banner

Tiêu biểu những “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” ở huyện biên giới Nậm Pồ

Thứ năm - 19/03/2020 20:13
Dienbien.edu.vn - Mỗi gia đình, mỗi dòng họ được xem là một mô hình khuyến học, khuyến tài góp phần xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.
Với ý nghĩa đó, nhiều năm qua, Hội Khuyến học huyện Nậm Pồ luôn coi trọng và đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài gắn với việc nhân rộng và phát huy hiệu quả mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” trên địa bàn huyện.

Trưởng dòng họ Vàng (xã Pa Tần), ông Vàng Văn Ín trao phần thưởng cho các cháu trong họ có thành tích cao trong học tập.
Thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh phong trào học tập trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, thời gian qua, phong trào xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”  được nhiều gia đình, dòng họ trên địa bàn huyện Nậm Pồ ủng hộ, đăng ký thực hiện, tạo sự gắn kết giữa giáo dục gia đình với giáo dục nhà trường và xã hội. Ông Nguyễn Xuân Thuận, Phó Chủ tịch HKH huyện Nậm Pồ cho biết: Là huyện vùng cao, biên giới vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên, đời sống nhân dân trên địa bàn huyện Nậm Pồ còn gặp không ít khó khăn. Song với tinh thần nỗ lực và sự cố gắng của đồng bào các dân tộc, những năm gần đây, Nhân dân trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức về tầm quan trọng của học tập, xây dựng gia đình, dòng họ học tập. Ý thức học tập được nâng lên xuất phát từ nhận thức học để thoát nghèo, nâng cao dân trí, học tập để làm việc, hòa nhập cộng đồng của Nhân dân.
Để phong trào xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” phát huy hiệu quả, Hội khuyến học huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các tiêu chí tới từng gia đình, dòng họ; nhân rộng các điển hình tiên tiến; phát động kêu gọi huy động quỹ khuyến học để các ban khuyến học dòng họ khen thưởng, động viên kịp thời những học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, những em học sinh giỏi và đạt thành tích cao trong các kỳ thi nhằm thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong các nhà trường.
Khi nói đến gia đình học tập ở huyện Nậm Pồ không thể không nói đến gia đình ông Vàng Văn Nọi, bản Pa Tần, xã Pa Tần đã vượt qua bao khó khăn để nuôi 5 người con ăn học. Ông Nọi chia sẻ: “Vợ chồng tôi sinh được 4 người con và nhận nuôi thêm một cháu là con anh trai tôi bị ốm chết khi cháu mới tròn 2 tuổi. Cuộc sống rất khó khăn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng để nuôi các cháu ăn học. Không chỉ trông chờ vào việc làm ruộng nương, vợ chồng tôi còn chăn nuôi lợn gà, mùa nào thức nấy, đi lấy chít, hái măng, lá dong rừng về bán, làm thuê cho công trình, ai thuê gì vợ chồng tôi đều làm miễn là có tiền để trang trải nuôi con ăn học. Các cháu thấy bố mẹ vất vả nên cũng ngoan ngoãn, tự khuyên bảo nhau thi đua học tập. Bây giờ 4 cháu đã có việc làm ổn định, cháu út thì đang học lớp 9”. Được biết, hai người con của ông Nọi đã thi đỗ Đại học Tây Bắc và Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đặc biệt một cháu  vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi còn ngồi trên ghế giảng đường Đại học, hiện đang là chuyên viên Văn phòng HĐND-UBND huyện. Ông Nọi cũng được bà con tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ bản Pa Tần.
Hay như gia đình ông Tao Văn Viên, bản Cấu, xã Chà Nưa. Vợ bị bệnh hiểm nghèo, một mình ông cáng đáng mọi việc trong gia đình. Ngoài việc ruộng nương ông Viên còn phải tranh thủ đi làm thuê để kiếm tiền lo thuốc thang cho vợ và nuôi các con ăn học. Năm 2009, vợ ông mất để lại hai con còn nhỏ đang tuổi ăn tuổi học. Thấy hoàn cảnh gia đình ông Viên khó khăn, bà con trong bản và các gia đình trong dòng họ Tao đã giúp đỡ động viên, tạo mọi điều kiện để hai cháu cố gắng phấn đấu học tập. Không phụ lòng mọi người, gia đình ông Viên đã thoát nghèo, người con cả hiện là Bác sỹ của Trung tâm y tế huyện Mường Chà, người con út  đang theo học trường Cao đẳng Y Dược Thái Bình.
Kết quả từ các gia đình học tập đã lan tỏa đến các dòng họ. Không ít dòng họ ở huyện vùng cao biên giới Nậm Pồ tổ chức được các hoạt động khuyến học,  khuyến tài đem lại hiệu quả thiết thực, như: Dòng họ Tao, họ Khoàng, họ Thùng (Chà Nưa), họ Lèng (Chà Cang), họ Vàng và họ Chảo (Pa Tần), họ Vàng (Van Hồ - Si Pa Phìn),...
Chúng tôi đến Ba Chà – “Thủ phủ” của dòng họ Tao, vào những ngày đầu xuân năm mới, trong ngôi nhà sàn khang trang, cổ kính, lâu đời của dòng họ, Ông Tao Văn Vin – Người có uy tín xã Chà Nưa hồ hởi chia sẻ: Trước năm 2000, trong khu vực Ba Chà (Chà Nưa, Chà Cang, Chà Tở), hệ thống giáo dục chỉ mở đến cấp Trung học cơ sở nhưng nhiều gia đình trong dòng họ Tao đã gửi con em ra tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên) để học hết cấp Trung học phổ thông, sau đó cho đi học ở các trường Đại học, Cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hoặc đi học cử tuyển. Trước kia việc đi học của các cháu rất khó khăn, còn bây giờ việc học hành của con cháu thuận tiện lắm, trong họ thì nhà nào cũng phấn đấu mua tivi, máy tính, rồi lắp mạng internet để tạo điều kiện cho con cháu học hành.
Được biết, dòng họ Tao, xã Chà Nưa là một trong những dòng họ làm khuyến học sớm nhất của huyện Mường Chà (nay là huyện Nậm Pồ). Ông Tao Văn Bun – Trưởng dòng họ Tao cho biết thêm: Đầu năm 2001, con cháu trong họ thống nhất xây dựng quỹ khuyến học để động viên con cháu học hành đến nơi đến chốn, giúp ích cho gia đình, dòng họ và quê hương. Từ đó đến nay, quỹ khuyến học của dòng họ Tao luôn được duy trì và ngày càng phát triển.Với 100% số hộ đóng góp vào quỹ theo khả năng của mình, hiện nay quỹ khuyến học của dòng họ Tao duy trì mức 50 triệu đồng mỗi năm. Nguồn quỹ này dành để khen thưởng, động viên các cháu đạt thành tích trong học tập, đỗ đại học, cao đẳng,... Từ việc làm tốt công tác khuyến học nên con cháu trong dòng họ Tao luôn phấn đấu thi đua học tập, rèn luyện và đạt nhiều thành tích. Hiện nay, dòng họ có 47 người tốt nghiệp đại học, 03 người tốt nghiệp Thạc sĩ, 01 bác sĩ chuyên khoa cấp II; 09 người có trình độ lý luận chính trị cao cấp; 23 cháu đang theo học các trường Đại học, cao đẳng”.
Người con ưu tú của quê hương Chà Nưa - Đại tá Tao Văn Khứn (người đang đứng), Nguyên Uỷ viên BTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS Tỉnh Lai Châu, Nguyên Chủ tịch Hội CCB tỉnh Điện Biên ôn lại truyền thống trong ngày họp họ
(Ảnh: Trung Tâm VH-TT-TH huyện)
Theo chân ông Đặng Văn Lâm – Phó Chủ tịch Hội khuyến học xã Pa Tần, chúng tôi đến bản Pa Tần, nơi có dòng họ Vàng (dân tộc thái) sinh sống. Đây là dòng họ tiêu biểu về học tập, công tác, lao động sản xuất và kinh doanh. Ông Vàng Văn Ín – Nguyên Đồn trưởng Đồn biên phòng 413, nguyên Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện Mường Nhé, đảng viên tiêu biểu, người có uy tín, trưởng dòng họ Vàng cho biết: Hàng năm, dòng họ đều tổ chức họp để đánh giá, bình xét thi đua của một năm qua. Đối với những cháu có nhiều cố gắng trong học tập, công tác, lao động, sản xuất, dòng họ sẽ khen thưởng. Nguồn kinh phí được trích từ Quỹ khuyến học của dòng họ. Đến nay, 100% các cháu được đi học và không bỏ học giữa chừng, tỷ lệ các cháu đỗ đại học, cao đẳng cao nhất toàn xã. Với phương châm học để thay đổi cuộc sống, học để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội, dòng họ Vàng đã động viên khuyến khích con cháu học tập, hăng say lao động sản xuất, phát triển kinh tế, không vi phạm pháp luật. Nhờ vậy, dòng họ Vàng có 12 hộ, 67 nhân khẩu nhưng có 3 người trình độ thạc sỹ, 11 người có trình độ đại học và hơn 20 đảng viên; nhiều con cháu trong họ trưởng thành và có việc làm ổn định, đặc biệt là phục vụ trong lực lượng vũ trang.
Theo thống kê của Hội khuyến học huyện Nậm Pồ, cuối năm 2019, toàn huyện có 3.479/11.030 gia đình đăng ký xây dựng “Gia đình học tập”, đạt tỷ lệ trên 31,5%, trong đó, có 2.852 gia đình được công nhận; có 31/124 dòng họ đăng ký xây dựng “Dòng họ học tập”, trong đó 18 dòng họ được công nhận. Tuy nhiên, tỷ lệ dòng họ được công nhận “Dòng họ học tập” còn thấp, hiện mới đạt tỷ lệ 25% so với tổng số dòng họ trên địa bàn huyện. Hạn chế này do nhiều nguyên nhân như việc tuyên truyền xây dựng “Dòng họ học tập” chưa được quán triệt sâu rộng, công tác tổ chức phong trào học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập chưa đồng bộ, việc xây dựng mô hình Ban khuyến học của dòng họ chưa được quan tâm đúng mức,…
Thực tế cho thấy, có nhiều gia đình học tập thì sẽ có dòng họ học tập, bởi lẽ để phong trào khuyến học khuyến tài phát triển, góp phần xây dựng xã hội học tập thì yếu tố nền tảng và vững chắc bao giờ cũng xuất phát từ mỗi gia đình, mỗi dòng họ. Tin rằng, với việc phát huy tốt truyền thống hiếu học, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các xã và Hội Khuyến học huyện, các mô hình học tập và đặc biệt là sức mạnh của các “Dòng họ học tập” sẽ ngày càng lan tỏa và phát triển mạnh mẽ, góp phần không nhỏ để xây dựng một xã hội học tập bền vững, sâu rộng và không ngừng lớn mạnh trên địa bàn huyện vùng cao biên giới còn nhiều gian khó như Nậm Pồ./.

Tác giả: Vy Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập97
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm70
  • Hôm nay30,251
  • Tháng hiện tại780,157
  • Tổng lượt truy cập136,232,526
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi