Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên

https://dienbien.edu.vn


KHTC – Hướng dẫn thực hiện giá, phí dịch vụ và các khoản huy động, đóng góp của nhân dân trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Điện Biên năm học 2017-2018

Dienbien.edu.vn: Ngày 08/8/2017, Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đã ban hành Văn bản số 1697/SGDĐT-KHTC hướng dẫn thu giá, phí dịch vụ và các khoản huy động, đóng góp của nhân dân trong các cơ sở giáo dục năm học 2017-2018.
Theo đó, các khoản thu dịch vụ công theo quy định của UBND tỉnh gồm: học phí; trông giữ xe đạp, xe máy; dạy thêm, học thêm; bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên.
1
Học sinh trường tiểu học Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ  trong Lễ Khai giảng
 
Các khoản đóng góp thỏa thuận giữa nhà trường và cha, mẹ học sinh (phi lợi nhuận)  gồm: mua sắm vật dụng phục vụ trực tiếp cho học sinh học tập, sinh hoạt (quần áo đồng phục, quần áo thể dục - thể thao, phù hiệu học sinh, thẻ học sinh,…); thực hiện một số nhiệm vụ thay cha, mẹ học sinh trong công tác nuôi, dạy học sinh (nấu ăn, chăm sóc bán trú, nước uống, vệ sinh,…).

Nguyên tắc thực hiện đối với các khoản đóng góp thỏa thuận giữa nhà trường và cha, mẹ học sinh như sau: i) Các cơ sở giáo dục khảo sát, lựa chọn mẫu hàng hóa, xây dựng giá dịch vụ theo nguyên tắc thu đủ chi phí trực tiếp, không lợi nhuận; ii) Nội dung thỏa thuận phải được cụ thể hóa bằng văn bản và đủ chữ ký đồng thuận của cha mẹ học sinh; iii) Thỏa thuận với cha mẹ học sinh thu theo đợt phù hợp với nội dung từng khoản chi, không thu dồn vào đầu năm học; iv) Các dịch vụ do cơ sở giáo dục thực hiện phải tuân thủ quy định hiện hành của nhà nước về điều kiện tổ chức cung ứng dịch vụ và đảm bảo chất lượng dịch vụ đã thỏa thuận cung ứng với cha mẹ học sinh; đảm bảo tương đồng về giá của mỗi loại hình dịch vụ giữa các cơ sở giáo dục trên cùng địa bàn. Tuyệt đối không để tình trạng lạm thu.

Khuyến khích các cơ sở giáo dục tạo điều kiện để các Công ty Bảo hiểm có uy tín triển khai các sản phẩm bảo hiểm tự nguyện đối với học sinh. Tuy nhiên, để tránh tình trạng cha mẹ học sinh hiểu nhầm là một khoản thu bắt buộc của cơ sở giáo dục, các đơn vị cần tuyên truyền để cha mẹ học sinh hiểu nguyên tắc tự nguyện và lợi ích của học sinh khi tham gia các sản phẩm bảo hiểm tự nguyện.
2
Học sinh trường Dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên thực hành môn Tin học

Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha, mẹ học sinh thực hiện theo quy định tại Điều lệ Ban đại diện cha, mẹ học sinh ban hành kèm theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường hợp Ban đại diện cha mẹ học sinh nhờ nhà trường thực hiện giúp thì phải có văn bản đề nghị hoặc biên bản làm việc, không để tình trạng nhà trường làm thay việc hoặc sử dụng kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh gây sự hiểu nhầm.

Khuyến khích các cơ sở giáo dục vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm tài trợ kinh phí để hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học và các hoạt động giáo dục. Trước khi vận động tài trợ, các cơ sở giáo dục phải trình cơ quan quản lý trực tiếp phê duyệt chủ trương phát động tài trợ. Các cơ sở giáo dục chỉ vận động tài trợ khi được sự nhất trí bằng văn bản của cơ quan quản lý trực tiếp; quy trình vận động tài trợ, quản lý, sử dụng kinh phí tài trợ thực hiện theo quy định hiện hành.

Các cơ sở giáo dục thực hiện công khai các khoản thu theo quy định tại Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.

Năm học vừa qua, huyện Tuần Giáo đã huy động gần 20 tỷ đồng, toàn ngành giáo dục và đào tạo đã huy động trên 41 tỷ đồng để đầu tư bổ sung cơ sở vật chất cho các trường học. Huy động, xã hội hóa tài lực cho giáo dục là cần thiết trong bối cảnh ngân sách eo hẹp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cần rõ ràng, minh bạch, thống nhất cao, giám sát chi đúng mục tiêu./.

Tác giả: Đặng Việt Cường

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây