Hoạt động trải nghiệm sáng được tổ chức thông qua các hình thức chủ yếu: thực địa, tham quan, câu lạc bộ, hoạt động xã hội, diễn đàn, giao lưu, hội thảo, trò chơi, cắm trại, thực hành lao động,… Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong trường tiểu học có một vị trí hết sức quan trọng bởi lẽ hoạt động trải nghiệm sáng tạo là một bộ phận của chương trình giáo dục phổ thông. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong trường tiểu học làm cho nội dung giáo dục không bị bó hẹp trong sách vở, mà gắn liền với thực tiễn đời sống xã hội; là con đường gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo nên sự thống nhất giữa nhận thức với hành động, góp phần phát triển phẩm chất, tư tưởng, ý chí, tình cảm, giá trị, kỹ năng sống, niềm tin đúng đắn ở học sinh, hình thành những thói quen tự phục vụ, kỹ năng học tập, kỹ năng giao tiếp để tham gia các hoạt động xã hội.
Để hoạt động trải nghiệm sáng tạo có hiệu quả, thu hút được nhiều học sinh tham gia, trong những năm qua, trường Tiểu học số 1 Quài Nưa luôn quan tâm tổ chức đa dạng, phong phú các nội dung cũng như hình thức tổ chức.
Ngay từ đầu năm học, ngoài việc hướng dẫn học sinh xây dựng nội quy của lớp, của trường, giáo viên còn giới thiệu, hướng dẫn cho học sinh hiểu về mục đích, các hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Thông qua đó, học sinh cả lớp biết lựa chọn hình thức tổ chức phù hợp với nội dung; nắm được các bước cơ bản cần thực hiện, trách nhiệm của từng cá nhân khi tham gia hoạt động trải nghiệm sáng tạo, tạo cơ hội cho tất cả học sinh tham gia vào cả quá trình như hoạt động làm vườn, trồng rau. Qua đó, giúp các em biết làm đất, trồng, chăm sóc hoa màu và các loại cây cối theo sự phát triển và thời vụ, biết trân trọng những giá trị và những thành quả mà người lao động tạo nên. Có lòng yêu thích lao động, rèn luyện kỹ năng sử dụng những công cụ hàng ngày như: cuốc, xẻng, liềm, bình tưới nước,… hay hoạt động “Giao lưu chủ tịch hội đồng tự quản giỏi” do nhà trường phối hợp với Đội thiếu niên tổ chức đã thu hút được sự quan tâm của nhiều học sinh cũng như các bậc phụ huynh. Với hoạt động này giúp học sinh nâng cao và phát huy vai trò, năng lực tổ chức, quản lí, điều hành, khả năng ứng xử, giải quyết các tình huống của Chủ tịch Hội đồng tự quản trong hoạt động của lớp học theo mô hình trường tiểu học mới và trong cuộc sống hàng ngày. Rèn kĩ năng giao tiếp, thuyết trình, kĩ năng thuyết phục, tự tin, trải nghiệm sáng tạo. Giáo dục ý thức tự giác, tự chủ, tự quản, tình yêu Tiếng Việt, yêu trường lớp, thầy cô, bạn bè.
Có thể khẳng định rằng tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong nhà trường đã góp phần thực hiện dạy học theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, tạo cơ hội cho học sinh phát huy khả năng sáng tạo, biết vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế nâng cao kỹ năng ứng xử của học sinh trong thực tiễn, đồng thời biết chia sẻ và quan tâm tới mọi người xung quanh. Mỗi đơn vị cần căn cứ vào khả năng, điều kiện của học sinh, của trường, của cộng đồng địa phương để tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo sao cho học sinh được chủ động, phấn khởi, tích cực tham gia./.
Một số hoạt động trải nghiệm sáng tạo ở trường tiểu học số 1 Quài Nưa
Học sinh tham gia “Giao lưu chủ tịch hội đồng tự quản giỏi cấp trường”Học sinh tham gia trải nghiệm làm đất trồng gừng tại vườn trường