banner

VP. Bảo vệ an toàn tuyệt đối cuộc bầu cử

Thứ hai - 25/04/2016 22:04
Dienbien.edu.vn - Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 – 2021 đang đến gần. Cùng với nhiều công việc khác, công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) trước, trong và sau bầu cử là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với cả hệ thống chính trị tỉnh ta nói chung và lực lượng công an tỉnh nói riêng.

Lực lượng an ninh Phòng PA83 (Công an tỉnh) triển khai kế hoạch bảo vệ bầu cử.
 
Đại tá Bùi Văn Tam, Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ  (PA83) (Công an tỉnh) cho biết: Sau khi Đảng ủy Công an tỉnh quán triệt các văn bản của Trung ương, của tỉnh về bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 – 2021, các chi bộ, đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Công an tỉnh đã tổ chức quán triệt, học tập tới toàn thể cán bộ, chiến sỹ nhằm đáp ứng yêu cầu: mỗi cán bộ, chiến sỹ phải vừa là lực lượng đảm bảo ANTT vừa là một tuyên truyền viên về công tác bầu cử.

Cùng với đó, Công an tỉnh ban hành Kế hoạch số 98/KH-CAT ngày 22/2/2016 về nhiệm vụ bảo vệ bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 – 2021. Trong đó nhiệm vụ trọng tâm là làm tốt công tác tham mưu, phối hợp, triển khai các biện pháp nghiệp vụ; huy động lực lượng nhằm bảo vệ tuyệt đối an toàn cuộc bầu cử, không để tình huống đột xuất, bất ngờ xảy ra. Nắm bắt, phân tích và dự báo tình hình xác thực để kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch, tội phạm hình sự, tai tệ nạn xã hội trong dịp bầu cử. Triển khai thực hiện Kế hoạch, lực lượng công an từ tỉnh đến cơ sở đã chi tiết hoá kế hoạch và tổ chức công tác bảo vệ bầu cử ở đơn vị, địa phương mình. Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh cùng các phòng nghiệp vụ phối hợp với các đơn vị, đoàn thể phối hợp kiểm tra công tác bầu cử, bảo vệ bầu cử tại 10/10 huyện, thành phố, thị xã; tham mưu, phối hợp với Tiểu ban ANTT của Ủy ban Bầu cử tỉnh đánh giá, lập kế hoạch, thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, khảo sát tình hình có liên quan đến ANTT, phục vụ công tác bảo vệ bầu cử. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 54 vụ vi phạm liên quan đến trật tự an toàn xã hội (giảm 7 vụ so với cùng kỳ năm 2015); lực lượng chức năng phát hiện 31 hộ với hơn 150 khẩu di dịch cư tự do (giảm 15 hộ, 70 khẩu); chưa xuất hiện khiếu kiện đông người, mất ANTT phức tạp, nhất là liên quan đến công tác bầu cử. Tuy nhiên, đó chỉ là phần “nổi” cơ bản bình lặng, những nguy cơ còn tiềm ẩn rất phức tạp, đòi hỏi lực lượng công an phải hết sức cảnh giác, nhất là với địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Tại Hội nghị Đánh giá tình hình, tiến độ thực hiện công tác bảo vệ bầu cử của Tiểu ban ANTT, đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Tiểu ban đã chỉ đạo: Mặc dù tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cơ bản ổn định, tuy nhiên, tại một số xã thuộc các huyện: Điện Biên Đông, Điện Biên, Mường Chà, Tuần Giáo... xuất hiện hiện tượng một số người dân lấy lý do về tranh chấp đất đai, việc làm... gây sức ép với chính quyền cơ sở, cá biệt có địa bàn, người dân không cho con đến trường để gây áp lực. Dự báo, càng gần đến ngày bầu cử, tình hình đơn thư nặc danh, hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật, an ninh nông thôn, nhất là việc lợi dụng những vấn đề còn tồn tại chưa giải quyết để kiến nghị gây phức tạp về ANTT; các loại tội phạm về ma túy, trộm cắp tài sản có thể gia tăng. Do đó, các cấp, ngành phải chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm, góp phần bảo vệ tuyệt đối an toàn trước, trong và sau bầu cử ĐBQH khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 – 2021. Thực hiện Kế hoạch số 634/KH-TTCP, ngày 30/3/2016 của Thanh tra Chính phủ về phối hợp tổ chức tiếp công dân, đảm bảo ANTT phục vụ bầu cử, các ban, ngành đoàn thể tăng cường lực lượng xuống cơ sở tuyên truyền nhân dân không tin, nghe theo luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu; tiến hành rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ, các vụ khiếu kiện tranh chấp, không để phức tạp lan rộng. Đối với các địa bàn đã có hiện tượng yêu sách liên quan đến việc đi bầu cử, lực lượng công an cùng chính quyền cơ sở cần xuống địa bàn tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, giải thích cho bà con hiểu rằng: Đi bầu cử là quyền lợi chính đáng, nghĩa vụ quan trọng của mỗi công dân, từ đó lựa chọn ra người đại diện cho nhân dân nói lên tiếng nói của mình, vì lợi ích của đất nước và chính họ.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập181
  • Máy chủ tìm kiếm76
  • Khách viếng thăm105
  • Hôm nay21,725
  • Tháng hiện tại684,409
  • Tổng lượt truy cập136,136,778
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi