banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

GDMN - Chia sẻ kinh nghiệm số 15 - Kết quả và kinh nghiệm thực hiện làm nhà lớp học, nhà công vụ giáo viên, nhà nội trú học sinh theo tiêu chí “Ba cứng” tại huyện Nậm Pồ

Thứ sáu - 08/08/2014 04:18
Dienbien.edu.vn - “Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác, và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người” (Voltaire). Chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm hay trong giáo dục để ngọn lửa tri thức, ngọn lửa nhiệt huyết đối với giáo dục luôn cháy sáng, để con đường đến với thành công bớt chông gai.
Trong điều kiện một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, tỉ lệ phòng học tạm khá cao, nhằm đạt mục tiêu Đề án cấp trung ương và cấp tỉnh về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các phòng giáo dục và đào tạo đã tích cực tìm giải pháp đáp ứng các tiêu chuẩn phổ cập, Sở Giáo dục và Đào tạo cụ thể hóa bằng văn bản hướng dẫn. Một trong các nội dung đó là đầu tư xây dựng phòng học cho trẻ mẫu giáo, trẻ tiểu học theo mô hình “ba cứng”. Xin chia sẻ cùng các đồng nghiệp một số kinh nghiệm thực hiện làm nhà lớp học, nhà công vụ giáo viên, nhà nội trú học sinh theo tiêu chí “Ba cứng” tại huyện Nậm Pồ. Bài tham luận do thầy giáo Nguyễn Xuân Thuận - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ trình bày tại Hội nghị Tổng kết năm học 2013-2014 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2014-2015 ngày 6/8/2014 vừa qua.
 

Phòng học 3 cứng được xây dựng tại huyện Nậm Pồ
 
THỰC TRẠNG

Huyện Nậm Pồ được thành lập và chính thức đi vào hoạt động (ngày 23/6/2013) trên cơ sở xuất phát điểm nền kinh tế của huyện khó khăn, chậm phát triển nhất so với các huyện trong tỉnh. Diện tích đất tự nhiên gần 1.500 Km2. Gồm 15 xã, trong đó có 8 xã biên giới, 14 xã đặc biệt khó khăn. Dân số khoảng 4,4 vạn người, gồm 8 dân tộc anh em chung sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 69,18%,  Thái chiếm 18,5%, Kinh 3,21% còn lại là các dân tộc khác; 46% dân cư bị ảnh hưởng tôn giáo Tin lành, Công giáo. Huyện có địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, chia cắt, phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, nhất là về mùa mưa lũ các tuyến đường liên xã đều bị chia cắt,  tỷ lệ hộ nghèo cao chiếm 58,52%. tình hình di dịch cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luận, mua bán, sử dụng ma túy, xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc gây tiềm ẩn những phức tạp về an ninh trật tự. Việc quan tâm đầu tư xây dựng trường, lớp học kiên cố của Nhà nước chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu.

Sau khi nhận bàn giao chia tách từ hai huyện Mường Chà, Mường Nhé thì phần lớn các xã mới tách đều chưa có trường, lớp học riêng biệt, hệ thống trường lớp học đã bị xuống cấp nhất là đối với cấp học tiểu học và Mầm non. Theo thống kê đầu năm học 2013-2014 toàn huyện hiện có 38 trường. Trong đó: 11 trường MN, 15 trường TH, 11 trường THCS, 1 trường THPT; với tổng số  778 lớp, 15.171 học sinh; 1510 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. có 8 trường Phổ thông dân tộc bán trú.

Toàn huyện có 664 phòng học. Trong đó: 389 phòng học kiên cố, 142 phòng gỗ, 133 phòng tạm;

Phòng công vụ giáo viên 125 phòng, 351 phòng ở nội trú học sinh. Trong đó: 278 phòng kiên cố, 73 phòng gỗ ba cứng, 110 phòng tạm;

Tính đến thời điểm đó để đáp ứng đủ cho năm học mới 2013-2014 toàn huyện cần phải tu sửa, làm lại 133 phòng học, 110 phòng nội trú học sinh. phải làm mới 69 phòng học, 190 phòng nội trú học sinh và một số bếp ăn cho trường có học sinh bán trú...

Tiếp nhận một thực trạng như vậy, song song với nâng cao chất lượng dạy và học thì việc xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học để thu hút học sinh đến trường, giáo viên “An cư lập nghiệp”, yên tâm công tác được coi là một trong những vấn đề có tính cấp thiết trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Đặc biệt là giáo dục vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đặc biệt khó khăn.
Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và hiệu quả của việc kiên cố hóa trường lớp học, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ đã chủ động trong việc xây dựng cơ sở vật chất làm nhà lớp học, nhà công vụ giáo viên, nhà nội trú cho học sinh theo tiêu chí “Ba cứng” và đã đạt được một số kết quả bước đầu, tạm ổn định để yên tâm thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên đại bàn.

GIẢI PHÁP

Thực hiện sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo và căn cứ đặc điểm tình hình của huyện. Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu, xây dựng Quy hoạch Phát triển sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020 với ý thức sâu sắc rằng xây dựng cơ sở vật chất là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Trong đó trước mắt xác định mục tiêu của việc thực hiện làm nhà lớp học, nhà công vụ giáo viên, nhà nội trú học sinh theo tiêu chí “Ba cứng” là:  thực hiện trên tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, theo đó huy động phụ huynh học sinh đóng góp nguyên liệu sẵn có của địa phương, nhân dân, thầy cô giáo, học sinh góp ngày giờ công lao động, xi măng và tấm lợp do huyện kết hợp các nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân và từ nguồn ngân sách nhà nước.

Để thực hiện được mục tiêu đó, trong hệ thống các giải pháp, Phòng Giáo dục và Đào tạo chú trọng một số giải pháp sau:

Một là:  Thành lập tổ công tác đến từng điểm bản, điểm trường điều tra, ghi hình, nắm bắt thực trạng và nhu cầu của nhà trường, trước tiên chú trọng đến cơ sở vật chất trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên..., tổng hợp nhu cầu, chuẩn bị cho công tác báo cáo tại Hội nghị giao ban, đồng thời xây dựng kế hoạch, phương án, tham mưu chỉ đạo.

Hai là:  Trên cơ sở thống kê rà soát phòng đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức Hội nghị giao ban giáo dục bàn về công tác xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học chuẩn bị cho năm học mới 2013-2014. Hội nghị được chuẩn bị công phu, tổ chức cho lãnh đạo chủ chốt các xã, bản, Hiệu trưởng các trường thấy được thực trạng trường, lớp học hiện tại đơn vị mình, so sánh với các đơn vị khác qua hình ảnh được chiếu lên tại Hội nghị, sau đó tiến hành thảo luận, trao đổi, chất vấn tìm hiểu nguyên nhân đi đến thống nhất, phận định rõ trách nhiệm của trường, của bản, của xã trong  công tác hoàn thiện kế hoạch đã đề ra. Sau hội nghị có kết luận của lãnh đạo huyện và giao kế hoạch chỉ đạo đính kèm.

Ba là: Thành lập các đoàn công tác đến các các cơ sở thường xuyên đôn đốc, triển khai và cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của cấp Lãnh đạo, xây dựng các phương án ưu tiên phù hợp để hỗ trợ các nguồn lực lồng gép, vận động phụ huynh học sinh hỗ trợ ngày giờ công, vật liệu sẵn có của địa phương như: góp ván gỗ, cát, sỏi, san nền nhà, dựng nhà...đồng thời những nơi không nhiên thuận lợi thì ưu tiên hỗ trợ làm nhà cột sắt, huy động mọi nguồn lực trong việc hỗ trợ mua cát, sỏi, xi măng...

Bốn là: Định kỳ trong Hội nghị giao ban tháng của ngành và qua các đợt công tác tại cơ sở, tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên xem một số hình ảnh các trường đang xây dựng cơ sở vật chất. Từ đó đã làm thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên trong việc quyết tâm xây dựng cơ sở vật chất cảnh quan trường lớp học; đồng thời đưa ra các hình thức động viên, tuyên dương, phê bình, tư vấn thiết thực nhất cho các đơn vị trường tiếp tục thực hiện.

Năm là: Tranh thủ mọi sự ủng hộ giúp đỡ của các cơ quan, các tổ chức, các doanh nghiệp, kết hợp sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước một các linh hoạt trong việc ưu tiên hỗ trợ các đơn vị trong công tác xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học. Huy động tốt các nguồn lực từ địa phương, giáo viên và học sinh. (Đối với các đơn vị thiếu nguồn nhân lực như các đơn vị trường Mầm non Phòng đã thành lập tổ công tác đến giúp đỡ, huy động các đơn vị trường THCS giúp đỡ trường Mầm non).

Sáu là: Chỉ đạo, khuyến khích các đơn vị tự tham quan học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, cách làm trong công tác tu sửa, xây dựng cơ sở vật chất, cảnh quan trường lớp học cũng như các phong trào học tập khác.

KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Tuy còn nhiều khó khăn do huyện mới được thành lập. Việc quyết tâm xóa bỏ các phòng học tạm, tranh tre, nứa lá đã được phòng giáo dục chú trọng, từng bước chỉ đạo lập kế hoạch tham mưu đầu tư xây dựng, tổ chức kết hợp lồng ghép các nguồn lực và công tác xã hội hóa giáo dục, chủ động triển khai xây dựng phòng học, nhà nội trú học sinh, nhà công vụ giáo viên theo tiêu trí ''ba cứng''. Về kết quả:

Cái được trước tiên phải kể đến đó chính là đã có sự thay đổi lớn về nhận thức trong nhân dân và trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của ngành Giáo dục và đào tạo huyện Nậm Pồ, khẳng định được rằng việc hoàn thiện cơ sở vật chất trường lớp học là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, huy động học sinh đến trường, đến lớp, giáo viên an cư lập nghiệp, yên tâm công tác.

Kết thúc năm học 2013 - 2014, toàn huyện đã dựng mới được: 116 phòng học, 106 phòng nội trú và nhà công vụ cho giáo viên; 49 bếp ăn tập thể, sửa chữa láng bê tông được 10.215 mét vuông sân trường và nền nhà.

Nguồn kinh phí xã hội hóa ước tính khoảng 3 tỷ 152 triệu đồng, để có kết quả trên, các thầy cô giáo, học sinh và nhân dân đã đóng góp 6.964 ngày công lao động tương đương 1 tỷ 044 triệu đồng, 379 mét khối gỗ tương đương với 1 tỷ 705 triệu đồng, huy động học sinh nhặt sỏi, quyên góp 922 mét khối.

Nguồn kinh phí Nhà nước và kinh phí hỗ trợ từ các cơ quan, doanh nghiệp là 3 tỷ 542 triệu đồng. Trong đó: Sở giáo dục và Đào tạo hỗ trợ 270 triệu, công ty xi măng Điện Biên hỗ trợ 370 tấn xi măng, doanh nghiệp xây dựng và Thương mại tư nhân số 6 hỗ trợ 200 triệu đồng..... Kết quả đạt được cho thấy thành quả công sức đóng góp cho sự nghiệp giáo dục năm đầu của huyện quả không nhỏ. Bài toán về xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học nhà công vụ, nhà nội trú học sinh theo tiêu trí ba cứng đã được mở ra.

 BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Trong quá trình triển khai, thực hiện việc xây dựng cơ sở vật chất làm nhà lớp học, nhà công vụ giáo viên, nhà nội trú cho học sinh theo tiêu chí “Ba cứng'' Chúng tôi đã đúc kết được một số kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất: Để đạt được kết quả đã đề ra cần phải có biện pháp thay đổi nhận thức trong nhân dân toàn huyện, trong đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành về tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo.

Thứ hai: Tăng cường trong công tác chỉ đạo, bám sát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở. Xây dựng kế hoạch chi tiết cụ thể, giao trách nhiệm cho từng đơn vị, phân định rõ nhiệm vụ đối với từng tập thể và cá nhân.

Thứ ba. Huy động tối đa và sử dụng linh hoạt có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ nhất là nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương.

Thứ tư: Phải luôn chủ động, về kế hoạch và tổ chức thực hiện, tạo sự đồng thuận, quyết tâm rất cao, vượt khó hoàn thành kế hoạch đã đề ra.

PHƯƠNG HƯỚNG THỜI GIAN TỚI

Mặc dù việc xây dựng cơ sở vật chất đã đạt được một số kết quả nhất định xong bản thân chúng tôi nghĩ rằng đó mới chỉ là giải pháp tạm thời nhằm khắc phục những khó khăn bước đầu. Trong thời gian tới, để có được cơ sở vật chất ổn định hơn, khang trang hơn, phần nào bớt đi những khó khăn, thiếu thốn lâu dài phòng Giáo dục và Đào tạo cần:

Chú trọng, đẩy mạnh công tác nâng cao chất lượng dạy và học, từng bước hoàn thiện các nhu cầu tối thiểu về phòng, lớp học, tăng cường hơn nữa trong việc tham mưu đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho giáo dục. Đầu tư nhà ở cho học sinh nội trú dân nuôi; nhà ở công vụ cho giáo viên, trang thiết bị dạy và học theo hướng phát triển; đảm bảo nâng cao chất lượng dạy và học. Ưu tiên nguồn vốn của Nhà nước đầu tư xây dựng kiên cố hóa trường lớp học và các công trình phụ trợ phấn đấu đến năm 2020 toàn huyện có số phòng học và các công trình phụ trợ được xây dựng kiên cố.

KẾT LUẬN

Xây dựng cơ sở vật chất luôn là một bài toán khó và bài toán này càng khó hơn với ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ khi phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Song với nền tảng sẵn có, đặc biệt là nguồn nhân lực, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên của cán bộ quản lý, giáo viên và đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trong huyện. Chúng tôi tin tưởng giáo dục Nậm Pồ sẽ từng bước được củng cố ổn định và phát triển vững chắc.

Trên đây là báo cáo tham luận về “Kết quả và kinh nghiệm thực hiện làm nhà lớp học, nhà công vụ giáo viên, nhà nội trú học sinh theo tiêu chí “Ba cứng” của phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ. Trong một thời gian ngắn, kinh nghiệm, cách làm còn hạn chế, không tránh khỏi thiếu sót, chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm, chia sẻ của các đơn vị bạn, sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo để Phòng giáo dục huyện Nậm Pồ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.

Nguồn tin: Trường THPT Thanh nưa, huyện Điện Biên

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập228
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm210
  • Hôm nay57,523
  • Tháng hiện tại1,210,414
  • Tổng lượt truy cập70,500,304
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi