banner

GDMN - Thực hiện chương trình giáo dục mầm non ở lớp mẫu giáo ghép theo quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”

Thứ sáu - 28/04/2017 22:08
Dienbien.edu.vn - Với trẻ mẫu giáo, hoạt động vui chơi được xác định là hoạt động chủ đạo, trẻ học bằng chơi, chơi mà học. Để thực hiện chương trình giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo theo quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm” ở các lớp đơn đạt hiệu quả đòi hỏi phải có sự linh hoạt, mềm dẻo trong việc vận dụng các phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục và việc theo dõi đánh giá chất lượng trẻ. Đối với lớp mẫu giáo ghép, sự linh hoạt, mềm dẻo đó còn đòi hỏi ở việc lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp với trẻ nhiều độ tuổi trong lớp, trẻ dân tộc thiểu số hạn chế về tiếng Việt.

Trường Mầm non Sín Thầu huyện Mường Nhé
 
Đặc điểm của các lớp mẫu giáo ghép

Lớp mẫu giáo ghép là lớp gồm các trẻ từ 3 đến 5 tuổi cùng tham gia vui chơi, học tập, sinh hoạt.

Có các loại lớp mẫu giáo ghép sau: lớp ghép hai độ tuổi (3 tuổi và 4 tuổi; 4 tuổi và 5 tuổi, 3 tuổi và 5 tuổi); lớp ghép ba độ tuổi (3 tuổi, 4 tuổi và 5 tuổi), trẻ trong các lớp mẫu giáo ghép có sự khác nhau rõ rệt về thể chất, ngôn ngữ, tình cảm, nhận thức và giao tiếp.

Mỗi lớp mẫu giáo ghép thường có một giáo viên. Giáo viên ít có cơ hội tiếp cận, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn.

Ở lớp mẫu giáo ghép vùng dân tộc thiểu số, tiếng Việt của trẻ còn yếu; tiếng dân tộc thiểu số của giáo viên dân tộc Kinh bị hạn chế, giáo viên dân tộc thiểu số ít sử dụng tiếng Việt do có thói quen nói tiếng mẹ đẻ trong giao tiếp.

Cơ sở vật chất, thiết bị ở một số lớp chưa đáp ứng được yêu cầu tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ.

Từ những đặc thù như vậy, để thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non ở lớp mẫu giáo ghép theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm” chúng ta cần chú ý xem xét đến một số nội dung riêng có như sau:

Việc lập kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục mầm non ở lớp mẫu giáo ghép

Đối với kế hoạch giáo dục năm học:

Xác định mục tiêu giáo dục phải căn cứ Chương trình giáo dục mầm non, bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi để xác định mục tiêu giáo dục riêng cho từng độ tuổi có trong lớp ghép tương ứng. Đối với trẻ 5 tuổi, căn cứ vào bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi. Đối với các lứa tuổi 3 tuổi, 4 tuổi, căn cứ vào kết quả mong đợi của từng lứa tuổi trong Chương trình giáo dục mầm non.

Nội dung giáo dục là các nội dung của các lĩnh vực trong chương trình giáo dục mầm non. Căn cứ nội dung giáo dục các độ tuổi để xác định nội dung giáo dục chung của các độ tuổi và nội dung riêng có của các độ tuổi có trong lớp.

Đối với kế hoạch giáo dục chủ đề:

Xác định mục tiêu giáo dục chủ đề: Là một phần của mục tiêu giáo dục năm học, đảm bảo đủ các lĩnh vực phát triển, đồng thời cụ thể mức độ đạt được của mục tiêu giáo dục dựa vào thời lượng, thời điểm triển khai chủ đề. Ở các lớp có trẻ dân tộc thiểu số, khi lập kế hoạch giáo dục năm học giáo viên cần chú ý đến mục tiêu và nội dung chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ. Đặc biệt là chú ý căn cứ trình độ, khả năng tiếng Việt để xác định mục tiêu phù hợp, tác động đến “vùng phát triển gần” của trẻ nhằm đạt hiệu quả tác động đến từng cá nhân trẻ.

Ví dụ: Chủ đề triển khai tại thời điểm đầu năm học thì mục tiêu phải có mức độ, yêu cầu thấp hơn và được nâng dần ở những chủ đề tiếp theo.

Nội dung giáo dục của chủ đề: Là một phần nội dung giáo dục của năm học, đảm bảo đủ các lĩnh vực giáo dục. Từ mục tiêu của chủ đề để lựa chọn và cụ thể hóa nội dung trong chương trình, một mục tiêu có thể chọn một, hai hoặc ba nội dung. Nội dung của tất cả các chủ đề trong năm học phải chuyển tải đầy đủ nội dung của chương trình giáo dục mầm non ở các độ tuổi của trẻ có trong lớp.

Các hoạt động giáo dục dự kiến tổ chức trong chủ đề phải đảm bảo chuyển tải hết các nội dung đã được xác định và đảm bảo hướng tới mục tiêu chủ đề.

Đối với kế hoạch giáo dục tuần

Ở lớp mẫu giáo ghép vùng dân tộc thiểu số, giáo viên cần dành thời gian để tổ chức hoạt động tăng cường tiếng Việt, tạo cơ hội cho trẻ thực hành tiếng Việt.

Việc tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục ở lớp mẫu giáo ghép

Tổ chức các hoạt động chơi:

Về hình thức tổ chức chơi: Tuỳ điều kiện cụ thể của lớp mà giáo viên linh hoạt tổ chức cho trẻ chơi chung cả lớp hoặc chơi theo nhóm nhỏ. Chơi chung cả lớp thường được tổ chức khi lớp học có địa điểm chơi hoặc sân chơi đủ rộng, đảm bảo an toàn để cả lớp có thể vận động, di chuyển thoải mái; trẻ đã biết cách chơi và có một số kĩ năng chơi để có thể chơi cùng nhau. Chơi nhóm nhỏ thường được tổ chức khi: Có sự khác biệt về yêu cầu của trò chơi đối với từng độ tuổi, loại trò chơi khác nhau; hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất như địa điểm, diện tích chỗ chơi, đồ dùng, đồ chơi hoặc số lượng trẻ đông.

Về cách tổ chức chơi: Khi tổ chức cho trẻ lớp mẫu giáo ghép chơi, giáo viên nên để trẻ lớn cũng như trẻ bé tự chọn trò chơi, nhóm chơi và bạn chơi. Khuyến khích trẻ lớn và trẻ bé chơi cùng nhau. Với những trò chơi trẻ đã biết, giáo viên có thể yêu cầu trẻ lớn hướng dẫn trẻ bé và những trẻ chưa biết. Với những trò chơi mới, giáo viên cần hướng dẫn cho tất cả các trẻ. Bao quát trẻ trong khi chơi, chú ý khuyến khích trẻ lớn giúp đỡ, hướng dẫn trẻ bé trong khi chơi. Có thể phân công trẻ lớn làm trưởng nhóm chơi/ điều khiển nhóm chơi của trẻ. Khuyến khích và tạo cơ hội để kích thích sự tương tác của trẻ trong nhóm chơi và giữa các nhóm chơi với nhau. Việc đánh giá, nhận xét sau khi chơi có thể tiến hành với từng nhóm chơi, hoặc tập trung cả lớp. Giáo viên chú ý nhận xét sự phối hợp, hợp tác cùng nhau, sự hỗ trợ của trẻ lớn đối với trẻ bé trong quá trình chơi. 

Lưu ý đối với trẻ ở vùng dân tộc thiểu số nên khuyến khích trẻ giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt, tăng cường các trò chơi ngôn ngữ. Đối với trẻ lứa tuổi 4 tuổi, 5 tuổi trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục, giáo viên cần lưu ý đến mức độ trẻ đạt được những mục tiêu ở lứa tuổi trước đó để có kế hoạch luyện tập bổ sung kịp thời, làm tiền đề cho trẻ đạt những mục tiêu của lứa tuổi hiện tại.

Tổ chức các hoạt động học:

Lớp mẫu giáo ghép có nhiều trẻ ở các độ tuổi khác nhau nên việc tổ chức hoạt động học có những đặc điểm sau: 

Mục tiêu giáo dục/ yêu cầu của hoạt động học ở lớp mẫu giáo ghép được xác định riêng cho từng độ tuổi có trong lớp;

Nội dung học mang tính đồng tâm, phát triển, nghĩa là cùng một nội dung học nhưng mức độ khác nhau đối với từng độ tuổi;

Phương pháp day - học được ưu tiên lựa chọn là những phương pháp mà trẻ ở các độ tuổi đều được tham gia, tương tác với nhau và với giáo viên;

Hình thức tổ chức hoạt động học ở lớp mẫu giáo ghép đặc biệt hướng vào sự tương tác giữa các cá nhân và các nhóm;

Đánh giá hoạt động học của trẻ theo mục tiêu cần đạt cũng theo từng độ tuổi có trong lớp chứ không chỉ theo một độ tuổi như ở lớp đơn;

Để có thể tổ chức được hoạt động học cho trẻ ở lớp MG ghép, giáo viên cần thực hiện các bước: chuẩn bị, soạn giáo án, thực hiện và đánh giá hoạt động học.
 
Giờ hoạt động học của lớp mẫu giáo ghép trường Mầm non Sa Lông huyện Mường Chà
 
Chuẩn bị hoạt động học: Chuẩn bị hoạt động học ở lớp mẫu giáo ghép gồm những công việc xác định mục tiêu giáo dục/ yêu cầu, chọn nội dung học, lựa chọn phương pháp, lựa chọn hình thức tổ chức, lựa chọn phương tiện.

Mục tiêu giáo dục/ yêu cầu của nội dung học cho trẻ đã được thể hiện ở kế hoạch tuần, cho từng độ tuổi, bao gồm kiến thức, kĩ năng và thái độ. Mục tiêu thường được biểu đạt rõ ràng bằng một động từ, có thể quan sát, đo, đếm được, có khả năng thực hiện được. Vì vậy, trong kế hoạch học hàng ngày, giáo viên lấy mục tiêu giáo dục/ yêu cầu nội dung học cho trẻ từ kế hoạch tuần.

Nội dung học được thể hiện ở tên hoạt động. Giáo viên chọn nội dung cần dạy cho trẻ trong một ngày theo nội dung học của kế hoạch tuần.

Phương pháp dạy học: đã được nêu trong Chương trình Giáo dục mầm non (nhóm phương pháp thực hành, trải nghiệm; nhóm phương pháp trực quan - minh hoạ; nhóm phương pháp dùng lời nói; nhóm phương pháp giáo dục bằng tình cảm và khích lệ ; nhóm phương pháp nêu gương - đánh giá) theo hướng tích cực hóa hoạt động của trẻ, dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Những phương pháp này cần phù hợp với mục tiêu, nội dung đã xác định. Đặc biệt, ở lớp mẫu giáo ghép, nên lựa chọn phương pháp mà theo đó trẻ cùng độ tuổi và khác độ tuổi có thể tương tác với nhau để hoàn thành nội dung học và đạt mục tiêu của từng độ tuổi.

Phương pháp dạy học được thể hiện ở các hoạt động giáo dục: vui chơi (phân vai theo chủ đề, xây dựng, đóng kịch, vận động...), trò chuyện, kể chuyện, đọc thơ/ ca dao/ đồng dao.., hát, vận động theo nhạc, đố - đoán, giấu - tìm, khám phá, trải nghiệm, trình diễn, thi đua.... Hoạt động giáo dục cần phù hợp với phương pháp đã lựa chọn, với nội dung học và nhằm vào mục tiêu giáo dục/ yêu cầu đã xác định ở từng độ tuổi.

Hình thức tổ chức hoạt động học ở lớp ghép cũng bao gồm hình thức tổ chức chung cả lớp, theo nhóm, cá nhân. Nhưng ở lớp mẫu giáo ghép, tùy vào đặc điểm nội dung học, đặc điểm trẻ, điều kiện cơ sở vật chất mà mỗi hình thức tổ chức được tiến hành khác nhau.

Hình thức tổ chức chung cả lớp: được sử dụng khi trẻ ở các độ tuổi học cùng một nội dung mới; cùng một nội dung nhưng khác mức độ. Khi trẻ học chung một nội dung mới: giáo viên tổ chức hoạt động học của trẻ như ở lớp đơn. Giáo viên đặt ra yêu cầu dễ cho nhóm trẻ ở độ tuổi nhỏ nhất và nâng dần độ khó cho nhóm tuổi lớn hơn. Khi trẻ học cùng nội dung nhưng khác mức độ: giáo viên tăng cường tương tác giữa các nhóm và cá nhân.

Hình thức tổ chức theo nhóm nhỏ: Nhóm nhỏ có thể gồm những trẻ cùng độ tuổi hoặc khác độ tuổi. Nhóm nhỏ có thể tự học ở góc chơi, hoặc học cùng nhau. Nhóm nhỏ có thể được sử dụng khi trẻ ở các độ tuổi học cùng một nội dung nhưng khác mức độ; cùng lĩnh vực phát triển nhưng khác nội dung giáo dục.

Hình thức tổ chức cá nhân: Hình thức này thường được sử dụng đối với những trẻ đặc biệt : trẻ mới đến lớp, trẻ không theo kịp các bạn, trẻ có khả năng đặc biệt, trẻ có khiếm khuyết về thể chất/tinh thần. Với những trẻ này, cô cần nắm vững mức độ phát triển của trẻ để hướng dẫn phù hợp với trình độ của từng trẻ, có sự giúp đỡ của trẻ với nhau.

Lưu ý: Các hình thức tổ chức nêu trên nên được kết hợp một cách linh hoạt. Tuỳ vào nội dung học và trình độ của trẻ mà kết hợp 2 hay 3 hình thức, mỗi hình thức có thể sử dụng 1 lần hay nhiều lần trong một hoạt động học.  Ví dụ: kết hợp hình thức tổ chức học theo kiểu 1: bắt đầu là cả lớp rồi đến nhóm và cuối cùng là cá nhân, hoặc kiểu 2: nhóm - cả lớp - cá nhân...

Những kiểu kết hợp các hình thức tổ chức hoạt động học trên có thể tạo ra sự tương tác tích cực giữa các thành viên trong nhóm, giữa các nhóm với nhau. Đây là lợi thế của lớp mẫu giáo ghép khi tổ chức hoạt động học. Các tương tác thường thấy là:

Giúp đỡ: Trẻ bé thực hiện nhiệm vụ, trẻ lớn theo dõi, giúp đỡ trẻ bé nếu cần. Tương tác này thể hiện sự độc lập, tự lực tương đối của trẻ bé, tinh thần tương trợ của trẻ lớn đối với trẻ bé.

Hợp tác: Trẻ lớn sử dụng kết quả của trẻ bé để thực hiện tiếp nhiệm vụ của mình. Tương tác này khiến cho hoạt động của mỗi trẻ cần dựa vào kết quả của những trẻ khác. Kết quả của trẻ hoặc nhóm này ảnh hưởng tới hoạt động tiếp theo của trẻ hoặc nhóm khác. Do đó, mỗi trẻ phải chăm chú lắng nghe, thực hiện nhiệm vụ của mình, theo dõi kết quả của trẻ khác.

Học hỏi: Trẻ lớn hoặc trẻ thành thạo hơn thực hiện nhiệm vụ, hướng dẫn trẻ bé hoặc trẻ chưa thành thạo bắt chước theo. Tương tác này khiến cho các trẻ và các nhóm trẻ sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kĩ năng, có thái độ đồng cảm với nhau.

Tổ chức các hoạt động lao động

Tương tự như ở các lớp mẫu giáo đơn, hoạt động lao động ở lớp mẫu giáo ghép được tổ chức trong lớp, ngoài lớp với các hình thức khác nhau: tổ chức hoạt động chung cả lớp, từng nhóm nhỏ, hoặc hoạt động độc lập cá nhân.

Khi tổ chức hoạt động lao động tại lớp MG ghép, giáo viên cần đưa ra yêu cầu phù hợp với trẻ từng độ tuổi: Trẻ 3 tuổi, 4 tuổi biết tham gia cùng các anh chị chuẩn bị bàn ăn (nếu trẻ được ăn ở trường); tham gia vệ sinh đồ chơi, phòng lớp,… tham gia chăm sóc cây cối, con vật trong góc Thiên nhiên...; đối với trẻ 5 tuổi cần yêu cầu có tính độc lập cao hơn: Hướng dẫn các em phụ giúp, biết thỏa thuận và hợp tác trong nhóm nhỏ nhằm thực hiện công việc chung. Đặc biệt, giáo viên có thể giao nhiệm vụ nhóm nhỏ trực nhật góc Thiên nhiên với thời gian dài từ 2, 3 ngày hoặc những nhiệm vụ cá nhân như chăm sóc động vật, cây cối kéo dài 1 tuần.

Khi tổ chức hoạt động lao động theo nhóm nhỏ/tập thể trong lớp mẫu giáo ghép cần lưu ý: cùng với việc phân nhiệm vụ theo độ tuổi của trẻ, chú ý phân nhóm có đủ lứa tuổi, có trẻ khoẻ, nhanh nhẹn làm cùng với trẻ yếu, chậm, đồng thời lưu ý đến nguyện vọng, ý thích, mong muốn được làm việc cùng nhau của trẻ ; Với những trẻ mới đến trường, cô giáo cần quan tâm cho trẻ hoạt động vừa sức và làm quen dần. Không nên yêu cầu mọi trẻ làm xong cùng một lúc, cũng không nên nhấn mạnh trẻ này làm việc nhiều hay ít hơn trẻ khác mà cần chú ý phân công hợp lí, phù hợp với từng trẻ, gợi ý trẻ làm xong giúp đỡ trẻ chưa làm xong. Cần tạo điều kiện cho trẻ tự giác tham gia vào chuẩn bị phương tiện, đồ dùng, học liệu phục vụ cho hoạt động lao động, tăng cường tính tự lực của trẻ.

Đối với từng nhóm, cô gợi ý cử một trẻ lứa tuổi lớn làm nhóm trưởng chịu trách nhiệm thỏa thuận nhiệm vụ với các thành viên một cách hợp lí: trẻ lứa tuổi bé làm những công việc đơn giản, nhẹ nhàng; trẻ lứa tuổi lớn hơn chịu trách nhiệm những công việc phức tạp, nặng nề hơn.

Ví dụ: Hoạt động lao động “Vệ sinh phòng học”: trong nhóm lau đồ chơi: trẻ bé chuyển đồ chơi cho trẻ lớn rửa sạch, lau khô, sau đó trẻ bé chịu trách nhiệm xếp đồ chơi vào rổ để trẻ lớn khiêng vào xếp lên giá...

Khi kết thúc lao động, cô giáo nên gợi ý cho trẻ lứa tuổi lớn nhận xét về kết quả công việc, về cảm nghĩ của bản thân sau khi hoàn thành nhiệm vụ, sau đó khuyến khích trẻ lứa tuổi bé chia sẻ ý kiến của mình.

Xây dựng môi trường giáo dục

Việc xây dựng môi trường giáo dục ở các lớp mẫu giáo ghép cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

Đáp ứng theo mục tiêu, nội dung của chương trình giáo dục mầm non:

Môi trường giáo dục của lớp ghép phải đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non và phù hợp với nội dung giáo dục trẻ theo từng độ tuổi ở lớp;

Môi trường giáo dục đảm bảo sự phát triển toàn diện ở các lĩnh vực (thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm xã hội và thẩm mĩ) của trẻ theo từng độ tuổi, trong đó chú ý đến chuẩn bị tâm thế cho trẻ đi học lớp 1.

Đồ dùng, thiết bị phù hợp với các độ tuổi của trẻ trong lớp theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT.

Đảm bảo công bằng với tất cả trẻ trong lớp:

Cơ sở vật chất, đồ dùng đồ chơi phong phú, đa dạng đảm bảo cho mọi trẻ đều được học và chơi;

Tinh thần thái độ của mọi thành viên đều công bằng, thân thiện và hợp tác;

Đảm bảo mọi trẻ đều được tham gia các hoạt động, tránh kì thị hoặc phân biệt đối xử;

Tôn trọng tính đa dạng, chấp nhận sự khác biệt của trẻ các dân tộc, các độ tuổi trong một lớp;

Tạo môi trường tương tác tích cực giữa các trẻ (trẻ cùng tuổi và khác độ tuổi) để học và tăng cường tiếng Việt.

Phát huy các điều kiện thực tế của trường, lớp, địa phương cho trẻ học tiếng Việt:

 Khai thác nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương để xây dựng môi trường học tập cho trẻ;

Khai thác văn hóa dân gian ở địa phương để trẻ học (thơ, chuyện kể, ca dao, hò vè, đồng dao, trò chơi dân gian…);

Huy động phụ huynh cùng tham gia vào quá trình xây dựng môi trường học tập cho trẻ (đóng góp cơ sở vật chất để xây dựng môi trường, cung cấp thêm vốn văn hóa dân gian ở địa phương, tham gia học cùng trẻ đối với trẻ dân tộc thiểu số…).

Tạo môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt cho trẻ:

Căn cứ các tiêu chí xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt của trường, điểm trường, lớp đảm bảo các tiêu chí. Trong đó chú ý:

Tổ chức các trò chơi ngôn ngữ nhằm khuyến khích sự tham gia của tất cả trẻ;

Tổ chức chơi trong các góc mà ở đó có sự giao lưu giữa các trẻ, đặc biệt chú ý đến việc đan xen về độ tuổi, về trình độ để trẻ có nhiều cơ hội học tập và chia sẻ lẫn nhau;

Tăng cường sự giao tiếp của giáo viên với trẻ nhằm tăng cường tiếng Việt.

Với đặc thù một tỉnh miền núi, dân cư phân tán, tỉ lệ lớp ghép khá cao, hoạt động chuyên môn cấp học Mầm non tỉnh nhà còn nhiều việc phải làm đặc biệt là việc nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non ở lớp mẫu giáo ghép theo quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”, đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng của các cấp quản lý, giáo viên và nhân viên. Với nội dung chia sẻ tại chuyên đề này, mong nhận được nhiều sự trao đổi, chia sẻ của các đồng chí, đồng nghiệp./.

Tác giả: Trần Thị Thúy

Nguồn tin: Phòng GDĐT thành phố Điện Biên Phủ

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập196
  • Máy chủ tìm kiếm73
  • Khách viếng thăm123
  • Hôm nay34,767
  • Tháng hiện tại610,440
  • Tổng lượt truy cập136,962,253
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi