banner

GDMN - Giáo dục mầm non Điện Biên với phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” năm học 2016-2017

Thứ năm - 06/07/2017 20:30
Dienbien.edu.vn - Thực hiện nội dung thi đua với chủ đề “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cấp học Mầm non tỉnh Điện Biên đã triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2016-2017 một cách hiệu quả và sáng tạo phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương
Một số giải pháp cơ bản đã đem lại hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực giáo dục mầm non (GDMN) xin được chia sẻ như sau:
         
Thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của cấp trên và chủ động ban hành văn bản phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương


Sở đã phối hợp với các cơ quan, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu của năm học thực hiện một số giải pháp nhằm phát triển cơ sở GDMN ngoài công lập, phối hợp chỉ đạo đảm bảo chỉ tiêu huy động trẻ nhà trẻ ra lớp, Chương trình phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và tỉnh Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về tăng cường các giải pháp huy động trẻ nhà trẻ ra lớp và thực hiện xóa mù chữ giai đoạn 2017-2020…

Chú trọng việc hướng dẫn, kiểm tra, tư vấn, giúp đỡ cơ sở trong thực hiện những nhiệm vụ mới, khó như: Tổ chức Hội thảo Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non vùng dân tộc thiểu số theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm”; tư vấn, kiểm tra kỹ thuật trước khi thẩm định các trường mầm non đề nghị thẩm định công nhận đạt chuẩn quốc gia; dự các hoạt động sinh hoạt chuyên môn chuyên đề do các phòng giáo dục và đào tạo tổ chức… Cán bộ quản lý phòng GDMN của Sở có sáng kiến kinh nghiệm trong chỉ đạo Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được ngành đánh giá, xếp loại A.
         
Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non

Chú trọng việc đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng thường xuyên như: Bồi dưỡng qua mạng Internet, sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề theo trường, cụm điểm trường, cụm trường...; tổ chức Hội thảo chuyên môn; khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên học tiếng dân tộc thiểu số nơi công tác; phối hợp mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn trường mầm non...
Hoạt động bồi dưỡng thường xuyên cấp học Mầm non của phòng
Giáo dục và Đào tạo huyện Tuần Giáo

Năm học 2016-2017, 100% CBQL và giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên (trong đó trên chuẩn là 78,2%). Kết quả đánh giá, xếp loại bồi dưỡng thường xuyên cho CBQL, giáo viên năm học 2016-2017 có: 7,1% xếp loại giỏi; 48,1% xếp loại khá; 44,8% xếp loại trung bình.

Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá CBQL, giáo viên theo Chuẩn. Năm học này có 62,2% hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được xếp loại xuất sắc theo Chuẩn Hiệu trưởng trường mầm non và 43,8% giáo viên được xếp loại xuất sắc theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non.

Tăng cường hiệu quả của hoạt động kiểm tra nội bộ trường học nhằm đánh giá thực tiễn các mặt hoạt động của cơ sở giáo dục, trên cơ sở đó xác định các giải pháp phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu của các nhà trường.
         
Thực hiện hiệu quả công tác tăng cường cơ sở vật chất; xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường đạt chuẩn chất lượng giáo dục

Các cơ sở GDMN đã tích cực tham mưu với các cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, mở rộng quỹ đất xây dựng trường, lớp mầm non. Trong điều kiện nguồn lực đầu tư hạn chế, tỷ lệ phòng học kiên cố chưa nhiều, công tác xã hội hóa giáo dục đã xây dựng phòng học, nhà vệ sinh theo mô hình “ba cứng” với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Năm học 2016-2017, giáo dục mầm non bổ sung thêm 150 phòng học, tỷ lệ phòng học kiên cố là 49,8%, bán kiên cố là 17%, phòng tạm là 33,2%. 172/172 trường mầm non có nhà bếp với 641 bếp ở trung tâm và điểm trường lẻ (tăng 31 bếp so với cùng kỳ năm học trước), 960 công trình nước sạch (đầu tư mới 7 công trình), 1.407 công trình vệ sinh (đầu tư mới 41 công trình). Tổng kinh phí huy động từ cha mẹ trẻ đóng góp ước tính gần 6 tỷ đồng.

Các đơn vị rà soát, mua sắm bổ sung thiết bị, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu, đẩy mạnh phong trào tự làm đồ dùng dạy học, đồ chơi (trong lớp và ngoài trời) cho trẻ thông qua các Hội thi đồ dùng dạy học tự làm do nhà trường tổ chức với sự tham gia tích cực từ phụ huynh, giáo viên, sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển vùng. Các đồ dùng, đồ chơi có chất lượng và đạt giải các cấp được đăng tải trên website của Sở (dienbien.edu.vn) để chia sẻ kinh nghiệm. Sử dụng có hiệu quả và bảo quản tốt thiết bị, đồ dùng, đồ chơi hiện có. Số lớp đủ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu đạt 79,1% (trong đó lớp mẫu giáo 5 tuổi đạt 100%). 100% sân chơi có đồ chơi ngoài trời (1024 sân), trong đó 550 sân có từ 5 loại thiết bị đồ chơi trở lên (đạt 53,7%).

Xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, trường đạt chuẩn chất lượng giáo dục được chú trọng và đảm bảo kế hoạch giao. Một số đơn vị đã thành lập các Câu lạc bộ Trường chuẩn quốc gia như ở huyện: Điện Biên, Tuần Giáo… nhằm tư vấn, hỗ trợ nhau trong thực hiện mục tiêu nhiệm vụ này. Năm học 2016-2017, có 11 trường mầm non được công nhận đạt chuẩn lần đầu và 11 trường được công nhận duy trì và nâng mức độ đạt chuẩn Quốc gia. Tổng số trường chuẩn quốc gia hiện nay là 87 trường, đạt 50,6% (trong đó: mức độ 1: 67 trường, mức độ 2: 20 trường).
Trường Mầm non Hoa Ban huyện Mường Nhé
đón Bằng công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 2

Trong công tác tự đánh giá chất lượng giáo dục và kiểm định đánh giá ngoài trường mầm non, các đơn vị chú trọng việc đánh giá đúng thực trạng và xác định cụ thể các giải pháp nhằm phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu của các trường. Toàn tỉnh có 89/172 trường mầm non được đánh giá ngoài đạt từ cấp độ 1 trở lên (trong đó: cấp độ 2: 10 trường, cấp độ 3: 79 trường) đạt 51,7%.
         
D
uy trì, nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em năm tuổi; đẩy mạnh huy động trẻ đến trường, tăng tỷ lệ trẻ ăn bán trú và học 2 buổi/ngày, xây dựng trường mầm non an toàn và phòng chống tai nạn thương tích
         
Các phòng Giáo dục và Đào tạo rà soát, huy động các nguồn lực bổ sung, nâng cao chất lượng các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi ở từng trường/điểm trường; tham mưu bổ sung giáo viên theo hình thức tuyển dụng và hợp đồng; thực hiện điều tra dân số trong độ tuổi và giao chỉ tiêu tăng tỉ lệ huy động trẻ ra lớp và học 2 buổi/ngày, nâng cao chất lượng tổ chức bán trú cho trẻ bằng nhiều hình thức phù hợp với thực tế địa phương. Năm 2016, 130/130 đơn vị cấp xã và 10/10 đơn vị cấp huyện được kiểm tra, công nhận duy trì đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em năm tuổi tại thời điểm tháng 10 năm 2016.

Thực hiện nhiều giải pháp tăng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp như: UBND các huyện, thị xã, thành phố đôn đốc, cụ thể hóa Quyết định giao chỉ tiêu phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo của UBND tỉnh cho từng phòng Giáo dục và Đào tạo; tham mưu UBND tỉnh xem xét chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ nhà trẻ. Trong điều kiện tỉnh còn nhiều khó khăn như thiếu giáo viên, cơ sở vật chất chưa đáp ứng đủ nhu cầu, ngành đã chủ động sắp xếp tăng số trẻ/lớp một cách hợp lý để tiết kiệm biên chế, tiết kiệm cơ sở vật chất, quan tâm phát triển loại hình trường, lớp mầm non ngoài công lập.

Năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh có 172 trường mầm non với 2.253 nhóm, lớp (tăng 150 nhóm, lớp so với năm học trước). Trong đó, có 03 trường mầm non và 04 nhóm trẻ mầm non tư thục với 346 trẻ. Tổng số trẻ mầm non đến trường: 52.655 trẻ (tăng 4.120 trẻ so với năm học trước). Tỷ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 24,0% (tăng 6,1% so với năm học trước); trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 97,6% (tăng 1,6% so với năm học trước); tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày đạt 100%; trẻ 5 tuổi đến trường đạt 99,6%. Số trẻ bình quân/lớp: 23,4 trẻ (tăng so với năm học trước 0,23 trẻ/lớp).

Tăng cường việc tuyên truyền, vận động để tổ chức cho trẻ ăn trưa tại trường dưới nhiều hình thức như: tổ chức nấu ăn cho trẻ ở các trường/điểm trường; cho trẻ mang cơm đến lớp, cô nấu thêm thức ăn; cắt cử phụ huynh đến cùng cô giáo nấu ăn cho các cháu... nhằm tăng tỷ lệ trẻ đi học chuyên cần và giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng. Trong năm học có 95,8% trẻ được ăn bán trú tại trường, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm 0,3%, tỷ lệ trẻ thấp còi giảm 0,2%, tỷ lệ trẻ béo phì giảm 0,02% so với cùng kỳ năm học trước.

Tích cực phối hợp với các cơ quan y tế tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trẻ; thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh theo mùa cho trẻ; phối hợp liên ngành kiểm tra vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, cấp giấy chứng nhận “Đảm bảo vệ sinh, an toàn” cho các bếp ăn đủ điều kiện.

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của CBQL, giáo viên, cha mẹ trẻ trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, phòng chống tai nạn thương tích. 100% trẻ đến trường được đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần. Không để xảy ra dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm, tai nạn, thương tích, xâm hại tình dục, bắt cóc, bạo hành trẻ tại các cơ sở GDMN.

Đổi mới, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ và xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non

Tích cực thực hiện phát triển Chương trình GDMN phù hợp với vùng miền; hướng dẫn thực hiện chuẩn bị cho việc học đọc, học viết đối với trẻ 5-6 tuổi; thống nhất về cách dạy trẻ phát âm chữ cái tiếng Việt theo bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành; hướng dẫn xây dựng kế hoạch chăm sóc, giáo dục trẻ phù hợp với các lớp đơn, lớp ghép.

Phát huy tinh thần sáng tạo của CBQL, giáo viên trong quản lý, nhiều trường có cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn như: Đối với vùng khó khăn nhưng trẻ không có chế độ hỗ trợ ăn trưa, khuyến khích phụ huynh đóng góp thóc từ đầu vụ thu hoạch để trường chủ động gạo nấu cơm cho trẻ ăn bán trú tại trường, trong năm học phụ huynh chỉ phải đóng góp thêm thực phẩm hoặc chút ít kinh phí, cùng cô giáo trồng thêm rau để tổ chức cho trẻ ăn trưa tại trường. Cô giáo cùng phụ huynh vệ sinh cá nhân cho trẻ sạch sẽ trước khi vào lớp, hướng dẫn để phụ huynh có thói quen cùng cô chăm sóc trẻ. Một bộ phận phụ huynh ở điểm trường vùng khó khăn chưa có ý thức giữ gìn, vệ sinh quần áo cho trẻ, các trường đã xin hỗ trợ quần áo cấp phát cho trẻ đồng thời chủ động để 1-2 bộ tại trường, khi trẻ đến lớp được cô hướng dẫn thay quần áo sạch sẽ, đảm bảo đông ấm- hè mát, được thay giặt bảo quản tại trường nhằm đảm bảo sức khỏe cho trẻ và tăng giá trị sử dụng…

Xây dựng mô hình điểm của tỉnh và chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo xây dựng mô hình điểm trong việc thực hiện Chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" và thực hiện Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non; tham mưu vị trí "nhân viên hỗ trợ ngôn ngữ" cho các điểm trường vùng đặc biệt khó khăn. Phát huy sáng tạo trong xây dựng môi trường giáo dục, tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ; tổ chức cho giáo viên được trao đổi thảo luận, tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện chuyên đề. Tổng số trẻ dân tộc thiểu số đến trường được tăng cường tiếng Việt là 44.268 trẻ, đạt tỷ lệ 100%.
         
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động huy động sự tham gia của cha mẹ và cộng đồng thực hiện chăm sóc, giáo dục trẻ
         
Với đặc thù là một tỉnh miền núi có nhiều dân tộc ít người, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí chưa đồng đều, để công tác tuyên truyền nuôi dạy con cho các bậc cha mẹ và cộng đồng đạt hiệu quả, các đơn vị đa dạng các hình thức tuyên truyền như: phổ biến kiến thức nuôi dạy trẻ, tuyên truyền về GDMN thông qua các cuộc họp phụ huynh, họp thôn /bản, sinh hoạt chuyên đề ở Trung tâm học tập cộng đồng; viết bài về công tác vệ sinh, phòng bệnh, tiêm chủng, các phương pháp nuôi dạy con theo khoa học… phát trên đài truyền thanh của các xã, thị trấn, đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; tổ chức các hội thi: “Gia đình và giáo dục dinh dưỡng”; “Bé khỏe, bé ngoan”; “Tiếng hát trẻ thơ”; “Ngày hội thể thao của bé”; thực hiện chuyên đề truyền thông về giáo dục mầm non đăng trên website của Sở (dienbien.edu.vn); tuyên truyền thông qua họp các đoàn thể, chính quyền tại các thôn, bản, phố, đội. Vận động phụ huynh tích cực ủng hộ các nguyên vật liệu, ngày công để cùng giáo viên làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ…
Các cháu trường Mầm non Lay Nưa, Thị xã Mường Lay
trong "Ngày hội thể thao của bé"
         
Khuyến khích các địa phương làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, huy động sự tham gia hỗ trợ của nhiều tổ chức, cá nhân đóng góp ngày công, nguyên vật liệu, kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, phòng học và các công trình phụ trợ, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ, kinh phí hỗ trợ ăn trưa cho trẻ nhà trẻ vùng khó khăn… Tổng kinh phí huy động được từ nguồn xã hội hóa cho giáo dục mầm non lên tới treen 11 tỷ đồng, cùng với trên 195 nghìn ngày công.
         
Thực hiện phong trào thi đua với chủ đề “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” năm học 2016- 2017, giáo dục mầm non Điện Biên đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả quan trọng, rất mong nhận được sự quan tâm, chia sẻ của các đồng nghiệp và bạn đọc./.

Tác giả: Trần Thị Thúy

Nguồn tin: Trường THPT Thanh nưa, huyện Điện Biên

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập201
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm191
  • Hôm nay72,145
  • Tháng hiện tại490,515
  • Tổng lượt truy cập136,842,328
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi