banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

CNTT&NCKH - NGƯỜI GIEO HẠT THẦM LẶNG

Thứ hai - 20/11/2017 19:49
Điện Biên nơi địa đầu phía Tây Bắc của tổ quốc, nơi đã vang danh trong lịch sử với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Địa hình đồi núi, giao thông đi lại khó khăn, là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong tiết trời thu tháng 11, giáo viên học sinh Tỉnh Điện Biên cũng hòa chung không khí khắp muôn nơi trên mọi miền Tổ quốc đang từng bừng với các hoạt động hướng tới kỉ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2017).
 Từ những mảnh đất khô cằn, đã nhuốm khói bụi chiến tranh, thầy cô những “người gieo hạt” đã ươm mầm những ước mơ cho bao thế hệ học trò con em đồng bào dân tộc vùng cao Tây Bắc. Tại ngôi trường THPT Thanh Nưa nơi tôi công tác có một “ người gieo hạt” thầm lặng như thế đó chính là cô giáo Lê Thị Kiều Oanh - Phó bí thư chi bộ, phó Hiệu trưởng nhà trường.

Ngày bắt đầu ra trường, cô sinh viên khoa Văn trường Đại học sư phạm Hà Nội I mang bao niềm khát vọng, mơ ước của tuổi trẻ trở về tỉnh nhà công tác và được phân công giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường phổ thông trung học Điện Biên II (nay là trường trung học phổ thông huyện Điện Biên); đến năm 1994 cô được chuyển về công tác tại trường phổ thông trung học Điện Biên I (nay là trường trung học phổ thông Thành phố Điện Biên Phủ); năm 1995, Trường phổ thông năng khiếu Tỉnh Lai Châu (cũ) được thành lập, cô cùng với một số đồng nghiệp đã trở thành lớp cán bộ giáo viên đầu tiên đặt nền móng  xây dựng nhà trường - trở thành thành viên của Ngôi nhà chung THPT Chuyên Lê Quý Đôn - để thực hiện công tác mũi nhọn và ôn thi đội tuyển học sinh giỏi quốc gia.

Năm học 2009-2010, cô được Ngành giao nhiệm vụ ở cương vị công  tác mới: Phó Hiệu trưởng trường THPT Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Những ngày đầu mới thành lập, trường chỉ có 4 lớp và đi học nhờ trường trung học cơ sở Thanh Nưa, biết bao khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất; song cô cùng với các đồng nghiệp như những “ người gieo hạt” thầm lặng vẫn cần mẫn, tận tụy ươm lên những mầm xanh. Dù rất bận rộn trong công tác quản lý, song cô vẫn luôn chăm chút cho “những mầm non” qua việc tham gia giảng dạy bộ môn Ngữ Văn và luôn đạt thành tích cao trong công tác ôn thi học sinh giỏi, ôn thi trung học phổ thông quốc gia;

Hơn hai mươi lăm năm gắn bó với Sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà, tám năm gắn bó với mái trường trung học phổ thông Thanh Nưa, cô giáo Lê Thị Kiều Oanh đã cùng đồng nghiệp của mình làm nên những thành tích đáng tự hào: Xây dựng Trường trung học phổ thông Thanh Nưa trở thành một địa chỉ Giáo dục có chất lượng trên địa bàn biên giới khó khăn. Nhiều năm liền nhà trường được Uỷ ban nhân dân tỉnh công nhận danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc”; Chi bộ đạt “Trong sạch vững mạnh”; Trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia trên lộ trình ngắn nhất (4 năm tuổi);  Đặc biệt năm 2014 Trường được Huyện ủy Điện Biên tặng Giấy khen; là một trong mười ba đơn vị tiêu biểu xuất sắc nhất trong toàn tỉnh được Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong đợt Sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Bản thân cô trong quá trình công tác, cũng đạt được những thành tích đáng trân trọng như: đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh; 17 năm liên tục là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, năm 2004 được tặng kỉ niệm chương “ Vì sự nghiệp giáo dục”; được nhận Bằng khen của Ủy Ban Nhân dân tỉnh Điện Biên, 2 lần được Bộ Giáo Dục và Đào tạo tặng Bằng khen; Và thật đáng tự hào, trong Lễ tọa đàm kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 17/11/2017 tại Trung tâm Văn hóa Tỉnh Điện Biên, cô đã vinh dự được đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đó là những thành tích đáng ghi nhận cho một “ người gieo hạt” luôn khơi dạy lòng nhiệt huyết, lòng yêu nghề cho các thầy cô giáo trẻ, ươm mầm những ước mơ, hi vọng cho các thế hệ học trò.
 
1
Cô Lê Thị Kiều Oanh (thứ  3 từ trái sang) vinh dự đón nhận
 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ - Năm 2017
 
Không chỉ gặt hái được nhiều thành công trong công tác giảng dạy, cô còn tích cực tham gia vào các hoạt động chuyên môn khác: là một giáo viên cốt cán của ngành rất tâm huyết tận tụy trong công tác bồi dưỡng đội ngũ; là Chi hội trưởng Chi hội Văn học ngành Giáo dục và Đào tạo; thành viên của Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh Điện Biên.

Bên cạnh đó cô còn là tấm gương lớn về tinh thần tự học sáng tạo, “ người gieo hạt” không mệt mỏi cho cá nhân tôi và các đồng nghiệp noi theo. Năm học 2015-2016 cô đã bảo vệ thành công luận văn Thạc sỹ quản lí với đề  tài “ Quản lý hoạt động của Tổ chuyên môn ở trường THPT Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên trong bối cảnh đổi mới Giáo dục hiện nay” ; đề xuất nhiều sáng kiến có tính ứng dụng cao trong công tác quản lí, cũng như công tác chuyên môn như: “Một số giải pháp chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học ở trường THPT hiện nay”; Vận dụng lý thuyết quản lý hành vi trong công tác quản lý nâng cao chất lượng đội ngũ nhằm đáp ứng yêu cầu Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; “Một số giải pháp chỉ đạo dạy học tích hợp trong hoạt động dạy học 2 buổi/ngày ở trường THPT Thanh Nưa – huyện Điện Biên – tỉnh Điện Biên” đây là những kinh nghiệm quý báu, những giải pháp hữu hiệu góp phần thiết thực vào công cuộc Đổi mới Giáo dục hiện nay;  

Với cương vị là cán bộ quản lý - Phó hiệu trưởng nhà trường, song cô luôn sống giản dị, thân ái; với đồng nghiệp, cô như người chị cả trong gia đình luôn tận tình dìu dắt, chia sẻ kinh nghiệm cho đội ngũ giáo viên chúng tôi dần trưởng thành, luôn động viên, khuyến khích chúng tôi mạnh dạn đổi mới sáng tạo trong dạy học. Tôi vẫn luôn tâm niệm câu nói của cô:

 “ Mỗi chúng ta như những người thợ cày, gieo hạt, ươm mầm trên mảnh đất cằn, mầm xanh trỗi dạy đó chính là chúng ta đã đạt được thành công” – Đó là tinh thần học tập và làm theo lời  Bác Hồ dạy:

“ Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây.
   Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

Không chỉ như người chị cả trong “gia đình THPT Thanh Nưa”, cô còn được học sinh gọi với cái tên trìu mến “mẹ Oanh”. Hình ảnh bản thân tôi thấy xúc động nhất là đúng ngày sinh nhật lần thứ 46 của cô; thật bất ngờ tập thể lớp 12C1 (năm học 2016-2017), các em đã chuẩn bị từ bao giờ chiếc bánh ga tô trên tay; tất cả tập thể lớp đã tập trung đầy đủ dưới sân khấu trường. Sau buổi họp giao ban kết thúc, học trò chạy ùa vào phòng kéo cô ra sân khấu. Cô vừa bước ra lời bài hát “ happy birthday to you” được cất lên, học trò mời cô thổi nến và cùng hô vang lời chúc “ chúng con chúc mừng sinh nhật mẹ Oanh”, “ chúng con yêu và cảm ơn mẹ Oanh rất rất nhiều”; học trò như đàn con thơ tíu tít bên “mẹ Oanh”, xen lẫn trong tiếng hát là những hàng nước mắt hạnh phúc lăn dài.
2
Cô giáo Lê Thị Kiều Oanh bên học trò
 
Có thể nói, với gần 50 năm tuổi đời; 26 năm tuổi nghề, “ người gieo hạt” thầm lặng ấy vẫn cống hiến hết mình cho Sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà. Cô thật xứng đáng là một giáo viên tiêu biểu trong Ngành và là tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo để các đồng nghiệp và học sinh học tập, noi theo.
 
 Điện Biên- Tháng 11/ 2017

Tác giả: Lê Xuân Kim – Giáo viên Trường THPT Thanh Nưa, huyện Điện Biên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập255
  • Máy chủ tìm kiếm28
  • Khách viếng thăm227
  • Hôm nay46,128
  • Tháng hiện tại1,199,019
  • Tổng lượt truy cập70,488,909
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi