banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

GDTrH – Nghề dạy học – Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.

Thứ hai - 12/11/2018 20:30
dienbien.edu.vn - Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm là ngày cả xã hội tôn vinh và tri ân những người hoạt động trong ngành giáo dục; là ngày mà các thế hệ học trò thể hiện sự biết ơn của đối với các thầy cô giáo.

Việt Nam là đất nước văn hiến. Hiếu học là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, truyền thống ấy đã trở thành đạo lí tốt đẹp trong cách ứng xử của mỗi con người đất Việt, đi vào những câu ca, thành bài học về đạo đức và làm người. Truyền thống ấy cũng là minh chứng hùng hồn để khẳng định giá trị to lớn của giáo dục, khẳng định vai trò quan trọng của người thầy. Không biết tự bao giờ nghề dạy học đã trở thành nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo.

Tôn sư trọng đạo một đạo lí, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Tôn sư là đề cao, tôn vinh, coi trọng người thầy. Vì sao vậy? Người thầy dạy chữ, dạy kiến thức cho ta, đem đến cho ta những hiểu biết để ta sống tốt hơn, có ích hơn. Người thầy lại dạy ta đạo lí, nhân cách để ta biết làm người trong xã hội. Vai trò người thầy là hết sức quan trọng, không thể thiếu đối với bất cứ một quốc gia, dân tộc nào. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Thế thì sao lại không tôn vinh, đề cao người thầy? Như vậy, tôn sư là tôn vinh những con người đã góp phần đem lại lợi ích cho cả một dân tộc. Sự tôn vinh này xuất phát từ chức năng cao quý và trách nhiệm lớn lao của người thầy.



Trọng đạo là gì? Nếu tôn sư là tôn vinh người thầy thì trọng đạo là coi trọng nghề dạy học. Đạo ở đây là đạo làm thầy, là nghề dạy học. Nghề dạy học là nghề đáng được coi trọng vì sản phẩm nó đào tạo ra chính là con người, trong các nghề thì nghề dạy học là nghề cao quý nhất. Nhân dân ta “trọng đạo” chính là trọng cái nghề “trồng người” cao quý ấy, cũng như họ đã tôn vinh người thầy là những “kĩ sư tâm hồn”.

Tôn sư trọng đạo hàm chứa một ý nghĩa sâu sắc. Đó là sự suy nghĩ nhìn nhận đúng đắn và tiến bộ của nhân dân ta về một nghề đáng được coi trọng và những con người đáng được tôn vinh. Nó chứng tỏ dân tộc ta là một dân tộc văn hiến và hiếu học. Nhưng ý nghĩa sâu xa của tôn sư trọng đạo chính là đề cao, tôn vinh vị thế của người thầy, của giáo dục đối với sự nghiệp trồng người, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài làm giàu cho đất nước. Từ lâu, ông cha ta đã truyền tụng câu nói: "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" hay: "Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy", “Không thầy đố mày làm nên…”. Ngày nay, Đảng và Nhà nước đã đưa “giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu” - những điều đó thể hiện lòng trân trọng, kính yêu của nhân dân ta dành cho nhà giáo - những kỹ sư tâm hồn của mọi thời đại.

Từ lâu, ngày 20/11 đã trở thành ngày lễ “tôn sư trọng đạo”. Đó là ngày để những học trò nhớ ơn về công dạy dỗ, dưỡng dục đến những người thầy, người cô của mình. Ngày 26/9/1982 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT, quy định hằng năm lấy ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Quyết định số 167/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với giáo giới nước ta và đánh giá cao vị trí, vai trò của đội ngũ giáo viên, những người làm công tác giáo dục trong sự nghiệp đào tạo lớp người lao động mới vừa có đức, vừa có tài xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Ngày 20/11 là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy, để mọi ngành, mọi nghề và toàn xã hội chia sẻ niềm vui, tri ân với những người đã góp bao công sức và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Lịch sử giáo dục Việt Nam tôn vinh những nhà giáo mẫu mực, tên tuổi của những nhà giáo đã được ghi danh vào sử sách, trở thành biểu tượng cho đức độ, nhân phẩm, tài năng. Xin được tri ân nhân cách cao đẹp và con đường cách mạng kiên trung của thầy giáo Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc; những người thầy, nhà giáo tiêu biểu như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp, Lê Quý Đôn, Nguyễn Đình Chiểu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai… bằng khí tiết, đạo đức sáng ngời, đã chinh phục lòng kính trọng của bao thế hệ học trò, làm nên truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam.

Đẹp biết bao những con người đã và đang làm công việc thầm lặng mà cao quý, gieo tri thức, ươm mầm cho thế hệ tương lai. Từ thành thị tới nông thôn, từ vùng cao tới hải đảo, hàng triệu nhà giáo đang miệt mài với sự nghiệp trồng người. Trân trọng, cảm phục biết bao những tấm lòng nhiệt huyết và yêu thương mà thầy cô dành cho học trò. Có biết bao nhiêu thầy cô đã tình nguyện đánh đổi tuổi trẻ của mình vì giáo dục vùng cao, thật khó có thể diễn đạt hết được những nỗi gian nan, nhọc nhằn mà thầy cô đã bỏ ra để đem tri thức đến với học trò vùng cao: đoạn đường chỉ có hơn 5km thôi nhưng mất 2 tiếng đi bộ vì phải trèo đèo, lội suối, bằng qua những cung đường nguy hiểm, trơn trượt để đến với điểm trường. Mấy ai đong đếm được tình yêu bao la mà những thầy cô dành cho học trò, tình yêu đã biến thành sức mạnh, niềm vui đã khỏa lấp nỗi gian nan. Hình ảnh những thầy cô giáo vùng cao cõng bàn ghế trên lưng vượt quãng đường 15km dốc núi trơn trượt, băng rừng, vượt suối để đưa bàn ghế từ điểm bản xa về điểm trường trung tâm của xã cho học sinh để lại trong chúng ta niềm xúc động, cảm phục; vất vả, gian nan là thế nhưng thầy cô vẫn tươi cười, nụ cười ấy rạng rỡ hơn khi bắt gặp ánh mắt vui tươi, tiếng hò reo vui đùa của học trò vùng cao…

 

 “Cô giáo ơi không biết tự bao giờ
   Bản quen cô như người nhà thân thuộc
   Trang sách em nhuốm mồ hôi nước mắt
   Nhuốm cả bùn lầy, nhuốm cả tuổi xuân em”.
                                                                                (Thơ Phong Ba)


 Còn rất nhiều, rất nhiều những tấm gương các thế hệ giáo viên đã cống hiến và gắn bó cả quãng đời thanh xuân của mình ở vùng biên giới, hải đảo xa xôi và đã trở thành “hoa của núi rừng!”. Sự hy sinh thầm lặng của họ thật cao cả và đáng trân trọng biết bao! Tình yêu nghề khởi nguồn từ tình yêu thương học trò. Thật giản dị và thiêng liêng biết bao.

Thầy cô giáo trường PTDTBT TH Chà Nưa (Điện Biên) khắc phục hậu quả mưa lũ.
 

Nghề dạy học là nghề cao quý nhất. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói: Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng toả hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời. Quả thật vậy, nghề dạy học là một nghề vô cùng cao quý, đào tạo nên nguồn nhân lực quyết định tới sự phát triển của đất nước. Không gì có thể sánh bằng công lao vất vả của những người thầy giáo, cô giáo trong sự nghiệp trồng người. Bao nhiêu lứa học sinh đi qua, mái tóc thầy càng trở nên bạc trắng theo năm tháng, nhưng sự tâm huyết muốn đem đến tri thức và những bài học quý giá cho các học trò của mình thì mãi sẽ không thay đổi trong mỗi người thầy.

Tháng năm dầu dãi nắng mưa
Con đò trí thức thầy đưa bao người.
Qua sông gửi lại nụ cười
Tình yêu xin tặng người thầy kính thương.


Con đò mộc - mái đầu sương
Mãi theo ta khắp muôn phương vạn ngày,
Khúc sông ấy vẫn còn đây
Thầy đưa tiếp những đò đầy qua sông...

                                                              (Thơ Thảo Nguyên)

 Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, thầy cô như những người lái đò cần mẫn chở những người học trò sang sông, gieo mầm tri thức, nâng cánh ước mơ giúp học trò đến được những bến bờ mới lạ, để sau này, mỗi học sinh sẽ trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Mỗi dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam ngày 20 tháng 11, trước sự quan tâm của toàn xã hội, niềm vui, hạnh phúc lại trào dâng, rạng ngời trên mỗi gương mặt thầy cô – điểm tựa tinh thần vững chắc, tiếp thêm sức mạnh, lòng yêu nghề và khát khao cống hiến của các thầy cô đối với sự nghiệp giáo dục. Đó là niềm vinh dự, tự hào về vị trí, vai trò của mình đối với sự nghiệp “trồng người”! Nhưng trách nhiệm cũng không kém phần lớn lao, nặng nề, trăn trở của mỗi người thầy: làm sao để hình ảnh người thầy mãi mãi là khuôn mẫu, chuẩn mực của xã hội, lời nói và hành động của thầy trở thành “khuôn vàng thước ngọc”, là tấm gương sáng để mọi thế hệ học trò học tập và noi theo, đồng thời để xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội. Muốn vậy, mỗi người thầy hôm nay phải không ngừng trau dồi, hoàn thiện bản thân cả đạo đức lẫn tay nghề để đáp ứng được những đòi hỏi và kỳ vọng của xã hội, làm tốt công tác “dạy chữ, dạy người”.

Có một nghề bụi phấn bám đầy tay 
Ta vẫn gọi là nghề cao quý nhất 
Có một nghề không trồng cây vào đất 
Mà cho đời những đóa hoa thơm 

Có một nghề lặng thầm những đêm thâu 
Bên đèn khuya miệt mài trang giáo án 
Giọt mồ hôi rơi nhòe trang giấy 
Đó là nghề, nghề giáo tôi yêu 

….
Như dòng sông êm đềm trôi theo tháng năm 
Như cánh buồm chở đầy khát vọng 
Đưa đàn em thơ đến chân trời mơ ước 
Ôi tự hào nghề giáo tôi yêu

           (Nghề giáo tôi yêu, phỏng thơ Đinh Văn Nhã, nhạc Bùi Tú Anh)

Nhân ngày truyền thống Nhà giáo 20-11, mong rằng những người thầy của hôm nay và mai sau hãy tự hào với truyền thống vẻ vang của nghề và cùng chung sức để làm cho truyền thống đó ngày càng được tiếp thêm sức mạnh, giữ mãi “ánh hào quang”, góp phần xây dựng đất nước nói chung, tỉnh nhà nói riêng giàu mạnh, văn minh, phồn vinh và phát triển.

Tác giả: Trần Văn Cường – phòng GDTrH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập219
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm196
  • Hôm nay58,866
  • Tháng hiện tại1,220,887
  • Tổng lượt truy cập70,510,777
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi