banner

VP- ĐỔI MỚI THI THPT QUỐC GIA

Thứ ba - 16/05/2017 05:04
Dienbien.edu.vn- Từ năm 2014 trở về trước, các kỳ thi quốc gia được tổ chức hằng năm, riêng rẽ, đồng loạt, toàn quốc vào những thời điểm gần nhau, liên tiếp, có cùng nội dung thi là kiến thức và kỹ năng nằm trong Chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 cho đối tượng học sinh học xong Chương trình THPT: Thi tốt nghiệp THPT tại các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là các tỉnh) với khoảng hơn 1 triệu thí sinh tham gia; thi tuyển sinh ĐH, CĐ, TC tại các trường ĐH, CĐ, TC với tổng số khoảng hơn 1,5 triệu lượt thí sinh đăng ký, trong đó chỉ có khoảng 75% dự thi, còn lại là số hồ sơ ảo.
Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT do sở giáo dục và đào tạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nên còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trong tổ chức thi, trong đó rõ nhất là bệnh thành tích trong thi cử kéo dài nhiều năm, làm phát sinh các hiện tượng tiêu cực, gian lận ở nhiều địa phương, dẫn đến sai lệch kết quả thi nhất là các khâu coi thi, chấm thi làm cho thi cử trở nên nặng nề, tốn kém, không đạt hiệu quả thiết thực, không thực sự tác động tích cực thúc đẩy quá trình dạy học ở bậc học phổ thông trên phạm vi toàn quốc.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong các năm từ 2012 đến 2014 đã được tổ chức nghiêm túc, thực chất hơn những năm về trước, nhưng nhìn chung dư luận xã hội tin tưởng vào tính nghiêm túc, độ tin cậy của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hơn là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Do đó, có một số ý kiến đề nghị nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT mà chỉ giữ lại kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ.

Các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “3 chung” trong 13 năm đã khẳng định những thành công, ưu điểm. Tuy vậy, hình thức thi "3 chung" đã bộc lộ một số hạn chế đối với sự phát triển đa dạng ngành nghề đào tạo trong các trường ĐH, CĐ; nhất là khi các trường ĐH, CĐ được quyền tự chủ tuyển sinh và đào tạo. Việc thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo 5 khối (A, A­­­­­­­­1, B, C, D) đã hạn chế sự tự chủ của các trường ĐH, CĐ trong đánh giá một số năng lực cần thiết, đặc thù phù hợp với ngành đào tạo của trường, làm cho công tác tuyển sinh chưa thật sự linh hoạt, chưa hỗ trợ tốt cho các trường ĐH, CĐ tuyển chọn được những thí sinh có năng lực phù hợp nhất với các ngành đào tạo. Mặt khác, việc rất đông thí sinh từ các địa phương ở xa phải tập trung về các trường ĐH, CĐ dự thi tuyển sinh, đặc biệt là ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, gây ảnh hưởng sinh hoạt đô thị, tốn nhiều thời gian, công sức, tiền của và lãng phí.

1. Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015

 Để đảm bảo đổi mới thi và tuyển sinh đáp ứng yêu cầu trung thực, khách quan nhưng nhẹ nhàng, giảm áp lực, tốn kém đối với thí sinh, gia đình và xã hội, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp và xem xét một cách toàn diện các khía cạnh của vấn đề, Thủ tướng Chính phủ đồng ý để Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia từ 2015 để sử dụng kết quả với 2 mục đích: xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ.

Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là một giải pháp nằm trong các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước xác định và quyết tâm triển khai. Phương án này là cách tiếp cận mới trên cơ sở tiếp tục kế thừa những kết quả đã đạt được từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 và cả những ưu điểm của thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức ”3 chung” những năm qua, đảm bảo tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, không gây xáo trộn cho giáo viên và học sinh; đảm bảo tính khả thi, nghiêm túc trong việc tổ chức thi và tính khách quan, độ tin cậy của kết quả thi. Phương án không dựa trên việc bỏ một trong 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc tuyển sinh ĐH, CĐ mà là tổ chức một kỳ thi chung nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 37/2004/QH11 của Quốc hội “tiếp tục cải tiến công tác thi cử theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực“. Phương án đồng thời phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới hiện nay là ngày càng coi trọng kỳ thi phổ thông trong việc đánh giá, xét tốt nghiệp và cung cấp cơ sở cho tuyển sinh ĐH, CĐ.

Việc đổi mới thi, tuyển sinh theo phương án sẽ làm cho thi cử trở nên gọn nhẹ, giảm áp lực cho thí sinh và xã hội; đồng thời không gây xáo trộn lớn đối với giáo viên và học sinh, tạo thuận lợi và tạo thêm nhiều cơ hội để thí sinh trúng tuyển vào ĐH, CĐ; các em vẫn tiếp tục học, thi, kiểm tra, đánh giá theo chương trình, sách giáo khoa phổ thông như hiện nay nên không phải thay đổi cách học hay bổ sung kiến thức gì nhiều.

Theo phương án, lộ trình đổi mới thi và tuyển sinh được thực hiện qua 2 bước đảm bảo khoa học và khả thi: bước đầu tiên là đổi mới cách thức tổ chức thi và bước thứ hai là đổi mới phương thức thi với sự điều chỉnh hợp lý để dần hoàn thiện qua từng bước, không gây “sốc” hoặc tạo hiệu ứng “ngược” đối với quá trình dạy học, tạo tâm lý ổn định cho học sinh, giáo viên, gia đình và xã hội.

2. Kết quả thực hiện Phương án các năm 2015, 2016

Các mục tiêu của Phương án đã cơ bản được đáp ứng trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 và 2016. Tuy nhiên, còn một số hạn chế, bất cập như: việc duy trì 2 loại cụm thi (một do trường ĐH chủ trì, một do sở giáo dục và đào tạo địa phương chủ trì); một số lượng lớn cán bộ, giảng viên từ các trường ĐH, CĐ phải di chuyển về các địa phương, có nơi rất xa để coi thi, gây tốn kém và áp lực cho giảng viên; đề thi chưa bao quát tối đa chương trình, khiến cho học sinh vẫn lo lắng, dẫn đến học tủ, học lệch; thời gian thi, nhất là số ngày thi còn dài (thi 08 môn trong 4 ngày) gây vất vả cho thí sinh và công tác tổ chức; dù đã sử dụng nhiều biện pháp để đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi nhưng sự không đồng đều về coi thi, chấm thi tự luận vẫn xảy ra ở nơi này, nơi khác phần nào làm ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi; nhiều trường ĐH, CĐ không tuyển đủ chỉ tiêu, tình trạng hồ sơ ảo vẫn tồn tại với tỷ lệ cao, vừa gây khó khăn, vừa tốn kém cả thời gian và công sức trong công tác tuyển sinh,... Do đó, nếu chỉ dừng lại ở việc đổi mới cách thức tổ chức kỳ thi mà không đổi mới phương thức thi thì việc đổi mới thi THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ vẫn chưa đạt được mục tiêu mà Nghị quyết số 29-NQ/TW đề ra.

3. Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2017

Xuất phát từ thực tiễn trên, phát huy những kết quả tích cực, khắc phục những điểm hạn chế của kỳ thi năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2017 và những năm tiếp theo. Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Kỳ thi được tổ chức ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do sở giáo dục và đào tạo chủ trì, các trường ĐH, CĐ phối hợp, hỗ trợ tổ chức thi; triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức thi và xét tuyển ĐH, CĐ. Đặc biệt, áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan với hầu hết các bài thi (trừ môn Ngữ văn). Mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng. Kết quả làm bài của thí sinh được chấm bằng máy quét với phần mềm máy tính. Phương thức thi này có thể xem như hàng rào kỹ thuật đảm bảo cho kết quả kỳ thi tin cậy hơn, loại trừ hầu hết tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình coi thi, chấm thi.

Ngày 28/9/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Theo đó, sẽ tổ chức thi 5 bài, gồm: 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ); 2 bài thi tổ hợp: Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với giáo dục THPT; tổ hợp các môn lịch sử, địa lý đối với giáo dục thường xuyên). Kết quả chấm thi các bài thi tổ hợp sẽ cho biết điểm từng môn thành phần (phục vụ xét tuyển sinh ĐH, CĐ theo khối thi truyền thống) và điểm toàn bài thi (phục vụ xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ theo tổ hợp môn thi, bài thi mới). Điểm liệt đối với mỗi bài thi độc lập và đối với mỗi môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp là 1,0 điểm.

Cụ thể hơn, thí sinh giáo dục THPT thi 4 bài để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp, gồm 3 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 bài thi tự chọn (bài thi Khoa học tự nhiên hoặc bài thi Khoa học xã hội). Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn thi một trong các thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức hoặc tiếng Nhật. Thí sinh có thể dự thi cả 5 bài thi; điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Thí sinh giáo dục thường xuyên thi 3 bài để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, gồm 2 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 1 bài thi tự chọn (bài thi Khoa học tự nhiên hoặc bài thi Khoa học xã hội). Thí sinh có thể dự thi cả 4 bài thi; điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, thí sinh có thể thi thêm bài thi Ngoại ngữ để xét tuyển vào ĐH, CĐ nếu có nguyện vọng.

Đối với thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ có thể chọn thi các bài thi hoặc các môn thành phần của bài thi Khoa học tự nhiên hoặc bài thi Khoa học xã hội phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường ĐH, CĐ. Thí sinh được sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2017 theo quy định trong đề án tuyển sinh được các trường ĐH, CĐ công bố công khai.

Đề thi năm 2017 gồm các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và các câu hỏi phân hóa phục vụ mục đích xét tuyển ĐH, CĐ. Nội dung thi nằm trong chương trình lớp 12 THPT; năm 2018, nội dung thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT; từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong chương trình cấp THPT.

Với phương thức như vậy, các cơ sở giáo dục ĐH có thể yên tâm sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để làm căn cứ tuyển sinh. Những trường có yêu cầu cao, trường có ngành đặc thù, năng khiếu có thể tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực chuyên biệt hay tổ chức thi môn năng khiếu theo quy định để lựa chọn được thí sinh vào học các ngành phù hợp.

Các trường có nhiều giải pháp lựa chọn phương thức để tuyển sinh, như: (i) Xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia; (ii) Sơ tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh; (iii) Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT; (iv) Phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh.

Năm 2017, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, trong phương án thi, tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn dự kiến cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng, nhưng Bộ sẽ xây dựng phần mềm phần mềm xét tuyển chung giúp hỗ trợ các trường hạn chế bớt số lượng thí sinh “ảo”. Bộ cũng yêu cầu các trường phải chủ động có giải pháp khắc phục tình trạng thí sinh “ảo” như: xác định chỉ tiêu phù hợp với với năng lực đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động; nâng cao chất lượng đào tạo; làm tốt hơn công tác truyền thông…

Như vậy, những điều chỉnh trong phương án thi, tuyển sinh năm 2017 đã có sự thay đổi về cách tổ chức thi, môn thi, thời gian thi, chấm bài thi… Đây là những giải pháp khắc phục tình trạng học lệch, học tủ, phát huy năng lực, sở trường của học sinh.

Việc đổi mới phương thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm không ảnh hưởng đến cách dạy, cách học cũng như sự chuẩn bị từ trước của thí sinh. Trên thực tế, từ năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thi trắc nghiệm 4 môn (Vật lí, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ). Mười năm qua, phương thức thi này đã thể hiện đươc tính ưu việt trong công tác tổ chức thi cũng như về sự khách quan, chính xác của kết quả thi. Trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các trường THPT thực hiện kiểm tra, đánh giá kết quả học học của học sinh bằng cả 2 hình thức: tự luận và trắc nghiệm. Vì vậy, thí sinh sẽ không gặp khó khăn gì khi đổi mới phương thức thi.

Tháng 10/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố 14 đề thi minh họa; tháng 01/2017 công bố đề thi thử nghiệm của các môn thi năm 2017 để giáo viên và học sinh tham khảo. Theo đó, dư luận xã hội đánh giá tích cực về nội dung cũng như về phương thức thi trắc nghiệm khách quan.

Đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, ngoài việc làm cho kỳ thi trở nên nhẹ nhàng, trung thực, khách quan hơn, còn tác động tích cực trong đổi mới cách dạy, cách học của các trường THPT từ đó nâng cao chất lượng đào tạo. Đối với các trường ĐH, CĐ, kết quả của kỳ thi nghiêm túc, có độ phân hóa tốt sẽ giúp cho các trường thuận lợi hơn trong tuyển sinh; tổ hợp xét tuyển đa dạng cũng giúp cho các trường tuyển được thí sinh phù hợp hơn đối với các ngành khác nhau./.

Tác giả: Đoàn Trần Hiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập126
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm115
  • Hôm nay16,742
  • Tháng hiện tại679,426
  • Tổng lượt truy cập136,131,795
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi