banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

GDTH- Một số kết quả nổi bật của giáo dục tiểu học tỉnh Điện Biên năm học 2017-2018

Thứ ba - 12/06/2018 04:25
Năm học 2017-2018, giáo dục tiểu học tỉnh Điện Biên tiếp tục có những chuyển biến tích cực về chất lượng giáo dục. Những kết quả nổi bật trong năm học được ghi nhận thể hiện nỗ lực rất lớn của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, chính quyền và nhân dân địa phương, góp phần làm nên những thay đổi tích cực trong các hoạt động chung của toàn ngành.

1. Giữ vững quy mô trường lớp hiện có, tiếp tục đưa học sinh lớp 3,4,5 từ các điểm trường về học tại trường trung tâm xã để tăng tỷ lệ học sinh/lớp. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng học sinh tiểu học.

Năm học 2017-2018 tỉnh Điện Biên có 176 trường tiểu học (04 trường THCS có lớp tiểu học) với 3.030 lớp 65.999 học sinh, tăng 849 học sinh, giảm 77 lớp so với năm học 2016-2017. Tỉ lệ học sinh/lớp đạt 21,78 em; huy động học sinh 6 tuổi học lớp 1 đạt 99,7%; học sinh 6-10 tuổi học tiểu học đạt 99,3%. Số học sinh lớp 3,4,5 đang học tại các điểm trưởng lẻ giảm từ 22,3% năm học 2016-2017 xuống 11,9% năm học 2017-2018.

Để có được kết quả trên, ngay từ đầu năm học các trường tiểu học đã tích cực tham mưu với các cấp quản lý giáo dục xây dựng thêm phòng học, nhà ở, nhà bếp, nhà ăn và các công trình phụ trợ đảm bảo đủ điều kiện để đưa học sinh lớp 3,4,5 từ các điểm trường lẻ về điểm trường chính học 2 buổi/ ngày. Tiếp tục duy trì hiệu quả hoạt động của 71 trường PTDT bán trú cấp tiểu học tại các xã đặc biệt khó khăn. Tổ chức tốt các hoạt động dạy học, giáo dục kĩ năng sống và nề nếp sinh hoạt nội trú cho 16.742 h/s (25,2%) ăn, nghỉ cả tuần tại trường.

Các cấp quản lý giáo dục thường xuyên kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục phẩm chất, năng lực học sinh theo chuẩn kiến thức kĩ năng các môn học. Định hướng cho các cơ sở giáo dục đổi mới phương pháp dạy học, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nhận thức của giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông trong giai đoạn hiện nay.

2. Thực hiện hiệu quả kế hoạch dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025 tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh ở cấp tiểu học.

Năm học 2017-2018, giáo dục tiểu học Điện Biên tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chương trình tiếng Anh bắt buộc đối với học sinh lớp 3, 4, 5 thời lượng 4 tiết/tuần tại 10/10 huyện, thị, thành phố với  số lượng 124 trường 711 lớp 18.277 học sinh (47,8%) tăng 14,2% so với năm học 2016-2017. Trong tổng số 179 giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học có 04 giáo viên đạt trình độ C1 và 101 giáo viên đạt trình độ B2, đáp ứng yêu cầu triển khai dạy tiếng Anh bắt buộc cho trên 50% số học sinh khối lớp 3,4,5.

Thực hiện mục tiêu của Đề án ngoại ngữ 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu với UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt và ban hành văn bản triển khai dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025, tỉnh Điện Biên". Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ sở giáo dục tổ chức hiệu quả hơn việc dạy học ngoại ngữ theo chương trình tiếng Anh hệ 10 năm, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới và hội nhập quốc tế.

 l1

Học sinh thực hành nghe nói Tiếng Anh Đề án ngoại ngữ 2020
 

Đối với các trường chưa có đủ đội ngũ giáo viên và phòng học ngoại ngữ tổ chức cho học sinh học tiếng Anh tự chọn 2 tiết/tuần. Năm học 2017-2018 toàn tỉnh đã huy động được 421 lớp 9.961 học sinh (25,8%) học tiếng Anh tự chọn góp phần nâng cao tỷ lệ học sinh tiểu học của tỉnh được học tiếng Anh lên 75,4%.

Kết thúc năm học 2017-2018 có 8.185 học sinh xếp loại hoàn thành tốt (28,8%) 20.139 học sinh xếp loại hoàn thành (71%).

3. Tăng cường các giải pháp thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục tiểu học, chương trình tiếng Việt  lớp 1- CNGD, Mô hình VNEN góp phần đổi nới căn bản toàn diện giáo dục tiểu học trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở Chương trình giáo dục phổ thôn của Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên  đã chỉ đạo các trường tiểu học chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và tổ chức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông đảm bảo 100% số trường dạy đủ các môn học quy định đúng kế hoạch thời gian năm học. Đội ngũ giáo viên thực hiện nghiêm túc việc dạy học phân loại, lập kế hoạch dạy học phù hợp với đối tượng học sinh. Ban giám hiệu các trường tiểu học chỉ đạo đội ngũ giáo viên thường xuyên sử dụng phương pháp dạy học tích cực trong các giờ lên lớp, phát huy hiệu quả những ưu điểm của Mô hình trường học mới Việt Nam trong quá trình tổ chức các hoạt động dạy và học.

Tiếp tục chỉ đạo dạy tiếng Việt lớp 1- CNGD tại 163 trường 492 lớp 9.660 học sinh đạt 68,3%, tăng 8,8% so với năm học, áp dựng những thành tố tích cực của Mô hình trường học mới tại 159 trường 1.778 lớp 41.689 học sinh, tăng 1,4% so với năm học 2016-2017.
Cùng với việc thực hiện chương trình các môn học Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo các trường tiến hành rà soát, phân loại học sinh theo nhóm trình độ để tổ chức các hoạt động  dạy và học; giáo viên lựa chọn kiến thức phù hợp với trình độ học sinh thông qua việc chuyển các câu hỏi khó, câu hỏi tổng hợp trong sách hướng dẫn thành các câu hỏi dễ hiểu, phù hợp đối tượng hơn; biên soạn các bài tập khó trong sách giáo khoa thành các bài tập phù hợp với nhận thức của học sinh trong các nhóm học tập. Hàng tuần, hàng tháng Hiệu trưởng nhà trường và Tổ trưởng chuyên môn tiến hành dự giờ kiểm tra, đánh giá sự tiến bộ của học sinh so với chuẩn kiến thức kỹ năng, xem đây là một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng dạy học của giáo viên.

 l2

Học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Mường Thín huyện Tuần Giáo
 

4. Chỉ đạo thực hiện hiệu quả sinh hoạt chuyên môn lấy học sinh làm trung tâm góp phần tích cực vào quá trình đổi mới phương pháp dạy học của đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo chuẩn bị các điều kiện để thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới.

Sinh hoạt chuyên môn lấy học sinh làm trung tâm là một trong các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức đối với giáo viên tiểu học về đổi mới phương pháp tổ chức lớp học, cách thức áp dụng phương pháp dạy học tích cực vào giảng dạy các môn học. Thứ sáu hàng tuần các tổ, khối chuyên môn các trường tiểu học đều tổ chức sinh hoạt chuyên môn, nội dung tập trung nghiên cứu, thảo luận về quan điểm đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đổi mới phương pháp dạy học các môn học, dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng, ứng dụng CNTT vào dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh theo Thông tư 22.

Sinh hoạt chuyên môn theo hướng lấy học sinh làm trung tâm không tập trung vào đánh giá xếp loại giờ dạy mà khuyến khích giáo viên tìm ra nguyên nhân tại sao học sinh chưa đạt được kết quả như mong muốn từ đó có giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học; giúp giáo viên có khả năng chủ động điều chỉnh nội dung, phương pháp  dạy học cho phù hợp với đối tượng học sinh của lớp, của trường.

Thông qua hoạt động dự giờ quan sát lớp học (giáo viên tập trung quan sát hoạt động học và kết quả đạt được của học sinh sau mỗi bài học, hoặc 01 hoạt động học tập), phát hiện những khó khăn học sinh gặp phải, mạnh dạn đưa ra những thay đổi, điều chỉnh nội dung , cách dạy cho phù hợp.

Trên cơ sở tổ chức cho giáo viên quan sát tiết dạy minh họa  tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên dạy chuyên đề, cùng với giáo viên dự giờ rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình hướng dẫn học sinh học tập. Trên cơ sở các ý kiến góp ý của các đồng nghiệp, tổ chuyên môn thống nhất lựa chọn những giải pháp giảng dạy hiệu quả, phù hợp với đối tượng học sinh để áp dụng cho các bài học tiếp theo.

Một số huyện, thị xã, thành phố trực tiếp cán bộ phụ trách chuyên môn phòng giáo dục và đào tạo, giáo viên cốt cán cấp huyện tham gia tổ chức chuyên đề và bồi dưỡng phương pháp dạy học tích cực cho đội ngũ giáo viên, do vậy đa số giáo viên tiểu học của tỉnh đã thay đổi nhận thức về sinh hoạt chuyên môn và thực hiện có hiệu quả phương pháp "Bàn tay nặn bột", "Phương pháp học nhóm", "Kĩ thuật đặt câu hỏi", "Kĩ thuật khăn phủ bàn", "Kĩ thuật mảnh ghép",… đảm bảo nguyên tắc dạy học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm.

 l3

Giáo viên thảo luận tiết dạy minh họa chuyên đề ở trường Tiểu học Phìn Hồ, Nậm Pồ
 

5. Tổ chức thành công Hội thi giáo viên làm tổng phụ trách đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí minh giỏi, tỉnh Điện Biên (lần thứ 2).

Tháng 4/2018, Ban chỉ đạo hội thi, Ban giám khảo đã tổ chức thành công Hội thi giáo viên làm tổng phụ trách Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí minh Giỏi cấp tỉnh năm học 2017-2018. Với mục đích tuyển chọn, công nhận và tuyên dương giáo viên làm tổng phụ trách Đội đạt danh hiệu giáo viên làm tổng phụ trách Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi, tạo điều kiện để giáo viên làm tổng phụ trách Đội thể hiện năng lực, học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác Đội và phong trào thiếu nhi trong trường học. Góp phần triển khai các phong trào thi đua trong trường học; khuyến khích, động viên, tạo cơ hội cho giáo viên làm tổng phụ trách Đội rèn luyện, tự học và sáng tạo. Qua Hội thi phát hiện, tuyên dương và nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh của mỗi trường, mỗi địa phương, thu hút sự quan tâm của các lực lượng xã hội tham gia công tác giáo dục.

 l4

Đồng chí Nguyễn Mạnh Quân Phó Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo và Đồng chí Trần Ngọc Hùng Phó Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Điện Biên trao thưởng cho các giáo viên đạt giải năm 2018
 

Kết thúc hội thi có 52/58 giáo viên dự thi được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt danh hiệu giáo viên làm tổng phụ trách đội giỏi cấp tỉnh đạt 89,6%.

6. Tăng cường giáo dục kĩ năng sống, phòng chống bạo lực học đường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng giáo dục học sinh các trường PTDT bán trú. Tích cực bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ giáo viên làm công tác giáo dục ngoài giờ lên lớp và tư vấn tâm lý học sinh.

Thực trạng cho thấy hiện nay còn rất nhiều học sinh thiếu kiến thức cơ bản về kĩ năng sống: Ăn mặc, đi đứng, nói năng, làm việc, giao tiếp ứng xử. Một bộ phận trẻ do nhiều nguyên nhân có những biểu hiện sai lệch về chuẩn mực đạo đức, bàng quan, thiếu trách nhiệm với người khác; không có hoặc thiếu lòng bao dung, vị tha, chia sẻ; có tính ích kỉ, hẹp hòi, đố kị, ganh đua không lành mạnh; đề cao chủ nghĩa cá nhân; thiếu tính đoàn kết. Tính kỉ luật không cao, không chịu sự ảnh hưởng tích cực từ người khác (cha mẹ, ông bà, người lớn).

Quá trình hình thành những thói hư, tật xấu ở học sinh có sự tác động của môi trường sống không lành mạnh, thiếu định hướng của giá trị chuẩn mực đạo đức, thuần phong mĩ tục truyền thống bị mai một do tiếp thu không chọn lọc các dòng văn hóa thiếu lành mạnh. Khi trẻ lớn dần, nhu cầu hòa nhập xã hội, tiếp xúc với thế giới bên ngoài càng cao, môi trường ngoại cảnh không chỉ có những cái tốt đẹp mà còn bao gồm cả những cái xấu, cái không tốt. Vì vậy, việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là vô cùng cần thiết. Bởi vì:
Có được các kỹ năng sống tốt  sẽ giúp các em hình thành được nhân sinh quan, thái độ sống tích cực và hành vi đúng đắn. Trong thời đại công nghệ thông số và mạng xã hội phát triển như hiện nay, trẻ chịu tác động từ nhiều yếu tố của xã hội, tích cực có, tiêu cực có, trong nhiều trường hợp, trẻ phải tự ứng phó một mình trước hoàn cảnh nên trẻ không chỉ cần được biết thế nào là điều hay lẽ phải mà còn phải có khả năng hành động theo nhận thức đúng. Việc giáo dục kỹ năng sống nhằm giúp trẻ biến nhận thức thành hành động hữu ích.

 l5 Học sinh phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên biểu diễn văn nghệ tại Khai mạc hội thi chỉ huy đội giỏi năm 2018 
 

Được sự hỗ trợ của Dự án giáo dục trẻ thơ năm học 2017-2018 Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn cho 58 cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán thuộc các huyện Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Tuần Giáo về tìm hiểu nguyên nhân học sinh thiếu kĩ năng sống. Hệ lụy của việc thiếu kĩ năng sống tác động đến sinh hoạt và học tập của học sinh. Vai trò của gia đình, nhà trường, địa phương, cộng đồng trong việc giáo dục kĩ năng sống nhằm giúp trẻ có kĩ năng cơ bản cần thiết đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống ngày càng đa dạng và phong phú.

Chương trình tập huấn đã định hướng cụ thể mục tiêu giáo dục kĩ năng  sống, nội dung và phương pháp giáo dục kĩ năng sống, cung cấp cho đội ngũ cán bộ quản lý, tổng phụ trách Đội và giáo viên cốt cán nội dung những kĩ năng sống cơ bản đó là: Kỹ năng giao tiếp; kỹ năng tự nhận thức; kỹ năng xác định giá trị; kỹ năng ra quyết định; kỹ năng kiên định; kỹ năng ứng phó với tình huống căng thẳng; kỹ năng đặt mục tiêu; kỹ năng làm chủ bản thân (tình cảm, cảm xúc); kỹ năng tìm kiếm sự hỗ trợ; kỹ năng thể hiện sự cảm thông.

7. Thực hiện tốt kế hoạch phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia.

Thực hiện kế hoạch số 3404/KH-UBND ngày 01/11/2016 của UBND tỉnh Điện Biên về phổ cập giáo dục và xóa mù chữ giai đoạn 2016-2020 định hướng đến 2020. Năm học 2017-2018  giáo dục tiểu học Điện Biên tiếp tục chỉ đạo các xã, phường, thị trấn  tích cực tham mưu với các cấp quản lý giáo dục quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng CSVC, tuyển chọn bổ sung đội ngũ giáo viên dạy chuyên, tuyên truyền vận động học sinh trong độ tuổi, học sinh khuyết tật học hòa nhập.  Đảm bảo tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần thường xuyên đạt trên 98%.
 l6

Kiểm tra công nhận phổ cập năm 2017 tại thị xã Mường Lay


Tính đến 31/12/2017 toàn tỉnh có 88/130 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, tỉ lệ 67,7%;  41/130 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, tỉ lệ 31,5%;  01/130 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 1, tỉ lệ 0,8%.

Xác định mục tiêu xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình xây dựng nông thôn mới của cấp ủy và chính quyền địa phương và ngành giáo dục và đào tạo. Năm học 2017-2018 giáo dục tiểu học tiếp tục được đầu tư xây dựng bổ sung 55 phòng học, 16 phòng chức năng theo hướng đồng bộ, kiên cố hóa. Các phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục dành ngân sách mua sắm bổ sung thiết bị dạy học, sửa chữa bảo dưỡng 126 phòng máy tính  88 phòng ngoại ngữ, tuyển chọn  đủ giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục, tiếng Anh, Tin học cho các đơn vị còn thiếu. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa, năng lực, phẩm chất học sinh thông qua việc áp dụng hiệu quả Mô hình trường học mới Việt Nam. Bên cạnh việc xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn; các trường tiểu học còn tổ chức hiệu quả các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, ca múa hát tập thể, thi giai điệu tuổi hồng, giao lưu tiếng Việt, hội khỏe Phù Đổng để tạo sân chơi và thu hút học sinh đến trường học tập.

Kết thúc năm học 2017-2018 tỉnh Điện Biên có 112/176 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia (63,6%) trong đó: 90 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 22 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2(12,5%).

8. Thực hiện hiệu quả Đề án tăng cường tiếng việt cho học sinh dân tộc góp phần nâng cao khả năng giao tiếp, đọc hiểu, trình bày đoạn văn, bài văn cho học sinh tiểu học.

Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em Mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”  tiếp tục được thực hiện hiệu quả ở cấp tiểu học, thông qua việc tạo điều kiện về cơ sở vật chất để học sinh lớp 1 vùng dân tộc thiểu số được học 2 buổi/ngày, tổ chức cho học sinh các khối lớp 2,3,4,5 dạy tăng thêm từ 2 đến 3 buổi/tuần. Đối với các lớp có nhiều đối tượng học sinh dân tộc nhà trường có thể điều chỉnh thời gian thích hợp để tập trung dạy Toán và tăng cường Tiếng Việt. Ở địa bàn khó khăn, số lượng học sinh trong một độ tuổi ít, các trường tổ chức lớp ghép 2 trình độ để huy động tối đa số lượng học sinh đi học.

Tập trung kiểm tra giám sát, bàn giao chất lượng đối với học sinh lớp 1. Bố trí giáo viên có kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm cao tham gia phụ đạo, kèm cặp từng học sinh, bù đắp những kiến thức thiếu hụt, giúp các em đạt được yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng trước khi kết thúc năm học.

Xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh dân tộc thông qua môn tiếng Việt và các hoạt động giáo dục; thường xuyên tổ chức các trò chơi học tập, hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, làm truyện tranh, cây từ vựng…; sử dụng hiệu quả các phương tiện hỗ trợ kĩ năng nghe, nói, đọc, viết; sử dụng hiệu quả thư viện thân thiện, thư viện lưu động; tổ chức ngày hội đọc, thi kể chuyện, giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” tại lớp, giữa các lớp cùng khối, trong trường và cụm trường.

 l7

Thư viện trường tiểu học Him Lam thành phố Điện Biên Phủ


Trong quá trình tổ chức các hoạt động giao lưu tiếng Việt các đơn vị đã khuyến khích học sinh đọc còn chậm mạnh dạn tham gia, tạo tâm thế tự tin cho các em trong giao tiếp; xem xét ghi nhận, khen thưởng giáo viên có nhiều nỗ lực cải thiện chất lượng học sinh; kịp thời động viên, khen thưởng tạo động lực, niềm tin cho những học sinh có nhiều tiến bộ trong học tập.

9. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án dạy tiếng dân tộc Thái, dân tộc Mông cho học sinh tiểu học và THCS góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên.

Thực hiện Đề án dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh tiểu học  và THCS tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình tiếng Thái, Tiếng Mông cho học sinh tiểu học với mục tiêu năm học 2017-2018 tổ chức dạy tiếng Thái tại 31 trường với 129 lớp 2.917 hoc sinh; dạy tiếng Mông tại 28 trường với 159 lớp 3.925 học sinh. Kết thúc năm học 2017-2018 tỷ lệ học sinh hoàn thành và hoàn thành tốt môn: Tiêng Thái đạt 98,6%; Tiếng Mông đạt 99,1%.

Để thực hiện hiệu quả chương trình tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh tiểu học trong tháng 9 năm 2017, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức bồi dưỡng cho 35 giáo viên dạy tiếng Thái, 30 giáo viên dạy tiếng Mông về ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy tiếng dân tộc trong thời gian 02 ngày. Cung cấp 3200 cuốn tài liệu học tiếng Thái tập 1,2,3. Tổ chức biên soạn và đăng tải trên 200 bài giảng Elerning học tiếng Thái, tiếng Mông trên WWW.dienbien.edu.
 l8

Học sinh trường PTDTBT tiểu học Chà Nưa huyện Nậm Pồ học tiếng Thái
 

Với đội ngũ 45 giáo viên dạy tiếng Thái 44 giáo viên dạy tiếng Mông được đào tạo cơ bản tại trường Cao đẳng sư phạm tỉnh Điện Biên đến nay số giáo viên này đã đáp ứng yêu cầu giảng dạy môn tiếng dân tộc cho các đơn vị có nhu cầu trên địa bàn tỉnh nhằm bảo tồn,phát huy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. 

10. Xây dựng đội ngũ và tổ chức hiệu quả công tác truyền thông về  chương trình giáo dục phổ thông mới.

Năm học  2017-2018 là năm học có tính chất bản lề chuẩn bị cho việc triển khai áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo tinh thần Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn số 908/SGD ĐT-GDTH ngày 15/5/2017 về công tác truyền thông giáo dục tiểu học năm học 2017-2018, nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, giúp cha mẹ học sinh và xã hội hiểu, đồng thuận với chủ trương đổi mới giáo dục tiểu học trong giai đoạn hiện nay.

Tại các phòng Giáo dục và Đào tạo đã phân công cán bộ, giáo viên nghiên cứu viết bài gửi ban biên tập đăng trên Website của Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo. Các bài viết tập trung phản ánh công tác quản lý, chỉ đạo của các cơ sở giáo dục; công tác tổ chức lớp học của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên trực tiếp đứng lớp; các gương điển hình trong công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá chất lượng học sinh; các mô hình giáo dục triển khai có hiệu quả ở các khu vực, trên địa bàn tỉnh.

 l9

Giáo viên trường tiểu học Him Lam hướng dẫn học sinh học theo nhóm trình độ
 

Một số bài viết tiêu biểu đã được ban biên tập lựa chọn đăng trên Website của Sở Giáo dục và Đào tạo như "Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá chất lượng học sinh tiểu học" của Trường tiểu học Him Lam thành phố Điện Biên Phủ, " Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy để nâng cao chất lượng học sinh" của Trường tiểu học Thanh Luông huyện Điện Biên, "Tổ chức chuyên đề dạy Mĩ thuật theo phương pháp Đan Mạch" của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Điện Biên Phủ, " Sinh hoạt chuyên môn lấy học sinh làm trung tâm, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học " của Phòng Giáo dục tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo".

Về thực hiện các mô hình giáo dục  có các bài " Duy trì bền vững Mô hình dạy học 2 buổi/ngày" của Trường PTDTBT tiểu học Tân Phong huyện Nậm Pồ, " Kết quả thực hiện Mô hình trường học mới Việt Nam tại tỉnh Điên Biên, phương hướng và giải pháp thực hiện trong thời gian tới" của của Phòng Giáo dục tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo. Phản ánh hoạt động ngoài giờ lên lớp có bài " Giữ gìn những nét đẹp cổ truyền " của trường tiểu học Quài Tở huyện Tuần Giáo, "Tổ chức hoạt động trải nghiệm" của trường tiểu học số 1 Quài Nưa huyện Tuần Giáo.

Với những kết quả đạt được trong năm học 2017-2018, hi vọng giáo dục tiểu học Điện Biên sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong các năm học tiếp theo./.

 

Tác giả: Đào Thái Lai – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập349
  • Máy chủ tìm kiếm58
  • Khách viếng thăm291
  • Hôm nay47,114
  • Tháng hiện tại1,200,005
  • Tổng lượt truy cập70,489,895
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi