banner

GDMN- Chia sẻ kinh nghiệm số 39 - Một số kinh nghiệm khi thiết kế môi trường hoạt động vui chơi ngoài trời của trẻ ở trường mầm non

Thứ ba - 21/02/2017 03:50
Dienbien.edu.vn - Giai đoạn bé đến trường mầm non là giai đoạn phát triển quan trọng trong cuộc đời của bé. Ở giai đoạn này, trẻ hình thành và phát triển giao tiếp xã hội, phát triển về mặt tư duy, trí tuệ, thể chất và nhiều kĩ năng khác. Nếu không được tham gia các hoạt động ngoài trời, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, tình cảm, kỹ năng giao tiếp của trẻ, có thể khiến trẻ mất tự tin, thiếu sự linh hoạt, khó hòa đồng…
Hoạt động ngoài trời bao gồm các hoạt động có chủ đích (nhằm rèn luyện một số kiến thức, kỹ năng cho trẻ một cách khoa học, theo đúng mục tiêu của chương trình); các hoạt động giúp trẻ nhận biết và làm quen với môi trường và cuộc sống xung quanh. Có thể nói, khi trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, khi trẻ đùa nghịch, cười nói, chạy nhảy,… thực chất là trẻ khám phá, học hỏi và có điều kiện phát triển tốt nhất những cảm xúc tích cực của mình. Bên cạnh đó, các hoạt động này giúp trẻ phát triển về mặt thể chất, vận động, giúp bé tiêu hao năng lượng, do đó sẽ ăn ngủ ngon hơn. Việc chạy nhảy, vui đùa, hít thở không khí trong lành sẽ giúp cho đầu óc thoải mái, sảng khoái hơn, bé sẽ tiếp thu các bài học trong lớp một cách dễ dàng hơn. Một lợi ích quan trọng của các hoạt động ngoài trời là tăng cường kĩ năng giao tiếp của trẻ. Trẻ sẽ tiếp xúc, làm quen, nói chuyện với các bạn trong lớp, từ đó giúp trẻ mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp. Ngoài ra, trẻ sẽ dễ dàng thích nghi, hòa nhập khi đến các môi trường khác. Do đó, có thể khẳng định rằng, hoạt động ngoài trời có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát triển thể chất, tình cảm, trí tuệ của trẻ. Số này xin giới thiệu cùng đồng nghiệp: Một số kinh nghiệm khi thiết kế môi trường hoạt động vui chơi ngoài trời của trẻ ở trường mầm non”.


Các cháu trường Mầm non Thanh Chăn, huyện Điện Biên tham gia hoạt động vui chơi ngoài trời

 
Môi trường hoạt động vui chơi ngoài trời cần được thiết kế khơi gợi hứng thú phát huy khả năng tìm tòi và khám phá của cả cô và trẻ. Một môi trường vui chơi chất lượng sẽ tối đa hóa mọi lĩnh vực học tập và phát triển của trẻ em cũng như đáp ứng khả năng và phong cách học tập khác nhau của mỗi người.

Hoạt động vui chơi ngoài trời là một hoạt động không thể thiếu trong chế độ sinh hoạt hàng ngày của trẻ mầm non. Ở đó, trẻ được tiếp xúc trực tiếp với môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội vừa gần gũi vừa phong phú, đa dạng. Quan trọng hơn trẻ được hít thở bầu không khí trong lành, đồng thời được tìm tòi, khám phá thoả mãn trí tò mò của trẻ cũng như giúp trẻ tăng cường sức khỏe và thể lực. Môi trường hoạt động vui chơi ngoài trời cần được thiết kế khơi gợi hứng thú phát huy khả năng tìm tòi và khám phá của cả cô và trẻ. Một môi trường vui chơi chất lượng sẽ tối đa hóa mọi lĩnh vực học tập và phát triển của trẻ em cũng như đáp ứng khả năng và phong cách học tập khác nhau của mỗi người.

Trẻ em học bằng nhiều cách khác nhau, quả vậy, một số trẻ học bằng thị giác, một số khác học thông qua xúc giác - hành động với đối tượng, số khác học thông qua nghe hay vận động rất hiệu quả. Do đó, môi trường vui chơi ngoài trời cần được thiết kế thỏa mãn nhu cầu, hứng thú khám phá của mỗi trẻ - trải nghiệm thống quả các giác quan các đối tượng phong phú, đa dạng ở thế giới xung quanh. Vì vậy, khi thiết kế, lập kế hoạch vui chơi ngoài trời cho trẻ lưu ý trả lời các câu hỏi: Môi trường học tập và các nguyên vật liệu chúng ta cung cấp có đáp ứng đúng nhu cầu của trẻ và mong muốn của cha mẹ trẻ? Nguyên vật liệu có hỗ trợ tốt cho tất cả các dạng hoạt động cũng như các mặt phát triển của trẻ hay không? Sân trường có đủ bóng mát, môi trường vật chất và đồ dùng đồ chơi có luôn sẵn sàng, đa dạng và phù hợp với mục tiêu phát triển của trẻ?
 
Khi thiết kế môi trường vui chơi ngoài trời cho trẻ mầm non giáo viên cần lưu ý:
 
- Sân trường đa dạng, phong phú nhiều loại cây, không chỉ cây thân mềm, thân bụi mà còn cây thân gỗ che bóng mát cũng như mắc võng đung đưa trong vườn trường đọc sách thư giãn hay những trò chơi từ trẻ con và chỉ có trẻ con mới nghĩ đến…

- Những khoảng sân chứa cát, bởi trẻ em luôn thích thú với cát luồn qua kẽ tay hay tạo hình cùng cát và nước…

- Những gốc cây, khúc gỗ, đá, sỏi… luôn đem đến cho trẻ nhiều cảm hứng cũng như những ý tưởng sáng tạo.

- Hoa lá, cỏ cây không chỉ đem đến cho trẻ nhiều cảm xúc mà còn là môi trường thu hút nhiều loài côn trùng thú vị.

- Không nhất thiết “xi măng hóa” toàn bộ sân trường, bởi trẻ sẽ có những trải nghiệm thú vị từ thế giới vô sinh đất, đá, cát…

Nguyên học liệu và môi trường vui chơi ngoài trời cần:

- Mời ý kiến đóng góp của trẻ và gia đình trẻ, bởi nó phản ánh nhu cầu và hứng thú của trẻ và gia đình;

- Linh hoạt phù hợp với hứng thú, khả năng của mỗi trẻ; tạo cơ hội cho trẻ thể hiện cá nhân, chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ tất cả các mặt học tập, hợp tác của trẻ em;

- Phù hợp với khả năng và cách thức học tập khác nhau của trẻ;

- Đáp ứng tiêu chí “mời gọi trẻ tham gia khám phá và kết nối với thiên nhiên” cũng như chấp nhận những rủi ro có thể xảy ra;

- Nuôi dưỡng ý thức tôn trọng môi trường tự nhiên, làm nền tảng phát triển nhận thức và giáo dục môi trường.

Có thể thấy, hoạt động vui chơi ngoài trời không chỉ nâng cao nhận thức của trẻ về thế giới xung quanh, môi trường thiết kế vừa rất tự nhiên, gần gũi với trẻ vừa hướng trẻ đến những điều mới lạ, khơi gợi hứng thú, thúc đẩy trẻ suy nghĩ, tư duy ngày càng phức tạp và trừu tượng. Bên cạnh đó, thiết kế môi trường thúc đẩy sự hiểu biết của trẻ về trách nhiệm bảo vệ môi trường, kích thích tính tò mò và hiểu biết về thế giới tự nhiên...


Hoạt động ngoài trời của các cháu trường Mầm non Hua Thanh, huyện Điện Biên
 
Tóm lại, để thiết kế môi trường vui chơi ngoài trời khơi gợi hứng thú phát huy khả năng tìm tòi và khám phá của trẻ, giáo viên nên sử dụng không gian một cách đầy sáng tạo bằng cách quan sát, tìm hiểu, trò chuyện để xem cảm nhận của trẻ; cung cấp cho trẻ nhiều cơ hội khám phá, chơi trò chơi vận động, phát triển thể lực; trẻ tích cực chủ động và tự tin tham gia vào các hoạt động đầy sáng tạo; hình thành kỹ năng tự lập đồng thời mời gọi trẻ tham gia giải quyết các tình huống có vấn để. Bên cạnh việc thiết kế môi trường gần với văn hóa địa phương, bản sắc dân tộc để trẻ trải nghiệm cảm giác thân quen, môi trường phải đáp ứng sở thích khả năng, hướng đến trẻ em: trẻ dễ dàng di chuyển, sân chơi thiết kế chơi được lâu dài, thu dọn thuận tiện, đồ chơi bền, màu sắc, chất liệu đẹp, có thẩm mỹ.

Hy vọng một số kinh nghiệm này sẽ giúp các đồng nghiệp đem lại hiệu quả khi tổ chức hoạt động vui chơi ngoài trời của trẻ trong trường Mầm non. Mong muốn nhận được những chia sẻ, trao đổi của các đồng nghiệp./.

Tác giả: Nguyễn Thị Huệ

Nguồn tin: Phòng GDĐT thành phố Điện Biên Phủ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập129
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm103
  • Hôm nay18,857
  • Tháng hiện tại800,393
  • Tổng lượt truy cập136,252,762
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi