Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên

https://dienbien.edu.vn


VP- Nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú

Dienbien.edu.vn - Xác định nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú là nhiệm vụ quan trọng trong các cấp học; do vậy nhiều năm qua, ngành Giáo dục và Ðào tạo huyện Mường Nhé đã triển khai đồng bộ các giải pháp; thực hiện tốt việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong trường học, đặc biệt là các trường ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Từ đó, góp phần nâng cao sức khỏe, hạn chế thấp nhất những trường hợp ngộ độc có thể xảy ra.
http://www.baodienbienphu.info.vn/uploads/0-Nam%202019/Thang%201/18-1/5.1.jpg
Bữa ăn bán trú của trẻ Trường Mầm non Mường Nhé (xã Mường Nhé).
Tháng 12 vừa qua, trong chuyến công tác về huyện biên giới Mường Nhé, chúng tôi có dịp về với cô và trò Trường Mầm non Mường Nhé (xã Mường Nhé). Ngôi trường luôn nhận được sự tin tưởng của phụ huynh về khẩu phần ăn phong phú, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn. Năm học 2018 - 2019, Trường có gần 1.000 trẻ ăn bán trú. Cô Hồ Thị Thắm, Hiệu trưởng Trường cho biết: Nhận thức rõ VSATTP có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, với sự quan tâm của ngành, Trường đã đầu tư sửa sang nhà bếp, khu vực nhà ăn, các công trình phụ hợp vệ sinh... Với khu vực bếp ăn được xây dựng theo quy trình một chiều và được chia thành các khu riêng biệt (khu chứa đựng nguyên liệu, chế biến thực phẩm tươi sống…); trang thiết bị bảo quản thức ăn được trang bị đầy đủ. Ðặc biệt, duy trì nguồn thực phẩm đảm bảo, Trường đã ký hợp đồng nhập thực phẩm từ một số cơ sở có uy tín, có giấy chứng nhận VSATTP, tuyệt đối không mua các thực phẩm không rõ nguồn gốc; thành lập tổ VSATTP, phân công các tổ viên giám sát chặt chẽ quy trình nấu ăn cũng như chất lượng bữa ăn cho học sinh; chủ động thay đổi khẩu phần ăn cho học sinh theo từng bữa, đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng trong từng bữa ăn. Với cách làm đó, nhiều năm qua Trường không có trường hợp ngộ độc thực phẩm nào xảy ra. Tuy nhiên, cũng theo cô Hồ Thị Thắm, tại các điểm bản do chưa có nhà ăn riêng nên chủ yếu cô giáo tổ chức cho các em ăn trong lớp, do vậy đã phần nào gây ảnh hưởng đến việc giảng dạy; đảm bảo vệ sinh lớp học.
Thầy giáo Phan Văn Uyên, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Mường Nhé cho biết: Hiện nay, toàn huyện có hơn 6.039 học sinh bán trú thuộc 26 trường (tiểu học 2.864 học sinh; THCS 3.175); học kỳ I, năm học 2018 - 2019, gần 4.000 trẻ được hỗ trợ ăn trưa tại trường. Do số lượng học sinh bán trú, số trẻ được hỗ trợ ăn trưa tại trường ngày càng đông, nên bên cạnh việc quan tâm đến đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hoá, ngành giáo dục Mường Nhé cũng rất chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống nhà bếp, nhà ăn thoáng mát, hợp vệ sinh đảm bảo chất lượng.
Cùng với đó, Phòng cũng đẩy mạnh tuyên truyền tới đội ngũ giáo viên và học sinh thông qua các buổi ngoại khóa để lựa chọn cho mình những thực phẩm tốt nhất; chỉ đạo các trường chủ động hướng dẫn học sinh cách ăn uống khoa học, hợp vệ sinh; tận dụng cơm thừa của học sinh để chăn nuôi lợn, gà và trồng rau xanh cải thiện và nâng cao hiệu quả bữa ăn cho học sinh bán trú. Ðối với nhân viên nấu ăn, phải đảm bảo có giấy chứng nhận VSATTP do Phòng Y tế cấp, kiểm tra sức khỏe định kỳ; được tập huấn kỹ năng nấu ăn theo quy trình một chiều... Ngoài ra, Phòng cũng chỉ đạo sâu sát, quyết liệt việc nhà trường lựa chọn những cơ sở cung cấp có uy tín, địa chỉ rõ ràng và ký hợp đồng cam kết trách nhiệm; thực đơn thực phẩm được lên lịch theo tuần, theo mùa. Hàng ngày, thực phẩm được tiếp nhận dưới sự giám sát chặt chẽ của đại diện nhà trường đồng thời công khai thực đơn bán trú trong ngày, thực hiện lưu mẫu thức ăn hàng ngày 24/24 giờ theo quy định; tuyệt đối không sử dụng hàng đông lạnh để chế biến thức ăn cho học sinh. Từ đó, góp phần tạo thêm niềm tin để mỗi bậc phụ huynh yên tâm khi gửi gắm con em mình đến lớp, đặc biệt nâng cao “đức - trí - thể - mỹ” cho học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Tác giả: Sầm Phúc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây