Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên

https://dienbien.edu.vn


HIỆU QUẢ MANG LẠI SAU 5 NĂM THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG TIẾNG VIỆT CHO TRẺ MẦM NON VÀ HỌC SINH TIỂU HỌC VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI HUYỆN TUẦN GIÁO

Dienbien.edu.vn - Tuần Giáo là một huyện miền núi nằm ở phía tây của tỉnh Điện Biên, có 18/19 xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm 54,46%, có hơn 90% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS), 92,7% trẻ em mầm non và học sinh tiểu học là người DTTS, vì vậy việc thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS là hết sức cần thiết.
Căn cứ vào văn bản hướng dẫn của Bộ, Tỉnh, UBND huyện Tuần Giáo đã ra Quyết định số 1318/QĐ-UBND ngày 31/12/2016 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số huyện Tuần Giáo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025.
Phòng GDĐT chỉ đạo các đơn vị trường trực thuộc làm tốt công tác tuyên truyền kế hoạch thực hiện Đề án, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của Đề án nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cha mẹ trẻ, giáo viên, cán bộ quản lý và cộng đồng đối với việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số. Thông qua các hình thức tuyên truyền, phổ biến tại các trường Mầm non, Tiểu học qua các góc tuyên truyền, bảng tin, hội thi, qua các buổi giao lưu, trên website, qua các buổi họp phụ huynh học sinh, họp bản,… đã nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của cha mẹ học sinh và nhân dân địa phương. Ngoài ra ngành còn thực hiện nhiều giải pháp để xây dựng và bảo đảm duy trì môi trường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số như: Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý về phương pháp, kỹ năng tăng cường tiếng Việt; xây dựng trường tiếng Việt theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, phù hợp với đối tượng trẻ em người dân tộc thiểu số; Tăng cường học liệu thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi; Thực hiện mô hình điểm tại các trường có nhiều trẻ là người dân tộc thiểu số khác nhau; Thực hiện đảm bảo các chế độ chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh theo quy định hiện hành…

Giờ hoạt động tăng cường tiếng Việt của các bé mầm non
Trong quá trình triển khai và thực hiện Đề án, bám sát vào tình hình thực tiễn địa phương, đã có nhiều đơn vị có những giải pháp, sáng kiến có tính sáng tạo được thực hiện thành công và hiệu quả. Nội dung giáo dục tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số được đưa vào các buổi sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề trong nhà trường; tăng cường tích hợp dạy tiếng Việt trong các môn học, các hoạt động giáo dục; vận dụng các phương pháp dạy học tiếng Việt như dạy học ngôn ngữ thứ hai; tăng thời gian luyện nói cho học sinh. Xây dựng môi trường tiếng Việt trong và ngoài lớp thân thiện, xây dựng góc thư viện với tủ sách thư viện tại các lớp mẫu giáo, trường Tiểu học phù hợp với học sinh. Khuyến khích giáo viên tăng cường tự làm đồ dùng dạy học, học sinh và giáo viên cùng trang trí lớp, tạo môi trường cho học sinh hoạt động, tạo cơ hội cho học sinh được học tập, vui chơi trong môi trường ký hiệu ngôn ngữ để phát triển ngôn ngữ toàn diện nhất. Đặc biệt thông qua các hình thức tuyên truyền, các đơn vị trường còn nhận được sự quan tâm ủng hộ của cha mẹ trẻ, nhân dân và cộng đồng trong nhiệm vụ tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS trên địa bàn huyện….
 
Giờ đọc sách tại thư viện ngoài trời của trẻ mầm non, học sinh tiểu học
Sau 05 năm triển khai thực hiện có thể nhận thấy là quy mô trường, lớp, học sinh tăng; 100% trẻ em mầm non và học sinh tiểu học là người DTTS đến trường đều được tăng cường tiếng Việt, đảm bảo cho các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục tiểu học, tạo tiền đề để học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và sự phát triển bền vững các dân tộc thiểu số, đóng góp vào sự tiến bộ, phát triển chung của huyện, tỉnh; Đội ngũ cán bộ, giáo viên được tăng cường cả về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất trường, lớp học từng bước được đầu tư nâng cấp; Nhiều ngôi trường được đầu tư khang trang hơn về cơ sở vật chất và đồ dùng đồ chơi, có nhiều đồ dùng đồ chơi là sản phẩm của giáo viên và học sinh tự làm được sử dụng trong các hoạt động dạy và học góp phần nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục….Giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ngày càng được nâng lên.

Cô và trẻ làm đồ dùng đồ chơi phục vụ hoạt động tăng cường tiếng Việt
Có thể nói rằng sự ra đời của Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 02/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 đã mang lại hiệu quả to lớn trong công tác giáo dục của các địa phương, đặc biệt là công tác giáo dục dân tộc, trẻ em nói chung và trẻ em là người DTTS nói riêng được quan tâm chăm sóc, giáo dục theo chuẩn kiến thức kỹ năng cơ bản đảm bảo đáp ứng với nhu cầu hiện nay.

Giờ sinh hoạt tập thể chủ đề: “Bé tìm hiểu về văn hóa dân tộc Thái”
Với những kết quả đã đạt được, hi vọng rằng trong giai đoạn tiếp theo của quá trình triển khai thực hiện Đề án, huyện Tuần Giáo sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các Sở, ngành; với sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, sự nghiệp giáo dục nói chung trong đó có Giáo dục mầm non và Giáo dục tiểu học có những bước phát triển vững chắc trong thời gian tới./.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây