Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên

https://dienbien.edu.vn


KHTC- Quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội

Dienbien.edu.vn: Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội. Theo Nghị định, Nhà nước khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước thành lập cơ sở trợ giúp xã hội để chăm sóc, trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội hoặc đối tượng cần trợ giúp xã hội trên lãnh thổ Việt Nam.
Cơ sở trợ giúp xã hội bao gồm các loại hình: Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người cao tuối; Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người khuyết tật; Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; Cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp thực hiện việc chăm sóc nhiều đối tượng bảo trợ xã hội hoặc đối tượng cần trợ giúp xã hội; Trung tâm công tác xã hội thực hiện việc tư vấn, chăm sóc khẩn cấp hoặc hỗ trợ  những điều kiện cần thiết khác cho đối tượng cần trợ giúp xã hội; Cơ sở trợ giúp xã hội khác theo quy định của pháp luật.
1
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng  học bổng cho trẻ em Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Điện Biên
 
Đối tượng phục vụ của cơ sở trợ giúp xã hội gồm: Đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp, người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính, đối tượng tự nguyện có nhu cầu bảo trợ xã hội và Các đối tượng khác theo chương trình, đề án hỗ trợ hoặc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định

Trong đó, đối tượng bảo trợ xã hội gồm: Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng (bị bỏ rơi, mồ côi, cha mẹ mất tích, cha mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc đang trong thời gian chấp hành án phạt tù), trẻ em bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo không tự lo được cuộc sống và không có người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng, trẻ em khuyết tật, người khuyết tật thuộc diện được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội theo quy định của pháp luật về người khuyết tật;  người cao tuổi thuộc diện được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội theo quy định của pháp luật về người cao tuổi. Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp bao gồm: Nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động; Trẻ em, người lang thang xin ăn trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú.
2
Đ/c Trần Văn Sơn – UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Điện Biên trao quà cho các cháu Làng trẻ SOS tỉnh Điện Biên
 
Cơ sở trợ giúp xã hội có nhiệm vụ: Tiếp nhận đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp; bảo đảm sự an toàn và đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp của đối tượng như: Nơi cư trú tạm thời, thức ăn, quần áo và đi lại; tham vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý và phục hồi thể chất cho đối tượng; tư vấn và trợ giúp đối tượng thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội; phối hợp với các cơ quan, tổ chức phù hợp khác để bảo vệ, trợ giúp đối tượng; tìm kiếm, sắp xếp các hình thức chăm sóc; tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện đặc biệt khó khăn, không tự lo được cuộc sống và không có điều kiện sinh sống tại gia đình, cộng đồng; tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, trợ giúp các đối tượng trong các hoạt động tự quản, văn hoá, thể thao, các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi và sức khoẻ của từng nhóm đối tượng lao động sản xuất theo quy định của pháp luật...

Điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ, thẩm quyền thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị cơ sở trợ giúp xã hội công lập theo quy định tại Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28/6/2012 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở hoạt động trên phạm vi liên tỉnh hoặc liên huyện, quận, thị xã, thành phố, có trụ sở chính đặt tại địa phương. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở hoạt động trên phạm vi cấp huyện, có trụ sở chính đặt tại địa phương. Cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập là cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký thành lập và giải thể cơ sở.

Trường hợp cơ sở trợ giúp xã hội có chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng thì phải bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực. Đối với cơ sở vật chất: Diện tích đất tự nhiên bình quân 30 m2/đối tượng ở khu vực nông thôn, 10 m2/đối tượng ở khu vực thành thị; diện tích phòng ở của đối tượng bình quân tối thiểu 6 m2/đối tượng; phòng ở phải được trang bị đồ dùng cần thiết phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của đối tượng; có khu nhà ở, khu nhà bếp, khu làm việc của cán bộ nhân viên, khu vui chơi giải trí, hệ thống cấp, thoát nước, điện, đường đi nội bộ; khu sản xuất và lao động trị liệu (nếu có điều kiện). Đối với nhân viên: Có sức khỏe để thực hiện trợ giúp xã hội đối tượng; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội; có kỹ năng để trợ giúp xã hội đối tượng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2017, thay thế Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội./.

Tác giả: Đặng Việt Cường

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây