Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên

https://dienbien.edu.vn


KHTC - Giai đoạn 2017-2020, tỉnh Điện Biên có 103 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020

Dienbien.edu.vn: Ngày 20/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 900/QĐ-TTg Phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017 – 2020.
Theo đó, cả nước có 2.139 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu của 46 tỉnh được phê duyệt vào diện đầu tư của Chương trình 135 trong giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó: Ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư 2.103 xã của 44 tỉnh; Ngân sách địa phương đầu tư 36 xã của 02 tỉnh Quảng Ninh và Khánh Hòa. Các tỉnh có nhiều xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 là: Cao Bằng với 156 xã; Hà Giang 136 xã; Lạng Sơn 133 xã, Sơn La 118 xã, Lào Cai 104 xã; Thanh Hóa 100 xã, Hòa Bình 99 xã...
Xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ - Xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020
Tỉnh Điện Biên có 103 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 thuộc địa bàn của 8/10 đơn vị hành chính cấp huyện, tăng 05 xã so với năm 2016, cụ thể: Huyện Điện Biên 15/25 xã, huyện Điện Biên Đông 13/14 xã, huyện Mường Ảng 09/10 xã (xã Ảng Nưa là xã 135), huyện Tuần Giáo 18/19 xã (xã Tỏa Tình, Pú Nhung, Chiềng Sinh là xã 135), huyện Tủa Chùa 11/12 xã, huyện Mường Chà 11/12 xã, huyện Nậm Pồ 15/15 xã (xã Chà Cang là xã 135), huyện Mường Nhé 11/11 xã.

Chương trình 135 được triển khai thực hiện trong thời gian qua đã giúp tỉnh Điện Biên giải quyết những vấn đề khó khăn bức xúc nhất ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới như: Đường giao thông, trường học, trạm y tế, điện sinh hoạt, thủy lợi,… giúp cho người dân ổn định đời sống sinh hoạt, nâng cao năng trình độ, đẩy mạnh sản xuất, xóa đói giảm nghèo; mở rộng giao lưu các vùng; củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Các tuyến đường giao thông liên xã, bản tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân, thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hoá, xã hội; hệ thống thuỷ lợi được xây dựng, nâng cao năng lực tưới, mở rộng diện tích đất sản xuất giúp người dân ổn định cuộc sống. Nhiều trường học được xây dựng kiên cố với thiết bị dạy và học được đầu tư đầy đủ đã cải thiện được tình trạng thiếu phòng học, góp phần tăng tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện . Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, từ sản xuất trên nương phụ thuộc vào tự nhiên, nay biết làm ruộng nước, thâm canh tăng vụ, biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
 
 
Trường THCS-THPT Tả Sìn Thàng nằm trên địa bàn xã Tả Sìn Thàng (xã thuộc diện đầu tư của Chương trình 135)  huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên
Theo Quy hoạch phát triển giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên giai đoạn 2015-2025, định hướng đến năm 2030 đã trình UBND tỉnh, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp duy trì, nâng cao tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đi học đến trường cụ thể: Trẻ em 0-2 tuổi đạt 50%; trẻ em 3-5 tuổi đạt 98%;  dân số 6-10 tuổi học tiểu học đạt 99,5%;  dân số 11-14 tuổi học THCS đạt 95%; dân số 15-18 tuổi học THPT và tương đương đạt 70%; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tăng cường dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số,... Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, duy trì và nâng cao tiêu chí chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 (60% đơn vị hành chính cấp xã và 03 đơn vị hành chính cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở mức độ 3), duy trì và nâng cao các chỉ số về chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi; nâng tỷ lệ trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia đạt 60%. Đầu tư xây dựng mới 769 phòng học, 319 phòng học chức năng, 17 nhà đa năng, 411 phòng công vụ, 383 phòng nội trú, 63 nhà bếp, 230 công trình vệ sinh, 130 công trình nước sạch, 08 trung tâm học tập cộng đồng, 25 bể bơi nâng tỷ lệ phòng học, phòng nội trú và phòng công vụ được xây dựng kiên cố đến năm 2020 đạt 65%.

Quyết định số 900/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ 20/6/2017, thay thế cho Quyết định số 204/QĐ-TTg ngày 01/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2016. Bạn đọc có thể bấm vào đây để biết thêm thông tin./

Tác giả: Phạm Ngọc Long

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây