Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên

https://dienbien.edu.vn


GDTH – Ngoại khóa cùng gìn giữ những nét đẹp cổ truyền ở trường Tiểu học Quài Tở, huyện Tuần Giáo

Từ xưa đến nay, Tết Nguyên Đán là dịp lễ quan trọng của người Việt Nam. Hòa cùng với văn hóa Tết âm lịch của các nước phương Đông. Đây là khoảng thời gian được xem là vui nhất, nhộn nhịp nhất và ấm áp nhất của cả một năm. Mọi người trong gia đình có cơ hội sum họp, đoàn tụ, quây quần bên nhau, cùng nhau tận hưởng những khoảnh khắc thiêng liêng, nồng ấm của mùa xuân, của những ngày đầu năm đầy phấn khởi.

Ngày nay, khi cuộc sống hiện đại kéo con người vào guồng quay vội vã, dường như những giá trị đón Tết truyền thống cũng trở nên đơn giản và thay đổi xu hướng ngày tết cổ truyền hơn. Vậy làm thế nào để con cái chúng ta được trải nghiệm và không thờ ơ với những giá trị Tết truyền thống, trách nhiệm lớn nhất là của gia đình và các trường học. Nhận thức rõ về điều đó, là một đơn vị trường học thuộc vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, thầy cô trường Tiểu học Quài Tở cũng như bao thầy cô khác đều mong muốn góp phần tạo nên niềm vui hân hoan cho các em khi đón tết.

1

Học sinh lớp 4, 5 tham gia gói bánh chưng

Dạy cho các em biết giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục kĩ năng sống cho các em qua hoạt động ngoại khóa: “Ngày tết quê em”. Trong buổi hoạt động, các em được thầy cô hướng dẫn và tổ chức thi gói bánh chưng, bánh gù, làm mứt dừa, nấu chè đỗ xanh, thi trang trí cành đào, bày mâm ngũ quả, tìm hiểu về những nét đẹp của ngày Tết cổ truyền …

2

Học sinh lớp 3 trang trí cành đào

Những hoạt động ấy trong mắt con trẻ lại trở nên hấp dẫn, mới lạ. Trong các em, có không ít những đứa trẻ chỉ biết đến những giá trị truyền thống qua sách báo hay những bài học trong sách vở. Hôm nay, chính các em được trải nghiệm, được tự tay tập gói bánh chưng, làm mứt, bày mâm ngũ quả,... Những đôi mắt tròn xoe, thích thú khi được thầy cô giáo dạy bài học về nghi lễ ngày Tết, về cách ứng xử văn minh khi nhận quà, được tự tay lau lá bánh, được học cách gói bánh chưng. Và rồi sản phẩm đầu tay đó được các em mang về nhà đặt lên bàn thờ như một món quà cho tấm lòng chân thành và sự tâm huyết của thầy và trò trao gửi tới người thân. HHạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản là thấy sự thích thú của con trẻ, thấy con em mình trưởng thành lên trong từng nếp nghĩ.

3

Mâm ngũ quả của học sinh lớp 1, 2

 

Trải qua các thời đại, đến nay Tết Việt đã có nhiều thay đổi. Điều này ít nhiều cũng tác động đến suy nghĩ và nhận thức của các thế hệ. Qua buổi ngoại khóa, thầy trò nhà trường muốn gửi một thông điệp: Giữ gìn nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền Việt Nam là trách nhiệm không của riêng ai. Bởi vậy, mỗi người dân dù đang sinh sống trên đất nước mình, hay học tập, công tác và định cư ở nước ngoài cần phải bảo tồn và phát huy những truyền thống văn hóa của Tết cổ truyền, góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống, làm cho mọi người càng thêm yêu quê hương, đất nước, gắn bó mật thiết với gia đình, cộng đồng và sống có trách nhiệm hơn với quá khứ, hiện tại và tương lai của mỗi con người./.

Tác giả: Đặng Thị Hòa

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây