banner

Những điểm mới trong Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông năm 2018 so với Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006.

Thứ ba - 01/10/2019 23:19
Dienbien.edu.vn. Ngày 05/5/2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông kèm theo Quyết định 16/2006/QĐ-BGDĐT - Chương trình Giáo dục phổ thông hiện hành (sau đây gọi tắt là CTGDPT 2006). Ngày 26/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT - Chương trình Giáo dục phổ thông mới (sau đây gọi tắt là CTGDPT 2018). Vậy, CTGDPT 2018 kế thừa những gì ở CTGDPT 2006?

Về mục tiêu giáo dục: CTGDPT 2018 tiếp tục được xây dựng trên quan điểm coi mục tiêu giáo dục phổ thông là giáo dục con người toàn diện, giúp học sinh phát triển hài hòa về đức, trí, thể, mĩ.
Về phương châm giáo dục: CTGDPT 2018 kế thừa các nguyên lí giáo dục nền tảng như “Học đi đôi với hành”, “Lí luận gắn liền với thực tiễn”, “Giáo dục ở nhà trường kết hợp với giáo dục ở gia đình và xã hội”.
Về nội dung giáo dục: Bên cạnh một số kiến thức được cập nhật để phù hợp với những thành tựu mới của khoa học - công nghệ và định hướng mới của chương trình, kiến thức nền tảng của các môn học trong CTGDPT 2018 chủ yếu là những kiến thức cốt lõi, tương đối ổn định trong các lĩnh vực tri thức của nhân loại, được kế thừa từ CTGDPT 2006 nhưng được tổ chức lại để giúp học sinh phát triển phẩm chất và năng lực một cách hiệu quả hơn.
Về hệ thống môn học: Trong CTGDPT 2018 chỉ có một số môn học và hoạt động giáo dục mới hoặc mang tên mới là Tin học và Công nghệ, Ngoại ngữ, Hoạt động trải nghiệm ở cấp tiểu học; Lịch sử và Địa lí, Khoa học tự nhiên ở cấp THCS; Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục kinh tế và pháp luật ở cấp THPT; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở các cấp THCS, THPT.
Việc đổi tên môn Kĩ thuật ở cấp tiểu học thành Tin học và Công nghệ là do CTGDPT 2018 bổ sung phần Tin học và tổ chức lại nội dung phần Kĩ thuật. Tuy nhiên, trong CTGDPT 2006, môn Tin học đã được dạy từ lớp 3 như một môn học tự chọn. Ngoại ngữ tuy là môn học mới ở cấp tiểu học nhưng là một môn học từ lâu đã được dạy ở các cấp học khác; thậm chí đã được nhiều học sinh làm quen từ cấp học mầm non.
Ở cấp THCS, môn Khoa học tự nhiên được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành vật lí, hóa học, sinh học và khoa học Trái Đất; môn Lịch sử và Địa lí được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành lịch sử, địa lí. Học sinh đã học môn Khoa học, môn Lịch sử và Địa lí ở cấp tiểu học, không gặp khó khăn trong việc tiếp tục học các môn này. Chương trình hai môn học này được thiết kế theo các mạch nội dung phù hợp với chuyên môn của giáo viên dạy đơn môn hiện nay nên cũng không gây khó khăn cho giáo viên trong thực hiện.
Hoạt động trải nghiệm hoặc Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở cả ba cấp học cũng là một nội dung quen thuộc vì được xây dựng trên cơ sở các hoạt động giáo dục tập thể như chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt Sao Nhi đồng, Đội TNTP Hồ Chí Minh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam và các hoạt động tham quan, lao động, hướng nghiệp, thiện nguyện, phục vụ cộng đồng,... trong chương trình hiện hành.

Về thời lượng dạy học: Tuy CTGDPT 2018 có thực hiện giảm tải so với CTGDPT2006 nhưng những tương quan về thời lượng dạy học giữa các môn học không có sự xáo trộn.
Về phương pháp giáo dục: CTGDPT 2018 định hướng phát huy tính tích cực của học sinh, khắc phục nhược điểm của phương pháp truyền thụ một chiều. Từ nhiều năm nay, Bộ GDĐT đã phổ biến và chỉ đạo áp dụng nhiều phương pháp giáo dục mới (như mô hình trường học mới, phương pháp bàn tay nặn bột, giáo dục STEM,.). Do đó, hầu hết giáo viên các cấp học đã được làm quen, nhiều giáo viên đã vận dụng thành thạo các phương pháp giáo dục mới.
CTGDPT 2018 có những gì khác CTGDPT 2006?
Để thực hiện mục tiêu đổi mới, CTGDPT2018 vừa kế thừa và phát triển những ưu điểm của CTGDPT 2006, vừa khắc phục những hạn chế, bất cập của chương trình này. Những điểm cần khắc phục cũng chính là những khác biệt chủ yếu của CTGDPT2018 so với CTGDPT2006. Cụ thể:
(i) CTGDPT 2006 được xây dựng theo định hướng nội dung, nặng về truyền thụ kiến thức, chưa chú trọng giúp học sinh vận dụng kiến thức học được vào thực tiễn. Theo mô hình này, kiến thức vừa là “chất liệu”, “đầu vào” vừa là “kết quả”, “đầu ra” của quá trình giáo dục. Vì vậy, học sinh phải học và ghi nhớ rất nhiều nhưng khả năng vận dụng vào đời sống rất hạn chế.

CTGDPT 2018 được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kì vọng. Theo cách tiếp cận này, kiến thức được dạy học không nhằm mục đích tự thân. Nói cách khác, giáo dục không phải để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành các công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả và sáng tạo những kiến thức đã học. Quan điểm này được thể hiện nhất quán ở nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục.
(ii) CTGDPT 2006 có nội dung giáo dục gần như đồng nhất cho tất cả học sinh; việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh, ngay cả ở cấp THPT chưa được xác định rõ ràng. CTGDPT 2018 phân biệt rõ hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Trong giai đoạn giáo dục cơ bản, thực hiện yêu cầu của Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, CTGDPT 2018 thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số môn học trong CTGDPT 2006 để tạo thành môn học tích hợp, thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lí số môn học; đồng thời thiết kế một số môn học (Tin học và Công nghệ, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp) theo các chủ đề, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn những chủ đề phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân. Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, bên cạnh một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được lựa chọn những môn học và chuyên đề học tập phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp của mình.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ làm việc với tỉnh Điện Biên
(iii) Trong CTGDPT 2006, sự kết nối giữa chương trình các cấp học trong một môn học và giữa chương trình các môn học chưa chặt chẽ; một số nội dung giáo dục bị trùng lặp, chồng chéo hoặc chưa thật sự cần thiết đối với học sinh phổ thông. CTGDPT2018 chú ý hơn đến tính kết nối giữa chương trình của các lớp học, cấp học trong từng môn học và giữa chương trình của các môn học trong từng lớp học, cấp học. Việc xây dựng chương trình tổng thể, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, đặt cơ sở cho sự kết nối này.
(iv) CTGDPT 2006 thiếu tính mở nên hạn chế khả năng chủ động và sáng tạo của địa phương và nhà trường cũng như của tác giả sách giáo khoa và giáo viên. CTGDPT2018 bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.
CTGDPT 2018 giảm tải như thế nào so với CTGDPT 2006?
Từ nhiều năm trước khi thực hiện CTGDPT2006, dư luận bắt đầu nêu lên hiện tượng “quá tải” trong giáo dục phổ thông. Từ hình ảnh chiếc cặp quá nặng của học sinh tiểu học đến chương trình thiên về lí thuyết, thời gian học tập lấn át giờ vui chơi và lịch kiểm tra, thi cử quá dày đều được phụ huynh học sinh và báo chí nêu lên như những điển hình về sức ép học hành đối với thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng cờ thi đua suất xắc năm học 2018-2019
Quốc hội đã sửa đổi Luật Giáo dục, bỏ các kì thi tốt nghiệp tiểu học và trung học cơ sở. Bộ GDĐT liên tục cắt giảm nội dung và thời lượng học, điều chỉnh cách kiểm tra, thi cử. Nhưng việc học hành vẫn nặng nề, dư luận vẫn mong muốn chương trình, sách giáo khoa phải thực hiện giảm tải nhiều hơn nữa.
Sự thực thì thời lượng học của học sinh phổ thông Việt Nam chỉ vào loại trung bình thấp so với các nước. Theo số liệu của OECD (Education at a Glance 2014: OECD Indicators), tính trung bình, mỗi học sinh tuổi từ 7 đến 15 ở các nước OECD học 7.475 giờ (60 phút/giờ). Trong khi đó, thời lượng học của học sinh tiểu học và THCS theo Chương trình GDPT hiện hành của Việt Nam là 6.349 giờ, thấp hơn thời lượng học trung bình của các nước OECD tới 1.126 giờ. Nội dung học tập của học sinh Việt Nam, trừ một vài trường hợp cá biệt, cũng không cao hơn các nước. Ví dụ, ngay những tuần đầu học lớp 1, học sinh Canada đã phải thực hiện phỏng vấn các bạn cùng lớp về số lượng, chủng loại vật nuôi trong nhà và trình bày kết quả thống kê thành biểu đồ. Mỗi ngày, học sinh phải đọc 1 cuốn sách với cha mẹ; mỗi tháng tối thiểu đọc 20 cuốn. Từ lớp 1 đến lớp 4, mỗi năm học sinh bang California, Hoa Kì phải đọc số lượng sách tương đương 500.000 từ v.v...
Vậy, vì sao việc học hành của học sinh Việt Nam vẫn trở nên quá tải? Có thể nêu lên những nguyên nhân chính dẫn đến quá tải như sau:
(i) Nội dung giáo dục còn nặng về lí thuyết; nhiều nội dung không không thiết thực, vừa khó học, dễ quên, vừa không gây được hứng thú cho học sinh.
(ii) Phương pháp dạy học còn nặng về thuyết trình, không phát huy được tính tích cực của học sinh trong việc khám phá, thực hành và vận dụng kiến thức, khiến học sinh thiếu hứng thú học tập.
(iii) Thời lượng học được phân bổ đồng loạt đối với tất cả các trường trong cả nước, nhiều khi chưa tương thích với nội dung học tập; trong khi đó, giáo viên không được quyền chủ động bố trí thời lượng dạy học phù hợp với bài học, học sinh và điều kiện thực tế của trường, lớp mình.
(iv) Học sinh phải đối phó với nhiều kì thi, đặc biệt là thi chuyển cấp và thi tốt nghiệp THPT, do đó phải học nhiều.
(v) Hiện tượng dạy thêm học thêm tràn lan chiếm thời gian nghỉ ngơi, khiến học sinh căng thẳng và mệt mỏi.
(vi) Do mong muốn quá nhiều ở con và do áp lực cạnh tranh, nhiều bậc cha mẹ bắt con tham gia quá nhiều chương trình học tập ngoài nhà trường.
Trong CTGDPT 2018 áp dụng 6 biện pháp “giảm tải” như sau:
(i) Giảm số môn học và hoạt động giáo dục
Nhờ thực hiện dạy học tích hợp và sắp xếp lại kế hoạch giáo dục ở các cấp học, CTGDPT 2018 giảm được số môn học so với chương trình hiện hành: lớp 1 và lớp 2 có 7 môn học; lớp 3 có 9 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 10 môn học (CTGDPT 2006: lớp 1, lớp 2 và lớp 3 có 10 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 11 môn học). Các lớp THCS đều có 12 môn học (CTGDPT 2006: lớp 6 và lớp 7 có 16 môn học; lớp 8 và lớp 9 có 17 môn học). Các lớp THPT đều có 12 môn học CTGDPT 2006: lớp 10 và lớp 11 có 16 môn học; lớp 12 có 17 môn học).
(ii) Giảm số tiết học
Ở tiểu học, học sinh học 3.623 giờ (CTGDPT 2006: học sinh học 3.329 giờ). CTGDPT 2018 là chương trình học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 2,3 giờ/buổi học; có điều kiện tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí nhiều hơn (CTGDPT2006 là chương trình học 1 buổi/ngày (5 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 3,8 giờ/buổi học).
Ở THCS, học sinh học 3.070 giờ (CTGDPT 2006: học sinh học 3.121 giờ).  THPT, học sinh học 2.284 giờ (CTGDPT 2006: học sinh Ban cơ bản học 2.626 giờ; học sinh Ban nâng cao 2.660 giờ).
(iii) Giảm kiến thức kinh viện
CTGDPT 2006 thiên về trang bị kiến thức cho học sinh nên chứa đựng nhiều kiến thức kinh viện, không phù hợp và không thiết thực đối với học sinh. CTGDPT 2018 lấy việc phát triển phẩm chất và năng lực thực tiễn của học sinh làm mục tiêu, cho nên xuất phát từ yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực ở từng giai đoạn học tập để lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp, giảm bớt đáng kể kiến thức kinh viện, làm cho bài học nhẹ nhàng hơn.
(iv) Tăng cường dạy học phân hoá, tự chọn
CTGDPT 2018 là một chương trình mở, tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn nội dung học tập và môn học phù hợp với nguyện vọng, sở trường của mình. Được chọn những nội dung học tập (ở cả ba cấp học) và môn học (ở cấp THPT) phù hợp với nguyện vọng, sở trường, học sinh sẽ không bị ức chế, dẫn tới quá tải, mà ngược lại, sẽ học tập hào hứng, hiệu quả hơn.
(v) Thực hiện phương pháp dạy học mới
CTGDPT 2018 triệt để thực hiện phương pháp dạy học tích cực. Theo đó, học sinh được hoạt động để tự mình tìm tòi kiến thức, phát triển kĩ năng và vận dụng vào đời sống, còn thầy cô không thiên về truyền thụ mà đóng vai trò hướng dẫn hoạt động cho học sinh. Trong việc thực hiện chương trình, thầy cô được quyền chủ động phân bổ thời gian dạy học và lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với mỗi nội dung, mỗi đối tượng và hoàn cảnh cụ thể. Đây cũng là những yếu tố quan trọng để giảm tải chương trình.
(vi) Đổi mới việc đánh giá kết quả giáo dục
CTGDPT 2018 xác định mục tiêu đánh giá kết quả giáo dục là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình và sự tiến bộ của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lí và phát triển chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục.
Từ phương thức đánh giá đến nội dung đánh giá, hình thức công bố kết quả đánh giá sẽ có những cải tiến nhằm bảo đảm độ tin cậy, khách quan, phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học, không gây áp lực lên học sinh, hạn chế tốn kém cho ngân sách nhà nước, gia đình học sinh và xã hội.
Các giải pháp nói trên đã góp phần quan trọng giảm tải chương trình. Tuy nhiên, để khắc phục được triệt để nguyên nhân gây quá tải, cơ quan quản lí nhà nước ở địa phương, cơ sở giáo dục và giáo viên cần phối hợp chặt chẽ để quản lí việc dạy thêm học thêm; các bậc cha mẹ học sinh cũng cần tính toán để giúp con xây dựng kế hoạch học tập, vui chơi, nghỉ ngơi hợp lí, tránh tạo thêm áp lực cho con ngoài giờ học ở trường.

Tác giả: Tạ Xuân Chính

Tổng số điểm của bài viết là: 42 trong 11 đánh giá

Xếp hạng: 3.8 - 11 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập166
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm140
  • Hôm nay22,744
  • Tháng hiện tại656,882
  • Tổng lượt truy cập136,109,251
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi