Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên

https://dienbien.edu.vn


KHTC- Suy nghĩ về nhà giáo trong sự nghiệp trồng người

Dienbien.edu.vn: Với mỗi nhà giáo từng đứng trên bục giảng, thành công lớn nhất trong sự nghiệp chính là đào tạo ra những thế hệ học trò thành đạt.
Ở mảnh đất Tây Bắc khó khăn và gian khổ này, có nhiều người học sư phạm ra trường mà không theo nghề dạy học vì họ chưa đủ dũng khí để đối mặt với gian truân của nghề, thậm chí vẫn những có những người lựa chọn theo nghề khác mặc dù đã từng đứng trên bục giảng. Không thiếu những doanh nhân thành đạt vẫn đăng lại bức hình thời còn là giáo viên cắm bản để tự nhắc nhở những ngày khó khăn, nhiều lãnh đạo vẫn kể lại cuộc đời mình với thời gian từng là giáo viên như quãng thời gian vất vả, gian truân nhưng cũng tự hào nhất,…. Đó là những minh chứng rõ ràng cho thấy nghề dạy học không hề nhàn nhã và dễ dàng như nhiều người nghĩ.
1
Ảnh minh họa
 
Những người vợ, người chồng không trong nghề giáo cứ thương cho người bạn đời của mình, rằng, cái tâm không nhàn. Hết 8 tiếng ở trường ở lớp lại vất vả với trang giáo án ngày mai, trăn trở trong từng lời phê khi hạ bút vào bài kiểm tra của học trò. Đêm nằm vẫn lo lắng học trò ốm sốt, lo từ chuyện mua giùm đôi dép, cái áo cái quần đến chuyện các em cãi vã mà chểnh mảng bài vở, trăn trở lo lắng khi lớp vắng trò mùa giáp hạt, suy tư khi nghe cậu trò cũ ra trường mãi chưa tìm được việc làm,... Nghề giáo vốn là vậy, đâu phải chỉ là việc truyền thụ tri thức đơn thuần. Cao hơn hết thảy, đó là truyền thụ được cái hồn cốt của thế giới tâm hồn, để mỗi ngày, học sinh của chúng ta tiếp nhận thêm một bài học về nhân cách, về kinh nghiệm và kỹ năng sống, hình thành lý tưởng sống và nhân sinh quan cao đẹp.

Không gì hạnh phúc bằng khi người giáo viên được xã hội tôn vinh, được mọi người gọi cái tên trìu mến, đầy kính trọng “Thầy giáo”. Cái tên ấy là sự tổng hòa của nhân cách, của trí tuệ, của sự tận tâm, sự hy sinh thể hiện qua câu khẩu hiệu bất diệt “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Những chiều tan tầm muộn, khi ai nấy  đều vội vã về nhà tranh thủ chút thời gian nghỉ ngơi thư giãn cùng gia đình thì những thầy cô giáo lại hối hả với việc trường việc lớp. Các giáo viên mầm non, tiểu học thì dọn dẹp, trang trí lớp học, chăm sóc vườn rau, luống hoa; giáo viên trung học thì lại hướng dẫn học sinh các hoạt động trải nghiệm, phát triển năng khiếu,..; giáo viên nội trú, bán trú thì chăm lo bữa ăn, đời sống học sinh, tìm hiểu, chia sẻ, giải quyết cho học trò vô vàn những va chạm, khúc mắc của tuổi thanh thiếu niên,… mà các em chẳng biết bày tỏ cùng ai. Cái không gian của thời gian ngoài giờ lên lớp là không gian của người mẹ hiền, người anh cả mà mỗi học sinh không bao giờ quên.
2
Ảnh minh họa
 
Thế nhưng, không ai biết được, những người mẹ hiền đó, người có con nhỏ, chồng công tác xa vẫn mê mải với đàn em; người anh cả mẫu mực đó có bố mẹ đã già chỉ trông cậy vào cậu con trai duy nhất thì lại vẫn đang lo lắng cho các em thơ ở trường; có những thầy những cô, tuổi xế chiều đã đến lúc được nghỉ ngơi nhưng vẫn đi sớm về muộn vì biết rằng bàn tay gầy guộc này vẫn là chỗ tin tưởng để học trò trông đợi.

Từ điển Tiếng Việt định nghĩa: “Nghề là công việc chuyên làm theo sự phân công lao động của xã hội”. Người giáo viên dạy học cũng là một nghề - nghề dạy học. Trước hết, đó là một kế sinh nhai cũng như tất cả các nghề khác: nghề dệt, nghề mộc, nghề gốm...Thế nhưng khi bước xuống bục giảng học sinh vẫn gọi là thầy giáo, mọi người cũng gọi là thầy giáo, vô hình chung mỗi lời nói, hành động của bản thân tự nguyện hướng theo hình ảnh chuẩn mực của nghề giáo, đó chính là cái nghiệp của người thầy.

Nếu chỉ đơn thuần là sự phân công lao động xã hội, nghề dạy học cũng sẽ chỉ đơn giản là lao động trí óc với đặc trưng truyền thụ tri thức khoa học kinh nghiệm từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhưng với sự trông đợi, tôn trọng, tin tưởng và tri ân của xã hội thì nghiệp làm thầy khó khăn và vất vả hơn rất nhiều. Có lẽ tất cả các thầy cô giáo đã, đang và sẽ còn sống chết tâm huyết với nghề bởi vì nghề dạy học mang đến cho nhà giáo một cuộc sống có giá trị, cuộc sống mà mỗi người luôn phấn đấu tự hoàn thiện mình từng ngày từng giờ. Lí do rất đơn giản là người giáo viên không phải chỉ truyền thụ tri thức đơn thuần, họ giáo dục học sinh bằng nhân cách của mình. Câu nói “Thầy nào trò nấy” hay “Danh sư xuất cao đồ” thể hiện rõ giá trị của trí tuệ, đạo đức người thầy ảnh hưởng đến thành công của học trò. Với mỗi người thầy những lúc buồn, thất ý thì đó là lúc tự xét lại bản thân vì đã chưa cố gắng hết sức để học trò của mình vẫn còn quá non nớt khi bước chân ra cuộc sống. Chuẩn mực thành công của một nhà giáo không đo bằng tiền tài, danh vọng của bản thân mà qua giá trị của nhân cách để lại dấu ấn trong thành công của học trò.
3
Thầy giáo Trần Đăng Khoa cùng học trò trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ,
huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
 
  Trong xu thế hội nhập quốc tế trên nền tảng của nền kinh tế tri thức, nghiệp làm thầy thật chưa bao giờ lại quan trọng và cần thiết như hiện nay. Khi cơ chế thị trường với những mảng đậm nhạt sáng tối gõ cửa vào những rường cột của đạo đức, văn hóa, tính nhân văn trong mỗi căn nhà, nhiều người đổ lỗi cho hoàn cảnh, sự tha hóa về đạo đức, niềm tin hoặc cho cơ chế thị trường,... Nhưng bất luận thế nào, những người thầy giáo, cô giáo, bằng nhân cách và tài năng mà từng ngày, từng giờ luôn tự hoàn thiện để gieo những giấc mơ trong lành và thánh thiện gửi gắm cho đồng nghiệp và học trò. Xin thêm một lần trân trọng tôn vinh những thầy cô giáo yêu nghề, tâm huyết với sự nghiệp luôn sẵn sàng vượt qua bao khó khăn, vất vả của đời thường để nghiệp làm thầy luôn là một chuẩn mực vĩnh cửu trong xã hội.
 

Tác giả: Đặng Việt Cường

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây