banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

Thầm lặng những chuyến đò

Thứ năm - 18/11/2021 19:22
Dienbien.edu.vn - Xã hội có hai nghề được người dân trọng vọng, quý mến gọi là “thầy”, đó là thầy giáo và thầy thuốc. Thầy giáo thì dạy chữ nghĩa, đạo đức, nhân cách làm người; thầy thuốc thì chữa bệnh cứu người.
Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”. Nghề giáo vinh dự lớn nhưng trọng trách cũng rất nặng nề. Nhà giáo phải có tính chuẩn mực, mô phạm rất cao. Người Thầy luôn phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo…
Qua đó cho thấy, dạy học là nghề rất khó khăn, vất vả. Nếu không tâm huyết, nhiệt tình, yêu trò, mến trẻ thì khó hoàn thành nhiệm vụ, nhất là với địa bàn xa xôi, cách trở, thiếu thốn đủ bề như Điện Biên.
Do đặc thù nghề nghiệp, chúng tôi đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều thầy cô giáo, đủ mọi thế hệ. Trong mỗi nhân vật là một câu chuyện buồn vui lẫn lộn. Làm nghề “đưa đò” trên núi, địa hình chia cắt, giao thông cách trở, điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống người dân, nhất là bà con dân bản vùng sâu, vùng xa biên giới còn thiếu thôn đủ bề, thì sự nghiệp “trồng người” của các thầy cô càng khó khăn gấp bội.
Suốt thời gian của năm học, ngoài làm thầy, nhiều người kiêm luôn cả làm “mẹ”. Đặc thù vùng cao, nhiều phụ huynh chưa mấy quan tâm đến việc học hành của con cái. Các thầy cô giáo đến từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền, vận động, đón học sinh đến lớp; dành một phần lương ít ỏi để mua bánh kẹo, sách vở… giúp học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Gần đến buổi trưa, xế chiều, các thầy cô chia nhau, người đứng lớp, người chuẩn bị cơm nước cho các con. Những lúc bất đắc dĩ, các thầy cô kiêm luôn nhiệm vụ làm “bảo mẫu”, do nhiều học sinh phải cõng cả em đến lớp để bố mẹ lên nương hoặc đi làm thuê...
Dạy học ở vùng cao, nhất là các bản xa, điểm trường lẻ, nhiều nơi chưa có điện lưới quốc gia, chưa có sóng điện thoại, giao thông cách trở… nên mỗi năm các thầy cô giáo chỉ về thăm nhà vài ba lần.
Trong câu chuyện với chúng tôi, nhiều thầy cô giáo thi thoảng quay mặt đi, khẽ gạt những giọt nước mắt chát đắng, do nhớ con cái, gia đình… Các thầy cô bảo, nếu không yêu nghề, mến học sinh thì chắc nhiều người “bỏ dở cuộc chơi”.
Đêm đông vùng cao, biên giới thường ập đến rất nhanh. Sương mù dày đặc, giăng mắc khắp nơi. Trong căn nhà công vụ tạm bợ, gió lùa tứ bề. Thi thoảng gió rừng rít từng hồi làm tắt nến, leo lét ngọn đèn dầu. Dẫu vậy, đợi lúc thuận lợi, mây tạnh, gió dừng, các thầy cô giáo lại miệt mài bên trang giáo án, để sáng mai lên lớp có đủ bài vở dạy học sinh. Các thầy cô tâm niệm, nghề đã chọn người thì mình càng phải cố gắng vì học sinh thân yêu. Ngày lại ngày các thầy cô giáo bám lớp, bám bản truyền thụ kiến thức cho học sinh, chất lượng giáo dục theo đó nâng lên. Nhiều phụ huynh trước đây không muốn cho con em đến lớp học tập. Nhưng sau thời gian thấy con cái mình học hành chăm chỉ, thông minh, lễ phép, ngoan ngoãn, đã chủ động phối hợp với nhà trường, thầy cô giáo, chính quyền địa phương chung sức xây cơ sở vật chất trường lớp học, nhất là trong công tác “xã hội hóa” nơi ăn, chốn ở, điểm vui chơi… cho các cháu.
Năm học 2020 - 2021, số trường đạt chuẩn quốc gia cấp mầm non 68,5%; tiểu học 74,32%; THCS 80%; THPT 63,64%. Con số nói lên lên nhiều điều, trong đó, sự hi sinh thầm lặng của bao thế hệ người thầy đã tạo dựng nên thành quả như hôm nay. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn gần 30%, nhưng đại bộ phận người dân đã ý thức được việc học hành của con cái. Chỉ có cái chữ mới đưa đến cuộc sống ấm no, tương lai tươi sáng cho các em. Tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến trường, ra lớp, chuyển cấp năm học vừa qua đều đạt và vượt kế hoạch giao đã phần nào minh chứng cho điều đó.
Nghị lực vươn lên của các thầy cô giáo còn thể hiện ở chỗ, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, nhất là những tháng hè, họ tham gia các lớp học nâng cao kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm quản lý, kỹ năng sư phạm… Nhờ đó mà số lượng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có trình độ đạt chuẩn và trên chẩn không ngừng tăng, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Hai năm qua, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, có lúc, có thời điểm một số địa phương, trường học không thể dạy trực tiếp, mà học trực tuyến, học qua truyền hình. Tuy nhiên, với nhiều giải pháp quản lý, chỉ đạo, cách thức áp dụng dạy và học hợp lý nên chất lượng giáo dục vẫn đảm bảo.
Cổ nhân có câu “Muốn sang thì bắc cầu kiều”... Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng ta cùng chúc cho mỗi người thầy luôn “chân cứng đá mềm”. Mưa dầm, gió bấc, thiếu thốn về cơ sở vật chất… cũng không ngăn được tâm huyết đến trường để truyền thụ kiến thức cho học trò. Chỉ cần thấy con ngoan, trò giỏi, khôn lớn từng ngày thì sự nghiệp “phấn trắng, bảng đen” của người thầy có thầm lặng, gian nan, vất vả đến mấy họ cũng nỗ lực vượt qua.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập274
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm48
  • Khách viếng thăm225
  • Hôm nay58,866
  • Tháng hiện tại1,234,616
  • Tổng lượt truy cập70,524,506
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi