banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

KHTC-Bí mật của thầy giáo Mỹ 17 năm đi dạy không biết đọc

Thứ sáu - 20/04/2018 02:37
John Corcoran trải qua thời niên thiếu ở New Mexico, Mỹ vào những năm 1940, 1950. Là một trong 6 người con trong gia đình, ông tốt nghiệp trung học, học lên đại học và trở thành giáo viên vào những năm 1960 – một công việc mà ông đã gắn bó suốt 17 năm. Nhưng ông đã che giấu một bí mật kinh hoàng trong suốt những năm tháng đó.
John Corcoran trải qua thời niên thiếu ở New Mexico, Mỹ vào những năm 1940, 1950. Là một trong 6 người con trong gia đình, ông tốt nghiệp trung học, học lên đại học và trở thành giáo viên vào những năm 1960 – một công việc mà ông đã gắn bó suốt 17 năm. Nhưng ông đã che giấu một bí mật kinh hoàng trong suốt những năm tháng đó.
 
giáo dục Mỹ,giá trị sống,kỹ năng đọc
John Corcoran

Khi còn nhỏ, cha mẹ luôn nói rằng tôi là kẻ chiến thắng, và suốt 6 năm đầu đời, tôi tin vào điều đó.

Tôi là một đứa trẻ chậm nói, nhưng tôi tới trường với nhiều hi vọng về việc sẽ được học đọc giống như các chị. Năm đầu tiên, mọi thứ đều ổn vì không có nhiều yêu cầu ngoài việc đứng đúng hàng, ngồi xuống, giữ im lặng và vào nhà tắm đúng giờ.

Lên lớp 2, chúng tôi được học đọc. Nhưng với tôi, việc đọc giống như mở một tờ báo tiếng Trung rồi nhìn vào đó. Tôi không hiểu những dòng chữ đó viết gì. Là một đứa trẻ 6, 7, 8 tuổi, tôi không biết cách nói rõ vấn đề của mình.

Tôi nhớ mình đã cầu nguyện mỗi đêm: “Lạy Chúa, hãy cho con biết đọc vào ngày mai khi con thức dậy”. Đôi khi, tôi còn bật đèn, lấy một cuốn sách và nhìn vào đó để xem phép lạ có xảy ra hay không. Tất nhiên, tôi đã không nhận được phép lạ nào.

Ở trường, tôi được xếp vào nhóm câm cùng với vài đứa khác – những đứa gặp khó khăn với việc đọc. Tôi không biết tại sao mình lại ở đó, và không biết làm thế nào để thoát ra. Và tất nhiên tôi cũng không biết đặt câu hỏi.

Giáo viên không gọi chúng tôi là “nhóm câm” – không có bất cứ sự phân biệt tàn nhẫn nào, nhưng bọn trẻ thì gọi đó là “nhóm câm” và khi bạn ở trong nhóm đó thì bạn bắt đầu nghĩ rằng bạn câm thật.

giáo dục Mỹ,giá trị sống,kỹ năng đọc
John Corcoran thời niên thiếu

Ở các cuộc họp, giáo viên nói với bố mẹ tôi rằng: “Thằng bé thông minh và nó sẽ làm được”, rồi họ cho tôi lên lớp 3.

“Thằng bé thông minh. Nó sẽ làm được”, và tôi được lên lớp 4. Cứ như thế, tôi lại lên lớp 5. Nhưng tôi không hề làm được.

Lên đến lớp 5, về cơ bản tôi đã bỏ cuộc với việc cố gắng học đọc. Mỗi ngày tôi thức dậy, mặc quần áo, tới trường và chiến đấu. Tôi ghét lớp học. Đó là một môi trường thù địch và tôi phải tìm cách để sống sót.

Lên lớp 7,  tôi thường xuyên phải lên phòng hiệu trưởng vì tội đánh nhau, làm trò cười, phá rối. Rồi tôi bị đình chỉ học.

Nhưng tôi cảm thấy những hành vi đó không phải là con người bên trong mình. Đó không phải là con người mà tôi muốn. Tôi muốn là một ai đó khác. Tôi muốn thành công. Tôi muốn là một học sinh giỏi, nhưng tôi không thể làm được.

Năm lớp 8, tôi mệt mỏi với việc tự làm bản thân và gia đình thấy xấu hổ. Tôi quyết định sẽ đối xử tốt với bản thân. Nếu bạn cư xử tốt ở trung học, bạn có thể tìm được cách thoát ra khỏi hệ thống này. Vì thế tôi sẽ là học trò cưng của giáo viên và làm mọi thứ cần thiết để vượt qua hệ thống.

Tôi muốn trở thành một vận động viên. Tôi có kỹ năng thể thao, có năng khiếu ở môn toán. Tôi có thể đếm tiền từ trước khi đi học, trước khi biết đọc thời khóa biểu.

Tôi cũng có các kỹ năng xã hội. Tôi tiếp xúc với các sinh viên đại học, hẹn gặp những sinh viên thủ khoa. Tôi giành vương miện trong lễ dạ hội. Tôi có người làm hộ bài tập về nhà – chủ yếu là các cô gái.

Tôi có thể viết tên mình và nhớ một vài từ, nhưng không thể viết cả một câu. Tôi học trung học nhưng chỉ biết đọc ở trình độ lớp 2, lớp 3. Tôi chưa từng nói cho bất cứ ai rằng mình không biết đọc.

Khi làm bài kiểm tra, tôi nhìn bài đứa khác, hoặc chuyển bài cho người khác làm hộ. Nhưng khi tôi vào đại học bằng học bổng toàn phần dành cho vận động viên, mọi chuyện lại khác.

Tôi đã nghĩ: “Chúa ơi, làm sao mình có thể vượt qua được?”

giáo dục Mỹ,giá trị sống,kỹ năng đọc
John Corcoran là một vận động viên giỏi thời trung học

Tôi có một hội chuyện sao chép lại những bài thi cũ. Đó là một cách gian lận. Tôi cố gắng có “cạ” ở lớp – người sẽ giúp tôi vượt qua bài thi. Có những giảng viên thường dùng lại bài thi của năm trước cho năm sau. Nhưng tôi cũng phải dùng đến cả những cách thức sáng tạo hơn và tuyệt vọng hơn.

Trong một bài thi, giáo sư viết 4 câu hỏi lên bảng. Tôi ngồi ở cuối phòng, gần cửa sổ, phía sau những sinh viên lớn tuổi hơn.

Tôi có một cuốn vở màu xanh và tôi cẩn thận chép 4 câu hỏi đó ra. Tôi không biết 4 câu đó hỏi gì.

Tôi đã sắp xếp một người bạn đứng ngoài cửa sổ. Cậu ta có lẽ là đứa thông minh nhất trong trường, nhưng lại khá nhút nhát và cậu ta nhờ tôi gán ghép với một cô gái tên là Mary mà cậu ấy muốn nhảy cùng trong lễ hội khiêu vũ.

Tôi ném cuốn vở màu xanh qua cửa sổ và cậu ấy giúp tôi viết câu trả lời.

Tôi còn một cuốn vở thi màu xanh khác giấu bên dưới áo. Tôi lôi ra nó và giả vờ như đang viết.

Lúc đó, tôi chỉ cầu nguyện rằng bạn tôi sẽ ném lại được cuốn vở đó và những câu trả lời của cậu ấy là đúng.

Tôi quá tuyệt vọng. Tôi cần phải qua môn học này. Tôi đã mạo hiểm.

Còn một bài thi khác tôi cũng không thể tìm được cách để vượt qua.

Một đêm, tôi tới văn phòng của giáo sư. Ông ấy không có ở đó. Tôi mở cửa sổ bằng một con dao và bước vào giống như một tên trộm. Tôi đã vượt qua ranh giới – tôi không chỉ là một sinh viên đang gian dối, mà là một tội phạm.

Tôi vào trong và nhìn quanh để tìm bài thi. Nhưng tôi không thể tìm ra nó. Có một cái tủ đựng hồ sơ bị khóa. Chắc chắn bài thi nằm trong cái tủ đó.

2, 3 đêm sau, tôi lại đột nhập phòng giáo sư nhưng vẫn không tìm ra. Vì thế, vào một đêm, khoảng 1 giờ sáng, tôi rủ thêm 3 người bạn cùng vào văn phòng giáo sư. Chúng tôi mang tủ hồ sơ có 4 ngăn kéo ấy ra khỏi trường.

Tôi đã sắp xếp một thợ khóa ở đó. Tôi mặc vest và đeo cà-vạt, giả vờ là một doanh nhân trẻ phải đi Los Angeles vào ngày hôm sau và thợ khóa sẽ cứu tôi bằng cách mở tủ hồ sơ.

Anh ta mở được nó ra, đưa cho tôi chìa khóa. Có khoảng 40 bản sao đề thi trong ngăn kéo trên cùng của tủ hồ sơ. Tôi lấy một bản mang về ký túc xá – nơi mà người bạn cùng lớp thông minh sẽ giải đề.

Chúng tôi trả tủ hồ sơ về văn phòng giáo sư. Khoảng 5 giờ sáng, tôi về phòng và nghĩ: “Nhiệm vụ bất khả thi đã được hoàn thành” và thấy mình thật thông minh.

Nhưng khi bước lên cầu thang, nằm xuống giường, tôi bắt đầu khóc nức nở như một đứa trẻ.

Tại sao tôi không tìm đến sự giúp đỡ? Bởi vì tôi không tin có ai đó có thể dạy mình đọc được. Đó là bí mật của tôi và tôi đã giữ bí mật đó.

Giáo viên và bố mẹ nói rằng những người có bằng đại học sẽ có công việc tốt hơn, cuộc sống tốt hơn. Đó là điều mà tôi tin. Động lực của tôi chỉ là mảnh giấy đó. Tôi hi vọng, bằng nỗ lực, bằng cầu nguyện hay bằng phép lạ, một ngày nào đó tôi sẽ đọc được.

Tôi tốt nghiệp đại học. Khi đó, đang thiếu giáo viên và tôi được đề nghị một công việc. Đó là điều vô lý nhất mà bạn có thể tưởng tượng.

Tại sao tôi lại đi dạy? Thật là điên rồ. Nhưng tôi đã vượt qua những năm trung học và đại học mà không hề bị bắt. Vì thế, làm giáo viên có thể là một công việc tốt để che giấu. Không ai có thể nghĩ rằng một giáo viên lại không biết đọc.

Tôi dạy rất nhiều thứ khác nhau. Tôi là một huấn luyện viên thể thao. Tôi dạy các môn xã hội. Tôi dạy đánh máy – tôi có thể đánh máy 65 từ/ phút nhưng không hề biết mình đang gõ cái gì. Tôi chưa bao giờ viết lên bảng và không in bất cứ thứ gì để phát trong lớp học. Chúng tôi chỉ xem phim và thảo luận rất nhiều.

Tôi nhớ cảm giác sợ hãi của mình. Tôi thậm chí không thể điểm danh, mà phải bảo sinh viên tự phát âm tên của mình để tôi nghe. Tôi cũng luôn có 2-3 học sinh đọc và viết tốt nhất lớp làm trợ giảng. Chúng không hề nghi ngờ gì cả.

Một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi là họp hội đồng. Chúng tôi họp một lần/ tuần. Hiệu trưởng đôi khi gọi ai đó lên trình bày ý tưởng của mình trên bảng. Tôi sợ rằng ông ấy sẽ gọi mình mỗi buổi họp. Nhưng tôi đã có kế hoạch B.

Nếu ông ấy gọi tôi, tôi sẽ ra khỏi ghế, bước 2 bước, rồi ôm lấy ngực, ngã xuống sàn nhà và hi vọng họ sẽ gọi 911. Nhưng tôi chưa bao giờ bị gọi.

Đôi khi, tôi cảm thấy mình là một giáo viên giỏi, bởi vì tôi làm việc chăm chỉ và thực sự quan tâm tới việc mình đang làm. Nhưng cảm giác đó là sai. Tôi không thuộc về lớp học này. Tôi đang phạm pháp. Tôi không nên ở đó, và đôi khi chuyện đó làm tôi thấy phát bệnh. Nhưng tôi đã bị mắc kẹt và không thể nói với bất cứ ai.

Tôi kết hôn khi đang làm giáo viên. Kết hôn là một lời thề nguyền, là lời cam kết sẽ trung thực với người kia. Đó là lần đầu tiên tôi nghĩ: “Được rồi, mình sẽ thành thực với người này. Mình sẽ nói với cô ấy”.

Tôi luyện tập trước gương: “Cathy, anh không biết đọc. Cathy, anh không đọc được”.

Và một buổi tối, khi đang ngồi trên ghế bành, tôi đã nói: “Cathy, anh không biết đọc”.

Nhưng cô ấy đã không thực sự hiểu tôi đang nói gì. Cô ấy nghĩ tôi đang nói rằng mình không đọc sách nhiều lắm.

Bạn biết đấy, tình yêu thật mù quáng.

Chúng tôi kết hôn và có con. Vài năm sau, cô ấy mới biết sự thật.

giáo dục Mỹ,giá trị sống,kỹ năng đọc
John Corcoran và cháu gái

Tôi đọc sách cho con gái 3 tuổi thường xuyên, nhưng tôi không thực sự đọc. Tôi tự sáng tác các câu chuyện – những câu chuyện mà tôi biết như Goldilocks và The Three Bears, tôi chỉ cần thêm tình tiết vào.

Nhưng với một cuốn sách mới như Rumpelstiltskin, con gái tôi đã nói: “Bố đọc không giống mẹ”.

Vợ tôi thấy tôi vất vả khi đọc một cuốn sách thiếu nhi, đó là lần đầu tiên cô ấy bắt đầu chú ý. Tôi từng nhờ cô ấy làm mọi việc liên quan đến viết lách cho mình, rồi cuối cùng cô ấy cũng nhận ra, việc này nghiêm trọng đến mức nào.

Nhưng cô ấy đã không nói gì. Không có cuộc đối đầu nào cả. Cô ấy chỉ âm thầm giúp đỡ.

Tôi đã lừa dối. Tôi dạy học trò của mình đi tìm kiếm sự thật, nhưng tôi lại đang là kẻ dối trá lớn nhất trong phòng. Sự nhẹ nhõm cuối cùng cũng đến sau khi tôi biết đọc.

Tôi dạy ở trường trung học từ năm 1961 tới năm 1978. 8 năm sau khi nghỉ việc, một chuyện xảy ra với tôi đã thay đổi mọi thứ.

giáo dục Mỹ,giá trị sống,kỹ năng đọc
Đệ nhất phu nhân Barbara Bush là người truyền cảm hứng cho John học đọc viết

Cận kề tuổi 48, tôi nhìn thấy bà chủ Nhà Trắng Barbara Bush nói chuyện về tình trạng mù chữ của người lớn trên truyền hình. Tôi chưa bao giờ nghe thấy ai nói về điều này trước kia. Tôi đã nghĩ rằng mình là người duy nhất trên thế giới lâm vào tình cảnh này.

Một ngày, trong cửa hàng tạp hóa, khi tôi đang xếp hàng, có 2 người phụ nữ đứng trước tôi nói về người em trai đang tới thư viện để học đọc. Họ nói chuyện đó một cách tràn đầy niềm vui và tôi không thể tin vào điều đó.

Một buổi chiều thứ Sáu, tôi bước vào thư viện và đề nghị được gặp giám đốc của chương trình xóa mù chữ. Tôi ngồi xuống với cô ấy và nói rằng tôi không biết đọc.

Đó là người thứ 2 tôi kể chuyện này.

Tôi có một gia sư tình nguyện. Bà ấy 65 tuổi, không phải là giáo viên, mà chỉ là một người thích đọc và không nghĩ rằng lại có người có thể sống mà không đọc được.

Giai đoạn đầu, một trong những việc mà bà ấy làm là bắt tôi viết. Thứ đầu tiên mà tôi viết là một bài thơ nói về cảm xúc của tôi. Khi làm thơ, tôi không cần phải viết một câu hoàn chỉnh.

Lúc bà ấy dạy tôi đọc ở trình độ lớp 6 – tôi đã nghĩ rằng mình sẽ chết và được lên thiên đường. Nhưng phải mất khoảng 7 năm để tôi cảm thấy rằng mình là một người biết chữ. Tôi đã khóc. Khóc sau khi bắt đầu học đọc – rất nhiều nỗi đau và thất vọng, nhưng nó đã lấp đầy một lỗ hổng lớn trong tâm hồn tôi. Những người trưởng thành không biết đọc đã bị đình chỉ ngay trong thời thơ ấu, về mặt cảm xúc, tâm lý, học vấn và tinh thần. Chúng tôi vẫn chưa lớn.

giáo dục Mỹ,giá trị sống,kỹ năng đọc
Gia đình ông John hiện tại

Tôi được bà gia sư khuyến khích kể câu chuyện của mình để truyền cảm hứng cho những người khác, thúc đẩy việc xóa mù chữ. Nhưng tôi đã nói: “Không đời nào. Tôi sống trong cộng đồng này đã 17 năm nay. Con cái tôi ở đây. Vợ tôi ở đây. Cô ấy là một người có chuyên môn. Bố mẹ tôi ở đây. Tôi sẽ không kể câu chuyện của mình”.

Nhưng cuối cùng, tôi quyết định sẽ làm việc đó. Đó là một bí mật đáng xấu hổ, vì thế đây là một quyết định lớn.

Không hề dễ dàng! Khi tôi đã quyết định sẽ kể câu chuyện của mình, nó sẽ bay đi khắp thế giới.

Tôi lên chương trình của Larry King, lên tạp chí ABC News, lên cả “show” của Oprah.

Thật không dễ chịu gì khi nghe câu chuyện một giáo viên không biết đọc. Một số người đã nói rằng, thật không thể tin được và rằng tôi dựng lên toàn bộ câu chuyện này.

Nhưng tôi muốn mọi người hiểu một điều rằng, khi có hi vọng, sẽ có giải pháp. Chúng ta không bị “câm”, chúng ta có thể đọc được và không bao giờ là quá muộn.

Thật không may khi chúng ta vẫn đang đẩy bọn trẻ đi từ lớp này lên lớp khác mà không dạy chúng những kỹ năng đọc viết cơ bản. Nhưng chúng ta có thể phá vỡ vòng tròn thất bại đó nếu thay vì đổ lỗi cho giáo viên, chúng ta phải đảm bảo rằng họ đã được đào tạo đúng cách.

Suốt 48 năm, tôi ở trong bóng tối. Nhưng cuối cùng, tôi đã giải quyết được vấn đề của mình. Cuối cùng tôi đã chôn được bóng ma của quá khứ.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập335
  • Máy chủ tìm kiếm105
  • Khách viếng thăm230
  • Hôm nay50,076
  • Tháng hiện tại1,202,967
  • Tổng lượt truy cập70,492,857
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi