banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

Một số quy định mới về Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông

Chủ nhật - 01/03/2020 20:38
Dienbien.edu.vn - Từ ngày 12/2/2020, Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT ngày 20/12/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông (gọi tắt là Thông tư 22) chính thức có hiệu lực.
Thông tư này thay thế cho Thông tư 49/2011/TT-BGDĐT ngày 26/10/2011 ban hành Ban hành Điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non và Thông tư 21/2010/TT-BGDĐT  ngày 20/7/2010 ban hành Điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Một số điểm mới đáng chú ý trong tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi so với trước đây:
1. Thông tư 22 nhấn mạnh nguyên tắc của Hội thi: Dựa trên sự tự nguyện của giáo viên; không ép buộc, không tạo áp lực cho giáo viên tham gia Hội thi; Đảm bảo tính trung thực, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đảm bảo thực chất; Đảm bảo đúng quy định của chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Ngành.
2. Thông tư 22 quy định Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường và cấp huyện được tổ chức theo chu kỳ 02 năm một lần (trước đây chu kỳ tổ chức Hội thi cấp trường là mỗi năm 01 lần), Hội thi cấp tỉnh được tổ chức theo chu kỳ 04 năm một lần. Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức Liên hoan giáo viên dạy giỏi toàn quốc với cả cấp mầm non, phổ thông như trước đây.
Danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường và cấp huyện được bảo lưu trong thời hạn 01 năm tiếp theo năm được công nhận. Với danh hiệu cấp tỉnh được bảo lưu trong thời hạn 03 năm tiếp theo của năm được công nhận.
3. Thông tư 22 quy định tiêu chuẩn giáo viên tham gia Hội thi dựa trên chuẩn nghề nghiệp giáo viên. Ngoài các yêu cầu khác, tiêu chuẩn giáo viên tham dự Hội thi giáo viên dạy giỏi được quy như sau: Giáo viên mầm non tham dự Hội thi cấp trường phải bảo đảm đạt chuẩn nghề nghiệp ở mức khá trở lên của năm liền kề năm tham dự Hội thi, trong đó có các tiêu chí 1, 3, 4, 5, 6, 8 và 9 được quy định tại Thông tư số 26/2018/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non đạt mức tốt; giáo viên phổ thông tham dự Hội thi phải bảo đảm đạt chuẩn nghề nghiệp ở mức khá trở lên của năm liền kề năm tham dự Hội thi; trong đó các tiêu chí của tiêu chuẩn 2 (tiêu chuẩn phát triển chuyên môn, nghiệp vụ) được quy định tại Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông đạt mức tốt.
Nội dung thi gồm: thực hành một hoạt động giáo dục cụ thể theo kế hoạch giáo dục tại thời điểm diễn ra Hội thi và trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em (với bậc học mầm non); thực hành dạy một tiết và trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy (với bậc học phổ thông).         
Như vậy, quy định mới không yêu cầu phải có bài thi kiểm tra năng lực (đối với cấp mầm non); báo cáo sáng kiến kinh nghiệm hoặc kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm và bài thi kiểm tra năng lực (đối với cấp phổ thông và giáo dục thường xuyên). Phần thi thực hành cũng được giảm, giáo viên mầm non chỉ thi thực hành một hoạt động giáo dục thay vì phải thi thực hành hai hoạt động giáo dục, giáo viên phổ thông và giáo dục thường xuyên chỉ phải dạy 1 tiết thay vì 2 tiết như quy định trước. Việc không yêu cầu có sáng kiến kinh nghiệm như quy định trước hạn chế việc có trường cử giáo viên dự thi vì thành tích tập thể, nhiều sáng kiến kinh nghiệm chỉ mang tính hình thức, qua loa chiếu lệ, sao chép lại đồng nghiệp hoặc chỉnh sửa các sáng kiến tải về từ internet… để có đủ điều kiện được dự thi giáo viên dạy giỏi. Theo quy định mới, việc đánh giá giáo viên dạy giỏi sẽ đánh giá quá trình thể hiện năng lực nghề nghiệp, đánh giá giờ dạy, hoạt động giáo dục, đánh giá việc rút kinh nghiệm từ hoạt động giảng dạy và giáo dục để có báo cáo biện pháp chia sẻ kinh nghiệm của giáo viên dự thi.
4. Quy định mới rút ngắn thời gian được thông báo và chuẩn bị trước cho Hội thi dạy giỏi các cấp. Cụ thể: Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp phổ thông, thời gian thông báo và chuẩn bị trước cho tiết dạy không quá có 02 ngày; Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp mầm non, thời gian thông báo và chuẩn bị trước cho tiết tổ chức hoạt động giáo dục không quá có 02 ngày. Trước đây, tại các Thông tư 49/2011/TT-BGDĐT, Thông tư 21/2010/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục đều quy định thời gian giáo viên dự thi được thông báo và có thời gian chuẩn bị cho tiết giảng trong thời gian ít nhất là 1 tuần trước thời điểm thi giảng.
Quy định mới không cho thời gian dài chuẩn bị tiết dạy trước nhằm giải quyết một phần “bệnh thành tích”, chưa thật sự đúng mục đích, trọng tâm mà Hội thi hướng đến ở một số đơn vị, giáo viên dự thi. Khi biết trước lớp dạy, tiết dạy, giáo viên dự thi có thể tìm cách sắp xếp để không giữ nguyên trạng số lượng học sinh tại lớp mình thực hành thao giảng mà chỉ chọn một số em học khá giỏi; các bài sẽ thi giảng thường được giáo viên, học sinh dạy thử nhiều lần và ngày thi chính thức chỉ mang tính chất diễn lại. Thời gian chuẩn bị dài tạo ra áp lực rất lớn, khiến thầy trò các trường phải lo lắng, chuẩn bị công phu, lên kịch bản chi tiết, kỳ công chuẩn bị đồ dùng, phương tiện dạy học; chưa đánh giá đúng thực trạng, năng lực thật sự của đội ngũ giáo viên…
5. Thông tư 22 không quy định số năm công tác trước khi tham gia Hội thi như các Thông tư trước. Trong cùng một năm học, giáo viên có thể tham gia cả 3 Hội thi: Cấp trường, huyện, tỉnh (nếu đủ điều kiện và địa phương tiến hành tổ chức). Các tiêu chuẩn để tham gia Hội thi các cấp chỉ cần thông tin nghề nghiệp của 2 năm trở lại, không cần đến 3 hay 4 năm như trước. Việc này tạo cho nhiều giáo viên, nhất là giáo viên trẻ có năng lực có thể sẵn sàng đăng ký dự thi, tạo không khí thi đua mạnh mẽ trong toàn trường.
Có thể thấy rằng Thông tư 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rất chú ý đến việc giải quyết một số bất cập trong tổ chức các Hội thi giáo viên dạy giỏi ở cơ sở. Với những quy định mới đã được rút kinh nghiệm từ thực tiễn, công tác tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi hoàn toàn có thể đáp ứng được mục tiêu tốt đẹp đã đề ra: Phát hiện, công nhận, tôn vinh giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi và nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần thu hút sự quan tâm của các lực lượng xã hội tham gia giáo dục trẻ em, học sinh, tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục của mỗi địa phương và của toàn Ngành. Tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, hoàn thiện bản thân đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nghề nghiệp. Góp phần nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn và đẩy mạnh các phong trào thi đua dạy và học trong trường học; khuyến khích, động viên, tạo cơ hội cho giáo viên rèn luyện, tự học, sáng tạo, học hỏi, trao đổi, truyền đạt, phổ biến kinh nghiệm trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em đối với giáo viên mầm non; công tác giảng dạy đối với giáo viên phổ thông./.

Tác giả: Nguyễn Tuấn Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập167
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm149
  • Hôm nay32,578
  • Tháng hiện tại740,240
  • Tổng lượt truy cập70,030,130
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi