banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

SK-Giáo dục chủ quyền biển đảo cho học sinh THPT qua các hoạt động ngoại khóa Lịch sử

Thứ năm - 20/07/2017 06:05
Nhóm tác giả: Vũ Trung Hoàn - Hiệu trưởng; Lê Hữu Hải - Giáo viên Lịch sử; Lê Thị Vui - Phó chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.
1. Lý do chọn đề tài
Thứ nhất: Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam
Biển và đại dương chiếm 71% diện tích bề mặt trái đất. Biển ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với loài người, đặc biệt với các quốc gia ven biển. Việt Nam có đường bờ biển dài 3260 km trải dài từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang), vùng đặc quyền kinh tế rộng hơn 1 triệu km2 với hàng nghìn đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa án ngữ trên biển Đông.

Ngày nay, xu hướng chung của tất cả các nước đều muốn vươn ra biển, làm chủ biển khơi để khai thác tài nguyên biển mở và rộng không gian sinh tồn. Tình hình tranh chấp về biển đảo trên thế giới hiện nay diễn ra hết sức quyết liệt và ngày càng trở nên phức tạp trong đó có khu vực Biển Đông đang xảy ra tranh chấp giữa các nước: Việt Nam, Trung Quốc, Philippin, Malaixia, Brunei và Đài Loan. Nguyên nhân của các cuộc tranh chấp là do vai trò to lớn của biển đảo đối với mỗi quốc gia, dân tộc trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và quân sự. Việc phân định biên giới trên biển rất khó khăn và phức tạp, vì có nhiều vùng chồng lấn và những vấn đề do lịch sử để lại, trong khi các nước lại có những quan điểm rất khác nhau về phân định các vùng biển. Nhưng nguyên nhân cơ bản nhất là do tham vọng các nước lớn muốn sử dụng ưu thế về kinh tế và quân sự để chiếm phần lợi về mình.

Biển đảo Việt Nam trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của  Việt Nam. Điều này đã được chứng minh bằng lịch sử và các tài liệu khoa học. Tuy nhiên, những năm gần đây Trung Quốc đã có nhiều hành động xâm hại đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam: Trung Quốc ngang ngược xây dựng thành phố Tam Sa trên quần đảo Hoàng Sa; năm 2014, đã hạ đặt trái phép giàn khoan HD981 thăm dò dầu khí tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam; tổ chức tour du lịch trái phép bằng tàu biển với hai tàu du lịch lớn đang hoạt động phi pháp tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc còn có những hành động mang tính chất khiêu khích, kích động chiến tranh đối với Việt Nam như tiến hành quân sự hóa (trái phép) ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; tấn công các tàu Việt trên vùng biển của Việt Nam...

Những hành động nói trên của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam; vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011; trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Tuyên bố cấp cao kỷ niệm 10 năm DOC, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp.

Thứ hai: Xuất phát từ tầm quan trọng của hoạt động ngoại khóa

Trong giáo dục học nói chung cũng như trong lý luận dạy học các môn học nói riêng, hoạt động ngoại khóa luôn luôn đóng vai trò quan trọng. Nội dung của hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp đã được xác định trong Điều 26, Điều lệ Trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2007/QĐ-BGDĐT ngày 02/04/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) nêu: “Nhà trường phối hợp với các tổ chức, cá nhân tham gia giáo dục ngoài nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp bao gồm các hoạt động ngoại khóa về khoa học, văn học, nghệ thuật, thể dục thể thao, an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội, giáo dục giới tính, giáo dục pháp luật nhằm phát triển toàn diện và bồi dưỡng năng khiếu; các hoạt động vui chơi, tham quan du lịch, giao lưu văn hóa, giáo dục môi trường; các hoạt động xã hội, từ thiện phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh”.

Hoạt động ngoại khóa nói chung hoạt động ngoại khóa trong dạy học môn Lịch sử nói riêng là một hoạt động bổ sung và nâng cao chất lượng của chính khóa. Thông qua hoạt động ngoại khóa người học nâng cao tầm hiểu biết và nhận thức đầy đủ hơn về xã hội, gắn kiến thức đã học với thực tế trong cuộc sống, tăng cường phát triển trí lực, thể lực, rèn luyện kỹ năng sống và tính thẩm mỹ. Đây là con đường dẫn dắt các em từng bước đến với nền văn hóa, xã hội của dân tộc và nền văn hóa văn minh của nhân loại, học tập những cái hay, cái đẹp mà thế giới và dân tộc đã để lại.

Với những đặc điểm riêng biệt về tâm lý của tuổi học trò việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa thì đây là dịp tạo cho các em có cơ hội tham gia các hoạt động thực tiễn để có thêm những hiểu biết, tích luỹ được kinh nghiệm giao tiếp, làm giàu thêm vốn sống cho mình. Khi tổ chức các hoạt động như: trò chơi dân gian, tham gia lễ hội ở địa phương, văn hóa nghệ thuật truyền thống dân tộc và chăm sóc đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ,... có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về tình cảm, đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn ”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”,...

Thứ ba: Xuất phát từ thực trạng sách giáo khoa Lịch sử và việc dạy học môn Lịch sử trong trường phổ thông

Bộ môn Lịch sử ở trường phổ thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục và giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc cho thế hệ trẻ. Thế nhưng chương trình Lịch sử phổ thông chỉ đề cập đến quá trình hình thành, phát triển của dân tộc và các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm còn nội dung liên quan đến chủ quyền biển đảo gần như không được đề cập tới.

Chất lượng dạy học môn Lịch sử hiện nay đặt ra vấn đề cần suy nghĩ. Số lượng học sinh say mê, yêu thích môn Lịch sử là rất ít. Việc các em không nhớ hoặc nhớ không chính xác thời gian, đặc điểm, tính chất của các sự kiện lịch sử là điều trăn trở đối với các nhà giáo dục. Mặt khác do bài học Lịch sử còn quá dài giáo viên chỉ đủ thời gian truyền đạt cho học sinh những kiến thức trong sách giáo khoa, việc liên lệ thực tiễn cũng hạn chế. Sự thiếu sót của sách giáo khoa và sự hạn chế của giáo viên khiến học sinh chưa hiểu rõ về chủ quyền biển đảo do đó chưa ý thức được hết trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc.

Do đó việc giáo dục cho học sinh những kiến thức về chủ quyền biển đảo, ý thức trách nhiệm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc là vô cùng quan trọng và trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Xuất phát từ những lý do trên chúng tôi đã lựa vấn đề: “Giáo dục chủ quyền biển đảo cho học sinh THPT qua các hoạt động ngoại khóa Lịch sử” làm đề tài nghiên cứu khoa học.

bạn đọc xem chi tiết hoặc tải về tại đây./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,931
  • Máy chủ tìm kiếm1,668
  • Khách viếng thăm263
  • Hôm nay33,425
  • Tháng hiện tại233,710
  • Tổng lượt truy cập74,568,910
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi