Sinh năm 2009, năm học 2024-2025 này Quốc Sơn mới bước vào tuổi 16 và hầu như không hề bỡ ngỡ khi bước chân vào lớp 10 ở một môi trường mới, từ lớp học, thầy cô giáo, bạn bè và ngay cả phương pháp học tập cũng khác so với thời học Trung học cơ sở. Ngay từ những ngày đầu cấp học, Sơn đã tỏ ra khá say mê với các môn học của khối Tự nhiên bởi các môn học rất gần gũi với đam mê nghiên cứu khoa học và sáng tạo. Nắm chắc mối liên hệ liên môn trong ban học nên Sơn đã chủ động đầu tư thời gian cho các môn Toán, Lí, Hóa với phương châm lấy Toán học làm gốc để tạo điều kiện học tốt các môn còn lại.
Cù Quốc Sơn và Nguyễn Quỳnh Chi say mê nghiên cứu đề tài khoa học: “Máy chẻ hạt mắc ca tự động”
Cũng như các bạn đồng trang lứa, Sơn cũng gặp khá nhiều rắc rối trong học tập như quá trình tiếp thu kiến thức mới, vận dụng kiến thức cũ để giải quyết các vấn đề khoa học trong chương trình, vận dụng tri thức vào cuộc sống… nhưng với tinh thần “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền” nên em đã từng bước nghiên cứu nhằm giải quyết thành công các tình huống khoa học nan giải, hướng đến mục tiêu nắm chắc kiến thức, vận dụng lí thuyết vào xử lí các loại bài tập, và đặc biệt là vận dụng tri thức vào xử lí các tình huống thực tế. Vô hình chung với mục tiêu như vậy, Sơn đã tạo cho mình một cách sống rất hòa đồng với môi trường học tập. Bên cạnh nhiệm vụ chính là tiếp thu bài giảng trong từng tiết học, Sơn còn rất chủ động tham khảo cả phương pháp và kiến thức từ các bạn trong lớp, trong trường với thái độ hết sức cầu thị nên em đã thực sự biến trường lớp, các thầy cô giáo và bạn bè thành một môi trường để rèn luyện và học tập.

Cù Quốc Sơn như một mầm cây khỏe mạnh lại được chăm sóc trong một điều kiện tốt nên em đã phát triển rất nhanh và cũng rất nhanh chóng khẳng định mình. Ngoài đóng góp cho các hoạt động thể thao, ngoại khóa của nhà trường, Sơn còn khẳng định năng lực của mình ở kết quả các môn học. Kì I của năm học lớp 10 (năm học 2024 2025) em đã đạt thành tích rèn luyện hạnh kiểm loại Tốt, học lực loại Tốt. Nghiên cứu khoa học cũng là một trong số các đam mê của Sơn. Sản phẩm “Máy chẻ hạt mắc ca tự động” là một trong số các sản phẩm nghiên cứu khoa học thành công của em và nhóm nghiên cứu dưới sự hướng dẫn khoa học của cô giáo Nguyễn Thùy Dương – giáo viên Tin học của nhà trường - trong cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông năm học 2024-2025. Đây là một sản phẩm đỏi hỏi sự kết hợp kiến thức của hai bộ môn khoa học là Vật lí và Công nghệ nên khá phức tạp, Sơn đã chủ động phối hợp với một người chị học cùng trường, dày dạn kinh nghiệm trong các cuộc thi là chị Nguyễn Quỳnh Chi (lớp 12C4, trường Trung học phổ thông Thành Phố Điện Biên Phủ) để bắt tay nghiên cứu và thực hiện Dự án.

Thực tế, máy tách vỏ hạt mắc ca đã xuất hiện trên thị trường có nguồn gốc từ nước ngoài nhưng nó có hai vấn đề gây khó chấp nhận cho người sử dụng Việt Nam là chất lượng và giá cả. Về chất lượng, máy nước ngoài không có khả năng tự động chọn kích thước hạt để chẻ nên có nhiều sản phẩm bị lỗi, đó có thể là không tách được vỏ hạt, đó cũng có thể là làm vỡ hạt nên không đảm bảo chất lượng sản phẩm. Thứ hai, giá thành máy nước ngoài khoảng 120 triệu đồng, là quá đắt đỏ. Với mục tiêu hướng sản phẩm đến người nông dân nên nhóm của Sơn đã chế tạo máy theo cơ chế vận hành đơn giản nhưng khoa học theo hướng khắc phục cả hai vấn đề trên. Sau gần nửa năm nghiên cứu và chế tạo, sản phẩm đã ra đời. Đó là một máy bóc tách vỏ hạt mắc ca gọn nhẹ, đơn giản, khoa học, chính xác và rất dễ sử dụng. Về giá thành, nếu sản xuất đại trà thì một máy bóc tách này có giá khoảng trên dưới 20 triệu đồng. Về chất lượng, nhờ các lưỡi chẻ được bố trí theo dây chuyền liên tục nên quá trình chẻ hạt diễn ra rất nhanh. Người sử dụng sẽ điều chỉnh lực chẻ phù hợp với độ cứng và kích cỡ của vỏ hạt, hạt mắc ca được chẻ có tỉ lệ thành phẩm không bị lỗi đạt gần 90%, số lượng sản phẩm bị lỗi chỉ tương đương khoảng 10-15% so với máy do nước ngoài sản xuất. Năng xuất của máy đạt khoảng từ 8 đến 10kg/giờ với loại hạt nguyên vỏ. Đây là một sản phẩm khoa học rất phù hợp với các hộ gia đình trồng mắc ca ở miền núi.


Với sản phẩm mang tính ưu việt này, dự án “Máy chẻ hạt mắc ca tự động” của Cù Quốc Sơn và Nguyễn Quỳnh Chi thực hiện dưới sự hướng dẫn của cô giáo Nguyễn Thùy Dương đã mang vinh dự về cho nhà trường với giải Nhất cấp tỉnh và giải Ba cấp Quốc gia trong Cuộc thi Nghiên cứu khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, năm học 2024 – 2025.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Đối với học sinh, Người cũng đã căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Đối với việc phấn đấu, rèn luyện, Người cũng đã dạy rằng: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Để thực hiện trọn vẹn những bài học mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy là phải phấn đấu suốt cả cuộc đời. Mỗi cá nhân ở một giai đoạn đời mình sẽ có cơ hội thực hiện từng phần lời dạy của Bác.

Cho đến hôm nay, chàng thanh niên 16 tuổi Cù Quốc Sơn lớp 10A1, trường Trung học phổ thông Thành Phố Điện Biên Phủ đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đã khẳng định mình, đã thực hiện thành công dạy của Bác: “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm”./.