Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên

https://dienbien.edu.vn


Chuyên đề: Giải pháp thực hiện thí điểm cho trẻ mẫu giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non làm quen với tiếng Anh

Dienbien.edu.vn - Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội đặc biệt, tồn tại và phát triển cùng với sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Với trẻ mầm non, ngôn ngữ giúp trẻ thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu thế giới xung quanh. Trong thời kỳ hội nhập ngày nay, giỏi tiếng Anh đã không còn là lợi thế cạnh tranh mà đã trở thành một yêu cầu căn bản. Việc ngay khi còn nhỏ, trẻ được học tiếng Anh giúp trẻ có khả năng sử dụng được cả hai ngôn ngữ sẽ là nền tảng lợi thế cho tương lai.
Cả nước hiện có 41/63 tỉnh, thành phố thực hiện cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non làm quen với tiếng Anh. Điện Biên mặc dù là tỉnh khó khăn nhưng xác định việc thực hiện cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh là cần thiết và phù hợp với định hướng phát triển chung của giáo dục mầm non (GDMN) trong cả nước. Năm học 2018-2019, có 10 trường thuộc phòng GDĐT huyện Điên Biên (05 trường) và thành phố Điện Biên Phủ (05 trường) với 684 trẻ mẫu giáo tham gia.
Việc thực hiện thí điểm cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh tại tỉnh Điện Biên có những thuận lợi như: Có văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) định hướng việc tổ chức thực hiện cho trẻ làm quen với ngoại ngữ ở cấp học mầm non; nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và nhân dân trên địa bàn về sự cần thiết cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh, tạo tiền đề cho trẻ học tốt tiếng Anh ở các cấp học tiếp theo ngày càng được nâng lên.
Tuy nhiên cũng có những khó khăn cần có giải pháp khắc phục như: Bộ GDĐT chưa ban hành Chương trình cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh. Chương trình do các Sở GDĐT chịu trách nhiệm thẩm định nên chưa có sự thống nhất chung trong cả nước về mục tiêu, nội dung, phương pháp giảng dạy cũng như các điều kiện đảm bảo để thực hiện; các cơ sở GDMN không có biên chế giáo viên chuyên dạy tiếng Anh cho trẻ, trình độ tiếng Anh của giáo viên mầm non còn hạn chế; các trường chưa có phòng học, thiết bị dành riêng cho việc dạy và học tiếng Anh. Tỉnh Điện Biên có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao (chiếm trên 80%), đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nên việc quan tâm đầu tư cho trẻ mầm non học ngoại ngữ còn hạn chế, một số phụ huynh chưa nhận thức rõ ý nghĩa của việc cho trẻ làm quen với ngoại ngữ hoặc cho rằng trẻ người dân tộc thiểu số chỉ cần học tốt tiếng Việt và tiếng của dân tộc mình là đủ, không cần học ngoại ngữ…
Xuất phát từ quan điểm chỉ đạo của Bộ GDĐT và tình hình thực tiễn địa phương, một số giải pháp đã được chú trọng trong quá trình thực hiện thí điểm cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh ở các cơ sở GDMN của tỉnh như:
Một là, triển khai thực hiện đầy đủ, quán triệt thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời tham mưu kịp thời văn bản chỉ đạo thực hiện.
Nhằm thống nhất trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, việc tham mưu triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Bộ GDĐT và ban hành văn bản chỉ đạo của Sở GDĐT là căn cứ, cơ sở để các cơ sở GDMN thực hiện nhiệm vụ đúng hướng, sát thực tiễn.
Các cơ sở giáo dục mầm non đã triển khai, thực hiện nghiêm túc các văn bản trên tới cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường, thông báo tới phụ huynh của trẻ và nhân dân trên địa bàn.
Hai là, chỉ đạo việc đáp ứng các điều kiện đảm bảo để triển khai thực hiện thí điểm cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh
Việc thực hiện thí điểm chỉ thực hiện ở những trường phụ huynh có nhu cầu, trên tinh thần tự nguyện, không ép trẻ học dưới bất kỳ hình thức nào. Các trường tổ chức họp phụ huynh, khảo sát nhu cầu, lấy ý kiến cha mẹ của trẻ em. Đồng thời, nhà trường phải đảm bảo đủ các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học, học liệu và giáo viên.
Về cơ sở vật chất, thiết bị, học liệu:
Trong điều kiện thực tế hiện nay, việc đầu tư phòng học, thiết bị riêng cho hoạt động này là rất khó khăn. Vì vậy, các cơ sở GDMN phải tận dụng và sử dụng tối đa, linh hoạt các phòng học, thiết bị hiện có của trường như: phòng học, máy tính, máy chiếu, loa và các học liệu phù hợp với Chương trình.
Để thực hiện được việc này, các trường mầm non sắp xếp, bố trí khoa học lịch học tập và sinh hoạt của trẻ các khối lớp, lịch học ở các phòng giáo dục nghệ thuật - giáo dục thể chất hoặc sử dụng các lớp học của các lớp để đảm bảo phòng học và các thiết bị, học liệu tối thiểu theo chương trình học của trẻ.
Việc xây dựng môi trường cho trẻ làm quen với tiếng Anh được thực hiện có sự phối hợp giữa giáo viên dạy tiếng Anh với giáo viên của các lớp có trẻ tham gia học thí điểm. Môi trường trong lớp, ngoài trời được bổ sung chữ cái tiếng Anh, hình ảnh kèm từ viết bằng tiếng Anh giúp môi trường giáo dục của các nhà trường sinh động hơn, trẻ có cơ hội luyện tập nhiều hơn.
Việc tận dụng, sử dụng linh hoạt các điều kiện sẵn có của các trường đã góp phần làm giảm mức đóng học phí của trẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều trẻ được tham gia làm quen với tiếng Anh hơn, đặc biệt là ở các trường nông thôn, khó khăn, biên giới như: Thanh Hưng, Thanh Chăn huyện Điện Biên.
Về giáo viên, trợ giảng:
Yêu cầu giáo viên dạy tiếng Anh cho trẻ phải đảm bảo đủ điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của Bộ GDĐT.
Giáo viên mầm non của các lớp có trẻ học tiếng Anh tích cực phối hợp với giáo viên dạy tiếng Anh, xây dựng môi trường làm quen với tiếng Anh tại các trường giúp trẻ có cơ hội được ôn luyện các từ, câu đã học.
Về nội dung và tài liệu thí điểm cho trẻ làm quen với tiếng Anh: Chương trình thí điểm đã được Sở GDĐT thẩm định, cho phép thực hiện theo quy định. Nội dung giáo dục được thực hiện theo hướng phát triển Chương trình GDMN và hướng tới đạt mục tiêu giáo dục phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Mỗi tuần trẻ được học 2 tiết vào giờ chơi tự chọn buổi chiều, mỗi tiết từ 30-35 phút.
Việc kiểm tra, thẩm định các điều kiện để tổ chức thí điểm cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh được phân cấp cho các phòng GDĐT chịu trách nhiệm, báo cáo Sở GDĐT trước khi đề nghị Sở cho phép tổ chức thực hiện tại các trường mầm non.

Giao lưu tiếng Anh trẻ 5 tuổi huyện Điện Biên năm học 2018-2019

Ba là, thực hiện việc lựa chọn các phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh phù hợp với trẻ mầm non
Do đặc điểm phát triển tâm sinh lý lứa tuổi nên giáo dục mầm non có các phương pháp giáo dục, hình thức giáo dục đặc thù, khác với các cấp học khác. Trẻ “học bằng chơi, chơi mà học” nên việc thực hiện cho trẻ làm quen với tiếng Anh cũng phải vận dụng các phương pháp, hình thức phù hợp với trẻ mầm non.
Việc vận dụng các phương pháp dạy học, hình thức tổ chức các hoạt động làm quen với tiếng Anh được thực hiện theo quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm” phù hợp với đặc điểm phát triển tâm sinh lý trẻ mầm non. Một số phương pháp được chú trọng như: thực hành giao tiếp, rèn luyện theo mẫu, đóng vai, phân tích ngôn ngữ, so sánh ngôn ngữ, giải quyết vấn đề, thảo luận, trò chơi học tập, hoạt động cá nhân, theo cặp, theo nhóm…
Các hoạt động làm quen với tiếng Anh được thực hiện nhẹ nhàng, thoải mái, vui vẻ, trẻ “học bằng chơi, chơi mà học”, học qua bài hát, qua tranh ảnh…
Bốn là, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng trong quá trình triển khai thực hiện thí điểm cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh ở các cơ sở giáo dục mầm non
Đây là hoạt động mới, đang thực hiện thí điểm nên công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng tổ chức thực hiện góp phần quan trọng cho việc tìm các giải pháp thực hiện phù hợp với đặc thù của tỉnh. Đặc biệt là điều chỉnh về phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục của các giáo viên cho phù hợp với đặc điểm phát triển của trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số.
Các cấp quản lý cần thường xuyên thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác quản lý cũng như chất lượng trẻ thực hiện thí điểm làm quen với tiếng Anh. Đồng thời các nhà trường đưa nội dung này vào kế hoạch kiểm tra nội bộ. Mặt khác các cán bộ quản lý, giáo viên được giao phụ trách hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát chất lượng thực hiện.
Kết quả học tập của trẻ được đánh giá sau mỗi chủ đề bằng phương pháp test nhận biết qua tranh và phỏng vấn.
Năm là, đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ huynh học sinh và cộng đồng
Việc thực hiện thí điểm cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh là hoạt động mới tại Điện Biên. Để thu hút sự ủng hộ của cha mẹ trẻ em và nhân dân trên địa bàn thì hoạt động tuyên truyền về giáo dục mầm non đặc biệt là phổ biến những nội dung mới cần đặc biệt quan tâm.
Thông qua các cuộc họp phụ huynh đầu và cuối năm học của các cơ sở giáo dục mầm non, nhà trường triển khai các văn bản chỉ đạo của cấp trên và lấy ý kiến phụ huynh học sinh về việc thực hiện thí điểm cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh. Thông qua đó, nhà trường tiếp thu các ý kiến của các phụ huynh học sinh, thống nhất các khoản đóng góp… để thực hiện cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh.
Tổ chức các hoạt động quảng bá chất lượng làm quen với tiếng Anh của các cơ sở GDMN như: Giao lưu tiếng Anh (mỗi năm học tổ chức 01 lần vào cuối năm học), đăng tin bài tuyên truyền lên website của ngành, của trường….
Như vậy, để thực hiện tốt việc cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh ở những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn cần có sự quyết tâm, linh hoạt, sáng tạo từ công tác quản lý, chỉ đạo và trong quá trình tổ chức thực hiện tại các nhà trường. Đồng thời, Bộ GDĐT cần sớm ban hành Chương trình cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh cũng như quy định về các điều kiện đảm bảo để tổ chức thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi và thống nhất trong chỉ đạo thực hiện đại trà tại các địa phương./.

Tác giả: Trần Thị Thúy

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây