banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

GDTX&CN – Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên - 55 năm một chặng đường phát triển

Thứ năm - 15/11/2018 02:46
Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, tiền thân là Trường Sư phạm Dân tộc cấp I Lai Châu, thành lập năm 1963 theo Quyết định số 246/QĐ-TC ngày 22/07/1963 của Ủy ban hành chính tỉnh Lai Châu. Từ ngày thành lập đến nay, Trường đã qua 7 lần thay đổi địa điểm, 3 lần đổi tên và nâng cấp. Đó là một chặng đường phát triển rất đáng tự hào vì sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh nhà và đất nước. Đây cũng là quá trình 55 năm lao động gian khổ, sáng tạo của các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh sinh viên đã chung tay, góp sức, vượt qua bao khó khăn, thử thách, phấn đấu không ngừng để trường ngày càng phát triển.
Năm 1963, Trường được thành lập đặt địa điểm tại xã Mường Tùng, huyện Mường Lay. Sau 2 năm dựng trường, bom Mỹ đã tàn phá toàn bộ cơ sở vật chất của nhà trường mới tạo dựng, trường sơ tán đến địa điểm mới là xã Pa Ham, huyện Mường Lay, lại bắt tay vào xây dựng trường mới. Trong khói lửa chiến tranh, hy sinh mất mát lớn nhưng thầy và trò nhà trường luôn đoàn kết, thương yêu, gắn bó như một gia đình, quyết tâm vượt khó vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ dạy và học. Năm 1968, Trường sơ tán về xã Mường So, huyện Phong Thổ. Một lần nữa cán bộ giáo viên, học sinh nhà trường lại cùng nhau vượt qua muôn vàn gian nan, vất vả để dựng lại lớp, dựng lại trường, duy trì hoạt động dạy và học; phát triển nhà trường, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Năm 1971, theo chủ trương của tỉnh, trường chuyển về huyện Điện Biên để ổn định phát triển. Tuy nhiên, năm 1979, chiến tranh Biên giới xảy ra, trường lại lần nữa phải sơ tán về xã Quài Tở, sau đó chuyển về xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo. Thầy và trò tiếp tục bắt tay vào xây dựng trường lớp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu và sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, dù còn khó khăn, thiếu thốn, nhưng với ý chí vượt khó vươn lên, với tinh thần đoàn kết, thầy và trò nhà trường đã xây dựng được cơ ngơi mới. Trải qua bao khó khăn, vất vả, cũng chính trong gian khổ ấy, tinh thần đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau lại thể hiện sinh động hơn bao giờ hết. Đó chính là truyền thống được hun đúc qua các thời kỳ phát triển nhà trường. điều đó giúp tập thể thầy và trò đứng vững, tiếp tục đi lên, hoàn thành nhiệm vụ trong hoàn cảnh hết sức khắc nghiệt.
Tất cả những nỗ lực trên là một minh chứng khẳng định, dù trong hoàn cảnh nào, tập thể cán bộ, giáo viên Nhà trường vẫn đoàn kết một lòng, quyết tâm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy thật tốt, học thật tốt”. Trong hơn 50 năm qua, đã có hàng ngàn học sinh của trường sau khi tốt nghiệp đi đến các bản làng xa xôi của tỉnh Lai Châu cũ (nay gồm tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu) xây dựng trường lớp, mang văn hóa đến với người dân. Đây là yếu tố quan trọng để hoàn thành công tác phổ cập giáo dục của tỉnh nhà.
anh2


Tháng 9 năm 1996, trường được chuyển về Thị xã Điện Biên Phủ, (nay là Thành phố Điện Biên Phủ) cơ sở vật chất nhà trường từng bước được đầu tư, xây dựng. Sau 33 năm thành lập với nhiều lần di chuyển, giáo viên thiếu, phòng học tạm bợ, phương tiện dạy học nghèo nàn, lạc hậu, lúc này nhà trường mới thực sự có cơ ngơi ổn định để phát triển. Thực hiện chủ trương của ngành, chuẩn bị nâng cấp lên trường Cao đẳng Sư phạm, trường đã bố trí cho 17 giáo viên đi học cao học; liên kết với trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên tuyển sinh và đào tạo trình độ Cao đẳng, làm tiền đề cho các bước triển khai Đề án nâng cấp trường thành trường Cao đẳng Sư phạm.
Tháng 12 năm 2000, Trường Trung học Sư phạm Lai Châu chính thức được nâng cấp thành trường Cao đẳng Sư phạm Lai Châu theo Quyết định số 5520/QĐ-BGD&ĐT ngày 13/12/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh. Đó là dấu mốc quan trọng khẳng định năng lực đào tạo của Nhà trường. Năm 2004, tỉnh Lai Châu chia tách thành tỉnh Lai Châu và tỉnh Điện Biên, Trường Cao đẳng Sư phạm Lai Châu đổi tên thành trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên. Đây cũng là năm đánh dấu 40 năm xây dựng và phát triển của Nhà trường.
Từ năm 2006, bên cạnh việc đào tạo chính quy, nhà trường thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ quản lý các trường mầm non, tiểu học và THCS, nhân viên trường học, tổ trưởng chuyên môn, bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp. Đến nay tổ chức bồi dưỡng cho 8.837 lượt giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Giai đoạn 2000 - 2013 trường nhận được sự hỗ trợ từ 2 Dự án Giáo dục: Dự án Việt - Bỉ và Dự án Trung học cơ sở. Hai Dự án đã giúp nhà trường bổ sung cơ sở vật chất; trang thiết bị dạy học và đào tạo; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên… Nhờ đó mà trường có đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành giáo dục tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung.
Công tác nghiên cứu khoa học đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của trường. Nội dung nghiên cứu tập trung vào cải tiến, đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp quản lý nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu suất công tác, tập trung vào biên soạn tài liệu giảng dạy. Từ 2005 đến nay, trường có 4 đề tài cấp tỉnh, 148 đề tài cấp trường, trên 40 giáo trình, tài liệu giảng dạy, tài liệu tham khảo được biên soạn; hơn 300 bài báo được đăng trên các Tạp chí Khoa học chuyên ngành và Kỷ yếu Hội thảo Khoa học trong nước và quốc tế. .
  Hoạt động liên kết đào tạo với các trường đại học được đẩy mạnh. Đến nay, trường đã liên kết với nhiều trường đại học, học viện đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh và các tỉnh lân cận. Từ 2005 đến nay phối hợp tổ chức đào tạo trình độ đại học và sau đại học 2.900 học viên.
Thực hiện Đề án Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh Bắc Lào, từ năm 2004 đến nay, nhà trường đã tổ chức đào tạo gần 300 lưu học sinh Lào, nhiều em tốt nghiệp, ra trường hiện đã là cán bộ quản lý, cán bộ cốt cán của các trường, của ngành Giáo dục các tỉnh Bắc Lào.
Chất lượng đào tạo, chuẩn hoá chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy luôn là những nội dung được nhà trường đặc biệt chú trọng. Trong 55 năm qua nhà trường đã đào tạo được 22.820 giáo viên các cấp học mầm non, tiểu học và THCS và 1.210 cán bộ các ngành nghề khác (Thư viện, Thiết bị trường học, Hành chính - Văn thư, Tin học, Quản lý văn hóa, Quản trị văn phòng, Công tác xã hội, Việt Nam học ….). Học sinh, sinh viên ra trường cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nhiều cựu học sinh, sinh viên của trường trở thành cán bộ chủ chốt của các cơ quan, đơn vị,  giáo viên giỏi của ngành.
Ngày đầu thành lập, trường có 11 cán bộ, giáo viên (người trình độ cao nhất là Trung học Sư phạm cấp II) và gần 60 giáo sinh hệ 4+3. Năm học 1968-1969, trường đã có gần 50 cán bộ, giáo viên; trong đó khoảng 25% có trình độ Đại học. Đến năm học 2018-2019, nhà trường có 161 cán bộ, giảng viên, người lao động với 6 tiến sĩ, 97 thạc sĩ, 55 giảng viên chính. Độ tuổi trung bình hiện nay của giảng viên trong trường là 38; trong đó độ tuổi dưới 35 chiếm gần 30%. Hầu hết giảng viên nhà trường đều còn trẻ và có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, yêu trường, trọng nghề; tích cực học tập nâng cao trình độ về mọi mặt.
Công tác đào tạo của trường ngày càng được mở rộng và nâng cao. Năm học 1968 – 1969, ngoài hệ 4+3, hệ dự bị 0 + 4, nhà trường đào tạo thêm hệ 7+1. Năm 1976, nhà trường bắt đầu tuyển sinh hệ sư phạm 10+2. Những năm 90 của thế kỉ XX, công tác xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học được đẩy mạnh, để đáp ứng nhu cầu cấp bách giáo viên công tác tại bản lúc bấy giờ, ngoài các hệ 12+2, trung học sư phạm hoàn chỉnh, nhà trường đã mở thêm các hệ dưới chuẩn  5+3 và dự bị 5+3 để đào tạo giáo viên là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu. Đến năm học 2018-2019, trường đã và đang đào tạo 16 ngành trình độ Cao đẳng; 5 ngành đào tạo trình độ Trung cấp Sư phạm và ngoài sư phạm. Bên cạnh đó, trường còn liên kết với các trường Đại học, Học viện để đào tạo học viên có trình độ đại học và cao học. Ngoài công tác đào tạo, Nhà trường còn thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, nhân viên nghiệp vụ, tổ trưởng chuyên môn, cán bộ quản lý trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở cho ngành Giáo dục.
 Nhìn lại chặng đường phát triển trong 55 năm qua của nhà trường, ôn lại những khó khăn, thách thức cùng những thành tựu mà nhà trường đã đạt được, chúng ta càng trân trọng quá khứ, nâng niu giữ gìn những thành quả, tri ân công lao của các thế hệ đi trước, sự phấn đấu của thế hệ hiện tại và vững tin vào sự phát triển trong tương lai. Chúng ta tự hào vì có nhiều tấm gương của các thầy, cô, các anh chị, học sinh, sinh viên của trường đã trưởng thành ở nhiều lĩnh vực, vị trí công tác. Đặc biệt là sự đóng góp công sức, trí tuệ của Ban giám hiệu, các các thế hệ lãnh đạo Phòng, Khoa, Trung tâm qua các thời kỳ đã dốc tâm huyết vượt qua mọi khó khăn, thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
 Với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, năm 1992 nhà trường đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2003 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; năm 2008 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và năm 2013 được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba. Nhà trường hiện có 01 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; 6 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều bằng khen, giấy khen trên các mặt công tác. Đây là những phần thưởng cao quý, những thành tích đáng tự hào của nhà trường. Điều đó đã minh chứng cho những công lao, cống hiến của các thế hệ nhà giáo của Trường.
Đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội, công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được quan tâm, hệ thống giáo dục đào tạo trong và ngoài tỉnh phát triển ngày càng đa dạng, trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên đối diện với nhiều thách thức. Với mục tiêu trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo mới, đào tạo lại giáo viên các cấp học trong tỉnh và các tỉnh lân cận, Nhà trường đã và đang tập trung các giải pháp đồng bộ. Trọng tâm là xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý; điều chỉnh, xây dựng chương trình đào tạo, tăng cường thực tập tại các trường phổ thông để sinh viên được rèn luyện và vận dụng kiến thức đã học một cách hiệu quả nhất; biên soạn giáo trình, tài liệu đáp ứng các yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; bồi dưỡng giáo viên các cấp mầm non, tiểu học và THCS theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Sở Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là bồi dưỡng giáo viên đáp ứng đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới. Đồng thời, Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, mở rộng quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Phát huy truyền thống 55 năm xây dựng và trưởng thành, với quyết tâm của tập thể nhà trường trong việc củng cố, tăng cường cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, chúng ta hy vọng rằng, trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên sẽ vững bước trên chặng đường phía trước./.

Tác giả: Nguyễn Thị Tuyết Mai - Hiệu trưởng trường CĐSP Điện Biên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,148
  • Máy chủ tìm kiếm52
  • Khách viếng thăm2,096
  • Hôm nay579,369
  • Tháng hiện tại2,565,628
  • Tổng lượt truy cập73,275,008
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi