banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

Linh hoạt khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Thứ ba - 27/09/2022 03:54
Dienbien.edu.vn - Năm học 2022-2023 đã khởi đầu khá thuận lợi khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, học sinh đến trường học tập trực tiếp. Thế nhưng ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, việc thiếu giáo viên nói chung và giáo viên giảng dạy các môn chuyên đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 nói riêng đã tạo ra áp lực lớn với các trường học.
Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Trường PTDTBT Tiểu học Trần Văn Thọ đã sắp xếp tăng tiết đối với một số giáo viên môn chuyên. Trong ảnh: Một buổi học của thầy và trò Điểm trường Nậm San 1.

          Năm học 2022-2023, Trường PTDTBT Tiểu học Trần Văn Thọ, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) có 32 lớp, với 940 học sinh. Trong đó, nhà trường có 9 lớp 1, 7 lớp 2 và 6 lớp 3 theo học Chương trình GDPT năm 2018; còn lại học sinh khối lớp 4 và 5 học theo Chương trình VNEN. Tuy nhiên, hiện nay trường chỉ có 1 giáo viên giảng dạy môn mỹ thuật, 2 giáo viên tiếng Anh, 1 giáo viên tin học, 1 giáo viên thể dục và 1 giáo viên âm nhạc. Như vậy, số lượng giáo viên dạy môn chuyên chưa đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh trong trường. Trường PTDTBT Tiểu học Trần Văn Thọ là một đơn vị có điều kiện khá thuận lợi và được ngành, địa phương tạo điều kiện, quan tâm rất nhiều, song tình trạng thiếu giáo viên môn chuyên là một thách thức khiến cho Ban Giám hiệu phải suy nghĩ và đặt ra nhiều phương án để khắc phục.
          Cô giáo Đồng Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Trần Văn Thọ, cho biết: “Đối với những môn chuyên như mỹ thuật, tin học, âm nhạc và thể dục, để đáp ứng nhu cầu giảng dạy cho số lớp, số học sinh trên, nhà trường cần có ít nhất 2 giáo viên. Thực tế đòi hỏi phải có 1,5 giáo viên/lớp kể cả giáo viên chuyên nhưng đến thời điểm này, nhà trường mới đạt được 1,28 giáo viên/lớp. Đối với Chương trình GDPT mới nếu không có đủ số giáo viên môn chuyên thì thực sự rất vất vả cho công tác quản lý, chỉ đạo của nhà trường và giáo viên trực tiếp đứng lớp. Đây là khó khăn của toàn ngành chứ không riêng nhà trường nên trước mắt, chúng tôi khắc phục bằng cách sắp xếp tăng tiết đối với một số giáo viên môn chuyên để đáp ứng công tác chuyên môn. Vì lẽ đó, các thầy, cô giáo gần như không có tiết học hay buổi nào được nghỉ, dạy cả sáng và chiều mà theo quy định chỉ có 7 tiết/ngày”.
          Mường Nhé là một trong những địa phương có tỷ lệ bình quân giáo viên trên lớp thấp nhất tỉnh. Trong khi đó, số giáo viên chuyển vùng và nghỉ, xin thôi việc chiếm  số lượng khá lớn. So với biên chế được giao là 1.152 giáo viên thì thời gian vừa qua, huyện Mường Nhé có 80 biên chế đã chuyển vùng hoặc nghỉ, xin thôi việc và không còn công tác trong ngành. Để lấp đầy khoảng trống thiếu giáo viên, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã tham mưu UBND huyện Mường Nhé trình xin chủ trương tuyển dụng. Và hiện nay, ngành đang triển khai linh hoạt các giải pháp để khắc phục khó khăn, trong đó ưu tiên lựa chọn, ký hợp đồng các giáo viên giảng dạy môn chuyên đáp ứng yêu cầu giảng dạy Chương trình GDPT mới 2018.
          Ông Phạm Thiết Trùy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết: Đối với môn Tiếng Anh, trước khi bước vào năm học mới, toàn huyện thiếu gần 20 giáo viên. Tuy nhiên, chúng tôi đã chủ động xây dựng kịch bản và yêu cầu mỗi trường tiểu học phải có 1 giáo viên tiếng Anh trở lên. Nhờ có sự chủ động trong công tác chuẩn bị và ký hợp đồng với các giáo viên môn này, đến nay số giáo viên tiếng Anh đã cơ bản đáp ứng yêu cầu. Với môn tin học, do có những tính toán từ trước nên dịp hè vừa rồi, phòng đã cử mỗi trường 1 giáo viên tham gia bồi dưỡng, nâng cao trình độ môn tin học và chủ động liên lạc, ký hợp đồng với một số giáo viên đã có bằng đại học công nghệ thông tin để tham gia giảng dạy chương trình SGK lớp 3 và lớp 7. Còn giáo viên âm nhạc, mỹ thuật thiếu không nhiều, hầu hết các trường đều có đủ giáo viên giảng dạy 2 môn học này do được tuyển từ các năm trước và đã đạt chuẩn. Vẫn biết còn nhiều khó khăn nên chúng tôi cũng thường xuyên động viên cán bộ, giáo viên giảng dạy các môn chuyên tổ chức dạy thêm, tăng giờ, tăng buổi đối với các trường thiếu nhiều giáo viên nhưng không được vượt quá định mức quy định. Các đơn vị trường học tập trung phân công giáo viên dạy môn chuyên chú trọng nhiệm vụ chuyên môn, các nhiệm vụ khác sẽ phân công giáo viên khác.  
          Năm học 2022 - 2023, huyện Tuần Giáo có 305 nhóm lớp mầm non (hơn 8.000 học sinh), 408 lớp bậc tiểu học (10.350 học sinh); 187 lớp bậc THCS với hơn 6.700 học sinh. Đối với tỷ lệ giáo viên trên lớp, huyện Tuần Giáo hiện có 1,7 giáo viên/lớp mầm non; tiểu học đạt 1,45 giáo viên/lớp; THCS đạt 1,9 giáo viên/lớp. Số giáo viên thiếu chủ yếu ở môn chuyên, như: Tin học (thiếu 3 giáo viên), ngoại ngữ, âm nhạc (thiếu 2 giáo viên). Số lượng giáo viên giảng dạy các môn chuyên, huyện Tuần Giáo không thiếu nhiều nhưng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng chủ động triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục.
          Ông Đỗ Văn Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuần Giáo chia sẻ: Để khắc phục khó khăn trong việc thiếu giáo viên giảng dạy môn chuyên, huyện Tuần Giáo đã sắp xếp các giáo viên chuyên tập trung dạy chuyên môn không phân công dạy kiêm nhiệm. Với những trường có quy mô học sinh ít, chúng tôi cũng sắp xếp giáo viên dạy liên trường, đặc biệt là tập trung giảng dạy cho khối học sinh lớp 3. Còn các trường đã dạy chuyên đề tự chọn từ trước thì phòng sẽ yêu cầu xác định lại các chủ đề tự chọn không tổ chức dạy dàn trải. Trước đây, đối với môn tiếng Anh, nhiều cơ sở giáo dục dạy tự chọn từ lớp 3 đến lớp 5, bây giờ tập trung rà soát lại để cân đối chọn lựa những chủ đề tự chọn sao cho phù hợp đảm bảo từ lớp 3 trở lên có 100% học sinh được học. Chúng tôi cũng tính toán đưa hết học sinh lớp 3 từ các điểm bản về trung tâm để tăng tỷ lệ học sinh trên lớp; qua đó việc tổ chức các môn tự chọn cũng thuận lợi hơn.
          Năm học 2022 - 2023, tỉnh Điện Biên có 481 trường, 7.436 lớp và 207.637 học sinh, sinh viên. Để chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho năm học mới, ngành Giáo dục đã tổ chức tuyển dụng bổ sung 383 giáo viên trong tổng chỉ tiêu biên chế được giao năm 2022. Hiện các đơn vị đang chờ tỉnh giao để tiếp tục tuyển dụng bổ sung 459 giáo viên theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị, trong đó ưu tiên tuyển giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018.
          Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Liên quan đến vấn đề về đội ngũ giáo viên các môn chuyên, như: Tin học, tiếng Anh, âm nhạc và mỹ thuật, ngành hiện vẫn thiếu giáo viên. Để khắc phục tình trạng đó, Sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các địa phương xây dựng phương án, kịch bản bố trí, sắp xếp giáo viên một cách hợp lý, đảm bảo không thiếu giáo viên các bộ môn chuyên ở tất cả cơ sở giáo dục. Trong đó, ngành xây dựng các phương án, như: Bố trí 1 giáo viên dạy 2, 3 trường cùng 1 thời điểm tùy vào tình hình từng địa bàn hay bố trí giáo viên dạy theo hình thức cuốn chiếu, tức là dạy xong chương trình của trường này rồi sang dạy tại trường tiếp theo. Hoặc có thể xây dựng phương án cho giáo viên dạy trực tuyến. Như vậy, một giáo viên có thể dạy một lúc nhiều lớp học, nhiều học sinh. Đó là các giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, ngành đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyển dụng giáo viên, trong đó ưu tiên tuyển dụng các giáo viên môn chuyên biệt giảng dạy lớp 3, lớp 7 và đối với lớp 10, Sở sẽ ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn: Tin học, tiếng Anh, âm nhạc và mỹ thuật ở cấp THPT…
          Đội ngũ giáo viên được coi là một trong những nhân tố quyết định đến chất lượng giáo dục cũng như thành công của Chương trình GDPT mới 2018. Vậy nên, những giải pháp linh hoạt của ngành Giáo dục và các địa phương trong tỉnh đã phần nào khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học theo chương trình mới. Về lâu dài, tỉnh Điện Biên cần có phương án cụ thể tuyển dụng, bổ sung đội ngũ giáo viên nói chung và giáo viên giảng dạy các môn chuyên nói riêng để từng bước ổn định chỉ tiêu biên chế và định mức, nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững...
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập559
  • Máy chủ tìm kiếm101
  • Khách viếng thăm458
  • Hôm nay75,804
  • Tháng hiện tại1,287,561
  • Tổng lượt truy cập70,577,451
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi