banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

CĐN-Một số kỹ năng để trở thành cán bộ công đoàn giỏi

Chủ nhật - 09/04/2017 21:14
Có nhiều cách hiểu về cán bộ công đoàn giỏi, đó có thể là một cán bộ công đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ, đó là cán bộ công đoàn có sáng kiến sáng tạo làm lợi về giá trị vật chất và tinh thần cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Và ở một góc nhìn khái quát chung, cán bộ công đoàn giỏi là cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt tình, tâm huyết với hoạt động công đoàn; có uy tín và khả năng đoàn kết, tập hợp được đoàn viên, người lao động; có tinh thần đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên và người lao động. Bên cạnh đó cán bộ công đoàn giỏi cần có kiến thức về chính sách pháp luật, kinh tế- xã hội, ngoại ngữ, có các kỹ ăng hoạt động; đồng thời phải có tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Mục tiêu, phương hướng tổng quát tại Đại hội XI Công đoàn Việt Nam đã chỉ rõ “Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn theo hướng vì đoàn viên và người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước; hướng mạnh về cơ sở, thực hiện tốt chức năng chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; tham gia có hiệu quả vào công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục và tổ chức thi đua yêu nước trong đoàn viên và người lao động; đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, góp phần xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Để đạt được các mục tiêu đó đòi hỏi mỗi cán bộ công đoàn phải thực sự tận tâm, nhiệt huyết với hoạt động công đoàn và để trở thành một cán bộ công đoàn giỏi ngoài phẩm chất đạo đức, năng lực, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, cũng cần có những kỹ năng cơ bản như:

+ Kỹ năng phân tích, đánh giá, tổng hợp

Đối với cán bộ công đoàn khi thực hiện các chương trình của công đoàn cấp trên và đề ra các kế hoạch hoạt động thì cần có những phân tích, đánh giá hoạt động đó để triển khai phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị đảm bảo hiệu quả, thiết thực. Điều đó đòi hỏi cán bộ công đoàn phải có kỹ năng đánh giá, tổng hợp để phân tích mục tiêu, nội dung và các ảnh hưởng của hoạt động đó tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để làm sao tạo lợi ích tối đa cho đoàn viên và sự tham gia nhiệt tình của người lao động. Để có kỹ năng đó cán bộ công đoàn cần đánh giá được “ Điểm mạnh - Điểm yếu - Cơ hội -Thách thức” đối với hoạt động công đoàn tại đơn vị, tìm ra được nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan, nguyên nhân mấu chốt của vấn đề và từ đó có phân tích, tổng hợp đánh giá làm sao đưa ra giải pháp tối ưu nhất, phù hợp nhất với cách thức “nguyên nhân nào - giải pháp đó”.

+ Kỹ năng tổ chức phong trào
 
Hoạt động công đoàn là hoạt động quần chúng của người lao động, mỗi cán bộ công đoàn phải là nòng cốt, hạt nhân của phong trào tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Các  hoạt động phong trào nhằm tạo động lực, động viên, lôi cuốn, khuyến khích đoàn viên và người lao động phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, khơi dậy, phát huy tiềm năng của mỗi người và tăng cường sự đoàn kết, gắn bó với đơn vị. Đối với cán bộ công đoàn, kỹ năng tổ chức phong trào là rất cần thiết, hoạt động phong trào sẽ trở thành động lực thúc đẩy người lao động cố gắng, nỗ lực và cống hiến, tạo thành một nét đẹp văn hóa, không khí thi đua sôi nổi. Để các phong trào thực sự trở thành chất keo gắn kết đoàn viên, người lao động với các hoạt động sản xuất kinh doanh; với các phong trào thi đua sáng kiến sáng tạo, phong trào năng suất, chất lượng,hiệu quả; gắn các phong trào với quyền lợi, trách nhiệm và thực tế công việc của đoàn viên và người lao động. Kỹ năng tổ chức phong trào sẽ giúp cán bộ công đoàn trở nên tự tin và trưởng thành hơn, góp phần tích cực vào sự thành công của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

+ Kỹ năng tư vấn, hướng dẫn, diễn đạt, thuyết trình
Với chức năng là đại diện,bảo vệ cho người lao động, mỗi khi người lao động gặp khó khăn, vướng mắc cần sự hỗ trợ của cán bộ công đoàn, điều đó đòi hỏi cán bộ công đoàn cần có kỹ năng tư vấn, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho đoàn viên và người lao động. Trước tình huống cá nhân, tập thể người lao động đang có kiến nghị, thắc mắc về một nội dung nào đó, cán bộ công đoàn cần có khả năng diễn đạt, hướng dẫn, trình bày giải đáp để người lao động hiểu đúng, tin tưởng vào tổ chức công đoàn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, chấp hành các quy định của pháp luật. Cùng với đó mỗi cán bộ công đoàn là người tuyên truyền, phổ biến chủ trương, kiến thức chính sách pháp luật, quy chế nội quy đến đoàn viên và người lao động. Để có kỹ năng thuyết trình tốt thì bản thân cán bộ công đoàn cần có kiến thức, sự chuẩn bị, rèn luyện, với cảm xúc và niềm mong muốn chia sẻ nội dung đến người nghe, tạo sự lan tỏa; mục tiêu của thuyết trình là để đoàn viên, người lao động tiếp nhận vấn đề, hiểu vấn đề tốt hơn và thông qua thuyết trình để giải quyết vấn đề đó theo hướng tích cực. Khả năng thuyết trình tốt sẽ giúp cho cán bộ công đoàn tự tin,bản lĩnh, nhiệt huyết với hoạt động công đoàn.

+ Kỹ năng giao tiếp

Theo định nghĩa của C.Mác “Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội” và điều đó cho thấy các mối quan hệ xã hội được hình thành thông qua hoạt động giao tiếp; ở một góc độ nào đó giao tiếp là sự chia sẻ thông tin và tạo dựng các mối quan hệ. Mỗi cá nhân đều phải sống trong cộng đồng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, gia đình, xã hội và thông qua giao tiếp sẽ hình thành nên giá trị của mỗi người và đối với cán bộ công đoàn, giao tiếp tốt sẽ mang đến nhiều mối quan hệ tốt, là tiền đề quan trọng cho giải quyết công việc hiệu quả, thuận lợi. Để có được kỹ năng giao tiếp tốt, hiệu quả, có văn hóa, cần phải học hỏi nhiều điều như “Học ăn-Học nói- Học gói- Học mở”. Kỹ năng giao tiếp là một trong những kỹ năng mềm quan trọng với tổng hợp những qui tắc, nghệ thuật, cách ứng xử, đối đáp được đúc rút qua kinh nghiệm thực tế hằng ngày để giao tiếp hiệu quả thuyết phục hơn, nhân văn hơn. Đối với mỗi cá nhân trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhất là cán bộ công đoàn cần có tính chuyên nghiệp trong giao tiếp, qua lời nói, cử chỉ, hành động, cách ứng xử của mỗi cán bộ công đoàn trở nên cần thiết và quan trọng.

+ Kỹ năng thương lượng, đối thoại

Kỹ năng thương lượng, đối thoại là một kỹ năng cần thiết trong hoạt động công đoàn.Với chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động, là người đại diện cho người lao động ký thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động nhằm mục tiêu làm sao thương lượng để đưa vào trong bản thỏa ước lao động tập thể có những điều khoản lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật. Cùng với đó cán bộ công đoàn cũng cần có kỹ năng trao đổi, thương lượng, đối thoại với lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để được ủng hộ, đồng thuận, được tạo điều kiện về vật chất, thời gian cho hoạt động công đoàn. Để có được kỹ năng thương lượng và đối thoại tốt cần có sự chuẩn bị kĩ càng với các chiến lược có tính thuyết phục và phải đưa ra được luận điểm hợp tình, hợp lý phù hợp với tình hình thực tế  để có được sự đồng thuận chung nhất để đạt được lợi ích tối đa cho người lao động và hạn chế những bất lợi dù là nhỏ nhất đối với đoàn viên và người lao động; đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc là cả hai bên cùng thắng (giữa công đoàn, người lao động và người sử dụng lao động) và mang đến kết quả khiến cả hai bên cùng hài lòng. Kỹ năng thương lượng, đối thoại được hình thành qua sự học hỏi, rèn luyện, cọ xát, đòi hỏi kinh nghiệm, thời gian và công sức nhưng thành quả đạt được sẽ giúp ích cho hoạt động công đoàn, cho đoàn viên và người lao động. Trở thành một người thương lượng hiệu quả và thông minh sẽ mang lại rất nhiều lợi thế cho cán bộ công đoàn trong công việc và cuộc sống.

+ Kỹ năng làm việc nhóm

Với vai trò là cán bộ công đoàn thì luôn phải sống trong tập thể, làm việc cùng tập thể, do đó kỹ năng làm việc nhóm là rất quan trọng, đó là những cách thức để các thành viên của nhóm cùng thực hiện tốt nhiệm vụ và hướng đến mục tiêu chung. Điều đó sẽ giúp các thành viên của nhóm bổ sung những thiếu sót, những điểm chưa hợp lý và không ngừng hoàn thiện bản thân. Vì vậy mỗi cán bộ công đoàn cần phải rèn luyện cho mình kỹ năng làm việc nhóm để triển khai các hoạt động của công đoàn được hiệu quả hơn, gắn kết hơn, hoàn thiện hơn. Khi làm việc nhóm mỗi cá nhân cần tôn trọng và lắng nghe ý kiến của các thành viên, lắng nghe để tìm ra những thiếu sót để từ đó đóng góp các ý tưởng mới, ý kiến hay để kế hoạch thực hiện ngày càng hoàn thiện, lắng nghe để các thành viên trong nhóm hiểu nhau hơn. Kỹ năng làm việc nhóm là phải biết cách tổ chức công việc, đây cũng là nhiệm vụ của các thành viên trong nhóm, khi được giao việc các thành viên phải biết cách tiến hành công việc thế nào cho khoa học, không để tiến trình công việc chậm giữa các thành viên và chậm so với nhóm khác, đảm bảo công việc được hoàn thành đúng tiến độ và thời gian. Cách thức tổ chức làm việc nhóm hiệu quả sẽ giúp mỗi cá nhân được khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển, đó chính là động lực để thành viên đó cố gắng trong công việc và thấy giá trị của bản thân được nâng cao và các thành viên sẽ cởi mở, chân thành trong việc chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc cũng như cuộc sống.

+ Kỹ năng kiểm tra, giám sát

Với chức năng của tổ chức công đoàn là tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo quy định, nhằm đảm bảo cho người lao động được biết, tham gia ý kiến, quyết định và giám sát những vấn đề theo quy định của pháp luật. Cán bộ công đoàn cần có kỹ năng về kiểm tra giám sát để đảm bảo việc thực hiện các chế độ, chính sách, pháp luật đối với người lao động, đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên và người lao động. Bên cạnh đó cán bộ công đoàn khi tham gia các hội đồng, các ban, tham gia xây dựng các nội quy, quy chế có liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động cũng cần có các kỹ năng cần thiết đối với công tác kiểm tra, giám sát để quyền lợi của người lao động được đảm bảo; đồng thời quyền lợi của người sử dụng lao động cũng phải được tôn trọng và các nội quy và quy định của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được thực hiện nghiêm túc, đúng pháp luật, để từ đó xây dựng mối quan hệ lao động, quan hệ lợi ích hài hòa, ổn định, tiến bộ, dân chủ góp phần vào sự phát triển bền vững của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp./.

Nguồn tin: Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập290
  • Máy chủ tìm kiếm34
  • Khách viếng thăm256
  • Hôm nay36,501
  • Tháng hiện tại1,189,392
  • Tổng lượt truy cập70,479,282
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi