Như một cách nhìn về quá khứ để nhận thức đầy đủ nhất, chính xác nhất thực trạng hôm nay, câu chuyện của thầy Mai Xuân Kiên - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Tin - mở đầu bằng việc trên vùng đất khó Nậm Pồ, năm học 2016 - 2017 tuy đã khép lại nhưng được dư luận xã hội đánh giá là năm học mà toàn ngành Giáo dục - Đào tạo huyện tiếp tục triển khai sáng tạo, có hiệu quả các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành; nâng cao năng lực quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả các hoạt động giáo dục - đào tạo... Các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã làm chuyển biến nhận thức trong tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh học sinh và các lực lượng khác trong xã hội; làm cho mỗi người có trách nhiệm và hành động đúng hơn công việc của mình, trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Kết quả là quan hệ giữa nhà trường với địa phương và nhà trường với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, giữa thầy với trò gần gũi, sẻ chia và tin cậy hơn, học sinh gắn bó, có trách nhiệm hơn đối với “ngôi nhà thứ hai” của mình.
Ngay từ những ngày đầu năm học 2017 - 2018, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Nậm Tin đã huy động được 95% - 96% học sinh đến trường.
Sau gần 5 năm thành lập và đi vào hoạt động, mặc dù cơ sở vật chất của nhà trường còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng nhờ sự quan tâm sát sao và chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo các cấp, các ngành, của Huyện ủy, Uỷ ban Nhân dân huyện và nhất là của Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện, nhà trường đã từng bước khắc phục khó khăn, hạn chế để đạt và vượt mức các chỉ tiêu đề ra, hoàn thành tốt nhiệm vụ của các năm học. Thành công đó đương nhiên phải kể đến sự điều hành của Ban Giám hiệu nhà trường, sự nhiệt tình, tâm huyết, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, tất cả vì học sinh thân yêu, phát huy đạo đức nhà giáo của các thầy cô giáo; đặc biệt là sự vươn lên trong học tập, tích cực tham gia các phong trào thi đua, rèn luyện đạo đức tác phong, vượt qua khó khăn của bản thân các em học sinh.
Nói về nguyên nhân thành công của năm học trước (2016 - 2017) và cũng là mục tiêu hành động của năm học sau (2017 - 2018), thầy Trần Công Hường - Hiệu phó Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Tin - cho rằng: Từ những điều kiện cụ thể và rất đặc trưng, năm học qua nhà trường đã tổ chức hiệu quả các cuộc vận động và các phong trào thi đua với việc rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh, tạo sự chuyển biến tích cực và rõ nét về chất lượng giáo dục. Mặt khác, thực hiện đổi mới phương pháp dạy học triệt để hơn, sâu rộng hơn đến từng cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh thông qua công tác bồi dưỡng, dự giờ thăm lớp của giáo viên; tham gia đầy đủ và giành nhiều thành tích trong hội thi giáo viên giỏi các cấp. Giữa thời “công nghệ số”, nhà trường chủ trương mọi người (cán bộ, giáo viên, nhân viên...) tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và trong việc quản lý hoạt động giảng dạy của giáo viên, quản lý kết quả học tập và rèn luyện của học sinh, sắp xếp thời khoá biểu, quản lý thư viện trường học... Với chuyên môn, tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động giáo dục theo chủ điểm, giáo dục truyền thống, giáo dục ngoài giờ lên lớp; xây dựng nếp sống văn hóa, củng cố kỷ cương nền nếp, thực hiện giáo dục kỷ luật tích cực hiệu quả; tổ chức tốt các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian và các hội thi năng khiếu văn nghệ, thể dục - thể thao... Nhờ những nghị lực phấn đấu bền bỉ, những cống hiến lặng thầm, sự tận tâm, tận lực của tập thể cán bộ, giáo viên và những cố gắng trong việc tiếp thu bài giảng của các em học sinh, đã được đền đáp bằng những thành tích thật đáng ghi nhận. Năm học qua, với khối Tiểu học, toàn trường có 99,41% học sinh hoàn thành và hoàn thành tốt, chỉ 3 em (0,59%) cần cố gắng; với khối Trung học cơ sở, toàn trường có 66,49% học sinh khá và giỏi, 31,02% học sinh trung bình, chỉ 9 em (2,49%) học lực yếu.
Bên cạnh các tiết học văn hóa, giờ giáo dục thể chất cũng được các em học sinh dân tộc thiểu số yêu thích.
Theo tin từ thầy Mai Xuân Kiên, tính đến ngày 20/8/2017, tức ít hôm trước thời điểm khai giảng năm học 2017 - 2018, Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Tin có 9 khối, 47 lớp với 871 học sinh. Trong đó, hệ Tiểu học có 5 khối, chia làm 35 lớp; gồm 519 học sinh, đông nhất là học sinh dân tộc Mông với 514 em (chiếm 99% sĩ số toàn cấp); hệ Trung học cơ sở) có 4 khối, chia làm 12 lớp; gồm 352 học sinh, đông nhất là học sinh dân tộc Mông với 350 em (chiếm 99% sĩ số toàn cấp). Hầu hết học sinh trong trường là con em các gia đình dân tộc thiểu số, thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn, không chỉ điều kiện kinh tế mà điều kiện văn hóa - xã hội còn nhiều hạn chế. Trước những điều kiện khách quan ấy, trong nỗ lực làm sao để học sinh ra lớp với sĩ số cao nhất và duy trì được liên tục, nhà trường không chỉ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh mà còn nghiêm chỉnh thực hiện các chính sách về chế độ ưu đãi cho học sinh vùng đặc thù. Năm học này, Trường có hơn 30 phòng học bán trú cho gần 600 học sinh; hàng ngày các em được nuôi ăn, được hỗ trợ mọi chi phí học tập theo chế độ Nhà nước hiện hành. Để công tác huy động và duy trì số học sinh đạt kết quả cao hơn nữa, nhà trường xác định cần phải tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, tham mưu đắc lực với các cấp lãnh đạo và tranh thủ sự ủng hộ của ngành, của chính quyền địa phương nơi trường đóng chân, nắm bắt kịp thời tình hình cơ sở để khắc phục các nguyên nhân tồn tại ở từng làng bản. Một mặt ưu tiên nguồn vốn của Nhà nước kiên cố hóa trường lớp để đảm bảo các điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học, song song với đó là đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, làm sao để mọi người, mọi nhà, mọi dòng họ, làng bản cùng có trách nhiệm.
Bên cạnh niềm vui năm học mới có thêm những phòng học bán trú “ba cứng” cho học sinh, Ban Giám hiệu Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Tin cũng còn nhiều trăn trở trong lòng, đó là việc trường không có nhà công vụ cho cán bộ, giáo viên. Trong khi không ít các cặp vợ chồng nhà giáo hoặc cán bộ, viên chức đưa nhau lên đây gắn bó với nhà trường, với địa bàn nhưng đều phải thuê chỗ ở. Năm học 2017 - 2018 này, nhà trường có gần 80 giáo viên của 2 cấp học, đa số các thầy cô phải thuê chỗ ở tư. Thực tế diện tích ước khoảng 2ha khuôn viên nhà trường chỉ đủ chỗ cho lớp học, nhà Ban giám hiệu, nhà bán trú học sinh và một sân trường. Mặt khác, tiếng là trường nằm ngay cạnh huyện lộ nhưng từ nhiều năm nay, theo quan sát của chúng tôi, đoạn đường chừng ba chục cây số từ ngã ba cầu Nậm Pồ (lối đi huyện Mường Nhé) vào trung tâm huyện xuống cấp trầm trọng, gây vô vàn khó khăn cho việc đi lại của nhân dân trong vùng nói chung và cán bộ, giáo viên nói riêng.
Cho dù trước mắt còn những khó khăn, thách thức trên nhiều phương diện công tác và đời sống, để có thể duy trì được những thành tích nêu trên, nhiều năm qua lãnh đạo Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Tin luôn quan tâm, kịp thời chỉ đạo, động viên các phong trào; nhà trường có một đội ngũ cán bộ, giáo viên năng động, sáng tạo, nhiệt huyết và tận tâm với nghề; nhiều học sinh tư chất thông minh và có khát vọng học tập. Đấy là những điều kiện cần và nói một cách hoa mỹ là yếu tố nội lực, giúp nhà trường luôn tự tin vươn lên để khẳng định mình trong việc thực hiện các hoạt động giáo dục - đào tạo. Bên cạnh sự cố gắng của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, của tập thể học sinh, nhà trường còn luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể của địa phương, của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ. Đó chính là sự khích lệ, động viên rất lớn giúp nhà trường khắc phục khó khăn trước mắt, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2017 - 2018 cũng như những năm học sau.
Thấm thoắt đã sang năm học thứ 5, những cái tên nhà giáo: Mai Xuân Kiên, Trần Công Hường, Phạm Đình Đại, Bùi Thị Hòa, Cà Văn Phong, Tòng Văn Thoan... cùng tập thể sư phạm và cán bộ, nhân viên trong trường đã và đang sát cánh cùng nhau cho con chữ sinh sôi trên vùng đất Nậm Tin. Vâng, suối Nậm Pồ có khi vơi khi đầy, nhưng tấm lòng yêu trường, mến trò của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Tin thì lúc nào cũng ăm ắp và rất mới mẻ, vẹn nguyên...