Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên

https://dienbien.edu.vn


GDMN - Phương pháp giáo dục Reggio Emilia với trẻ mầm non

Dienbien.edu.vn- Đối với nhiều cha mẹ có con nhỏ ở độ tuổi mầm non, giai đoạn chuẩn bị bắt đầu đi học là một thời gian đầy lo lắng. Bởi lẽ khi trẻ bắt đầu đi học, cha mẹ sẽ ít có thời gian gắn kết với con hơn, việc vui chơi của con giờ đây sẽ theo sự hướng dẫn của giáo viên là chủ yếu. Tuy vậy, nếu trẻ được tham gia vào phương pháp giáo dục sớm theo cách tiếp cận Reggio Emilia thì việc học hành của con sẽ chuyển thành một tổ hợp thống nhất giữa cha mẹ-con-giáo viên, trong đó cha mẹ vẫn đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển học tập của con như là giáo viên.
Reggio Emilia là phương pháp giáo dục được nhà tâm lý học người Italy, Loris Malaguzzi (1920-1994) phát triển từ những năm 40 của thế kỷ 20 sau khi chiến tranh thế giới lần thứ II vừa kết thúc và được đặt tên theo ngôi làng Reggio Emilia ở phía bắc Italy.
 

Loris Malaguzzi
 
Triết lý Reggio Emilia bắt nguồn từ niềm tin cho rằng trong mỗi trẻ đều chứa đựng một tiềm năng lớn và tiềm năng đó sẽ được phát triển nhờ chính trí tò mò vốn có của trẻ. Trẻ cố gắng tìm hiểu thế giới xung quanh và tự đưa ra cách riêng của mình để giải thích sự vận động của thế giới xung quanh trẻ.

Theo Reggio Emilia, mỗi cá nhân chúng ta đều xây dựng kiến thức của mình từ những kinh nghiệm thực tế, thông qua những tương tác của mỗi người với môi trường và xã hội. Trẻ em cũng vậy, trẻ cần được nhà trường và gia đình trao cho những cơ hội để xây dựng kho kiến thức của mình dựa trên trí tò mò tự nhiên của trẻ.

Đây là một phương pháp giáo dục nhân văn, gần gũi, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giáo dục cộng đồng và sự tự tìm hiểu khám phá. Kể từ khi ra đời từ những năm 1940, đến nay phương pháp Reggio đã trải rộng khắp thế giới tại các trường mẫu giáo và mầm non.

Các giá trị cốt lõi của phương pháp Reggio Emilia:

Trẻ là một người tham gia học tập chủ động. Theo phương pháp Reggio, trẻ em là một người tự đề xuất và tự khởi động việc tương tác với môi trường xung quanh. Chính vì vậy, môi trường giáo dục phải hỗ trợ cho việc theo đuổi sở thích của chúng, nhưng không phải là sao cũng được. Từ đó kích thích sự tò mò, quan sát của trẻ và tạo nên sự yêu thích tìm tòi học tập ở trẻ.

Ví dụ, khi trẻ trong lớp học tỏ ra thích thú với trò chơi xây dựng thì giáo viên sẽ cung cấp thêm các thanh gỗ nhỏ với các màu sắc, kiểu dáng khác nhau và các vật liệu khác nhằm giúp trẻ có vật liệu để phát triển tiếp ý tưởng và sở thích sẵn có. Trong khi trẻ đang say sưa khám phá thì giáo viên sẽ đưa thêm các cơ hội để học và làm quen với kỹ năng tính toán, giải quyết vấn đề và cả kỹ năng đọc, viết.
 
 
Môi trường đóng một vai trò quan trọng. Phương pháp Reggio, xem môi trường là một yếu tố giáo dục thứ ba, sau giáo viên và cha mẹ trẻ. Trẻ được nhận thức về thế giới xung quanh qua những thí nghiệm và trải nghiệm của chính bản thân. Phần lớn các lớp học đều có một studio, hay nói nôm là một “xưởng chế tạo”, nơi đó đầy ắp các vật liệu như: đất sét, màu vẽ, dụng cụ viết và thiết kế. Trẻ sẽ sử dụng những công cụ ấy để thể hiện ý tưởng của chúng trong quá trình học tập thực tế. Được tự khám phá thế giới xung quanh sẽ giúp trẻ tự tin hơn trong quá trình học tập. Qua đó giúp trẻ phát triển khả năng tưởng tượng và sáng tạo.

Giáo viên - cha mẹ - trẻ đóng vai trò như những người hợp tác trong quá trình trẻ học. Thông thường, các phương pháp khác ít để ý đến vai trò của cha mẹ trong quá trình học của trẻ, nhưng phương pháp Reggio lại xem cha mẹ như là một yếu tố hết sức quan trọng cho việc học của trẻ. Để xây dựng một cộng đồng học tập cho trẻ, các trường Reggio thường xuyên tổ chức các sự kiện trong suốt năm học để kết nối với phụ huynh của học sinh, chẳng hạn như các buổi thuyết giảng, hội thảo chia sẻ về cách chăm sóc và nuôi dạy trẻ.

Ví dụ, nhiều phụ huynh thường hay than phiền về việc ngủ của con không được tốt. Từ thực tế đó, biện pháp của nhà trường là tổ chức một hội thảo có mời chuyên gia về chia sẻ và hướng dẫn cha mẹ tạo giấc ngủ tốt cho trẻ tại nhà.
 

 
Tạo điều kiện cho trẻ gần gũi với các nghệ thuật sáng tạo đa dạng và việc học tập là trực quan sinh động. 

Theo phương pháp Reggio, các giáo viên sử dụng nhiều cách để lưu lại quá trình học tập của trẻ, chẳng hạn như: quay phim, chụp ảnh, viết nhật ký, lưu lại các ý tưởng và sản phẩm hoạt động của trẻ. Giáo viên thường có một hồ sơ để lưu lại các ảnh chụp các sản phẩm sáng tạo của trẻ, thậm chí các câu hỏi của trẻ. Điều đó giúp trẻ cảm thấy rất tự hào và hãnh diện với quá trình học tập và sự tiến bộ của chính mình.


 
Các hoạt động sáng tạo dựa vào các vật liệu thiên nhiên như gỗ, sỏi, cát… Các lớp học có thể ở trong rừng hoặc ngoài trời, nơi gần gũi với thiên nhiên
 
Mặc dù để thực hiện được giáo dục trẻ theo phương pháp Reggio Emilia là một thách thức lớn đối với các giáo viên, nhưng các giá trị của nó mang lại cho trẻ vô cùng to lớn. Phương pháp này hỗ trợ cho việc học của trẻ có chiều sâu hơn về nhận thức thế giới xung quanh, điều này là vô cùng quan trọng đối với quá trình phát triển của trẻ. Tất cả các cha, mẹ và giáo viên đều đồng ý rằng: chẳng bao giờ là quá sớm khi truyền cho trẻ một tinh thần ham hiểu biết và những công cụ giúp khám phá thế giới. Kỹ thuật để chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non thì rất nhiều nên hy vọng còn có nhiều cơ hội chia sẻ cùng các đồng nghiệp./.

Tác giả: Trần Thị Thúy

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây