDTX giáo viên các cấp, các đơn vị đã tích cực chỉ đạo triển khai công tác bồi dưỡng thường xuyên theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo từ đó giáo viên đã có nhận thức đúng và đầy đủ về sự cần thiết của việc phải tham gia BDTX trong năm học, tích cực thay đổi phương pháp, hình thức chăm sóc, giáo dục trẻ phù hợp với việc thực hiện Chương trình GDMN. Đội ngũ giáo viên ngày càng nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là việc tích cực sử dụng đồ dùng dạy học và các thiết bị trong giảng dạy. Qua nội dung tự học các chuyên đề bồi dưỡng thường xuyên, giáo viên đã được nâng cao tay nghề hơn, tự tin hơn trong giảng dạy, phát huy được tính tích cực của trẻ trong các hoạt động chăm sóc giáo dục, mang lại hiệu quả thiết thực.
Sinh hoạt chuyên đề của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Điện Biên Phủ
1.Thực trạng công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên mầm non
Công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên mầm non đã đạt được những kết quả đáng kể, góp phần nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ giáo dục đặt ra. Tuy nhiên, thực tế triển khai công tác này ở một số đơn vị vẫn còn tồn tại, hạn chế như:
 - Một số cán bộ quản lý chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của bồi dưỡng thường xuyên nhằm nâng cao năng lực nghề nghiệp; khắc phục những yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên nên chưa có sự quan tâm, chỉ đạo cụ thể cũng như đầu tư thỏa đáng về nguồn lực, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cốt cán và các điều kiện để thực hiện có hiệu quả công tác này.
- Công tác xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên hằng năm chưa xuất phát từ nhu cầu bồi dưỡng, kết quả đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp của giáo viên và tình hình thực tiễn ở địa phương, nên chưa xác định rõ các nhiệm vụ và giải pháp phù hợp để triển khai thực hiện như:
+ Việc xác định nội dung bồi dưỡng đã chú trọng và làm khá tốt nội dung bồi dưỡng 1. Đối với nội dung bồi dưỡng 2 (bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục địa phương theo năm học, bao gồm cả nội dung bồi dưỡng do các dự án thực hiện) một số đơn vị chưa xác định được nhiệm vụ và nội dung phải bồi dưỡng.
+ Nội dung bồi dưỡng 3 (nội dung tự chọn), nhiều đơn vị do ban giám hiệu chọn chứ không xuất phát từ nhu cầu của giáo viên, nên chưa thực sự bù đắp những kiến thức, kỹ năng còn thiếu, còn yếu cũng như đáp ứng nhu cầu được bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp của giáo viên. Các nội dung bồi dưỡng nâng cao năng lực tự học, tự bồi dưỡng và hợp tác trong phát triển chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên chưa được quan tâm.
- Việc tổ chức bồi dưỡng giáo viên chủ yếu theo hình thức tập trung, chưa chú trọng tới việc phát huy thế mạnh của hình thức bồi dưỡng tại chỗ thông qua sinh hoạt chuyên môn, chia sẻ với đồng nghiệp hoặc tự học qua mạng internet.
- Một số giáo viên có trình độ chuyên môn còn hạn chế chưa xác định được mình yếu cái gì và cần bồi dưỡng nội dung gì và làm thế nào để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; một số giáo viên có tuổi đời cao, khả năng tự học, tự nghiên cứu còn hạn chế nên kết quả học tập bồi dưỡng chưa cao.
Bên cạnh đó tư tưởng “làm cho có”, “đối phó” đã nảy sinh trong đội ngũ giáo viên đang thực hiện nhiệm vụ BDTX. Có tình trạng giáo viên trong trường cùng thống nhất để học các mô đun giống nhau do vậy giáo viên chỉ cần mượn sổ bạn chép hoặc lên mạng chép và không quan tâm bài học nói về cái gì, mình có vận dụng vào thực tế để dạy trẻ được không, có khó khăn vướng mắc gì cần giải đáp khi học các mô đun… chất lượng của bài thu hoạch thì chưa có sự đánh giá sát sao của cán bộ quản lý các cấp, do yêu cầu cơ bản là nộp bài đúng hạn và hiếm khi có giáo viên bị đánh giá không đạt, không đảm bảo chất lượng hoặc không hoàn thành nhiệm vụ BDTX.
- Công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát BDTX chưa sát sao, chưa có sự đúc rút, trao đổi kinh nghiệm để làm tốt hơn. Việc đánh giá kết quả bồi dưỡng thường xuyên vẫn còn mang tính hình thức, chưa tạo động lực cho giáo viên có ý thức tích cực, tự giác tự học, tự bồi dưỡng hoặc tham gia bồi dưỡng.
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí cho công tác bồi dưỡng thường xuyên còn hạn chế, nhất là hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho việc tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên và tổ chức bồi dưỡng qua mạng.
2. Giải pháp quản lý nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non
2.1. Công tác chuẩn bị, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên và triển khai thực hiện kế hoạch

Hoạt động trải nghiệm: làm bánh ngày tết của các bé mẫu giáo 5 -6 tuổi, Trường Mầm non xã Thanh Luông, huyện Điện Biên

Để công tác BDTX đạt kết quả tốt, cần quán triệt nội dung các văn bản chỉ đạo của Bộ, Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo, đến các cơ sở GDMN. Trên cơ sở kế hoạch của Sở GD&ĐT đã ban hành các đơn vị cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong quản lý công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên. Thực hiện đúng qui định tại thông tư 26/2012/TT-BGDĐT ngày 10 tháng 7 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường: Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên giáo viên và tổ chức triển khai kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên giáo viên theo thẩm quyền và trách nhiệm được giao.
Để làm tốt việc xây dựng kế hoạch BDTX đội ngũ giáo viên cần thực hiện tốt những nội dung sau: Khảo sát nhu cầu học tập, bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên; tư vấn cho giáo viên lựa chọn nội dung bồi dưỡng thường xuyên phù hợp, thiết thực với từng giáo viên; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên; tổ chức bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên; đánh giá kết quả học tập trong bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên theo Quy chế bồi dưỡng thường xuyên do Bộ GD&ĐT ban hành.
 Khi giáo viên xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên cần xác định: mục tiêu bồi dưỡng, nội dung bồi dưỡng, hình thức bồi dưỡng, phương pháp bồi dưỡng, các điều kiện (nhân lực, vật lực, tài lực) đảm bảo cho việc tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, đánh giá kết quả BDTX giáo viên theo quy định…
2.2. Tổ chức quản lý chỉ đạo và triển khai thực hiện kế hoạch BDTX cho giáo viên, đổi mới hình thức bồi dưỡng
Triển khai thực hiện kế hoạch BDTX có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng bồi dưỡng. Triển khai thực hiện nghiêm túc, sáng tạo phù hợp với đặc điểm của địa phương, đơn vị theo sự chỉ đạo của Bộ, Sở, Phòng GD&ĐT. Để tổ chức triển khai có hiệu quả công tác BDTX, hằng năm Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch chung cho cả ngành, hướng dẫn các Phòng GD&ĐT xây dựng kế hoạch BDTX, phân công cụ thể trách nhiệm của các phòng ban chuyên môn của Sở trong phối hợp triển khai kế hoạch bồi dưỡng. Chú trọng xây dựng đội ngũ báo cáo viên cốt cán từ tỉnh, huyện và cơ sở làm nòng cốt cho việc triển khai BDTX tập trung theo kế hoạch. Công tác kiểm tra việc thực hiện công tác BDTX của phòng GD&ĐT và các đơn vị trực thuộc Sở được tổ chức thường xuyên nhằm hỗ trợ, giải quyết những khó khăn vướng mắc của cơ sở, tạo điều kiện cho công tác BDTX đi vào nề nếp có chất lượng.
Đổi mới hình thức BDTX là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, do đó phải tổ chức BDTX bằng hình thức nào để đáp ứng được nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên, nâng cao chất lượng của công tác bồi dưỡng, không làm ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy của các nhà trường mà vẫn đảm bảo cho đội ngũ giáo viên hoàn thành nhiệm vụ được giao, đây là vấn đề mà nhà quản lý phải quan tâm giải quyết thỏa đáng.
Công  tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên có thể được thực hiện theo các hình thức gồm:
Một là, bồi dưỡng thường xuyên bằng tự học của giáo viên kết hợp với các sinh hoạt tập thể về chuyên môn, nghiệp vụ tại tổ chuyên môn, nhóm chuyên môn của nhà trường, liên trường hoặc cụm trường. Hình thức bồi dưỡng này sẽ giúp cho giáo viên chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng, phù hợp với công việc được giao và hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Để việc tự bồi dưỡng trở thành nhu cầu tự thân và hứng thú của người giáo viên, các cấp quản lý cần chú trọng việc hướng dẫn phương pháp tự bồi dưỡng, cung cấp đầy đủ và kịp thời tài liệu bồi dưỡng liên quan đến chuyên môn sâu của giáo viên, kịp thời động viên khích lệ giáo viên; giáo viên phải tự nhận thức được tự bồi dưỡng không chỉ là một nhiệm vụ mà còn là tiêu chí đánh giá khả năng phát triển liên tục nghề nghiệp của giáo viên.
Hai là, bồi dưỡng thường xuyên tập trung theo lớp hoặc theo chuyên đề để hướng dẫn giáo viên tự học, thực hành, hệ thống hóa kiến thức, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn những nội dung khó, mới đối với giáo viên; để thực hiện hình thức này, các cấp quản lý phải lựa chọn được đội ngũ giáo viên cốt cán giỏi, có năng lực phù hợp. Tạo điều kiện cho giáo viên có cơ hội được trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ và luyện tập kỹ năng; Khai thác triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên.
Ba là, tổ chức cho giáo viên tham quan, thực tế học hỏi từ các trường bạn. Tổ chức tham quan học tập những đơn vị có chất lượng tốt về công tác BDTX gắn với hiệu quả công việc nhằm mở rộng mối quan hệ giao lưu, trao đổi những kinh nghiệm trong giảng dạy, từ đó vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong công tác giảng dạy của mỗi giáo viên. Để hình thức này phát huy được hiệu quả, CBQL cần: lựa chọn mô hình tham quan tiêu biểu, có những kinh nghiệm hay phục vụ thiết thực cho nội dung bồi dưỡng.
 2.3. Lựa chọn nội dung, điều chỉnh, bổ sung nội dung BDTX giáo viên  
Nhằm đạt được mục tiêu bồi dưỡng, đáp ứng được nhu cầu đa dạng và cấp thiết của giáo viên, tránh được sự chồng chéo hoặc bỏ sót cần lựa chọn nội dung bồi dưỡng căn cứ vào những vấn đề sau: căn cứ vào nhiệm vụ được giao; nhu cầu đa dạng về học tập, bồi dưỡng của đội ngũ giáo viên; điều kiện của địa phương, đơn vị; Các hình thức bồi dưỡng (tập trung, qua mạng, giáo viên tự bồi dưỡng…); căn cứ vào năng lực thực hiện. Trong đó căn cứ vào năng lực thực hiện nhiệm vụ của giáo viên so với yêu cầu nhiệm vụ là hướng cơ bản để xác định nhu cầu bồi dưỡng.
Lựa chọn nội dung bồi dưỡng cần đảm bảo các nguyên tắc: Nguyên tắc phù hợp với mục tiêu của công tác bồi dưỡng; nguyên tắc không áp đặt; đảm bảo tính đa dạng nhưng nhất quán trong trường, gắn với thực tiễn địa phương; đảm bảo tính kế thừa; đảm bảo tính linh hoạt, mềm dẻo; đảm bảo tính thiết thực, phù hợp và khả thi. Các nội dung cần quan tâm bồi dưỡng và hướng dẫn giáo viên tự bồi dưỡng.
Lựa chọn nội dung bồi dưỡng đáp ứng được nhu cầu của đội ngũ giáo viên, giúp giáo viên hoàn thành nhiệm vụ; vừa tránh hình thức, lãng phí gây sự chán nản khi học của giáo viên, tạo hứng thú trong học tập góp phần nâng cao chất lượng bồi dưỡng.
2.4. Đánh giá kết quả học tập trong bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên
Triển khai thực hiện nghiêm túc và hiệu quả việc đánh giá kết quả bồi dưỡng thường xuyên hằng năm đối với mỗi giáo viên trên tinh thần lựa chọn các hình thức đánh giá linh hoạt, phù hợp với đối tượng và hình thức tổ chức bồi dưỡng.
Việc đánh giá kết quả BDTX giáo viên cũng nhằm phát hiện ra những điểm mạnh, điểm yếu về chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên để từ đó nâng cao chất lượng bồi dưỡng hoặc cung cấp những nội dung bồi dưỡng cho người học mang tính thiết thực và hiệu quả cao.
Hiệu trưởng kiểm tra, đánh giá được kết quả bồi dưỡng thường xuyên giáo viên bằng phương thức đa dạng: Thông qua tổ chuyên môn kiểm tra đánh giá việc thực hiện kế hoạch bồi dưỡng giáo viên; đánh giá qua dự giờ; đánh giá qua bản thu hoạch của giáo viên; qua tổ chức cho giáo viên làm bài kiểm tra; đánh giá qua bài tập nghiên cứu…Yêu cầu trong đánh giá kết quả bồi dưỡng: Đảm bảo tính khách quan, độ tin cậy; tính toàn diện; đánh giá phải đảm bảo tính hệ thống, công bằng, công khai và minh bạch… Sử dụng tốt kết quả bồi dưỡng thường xuyên trong đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp và việc thực hiện các chế độ chính sách khác, góp phần thiết thực trong công tác phát triển đội ngũ. Đảm bảo việc báo cáo kết quả bồi dưỡng thường xuyên hàng năm theo đúng quy định.
Như vậy, muốn đạt được mục tiêu giáo dục mầm non đề ra, đòi hỏi người giáo viên mầm non phải có kiến thức văn hóa cơ bản, phải trang bị một hệ thống kiến thức khoa học về chăm sóc, giáo dục trẻ, có kĩ năng lập kế hoạch, tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, kĩ năng giao tiếp với trẻ, với phụ huynh, với đồng nghiệp…để có được những năng lực sư phạm này người giáo viên mầm non phải không ngừng học tập, rèn luyện, tự học một cách nghiêm túc, thường xuyên./.

Tác giả: Nguyễn Thị Huệ

Nguồn tin: Trường THPT Thanh nưa, huyện Điện Biên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập321
  • Máy chủ tìm kiếm63
  • Khách viếng thăm258
  • Hôm nay80,320
  • Tháng hiện tại928,524
  • Tổng lượt truy cập71,637,904
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi