banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

Một số sự kiện tiêu biểu của giáo dục tiểu học năm học 2020-2021

Thứ sáu - 25/06/2021 03:11
Dienbien.edu.vn - Phát huy những thành tựu đạt được từ năm học 2019-2020, khắc phục những khó khăn về thời tiết, dịch bệnh Covid-19, năm học 2020-2021 giáo dục tiểu học Điện Biên đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận về thực hiện Chương trình sách giáo khoa lớp 1, nâng cao chất lượng giáo dục học sinh tiểu học, chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp 2,3,4,5 trên địa bàn tỉnh.
1. Hệ thống trường, lớp tiểu học được duy trì rộng khắp tới các thôn, bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và nhân dân các địa phương  
 Kết thúc năm học 2020-2021 toàn tỉnh Điện Biên có 148 trường tiểu học (23 trường THCS có lớp tiểu học), 466 điểm trường lẻ với 2.891 lớp; 73.469 học sinh (tỉ lệ học sinh/lớp đạt 25,41 em) tăng 2.648 học sinh so với năm học trước. Hệ thống trường PTDT bán trú có 69 trường với 1.406 lớp 34.275 học sinh, số học sinh ở nội trú tại trường cả tuần 22.090 em (30,0%) tăng 0,8% so với năm học 2019-2020.
Học sinh lớp 3,4,5 học Tiếng Anh có 1.325 lớp 38.008 học sinh (đạt 88,7%) trong đó số học sinh học 4 tiết/tuần có 1.066 lớp 30.643 h/s (đạt 71,5%) tăng 6,4% so với năm học trước. Mặc dù còn thiếu giáo viên dạy Tin học song số học sinh lớp 3,4,5 được tham gia học môn Tin học (tự chọn) vẫn đạt 74,2% (1.140 lớp, 32.960 h/s) tăng 5,8% so với năm học trước.
2. Cơ sở vật chất trường, lớp, thiết bị dạy học bước đầu đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1
Với tỷ lệ 92,7% phòng học được xây dựng kiên cố và bán kiên cố 2.973 phòng, hệ thống phòng học bộ môn có (130 phòng Tin học, 92 phòng ngoại ngữ, 66 phòng Mĩ thuật, 67 phòng Âm nhạc, 25 phòng học đa năng, 148 Thư viện, 125 phòng Thiết bị, 134 phòng Hoạt động đội, 144 phòng Y tế học đường) các trường tiểu học đều đáp ứng yêu cầu 01phòng học/lớp để triển khai dạy học cả ngày ở cấp tiểu học.
Trước khi bước vào thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 các Trường tiểu học đã tổ chức rà soát, giữ lại toàn bộ số lượng thiết bị đã được trang cấp còn sử dụng được cho chương trình GDPT 2018. Tổ chức mua sắm đầy đủ thiết bị lớp 1 theo quy định tại Thông tư 05 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo yêu cầu 1 bộ/01 lớp. Phần lớn các trường đều được đầu tư mua sắm bổ sung thiết bị hiện đại như máy hiển thị, phòng Láp, Ti vi thông minh, Máy chiếu, tủ, bàn đọc sách cho thư viện. Các trường thường xuyên kiểm tra công tác bảo quản và sử dụng thiết bị dạy học; tiếp tục phát động phong trào tự làm đồ dùng dạy học bằng nguyên liệu sẵn có tại địa phương; bổ sung đủ thiết bị phục vụ đổi mới phương pháp dạy học, xây dựng và tổ chức các sân chơi vận động ngoài trời cho học sinh.
3. Đổi mới phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học theo phẩm chất năng lực được các cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên tiểu học thực hiện thường xuyên, hiệu quả
 Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục học sinh tiểu học các trường tiểu học tiếp tục chỉ đạo đội ngũ giáo viên đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Duy trì hiệu quả Mô hình trường học mới đối với lớp 2,3,4,5 tại các trường đã thực hiện từ năm học 2019-2020. Tiếp tục thực hiện phương pháp " Bàn tay nặn bột"; dạy Mĩ thuật theo chủ đề. Các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, chương trình giáo dục nhà trường, đảm bảo phù hợp với thực tiễn và tâm lý học sinh các khối lớp. Tăng cường tổ chức các hoạt động học tập ngoài lớp học, phù hợp với nội dung các môn học và hoạt động trải nghiệm. Khuyến khích các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học theo chủ đề và hoạt động giáo dục theo mô hình các câu lạc bộ.
Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, Tủa Chùa, Mường Nhé, Tuần Giáo đã tổ chức Hội thảo, xây dựng các chuyên đề về dạy Tiếng Việt và Toán lớp 1 theo định hướng phát huy phẩm chất năng lực học sinh. Chương trình các môn học ở lớp 1 được các đơn vị chỉ đạo, triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng và kế hoạch thời gian học 2020-2021.
Năm học 2020-2021 các trường tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả việc đánh giá học sinh lớp 2,3,4,5 theo quy định tại Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 và Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22/9/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh lớp 1 đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh theo quy định tại Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT  ngày 4/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học sinh lớp 1 được đánh giá đầy đủ 05 phẩm chất 08 năng lực (Thông tư 27), học sinh lớp 2,3,4,5 đánh giá 04 phẩm chất, 03 năng lực đặc thù theo quy định tại Thông tư 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong tổng số 72.711 học sinh tham gia đánh giá số học sinh "Hoàn thành xuất sắc đạt 16,70%" 12.196 em, "Hoàn thành tốt 16,79%" 12.212 em, (Hoàn thành 47.911 (65,89%" 47.911 em, "Chưa hoàn thành 0,53%" 392 em. Số học sinh khuyết tật không tham gia đánh giá 758 em.
4) Tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số
  Ngay từ đầu năm học Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo 148 trường tiểu học (23 trường THCS có học sinh tiểu học) tổ chức dạy tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc qua các môn học và hoạt động giáo dục. Quan tâm đặc biệt đến 2 tuần đầu năm học đối với học sinh lớp 1 (dạy nền nếp học tập, sử dụng kí hiệu trong quá trình dạy học, hướng dẫn học sinh cách sử dụng bút, thước, bảng con, sách, vở, tư thế ngồi viết…), thường xuyên rèn kỹ năng nghe, nói (phát âm) viết chính tả cho học sinh lớp 1,2,3.
Tiếp tục triển khai thực hiện giải pháp dạy Tập làm văn theo hướng mở, dạy học phát triển năng lực môn Tiếng Việt. Tăng cường nội dung đọc hiểu văn bản, mở rộng vốn từ, xây dựng cây từ vựng tiếng Việt, dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc gắn với giao tiếp.
Thực hiện linh hoạt các giải pháp nâng cao chất lượng nghe, nói, đọc viết cho học sinh trong quá trình giảng dạy các môn học cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số; thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu tiếng Việt, ngày hội đọc sách, thi kể chuyện, duy trì thư viện góc lớp, thư viện xanh, thư viện lưu động và 01 tiết/tuần học sinh tham gia đọc sách tại thư viện nhà trường.
Ngày hội đọc sách tại trường tiểu học số 1 Na Sang huyện Mường Chà
Căn cứ kết quả thực hiện dạy TCTV cho học sinh dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 831/KH-UBND ngày 29/3/2021 về thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2015. Tổng kinh phí hỗ trợ hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học năm học 2020- 2021 trên phạm vi toàn tỉnh là 3 tỷ 530 triệu đồng.
5) Tổ chức hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, phát triển thư viện trường tiểu học đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Thực hiện tổ chức các hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp theo hướng dẫn tại Văn bản số 3535/BGD ĐT-GDTH ngày 19/8/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tập trung vào các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân tránh bị xâm hại, bạo lực, giáo dục bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, dịch bệnh cho học sinh. Tiếp tục triển khai việc dạy học tích hợp nội dung giáo dục địa phương vào hoạt động trải nghiệm và các môn học khác theo hướng dẫn tại Văn bản số 3536/BGDĐT-GDTH ngày 19/8/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tổ chức hoạt động sau giờ học chính thức trong ngày cho học sinh tiểu học theo hướng dẫn tại công văn số 3866/BGDĐT-GDTH ngày 19/8/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong trường học, tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông khu vực trường học. Thực hiện dạy học tích hợp nội dung giáo dục pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, văn hóa giao thông vào các môn học và hoạt động giáo dục.
6. Thực hiện phổ cập GDTH và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia
Tỷ lệ huy động học sinh 6 tuổi học lớp 1 đạt 99,8% (15.327/15.353 học sinh); huy động học sinh 6-10 tuổi học tiểu học đạt 99,8% (72.340/72.485 học sinh). Số trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 11.845/12.076, tỉ lệ 98,09%; 129/129 xã đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 2, tỉ lệ 100%; Tổng số huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 là 10/10 (100%). Tỉnh Điện Biên duy trì đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 2 năm 2020; 118/129 xã đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3, tỉ lệ 91,47%.
Số huyện đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3: 07/10 huyện, tỉ lệ 70% (thị xã Mường Lay, thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, huyện Mường Ảng, huyện Mường Chà, huyện Nậm Pồ, huyện Tuần Giáo).
Năm học 2020-2021 toàn tỉnh có 110/148 trường tiểu học thuộc 10 huyện, thị, thành phố được công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia (tỉ lệ 74,32%),
7. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục
Năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 5.762 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; tỷ lệ giáo viên/lớp đạt 1,49. Đội ngũ giáo viên cấp tiểu học ổn định về số lượng, cơ cấu và chất lượng, cán bộ quản lí và giáo viên, nhân viên có trình độ đào tạo từ đại học trở lên đạt 61,3%.
Trong năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đã có 50 cán bộ quản lý, 84 tổ trưởng chuyên môn, 146 giáo viên cốt cán cấp tỉnh có năng lực chuyên môn tham gia tập huấn về nội dung “Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học" “Kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực” do Dự án ETEP- Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, 98% giáo viên tiểu học đã hoàn thành Chương trình tập huấn trên hệ thống MLS.
Tiết học Tự nhiên xã hội lớp 1 Chương trình GDPT 2018
tại trường Tiểu học số 2 Thị trấn Tuần Giáo
8. Công tác truyền thông về giáo dục tiểu học
Công tác truyền thông về giáo dục tiểu học trong năm học 2020-2021 được đặc biệt chú trọng; Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Văn bản số 1825/SGDĐT-GDTH ngày 04/9/2020 về nâng cao hiệu quả công tác truyền thông Giáo dục Tiểu học năm học 2020-2021 chú trọng truyền thông những vấn đề mới với xã hội như: Chương trình GDPT 2018, dạy học các môn học ở lớp 1 theo Sách giáo khoa mới, đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh, đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 27.
Các đơn vị đã phân công cán bộ, giáo viên nghiên cứu viết bài truyền thông về giáo dục và đào tạo, định kì mỗi tháng gửi ít nhất 01 bài để đăng trên Website của Sở. Ngoài các nội dung truyền thông theo định kì, các phòng Giáo dục và Đào tạo phân công cán bộ viết thêm các tin, bài có tính thời sự thuộc lĩnh vực phòng quản lý để đăng tải trên Website của phòng, trường.
Một số phòng Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện tốt công tác truyền thông, thường xuyên có các chuyên đề định kỳ đăng trên Website của Phòng, Sở như thành phố Điện Biên Phủ, huyện Tủa Chùa, Điện Biên, Mường Ảng là những đơn vị có nhiều bài truyền thông trên Website của Ngành.

Tác giả: Đào Thái Lai

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,097
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm2,067
  • Hôm nay368,836
  • Tháng hiện tại2,837,331
  • Tổng lượt truy cập73,546,711
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi