Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên

https://dienbien.edu.vn


Hiệu quả công tác tham mưu của Phòng Giáo dục và Đào tạo với UBND huyện Điện Biên trong việc chỉ đạo triển khai, hỗ trợ các trường trên địa bàn huyện Điện Biên áp dụng thành công mô hình VNEN ở cấp tiểu học

Trong những năm qua, Phòng GD&ĐT huyện Điện Biên luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh một cách toàn diện; đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu của người học. Với ý chí quyết tâm, lòng nhiệt tình, tích cực đổi mới của các nhà trường và đặc biệt nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của UBND huyện Điện Biên.
Trong những năm qua, phòng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường thực hiện tốt hướng dẫn của Ban Quản lý Dự án VNEN, đổi mới cách dạy, cách học, cách đánh giá trong nhà trường. Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực đạt hiệu quả, chất lượng học sinh và các hoạt động giáo dục tại các trường ngày một nâng cao.

Học sinh trường TH xã Thanh Chăn huyện Điện Biên

Nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Sở GD&ĐT, năm học 2012-2013 là năm đầu tiên thực hiện dạy học theo Mô hình VNEN, Phòng GD&ĐT huyện Điện Biên đã chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án VNEN tại 10 trường với 52 lớp, 918 học sinh. Qua một năm triển khai thực hiện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên nhận thấy học sinh đã có sự chuyển biến tích cực về kỹ năng tổ chức các hoạt động học tập theo nhóm, hoạt động giao tiếp, kỹ năng sống và đặc biệt chất lượng học sinh đã có những chuyển biến rõ nét. Năm học 2013-2014, Phòng GD&ĐT tham mưu với UBND huyện Điện Biên tiếp tục triển khai 10 trường Dự án và nhân rộng 12 trường; năm học 2014 – 2015, triển khai tại 22 trường, nhân rộng thêm 15 trường còn lại, trên tinh thần tự nguyện với 520 lớp và 10.644 học sinh (trong đó số học sinh dân tộc chiếm 78,9 %). Năm học 2015-2016 đến nay, triển khai đại trà 100% số lớp, số học sinh khối 2,3,4,5 thực hiện dạy học theo Mô hình VNEN.

Học sinh trường TH xã Thanh Luông tự tin trình bày nội dung học tập

Đến với các trường Tiểu học của huyện Điện Biên, dễ dàng nhận ra VNEN vì những điểm nổi bật trong tổ chức thực hiện, đó là những đổi mới đầy sáng tạo và hiệu quả: Đổi mới tổ chức lớp học; đổi mới trường, lớp học; đổi mới phương pháp dạy và học, cách kiểm tra đánh giá học sinh; phối hợp nhà trường, gia đình, cộng đồng trong giáo dục học sinh. Vì thế, giáo dục huyện Điện Biên tiếp tục nhận được sự đồng thuận ủng hộ cao của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương. Các trường tiểu học có sự thay đổi rõ rệt, trường lớp khang trang, sạch, đẹp; học sinh đã tự tổ chức được hoạt động, không khí lớp học sôi nổi, thân thiện.
Năm học 2018-2019 huyện Điện Biên có 37/37 trường (34 trường TH, PTDTBTTH và 03 trường TH&THCS) với 472 lớp, 11592 học sinh, học sinh dân tộc 9107/11592, chiếm tỷ lệ 78,5%. Triển khai dạy học theo Mô hình trường học mới Việt Nam với 350 lớp, 8841 học sinh, tỷ lệ 100%. Dạy học tiếng Việt lớp 1 theo chương trình Công nghệ giáo dục với 106 lớp, 2564 học sinh (16 lớp, 187 học sinh lớp ghép theo chương trình hiện hành). Dạy học chương trình tiếng Anh bắt buộc tại 37/37 trường với 249 lớp, 6455 học sinh, chương trình Tin học đối với các lớp 3,4,5 ở 36/37 trường, 215 lớp, 5882 học sinh. Triển khai phương pháp dạy học Mĩ thuật theo Đan Mạch tại 37/37 trường tiểu học; dạy học tiếng Thái tại 10 trường tiểu học với 36 lớp và 760 học sinh. 37/37 trường thực hiện dạy học 2 buổi/ngày với 472 lớp, 11592 học sinh. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, toàn cấp có 975 biên chế. 100% CBQL, GV có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn (trong đó trình độ trên chuẩn chiếm 90,9%). Tổng số 75 CBQL; 736 Giáo viên, 164 Nhân viên.  Tổng số phòng học 472 phòng, trong đó số phòng kiên cố 328, số phòng bán kiên cố 140, số phòng tạm 4, số phòng mượn 0, tỷ lệ phòng học kiên cố và bán kiên cố của huyện đạt 99,1%.
Trong quá trình triển khai và nhân rộng Mô hình VNEN, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện Điện Biên và các ban ngành liên quan. Đặc biệt là sự tham gia, nhiệt tình ủng hộ của các tổ chức đoàn thể và nhân dân địa phương. Các trường tham gia Mô hình trường học mới VNEN được hỗ trợ kinh phí tu sửa cơ sở vật chất, trang trí lớp học, mua sắm bổ sung trang thiết bị và làm đồ dùng học tập, mua văn phòng phẩm, tổ chức sinh hoạt chuyên môn cụm trường, bồi dưỡng giáo viên cấp trường, cấp tỉnh hàng năm. Cán bộ quản lý, giáo viên các trường tham gia Dự án và nhân rộng được các chuyên gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo tập huấn trực tiếp về công tác quản lý, tổ chức lớp học, các kĩ thuật dạy học tích cực, phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, sự tham gia của cộng đồng và đổi mới đánh giá học sinh tiểu học.

Thư viện trường TH xã Thanh An huyện

Ban quản lý Dự án Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ Tài liệu hướng dẫn học, đảm bảo đủ mỗi em/01 bộ. Cụ thể: Năm 2012, tiếp nhận 800 bộ tài liệu Hướng dẫn học lớp 2,3; năm 2013 là 850 bộ liệu Hướng dẫn học lớp 4; năm 2015 là 765 bộ tài liệu hướng dẫn học lớp 5 và 270 bộ tài liệu hướng dẫn giáo viên dạy học theo Mô hình trường học mới Việt Nam. Ngoài ra, Dự án VNEN Trung Ương còn hỗ trợ 800 bộ sách tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục dành cho học sinh và 70 bộ tài liệu tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục dành cho giáo viên. Trong giai đoạn 2013-2016 ban quản lý dự án VNEN Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hỗ trợ cho 10 trường tiểu học tham gia Dự án kinh phí chi thường xuyên, tu sửa cơ sở vật chất, mua sắm bàn ghế, dạy tăng cường tiếng Việt, hỗ trợ học sinh điểm trường ăn trưa, hợp đồng nhân viên trợ giảng, sinh hoạt chuyên môn cụm trường, tập huấn cán bộ quản lý và giáo viên trị giá hàng tỷ đồng.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai Mô hình VNEN tại các trường tiểu học huyện Điện Biên cũng gặp một số khó khăn, Địa bàn huyện rộng, dân cư không tập trung, đời sống của đồng bào các dân tộc trong huyện còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhận thức của đồng bào các dân tộc về nhu cầu học tập của con em đã có chuyển biến; song ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn việc nhận thức còn hạn chế đã ảnh hưởng đến việc huy động, duy trì tỷ lệ đi học chuyên cần của học sinh. Học sinh phần lớn là con em dân tộc nên còn rụt rè, chưa mạnh dạn, hạn chế vốn tiếng Việt, khả năng điều hành nhóm học còn hạn chế, nhất là học sinh ở vùng khó khăn. Nên chất lượng giáo dục chưa đồng đều, còn sự chênh lệch giữa vùng thuận lợi với vùng khó khăn. Cơ sở vật chất tuy đã được quan tâm đầu tư xây dựng song vẫn còn nhiều khó khăn; Một số phòng học diện tích hẹp, số lượng học sinh đông, khó khăn cho việc tổ chức các hoạt động theo Mô hình trường học mới. Công tác huy động cộng đồng tham gia hỗ trợ về cơ sở vật chất, về đồ dùng học tập của các trường vùng ngoài còn gặp nhiều khó khăn.
Trong quá trình triển khai thực hiện Mô hình VNEN, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu với UBND huyện các Chỉ thị, văn bản, kế hoạch, tuyên truyền, đầu tư xây dựng CSVC, sơ kết, tổng kết như: Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 28/8/2012 của UBND huyện về về nhiệm vụ trọng tâm công tác giáo dục và đào tạo huyện Điện Biên năm học 2012-2013, trong đó chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, vật lực, tài lực, trí lực cho công tác xây dựng thí điểm Mô hình VNEN tại 10 trường tiểu học trong huyện; Nghị quyết số số 11/NQ-HĐND ngày 27/3/2013 về phát triển giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2011- 2015, định hướng 2020 của huyện Điện Biên; Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 9/9/2013 của UBND huyện về nhiệm vụ trọng tâm công tác giáo dục và đào tạo huyện Điện Biên năm học 2013-2014, trong đó nhấn mạnh tiếp tục triển khai 10 trường Dự án VNEN và nhân rộng 12 trường tiểu học học theo mô hình VNEN, tích cực tuyên truyền vận động nhân dân cho con em học tập theo mô hình trường học mới Việt Nam; Chương trình hành động số 09-CTr/HU ngày 20/12/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Điện Biên về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giai đoạn 2016-2020; Căn cứ Kế hoạch số 1270/KH-UBND ngày 27/7/2017 của UBND huyện Điện Biên về kế hoạch đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo huyện Điện Biên giai đoạn 2017 – 2020; Công văn số 823/UBND ngày 29/5/2017 của UBND huyện về Kế hoạch triển khai Mô hình trường học mới năm học 2017-2018, trong đó có nội dung yêu cầu đối với học sinh lớp 1 trước khi vào lớp 2 học theo Mô hình VNEN đều phải biết đọc, biết viết và làm quen các thành tố tích cực của Mô hình trường học mới Việt Nam; Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 14/9/2018 của UBND huyện về nhiệm vụ trọng tâm công tác giáo dục và đào tạo huyện Điện Biên năm học 2018-2019. 
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên tích cực tham mưu với Huyện ủy, HĐND&UBND huyện về công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn; chủ động xây dựng kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục sát với thực tế tại các nhà trường; Đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị bổ sung hàng năm trong giai đoạn 2012-2019 hàng trăm tỉ đồng. Chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục và đào tạo đến cấp ủy chính quyền, đoàn, hội, địa phương, cộng đồng cha mẹ học sinh về Mô hình trường học mới Việt Nam và chương trình Công nghệ giáo dục lớp 1 để nhân dân, cha mẹ học sinh hiểu và cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc tạo dựng môi trường học tập cho con em. Hàng năm, các nhà trường đã huy động được hàng ngàn ngày công lao động từ phía cha mẹ học sinh trong việc xây dựng cảnh quan trường, lớp (hình ảnh huy động ngày công lao động, trang trí lớp học) và trên 20 tỉ đồng từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị cho các nhà trường.

Học sinh Trường Tiểu học Noong Luống, huyện Điện Biên

Mô hình trường học mới Việt Nam khơi dậy cho học sinh niềm đam mê học tập, tiếp thu kiến thức và phát huy được tính sáng tạo, linh hoạt của học sinh đặc biệt là học sinh dân tộc. Chất lượng giáo dục của huyện vì thế luôn đứng trong tốp đầu của tỉnh, được các đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đến thăm và đánh giá cao các hoạt động của Mô hình VNEN được triển khai tại huyện Điện Biên, đặc biệt là chất lượng học tập của học sinh.
Công tác triển khai Mô hình VNEN của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên luôn là lá cờ đầu trong tỉnh được các cấp đánh giá cao công tác triển khai thực hiện. Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện và các tỉnh khác đến thăm quan học tập công tác tổ chức thực hiện cũng như quy mô triển khai mô hình trường học mới Việt Nam, đây là mô hình điển hình đáp ứng mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị trung ương 8 khóa XI.

Để thực hiện Mô hình VNEN đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các trường tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả triển khai vận dụng Mô hình trường học mới một cách khoa học, phù hợp với nội dung văn bản hướng dẫn và tình hình thực tế tại các trường tiểu học, PTDTBTTH, đây là tiền đề để kế tiếp chương trình giáo dục phổ thông mới. Các trường rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, tích cực cập nhật thông tin, tài liệu, nghiên cứu văn bản chỉ đạo các cấp về Mô hình VNEN, chương trình giáo dục phổ thông mới để tiếp tục triển khai vận dụng Mô hình trường học mới Việt Nam đạt hiệu quả. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên môn cấp trường, cụm trường, cấp huyện, bồi dưỡng tập huấn đội ngũ cán bộ, giáo viên về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để chuẩn bị thay sách năm học 2020-2021. Chỉ đạo cán bộ, giáo viên tích cực tự học, tự bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, kiến thức, nghiên cứu chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để nắm bắt nội dung và chuẩn bị hành trang cho năm học đổi mới SGK 2020-2021.
Trên đây là tham luận Hiệu quả công tác tham mưu của Phòng Giáo dục và Đào tạo với UBND huyện Điện Biên trong việc chỉ đạo triển khai, hỗ trợ các trường trên địa bàn huyện áp dụng thành công mô hình VNEN ở cấp tiểu học, đáp ứng mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị trung ương 8 khóa XI.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây