banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

TCCB-ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN CỦA CÁN BỘ QUẢN LÝ TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

Thứ ba - 12/06/2018 04:27
Đội ngũ cán bộ quản lý trường trường Trung học phổ thông (THPT) có vai trò quan trọng trong đổi mới giáo dục phổ thông; là một trong những lực lượng trực tiếp góp phần hoạch định chủ trương, chính sách, đề án, chiến lược và các nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông; là một nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của giáo dục phổ thông.

Xác định được tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ quản lý nói chung và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nói riêng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã sớm xây dựng chiến lược cán bộ của thời kỳ mới, ngày 18/6/1997 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII đã ban hành Nghị quyết về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tiếp theo là Chỉ thị số 40/CT-TW, ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 ngày 14/6/2005 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nhằm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đảm bảo chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và Đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, ngày 29/4/2016 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 732/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”.

Để cụ thể hóa các tiêu chuẩn của cán bộ quản lý các trường phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011, quy định chuẩn hiệu trưởng trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Bên cạnh đó, các điều kiện và tiêu chuẩn của cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh cũng được quy định trong Quyết định số 1250-QĐ/TU ngày 23/01/2017 của Tỉnh ủy Điện Biên về việc ban hành Quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử.

Theo các quy định và hướng dẫn trên, để bổ nhiệm Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các trường THPT phải đạt các tiêu chuẩn sau:

Về phẩm chất: Phải có bản lĩnh chính trị, kiên định với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; có tư duy sáng tạo, biết tiếp thu cái mới, biết giữ gìn và kế thừa truyền thống giáo dục tốt đẹp của dân tộc.

Về năng lực: Là người sẵn sàng đổi mới và có tầm nhìn chiến lược; có năng lực sáng tạo, năng lực thích ứng và hội nhập, năng lực tiếp thu nhanh trong lĩnh vực quản lý hiện đại, năng lực kiểm tra, đánh giá....

Về thời gian công tác: Phải dạy học ít nhất 5 năm (hoặc 4 năm đối với miền núi, hải đảo, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).

Về trình độ đào tạo, bồi dưỡng: Có trình độ chuyên môn từ Đại học trở lên; trình độ lý luận chính trị từ Trung cấp lý luận chính trị hoặc tương đương trở lên; đã được bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ quản lý giáo dục.

Ngoài ra, Hiệu trưởng phải đạt tiêu chuẩn khác được quy định tại Chuẩn hiệu trưởng trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Phó Hiệu trưởng phải đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp giáo viên cấp học và đủ năng lực đảm nhiệm các nhiệm vụ do Hiệu trưởng phân công.

Điều kiện và tiêu chuẩn của cán bộ quản lý giáo dục các trường THPT là cơ sở, căn cứ để Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý kế cận, các giáo viên trong diện quy hoạch các chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng có hướng phấn đấu đáp ứng các yêu cầu của người cán bộ quản lý giáo dục trong giai đoạn mới.

Để xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định hiện hành, Sở Giáo dục và Đào tạo luôn tạo điều kiện và khuyến khích đội ngũ nhà giáo nói chung và cán bộ quản lý giáo dục nói riêng tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị. Từ năm 2012 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội mở 04 lớp Thạc sỹ Quản lý giáo dục với 142 học viên là cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh. Năm 2016, 2017 Sở phối hợp với Trường Trung cấp Chính trị tỉnh mở 02 lớp Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính cho 111 cán bộ quản lý, giáo viên thuộc diện quy hoạch các chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng và tương đương trở lên. Bên cạnh đó, Sở thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và cập nhật kiến thức mới cho cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục; cử nhiều cán bộ quản lý, giáo viên tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục tại Học viện Quản lý giáo dục, tham gia học các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính được mở tại địa phương. Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của Sở Giáo dục và Đào tạo và nỗ lực phấn đấu của cá nhân, đến nay toàn ngành có 97 cán bộ quản lý các trường THPT trong đó 100% có trình độ chuyên môn từ Đại học trở lên, 47/97 có trình độ thạc sỹ Quản lý giáo dục, 58/97 có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục./.

Tác giả: Nguyễn Thị Mơ

Nguồn tin: Trường PTDTNT THPT huyện Nậm Pồ.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập428
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm155
  • Khách viếng thăm272
  • Hôm nay49,632
  • Tháng hiện tại1,261,389
  • Tổng lượt truy cập70,551,279
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi