banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

Những 'em nuôi' đặc biệt của cô giáo ở Điện Biên

Thứ ba - 23/08/2022 22:44
“Hôm qua đi trao quà cho hai chị em mồ côi ở Nà Tấu, tôi có hỏi cô chị (tầm 14 - 15 tuổi) là “con học lớp mấy?”. Nghe bé trả lời: “Con nghỉ học lâu rồi vì không có tiền!” mà thấy cay khóe mắt…”. Sau mỗi sẻ chia như thế, cô giáo Nguyễn Thị Hà lại ngược xuôi kết nối thêm nhà hảo tâm cho dự án “em nuôi”…
 “Hôm qua đi trao quà cho hai chị em mồ côi ở Nà Tấu, tôi có hỏi cô chị (tầm 14 - 15 tuổi) là “con học lớp mấy?”. Nghe bé trả lời: “Con nghỉ học lâu rồi vì không có tiền!” mà thấy cay khóe mắt…”. Sau mỗi sẻ chia như thế, cô giáo Nguyễn Thị Hà lại ngược xuôi kết nối thêm nhà hảo tâm cho dự án “em nuôi”…
 
Cho đến nay, cô Hà đã nhận nuôi hơn 20 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong tỉnh Điện Biên

Cuộc gặp định mệnh
Giàng A Say là người Mông, sinh ra tại xã biên giới Nà Bủng, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên). Từ nhỏ, Say không biết mặt bố, mẹ sang Trung Quốc làm thuê rồi mất tích luôn. Những năm tháng tuổi thơ, em sống trong sự đùm bọc của gia đình người cậu ở Yên Bái.
Học hết lớp 9, vì gia đình cậu cũng khó khăn, lại đông con nên Say đứng trước nguy cơ phải nghỉ. “Mặc dù cậu vẫn muốn em học tiếp, nhưng cũng không còn khả năng lo kinh phí cho em nữa. Trong lúc loay hoay, chán nản không biết có nên bỏ học hay không, mà bỏ rồi làm gì… thì em gặp cô giáo Hà. Cô khuyên làm hồ sơ về trường cô đang giảng dạy và hứa là sẽ tìm cách lo kinh phí học tập cho em”, Say tâm sự.
Với sự hướng dẫn, hỗ trợ tận tình của cô Hà, tháng 9/2021, Say chính thức nhập học tại Trường THPT Phan Đình Giót (Điện Biên). Ngày về trường, hành trang em mang theo chỉ vài bộ quần áo nhàu nhĩ. Thương trò, cô Hà dẫn Say đi mua thêm một số đồ dùng thiết yếu và dụng cụ học tập.
Vì khu nội trú nhà trường đã kín chỗ, nên Say phải thuê trọ bên ngoài. Khoản tiền hỗ trợ từ chế độ của học sinh theo học tại trường không đủ trang trải, thời gian đầu cô Hà trích lương của mình để giúp trò. Lâu dần, cô kết nối được với nhà từ thiện để hỗ trợ kinh phí nuôi Say ăn học.
 
Mỗi lần trao quà hỗ trợ, cô Hà đều cố gắng sắp xếp để học sinh nhà trường đi cùng, nhằm giáo dục tình yêu thương, sự sẻ chia cho các em

“Lúc đầu em cũng chưa dám tin, chỉ nghĩ cứ về trường học rồi tính sau. Nhưng nhập trường rồi mới biết cô Hà nói là làm thật. Từ ngày về học, cậu em không hỗ trợ được tháng nào, toàn bộ chi phí là cô lo. Mỗi tháng, em được nhận thêm 500 nghìn đồng và nhu yếu phẩm từ cô, đảm bảo đủ cho sinh hoạt. Vì thế em yên tâm tập trung lo học”, Say tâm sự.
Đầu năm vừa qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn. Hàng loạt trường học đóng cửa, học sinh, giáo viên nhiễm bệnh. Say cũng không ngoại lệ. Sau khi có kết quả xác định dương tính, em được đưa đến cách ly tập trung tại Trường Cao đẳng sư phạm Điện Biên.
Lo lắng không có kinh phí chi trả, Say định bụng bỏ trốn. Em kể, khi đó em tính sẽ trốn ra ngoài, rồi xin đi nhờ xe vào Nà Bủng, lên nương ở cách ly. Nhưng khi nhắn tin tâm sự, Say bị cô Hà mắng. Cô khuyên bảo Say làm thế không chỉ nguy cơ lây lan dịch mà còn vi phạm pháp luật, bị phạt sẽ khổ hơn. Bản thân mắc bệnh mà không có người chăm sóc, giám sát cũng rất nguy hiểm.
“Cô động viên em yên tâm, rồi kết nối để xin hỗ trợ toàn bộ chi phí cho em lần đó. Mỗi lần gặp khó khăn cô đều đồng hành như thế. Em biết ơn nhiều lắm, nếu không gặp cô Hà giờ chẳng biết em thế nào?!”, Say nói.

Dự án “em nuôi” kết nối các mạnh thường quân hỗ trợ hàng tháng từ 500 nghìn - 1 triệu đồng kèm nhu yếu phẩm cho mỗi trường hợp
Chân thành “chạm” trái tim
“Vượt hơn 30km đến thăm bé lúc trời tối lắm rồi. Đường xa, thời tiết mưa sập sùi không ủng hộ, nhưng biết rằng tháng nào bé cũng mong lắm ngày này để gặp cô, nên cứ đi.
…Trên giường, 3 đứa bé khác đang ngủ say sưa, quần áo không có mặc là có thật. Chiếc chăn cũ kĩ lắm rồi… Ngôi nhà bé xíu có tất cả 11 người sống với nhau. Bếp lửa là thứ sáng duy nhất trong nhà lúc này.
Hôm nay, cô mang đến cá, thịt, trứng, bánh, sữa, thạch, mắm, súp, mì… cả nhà vui lắm. Mong rằng nhiều lần, nhiều tháng, nhiều năm nữa vẫn được hỗ trợ bé… Cho đến lúc con lớn khôn, trưởng thành và thoát khỏi cái nghèo!”.
Đây là dòng trạng thái cô Hà viết trên trang Facebook cá nhân về hoàn cảnh bé Vàng Duyên Phòng, bản Hua Rốm, xã Nà Tấu, TP Điện Biên Phủ. Tháng nào cũng thế, những dòng sẻ chia như thế liên tục được cập nhật và dài thêm.
“Tôi đưa lên không phải để khoe mẽ, mà mục đích chính là báo cáo với các nhà từ thiện về những trường hợp mà họ hỗ trợ. Đồng thời, cũng nhờ sức mạnh của mạng xã hội để kết nối nhiều hơn những tấm lòng để có thêm những mảnh đời thiệt thòi được nhận nuôi”, cô Hà giãi bày.
Mặc dù Trường THPT Phan Đình Giót, nơi cô Hà công tác nằm trên địa bàn TP Điện Biên Phủ, song có hơn 70% học sinh là người dân tộc thiểu số, các em đến từ vùng sâu, vùng xa trong tỉnh như: Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông, Mường Chà. Đa số các em có hoàn cảnh khó khăn, con hộ nghèo, mồ côi…, thiếu ăn, thiếu mặc…
Suốt quá trình công tác, cô Hà chứng kiến có những ngày mùa đông nhiều em phải co ro trong manh áo mỏng. Rồi đầu năm học, đón tân học sinh đứa nào đứa ấy đen gầy, nhút nhát… cô lại chạnh lòng. Từ đó, cô tâm sự nhiều hơn với các em, tìm hiểu kỹ từng hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng để cố gắng kết nối hỗ trợ phù hợp.
“Ban đầu, ở nhà có quần áo, giầy dép, sách vở cũ gì thì tôi mang cho các em. Cuối tuần rảnh thì kho nồi cá. Dần dần, tôi đi xin thêm từ bạn bè, người thân và đồng nghiệp. Lần nào cũng phải nói rất khéo để các em đỡ ngại mà nhận. Có lẽ, bởi mọi thứ đều là rất thật và chân thành, nên dễ dàng chạm đến trái tim nhiều người. Từ đó, chính họ chủ động gợi ý là sẽ hỗ trợ lâu dài hơn cho các em” – cô Hà kể về lý do dự án “em nuôi” ra đời.
Cho đến nay, dự án của cô đã kết nối, hỗ trợ được hơn 20 trường hợp ở nhiều địa bàn khó khăn trong tỉnh Điện Biên. Hàng tháng, mỗi em được nhận kinh phí từ 500 nghìn – 1 triệu đồng, cùng nhu yếu phẩm. Hiện tại, em nuôi nhỏ nhất mới 3 tuổi và lớn nhất 17 tuổi, đa phần là trẻ mồ côi, bệnh tật.
Lò Thị Nguyệt Nhi, lớp 10A6 là “em nuôi” mà cô Hà luôn tự hào. Bố bị tai nạn giao thông mất từ khi Nhi còn chưa sinh ra. Mẹ vất vả nuôi em ăn học đến năm 11 tuổi thì cũng bệnh nặng qua đời. Em được cậu mợ nhận về nuôi dưỡng. Vì hoàn cảnh khó khăn, cậu mợ sức khỏe yếu, nên con đường học tập của em có nguy cơ dừng lại sau khi kết thúc lớp 9.
“Nếu không gặp cô Hà, có lẽ giờ này em cũng lấy chồng, sinh con như một số người trong bản. Nhờ cô mà em được đi học tiếp. Không chỉ hỗ trợ kinh phí học tập, sự động viên của cô giúp em có thêm động lực để phấn đấu. Năm học vừa rồi em đạt học sinh giỏi, cô rất mừng”, Nhi bộc bạch.
Cô Hà mong muốn tất cả trẻ em vùng cao đều có được cuộc sống đầy đủ, ăn no, mặc ấm, chăm sóc và bảo vệ bình đẳng…

Trăn trở những “mảnh đời” trên non
Vì là người yêu thích làm thiện nguyện, cô Hà thường xuyên có cơ hội đến các bản vùng sâu, vùng xa khó khăn để trao quà, hỗ trợ. Cũng từ đây, cuốn nhật ký của cô ngày một dày thêm những “mảnh đời” khó khăn.
“Mỗi lần đến bản trao quà, tôi thường đều dành thời gian để thăm các hộ dân quanh đó, nắm bắt và ghi lại các hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Chỉ tiếc là sổ thì dày lên, mà thực tế mới kết nối được với số ít mạnh thường quân. Tôi thật lòng trăn trở, day dứt sức mình có hạn”, cô Hà bộc bạch.
Đây cũng là lý do thời gian gần đây cô Hà đẩy mạnh thông tin, chia sẻ các trang mạng xã hội. Với mỗi trường hợp trước khi quyết định gửi thư kêu gọi hoặc xin hỗ trợ, cô Hà đều trực tiếp đến tận nhà, gặp đại diện bản, chính quyền địa phương để xác minh.
“Với mỗi đứa trẻ vùng cao, tôi đều mong chúng có được cuộc sống đầy đủ, ăn no, mặc ấm, chăm sóc và bảo vệ bình đẳng… nhưng điều đó quá lớn. Nên chỉ có thể kết nối hỗ trợ với từng trường hợp cụ thể, thật sự đặc biệt. Và tôi cũng mong, mỗi tấm lòng đã gửi gắm nơi tôi đều đúng chỗ, đúng địa chỉ và thực sự có giá trị”, cô Hà nói.
Thế nhưng, không phải trường hợp nào hỗ trợ cũng đã là đủ. Khi hỗ trợ rồi, cô mới thấy, nhiều hoàn cảnh thực tế khó khăn còn chồng khó khăn hơn. Như trường hợp em Trần Đình An Na, lớp 6A1, Trường THCS Thanh Luông, có mẹ bị bệnh xơ cứng bì (căn bệnh hiếm gặp trên thế giới và chưa có cách chữa trị).
Bệnh tật khiến mẹ Na không thể lao động. Ngôi nhà bé nhỏ, cũ kỹ được ông bà để lại hẹp đến nỗi cửa ra vào chỉ 2 người đứng đã kín. Thế nhưng, cô Hà bảo, hai chị em Na rất hiểu chuyện, luôn lễ phép, chăm chỉ học tập và làm việc nhà. Sự thiện cảm ngay lần đầu khiến cô Hà không khỏi trăn trở.
“Hôm vào thăm, mẹ Na nhận ra tôi là cô giáo dạy hồi THPT. Đã gần 20 năm trôi qua rồi, cô trò gặp nhau trong hoàn cảnh này thật sự rất xót xa. Thương cô học trò cũ, thương những đứa trẻ con… tôi mong có thể làm được nhiều hơn thế, mà trước mắt mới chỉ có thể nhận nuôi được mình Na”, cô Hà trải lòng.
Rồi lại cũng từ chuyến làm từ thiện tại bản Tâu, xã Hua Thanh (huyện Điện Biên), cô Hà biết đến câu chuyện về một bà cụ già bị mù, nuôi 2 cháu mồ côi. Năm trước một cháu đi làm ở Bắc Ninh bị tai nạn giao thông, về nằm thực vật. Mọi chi phí ăn, uống, sinh hoạt hàng ngày phụ thuộc cả vào gánh lưng còng bà cụ.
“Từ hôm về, tôi liên hệ với nhiều nhà hảo tâm để xin kinh phí hỗ trợ bà hàng tháng. Vừa rồi, định mang 10kg gạo đến biếu bà theo định kỳ, nhưng chưa kịp đi thì nghe tin cụ đã qua đời. Lúc ấy đau lòng vô cùng. Mỗi câu chuyện, hoàn cảnh, cứ ám ảnh như thế khiến tôi không để dừng lại. Nhưng chặng đường này còn dài, tôi cần thêm những tấm lòng đồng cảm, sẻ chia”, cô Hà nói./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,027
  • Máy chủ tìm kiếm50
  • Khách viếng thăm1,977
  • Hôm nay397,352
  • Tháng hiện tại1,488,420
  • Tổng lượt truy cập72,197,800
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi