Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên

https://dienbien.edu.vn


Một số kinh nghiệm tổ chức trò chơi xây dựng cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non

Dienbien.edu.vn- Trò chơi xây dựng là một trong những trò chơi có sức hấp dẫn và có tác động mạnh đến sự phát triển toàn diện của trẻ mầm non. Tổ chức tốt trò chơi xây dựng phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của trẻ, do vậy giáo viên cần linh hoạt sử dụng một số kinh nghiệm sau để tổ chức trò chơi xây dựng cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non.
1.Tổ chức cho trẻ quan sát tranh ảnh, băng đĩa, mô hình và tham quan các công trình xây dựng
- Giáo viên chuẩn bị các loại tranh ảnh, băng đĩa, mô hình về các công trình kiến trúc nổi tiếng, các khu di tích lịch sử, bảo tàng, các căn nhà có kiểu dáng đệp, các khu vui chơi… Tranh ảnh (băng đĩa, mô hình) phải rõ, đẹp, hình ảnh nổi bật, có nét đặc trưng.
- Cho trẻ quan sát tranh ảnh, băng đĩa, mô hình ở mọi nơi, trong các góc hoạt động hoặc ở ngoài trời. Trong quá trình quan sát, giáo viên hướng dẫn trẻ tới việc tri giác cấu trúc chung của công trình xây dựng, đồng thời nhấn mạnh những vẻ đẹp độc đáo của đối tượng để tăng hứng thú của trẻ. Sử dụng câu hỏi gợi mở kích thích trẻ quan sát, trao đổi, thảo luận để khắc sâu hình ảnh, biểu tượng của đối tượng quan sát, chẳng hạn: Đoán xem đây là công trình xây dựng ở đâu? Công trình này xây dựng cái gì? Có những khu (phần) nào? Lối đi, cổng ra vào, các ô cửa sổ được trang trí như thế nào?...

Trải nghiệm xây dựng siêu thị của các bé mẫu giáo,
 Trường Mầm non xã Thanh Luông, huyện Điện Biên
- Tạo điều kiện cho trẻ dạo chơi, tham quan, tiếp xúc với các công trình xây dựng ở xung quanh. Chọn công trình xây dựng đẹp, gần với mục tiêu chủ đề trẻ sẽ khám phá…ở gần trường để cho trẻ tham quan. Có thể phối hợp với phụ huynh trẻ để tổ chức cho cả lớp đi tham quan ở những nơi xa trường.
- Lập kế hoạch cụ thể cho buổi quan sát (quan sát gì, vào thời điểm nào, cần đặt câu hỏi gì cho trẻ…). Cần tìm hiểu vốn kinh nghiệm và hứng thú của trẻ. Trong quá trình quan sát, giáo viên trao đổi, gợi hỏi để trẻ khắc sâu biểu tượng quan sát và mở rộng hiểu biết của trẻ. Sau khi tham quan, giáo viên trò chuyện, gợi hỏi để trẻ có thể mô tả lại công trình xây dựng hoặc nói về những gì trẻ thấy trong chuyến tham quan. Ví dụ: “Các con được tham quan ở đâu? Hãy kể lại những gì các con đã nhìn thấy? Công trình đó được xây dựng như thế nào?...”.
- Giáo viên cần linh hoạt giải quyết các tình huống nảy sinh trong quá trình tổ chức cho trẻ quan sát và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ trong quá trình dạo chơi, thăm quan.
2. Tạo tình huống và tận dụng tình huống nảy sinh trong quá trình trẻ tham gia trò chơi xây dựng.
- Tạo tình huống lôi cuốn trẻ tham gia vào trò chơi xây dựng, tình huống có thể được tạo ra dưới dạng một bài hát, bài thơ, câu chuyện (có thể do giáo viên tự nghĩ ra) giúp trẻ có hứng thú, động cơ bước vào trò chơi xây dựng. Giáo viên cần tạo bầu không khí thân thiện, cởi mở để tất cả trẻ đều có thể tham gia.
- Quan sát trẻ chơi giúp giáo viên phát hiện những tình huống nảy sinh theo diễn biến của trò chơi và sử dụng các tình huống đó kích thích trẻ tích cực tìm tòi, suy nghĩ và tìm cách giải quyết. Chẳng hạn: khi trẻ đang xây dựng, hết nguyên vật liệu, … giáo viên có thể đặt câu hỏi: Có thể dùng những gì để tiếp tục công trình xây dựng? Ai có thể đi mua thêm nguyên vật liệu? Có thể thay thế bằng cái nào khác được không?...
- Giáo viên có thể tạo ra tình huống chơi mới, gợi mở phát triển nội dung chơi, mở rộng chủ để và tăng cường sự liên kết giữa các góc chơi để duy trì hứng thú chơi của trẻ. Ví dụ; “Trẻ đang xây dựng “khu chăn nuôi”, đặt tình huống: “Có cá và tôm giống tốt, mua thêm để nuôi. Khi “các bác thợ xây” đồng ý mua. Giáo viên gợi ý “Đã có ao nuôi cá chưa? Nhiều cá tôm như thế này phải có ao to đấy”. Như vậy, trẻ sẽ hào hứng bàn nhau mở rộng ao nuôi cá, rồi sang cửa hàng mua bán vật liệu xây dựng để mua thêm vật liệu, sang cửa hàng nông sản để mua thêm thức ăn cho cá, tôm… giáo viên liên tiếp đặt ra các tình huống lôi cuốn trẻ đến hoàn cảnh chơi mới, từ đó mở rộng nội dung, chủ đề, phạm vi vui chơi và kéo dài hứng thú chơi của nhóm trẻ, …
- Tình huống đó cần được phát triển một cách tự nhiên, không kiên cưỡng và được đặt trong mối liên hệ với các hoạt động khác.

Chơi trò chơi xây dựng của các bé mẫu giáo lớn,
Trường Mầm non Thanh Bình, thành phố Điện Biên Phủ

3. Chuẩn bị đồ dùng, đồ chơi phong phú và khuyến khích trẻ sử dụng theo các cách khác nhau.
- Bố trí khu vực chơi xây dựng phù họp với diện tích lớp và trong mối quan hệ với các khu vực khác.
- Chuẩn bị các nguyên vật liệu chơi phong phú và sắp xếp các đồ dùng, đồ chơi trong khu vực chơi mang tính cởi mở, thuận tiện cho việc lựa chọn , sử dụng ý thích của trẻ và phù hợp với nội dung hoạt động của chủ đề, đồng thời giúp trẻ nảy sinh những ý tưởng và nội dung chơi mới.
- Đồ dùng đồ chơi phong phú về màu sắc, chủng loại, chất liệu trong đó bao gồm cả đồ chơi mang tính sản phẩm công nghiệp và đồ chơi tự tạo từ nguyên vật liệu thiên nhiên hoặc vật liệu tái sử dụng (vỏ hộp cacton, thìa nhựa, tranh ảnh cũ, vỏ hộp, ống hút,…). Các vật liệu trên có thể được chuẩn bị bằng cách mua ở các cửa hàng, huy động phụ huynh thu gom giúp hoặc cô và trẻ cùng sưu tầm, thu nhặt được khi đi dạo chơi, thăm quan …
- Trong quá trình trẻ tham gia vào trò chơi, giáo viên gợi ý để trẻ biết khai thác tối đa cách thức sử dụng các nguyên vật liệu, đồ chơi theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ: làm cột đèn cao áp bằng cách dán úp hai chiếc thìa nhựa vào nhau hoặc gắn quả bóng bàn nhỏ ở phía trên chiếc đũa…
- Cuối mỗi chủ đề, giáo viên khuyến khích và tạo cơ hội cho trẻ cùng tham gia thảo luận về những đồ dùng, đồ chơi, nguyên vật liệu cần dùng cho chủ đề kế tiếp, sau đó gợi ý để trẻ chuẩn bị và sắp xếp đồ dùng cùng với cô. Sắp xếp, bài trí các nguyên vật liêu, đồ dùng, đồ chơi trong khu vực chơi mang tính cởi mở, phù hợp với chủ đề.
- Thiết kế môi trường, bố trí nguyên vật liệu trong khu vực chơi “xây dựng” đảm bảo tính thẩm mỹ, mang tính cởi mở, phù hợp với quá trình triển khai chủ đề và luôn tạo sự tươi mới, hấp dẫn, kích thích trẻ hoạt động. Không bày quá nhiều đồ dùng, đồ chơi với mục đích trang trí khu vực chơi là chủ yếu. Nếu quá gọn gàng, ngăn nắp sẽ hạn chế các hoạt động và không phát huy được khả năng sáng tạo của trẻ.
- Các đồ dùng, đồ chơi, nguyên vật liệu trong góc được sắp xếp sao cho dễ lấy, dễ lựa chọn và phù hợp với điều kiện, đặc điểm của địa phương. Mỗi chủ đề, giáo viên cần thay đổi đồ chơi, thiết bị chơi để tạo cảm xúc mới và tăng cường hứng thú hoạt động của trẻ. Vật liệu được sắp xếp trong các hộp nhựa trong, rổ, vỏ hộp cũ…được phân loại và ghi rõ nhãn mác.
- Ngoài cây xanh, tranh ảnh, sản phẩm thủ công mỹ nghệ địa phương… giáo viên nên sử dụng chính những sản phẩm của hoạt động của trẻ để trang trí cho khu vực chơi.

Các bé Trường Mầm non Mường Đun, huyện Tủa Chùa

-  Khu vực chơi được trang trí hấp dẫn với tên gọi và những hình ảnh phù hợp, giúp trẻ nhận biết khu vực chơi một cách dễ dàng. Tên góc đơn giản, gần gũi, dễ hiểu đối với trẻ và phù hợp với nội dung từng chủ đề như: “Công trình xây dựng”, “Công viên bách thú”, “Ngôi nhà của bé”, “Vườn hoa xuân” và được viết to theo đúng quy định mẫu chữ, giúp trẻ làm quen với chữ viết. Có thể dán thêm tranh ảnh ở góc này như một gợi ý về nội dung chơi cho trẻ (như tranh ảnh về nhà: nhà ở thành phố, nhà ở nông thôn, khu chung cư…). Ngoài ra, có thêm những bộ trang phục hoặc đồ dùng của người lớn phù hợp với nội dung trò chơi để giúp trẻ tham gia vào trò chơi và thực hiện hành động của vai chơi một cách biểu cảm hơn như bộ quần áo công nhân xây dựng, mũ bảo hộ lao động, khẩu trang, xẻng, xô, bay, dao xây, …
-  Trong góc chơi xây dựng, bố trí nơi trưng bày sản phẩm đã hoàn thiện và sản phẩm chưa hoàn thiện. Việc này giúp trẻ phát huy tối đa khả năng sáng tạo của trẻ, kích thích trẻ nảy sinh những ý tưởng mới trong trò chơi xây dựng.
 Hy vọng một số kinh nghiệm này sẽ giúp giáo viên thực hiện tốt hơn khi tổ chức cho trẻ chơi trò chơi xây dựng trong các cơ sở giáo dục mầm non./.

Tác giả: Nguyễn Thị Huệ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây